logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 31/05/2019 lúc 10:43:05(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Tôi làm trong phòng cấp cứu được gần ba tuần. Dạo đó vào khoảng cuối mùa hạ 1973. Ca đêm chẳng có gì làm ngoài việc sắp xếp hồ sơ bảo hiểm ca ngày để lại. Tôi toàn đi rảo, qua khu săn sóc tim mạch, xuống quán cà phê, vân vân, và tán gẫu với Georgie, một tên bạn khá thân của tôi. Hắn ta là đứa chuyên môn lấy trộm thuốc trong mấy hộc tủ.
Hắn đang chùi sàn nhà phòng mổ bằng cây chổi lau.
“Ông vẫn lau đấy à?” tôi hỏi.
“Lạy Chúa, chỗ này nhiều máu quá,” hắn than phiền.
“Chỗ nào?” Nền nhà đối với tôi là sạch lắm rồi.
“Bọn nó làm cái quỷ quái gì ở đây vậy?” hắn hỏi tôi.
“Người ta giải phẫu bệnh nhân, Georgie à,” tôi bảo hắn.
“Có bao nhiêu là trứng trong người mình, cha nội à,” hắn tiếp, “và tất cả đều muốn thoát ra ngoài.” Hắn dựng cây chổi vào cạnh tủ.
“Ông khóc cái gì vậy?” Tôi hỏi và hoàn toàn không hiểu.
Hắn đứng yên, chậm rãi đưa hai tay ra sau gáy, buộc đuôi tóc. Rồi hắn nắm lấy cán chổi và bắt đầu quơ những vòng cung lộn xộn, run rẩy, khóc lóc và chạy vòng quanh thật nhanh trong phòng. “Tôi khóc cái gì à?” hắn nói. “Lạy Chúa tôi. Ô, trời ạ, thế có chết không!”
Tôi đang xớ rớ trong phòng cấp cứu với bà Y TÁ vừa béo vừa lúc nào cũng run rẩy. Một trong những tay bác sĩ thuộc Dịch Vụ Gia Đình – mà không ai ưa – đến tìm Georgie để sai bảo gì đó.
“Georgie đâu?” hắn hỏi.
“Georgie ở trong phòng mổ.” Y Tá trả lời.
“Lại nữa?”
“Không,” Y Tá nói. “Vẫn đang.”
“Đang? Đang làm gì?”
“Lau sàn nhà.”
“Lau nữa à?”
“Không nữa,” Y Tá lại trả lời. “Vẫn đang.”
Trở về phòng mổ, Georgie buông cây chổi lau nhà và cúi gập người trong tư thế đứa trẻ làm dơ chiếc tã đang mặc. Hắn trừng trừng nhìn xuống dưới, miệng há hốc trong kinh hoàng.
Hắn nói, “Tôi phải làm cái mẹ gì với mấy chiếc giầy khốn nạn này đây, cha nội?”
“Cái đồ gì mà ông lấy trộm đó,” tôi nói, “Chắc ông ăn hết sạch rồi, phải không?”
“Nghe nó kêu chót chét,” hắn nói, rón rén những bước thận trọng bằng gót chân.
“Để tôi xét túi áo ông xem, cha nội.”
Hắn đứng yên một lát và tôi tìm ra nơi hắn giấu thuốc. Tôi để lại cho hắn mỗi thứ hai viên, bất kể loại gì. “Ca trực đã qua hơn một nửa rồi,” tôi bảo hắn.
“Tốt. Bởi tôi thực sự, thực sự cần uống một ly.” Hắn nói. “Ông có thể giúp tôi chùi sạch chỗ máu này không?”
Khoảng 3 giờ 30 sáng, Georgie dẫn vào một bệnh nhân bị dao đâm vào mắt.
“Tôi hy vọng không phải anh đâm ông ta,” Y Tá nói.
“Tôi à?” Georgie nói. “Không đâu, ông ta đã bị từ trước rồi.”
“Vợ tôi làm đó,” người đàn ông nói. Lưỡi dao đâm vào góc ngoài của mắt trái. Loại dao thợ săn.
“Ai đưa anh lại đây?” Y Tá hỏi.
“Không ai đưa hết. Tôi tự đi đến. Chỉ cách đây ba góc đường.” Người đàn ông nói.
Bà Y Tá liếc anh ta. “Tụi tôi phải cho anh nằm xuống mới được.”
“Được, tôi sẵn sàng rồi đây,” người đàn ông nói.
Bà nhìn khuôn mặt bệnh nhân kỹ hơn.
“Phải con mắt kia là mắt giả không?” Bà hỏi.
“Mắt nhựa, đại khái là mắt nhân tạo,” hắn trả lời.
“Còn mắt này có nhìn được không?” bà ta hỏi, ám chỉ con mắt bị thương.
“Nhìn thấy nhưng tôi không nắm bàn tay trái lại được vì con dao này làm hư chỗ nào đó trong óc tôi rồi.”
“Chúa ơi,” Y Tá nói.
“Chắc tôi đi tìm bác sĩ,” tôi nói.
“Đúng rồi,” Y Tá tán đồng.
Họ đặt bệnh nhân nằm xuống, và Georgie hỏi người bệnh, “Tên gì?”
“Terrence Weber.”
“Mặt ông tối thui, tôi không nhìn được cái điều ông nói.”
“Georgie,” tôi nói.
“Cha nội nói gì? Tôi không nhìn thấy.”
Y Tá bước lại, và Georgie bảo bà ta, “Mặt ông ta tối quá.”
Bà y tá dựa lên người bệnh. “Bị cái này lâu chưa, Terry?” bà ta hét vào mặt người bệnh.
“Mới đây thôi. Vợ tôi làm. Tôi đang ngủ,” người bệnh trả lời.
“Ông muốn báo cảnh sát không?”
Bệnh nhân suy nghĩ rồi nói, “Khỏi cần, chừng nào chết hẵng hay.”
Y Tá đi về phía nút bấm loa trên tường và gọi bác sĩ trực trong bộ phận Dịch Vụ Gia Đình. “Có một ngạc nhiên dành cho ông đây,” bà ta nói vọng vào ống loa. Bác sĩ trực thong thả đi xuống hành lang, ông biết bà y tá ghét Dịch Vụ Gia Đình và cái giọng hớn hở của bà ta chỉ có nghĩa là có biến cố nào đó nằm ngoài khả năng của ông và có nhiều triển vọng làm ông mất mặt.
Ông ta liếc vào phòng cấp cứu ngoại thương để nhận định tình hình: thư ký – tức là tôi đây – đứng cạnh y công, Georgie, cả hai đều nghiện thuốc, cùng nhìn xuống con bệnh đang có một mũi dao ghim vào mặt.
“Có chuyện gì thế?” ông ta hỏi.
Ông bác sĩ gọi cả ba chúng tôi vào văn phòng, đứng vây quanh ông ta và nói, “Tình hình là như thế này. Chúng ta có một tổ ở đây, trọn vẹn một tổ công tác. Tôi cần một tay giỏi về mắt, siêu hạng về mắt, tay chuyên khoa mắt giỏi nhất. Tôi cần một bác sĩ giải phẫu óc. Và tôi cần một tay gây mê siêu hạng, tìm cho tôi một thiên tài. Tôi sẽ không đụng gì tới cái đầu bệnh nhân này đâu. Tôi sẽ chỉ theo dõi biến chuyển thôi. Tôi biết sức mình. Mình sẽ chuẩn bị hắn ta và theo dõi kỹ lưỡng. Y công đâu rồi!”
“Bác sĩ gọi tôi hả?” Georgie nói. “Tôi có nên sửa soạn bệnh nhân không?”
“Đây là bệnh viện hay là cái gì?” Ông bác sĩ hỏi. “Đây phải phòng cấp cứu không? Kia có phải bệnh nhân không? Và anh có phải y công không?”
Tôi quay số tổng đài bệnh viện và bảo cô ta tìm cho tôi một bác sĩ mắt một bác sĩ giải phẫu óc và một bác sĩ gây mê.
Ở đầu kia hành lang, Georgie vừa rửa tay vừa ca một bài hát của Neil Young có câu “Xin chào cô gái chăn bò trên cát. Có phải cô nắm quyền quyết đoán nơi đây?”
“Bệnh nhân này không ổn, không ổn chút nào đâu,” ông bác sĩ nói.
“Khi nào hắn còn nghe được sự chỉ dẫn của tôi thì tôi chẳng việc gì phải lo,” bà Y Tá quả quyết, bàn tay vét đồ gì đó ra khỏi cái tách Dixie nhỏ. “Tôi còn phải lo cuộc sống của tôi và lo bảo vệ gia đình tôi.”
“Được rồi, được rồi. Đừng moi móc tôi chứ,” ông bác sĩ nói.
Bác sĩ chuyên khoa mắt nghỉ hè hay bận rộn gì đó. Trong khi tổng đài lo gọi xoay vòng để tìm người khác cũng giỏi như thế thì mấy bác sĩ chuyên khoa khác đã chạy cuống cuồng trong đêm để đến nhập bọn với chúng tôi.
Tôi lẩn quẩn quanh đấy nhìn mấy biểu đồ và nhai mấy viên thuốc của Georgie. Có một viên vị giống hệt mùi nước tiểu, có viên làm phỏng miệng, có viên khô như phấn viết bảng.
Nhiều y tá, hai bác sĩ ban nãy săn sóc bệnh nhân trong phòng Săn Sóc Đặc Biệt, bây giờ cũng xuống đây với chúng tôi.
Chúng tôi mỗi người một ý về việc phải đương đầu với việc lấy con dao từ trong sọ của Terrence Weber ra cách nào cho đúng. Nhưng khi Georgie bước vào sau khi đã sửa soạn bệnh nhân – nghĩa là cạo lông mày và sát trùng khu vực quanh vết thương, vân vân – thì chúng tôi thấy tay trái hắn dường như đang cầm con dao ấy.
Cuộc tranh luận ngưng bặt.
Sau cùng, ông bác sĩ hỏi, “Anh lấy cái đó ở đâu vậy?”
Rất lâu sau đó không ai nói thêm câu gì.
Thế rồi, một trong những y tá phòng săn sóc đặc biệt nói, “Dây giầy ông tuột rồi kìa.” Georgie đặt con dao xuống tấm bìa hồ sơ bệnh và cúi xuống buộc lại dây giầy.
Hai mươi phút sau.
“Thằng cha đó sao rồi?” tôi hỏi.
“Ai?” Georgie nói.
Thì ra con mắt còn lại của Terrence Weber vẫn nhìn thấy tỏ tường, và các cử động cũng như phản xạ đều tốt, dù trước đó anh ta khai bị liệt.
“Các dấu hiệu căn bản bình thường,” Y Tá nói. “Cha này không bị gì hết. Cũng lại cái trò vặt quỷ quái ấy thôi.”
Sau một thời gian thì bạn quên mất đang là mùa hạ. Bạn không nhớ buổi sáng nó ra làm sao. Tôi làm liên tiếp hai lần ca đôi và tám tiếng nghỉ ngơi ở giữa thì tôi ngủ trên chiếc xe đẩy bệnh nhân trong phòng y tá trực.
Mấy viên thuốc của Georgie làm tôi cảm thấy mình như trái bong bóng khổng lồ bơm đầy Hélium, nhưng tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi đi với Georgie ra ngoài bãi đậu, nơi có chiếc xe loại vận tải nhỏ mầu cam của hắn.
Chúng tôi nằm dài trên mặt gỗ ép bụi bặm ở sàn xe phía sau với ánh nắng rọi thẳng vào mi mắt và mùi thơm của cỏ linh lăng đọng dầy trên lưỡi.
“Tôi muốn đi nhà thờ,” Georgie nói.
“Mình đi hội chợ quận lỵ nhé.”
“Tôi thích thờ phượng. Tôi có thể.”
“Đàng kia bọn họ có mấy con ó và phượng hoàng bị thương. Từ cơ quan bảo vệ súc vật,” tôi nói.
“Lúc này tôi cần một nhà nguyện.”
Georgie và tôi có một chuyến chạy xe vòng vòng đáng nhớ. Có một lúc trời trong và yên tĩnh. Đó là một trong những giây phút mà bạn ở trong nhà, quên tiệt những gian truân trước hay sau giây phút đó. Bầu trời biếc xanh và kẻ chết trở về.
Chiều hôm đó, với nỗi buồn phiền ấp ủ, buổi hội chợ phô bày bộ ngực trần của nó. Một anh chàng quán quân trong việc xài ma túy, một sư tổ của thế hệ yêu đương, được phỏng vấn giữa một đám chuyên viên đài truyền hình ngay phía bên trái chuồng gà vịt. Nhìn vào con mắt hắn cứ ngỡ hắn ta mua đâu đó ở tiệm đồ chơi. Tôi thấy thương hại cái sinh vật ngoại tinh cầu này, và tôi nghĩ trong đời tôi, chưa bao giờ tôi xài thuốc nhiều như hắn ta.
Sau đó chúng tôi lạc đường. Hai đứa lái xe mấy tiếng đồng hồ, nhưng không tìm ra đường về thị trấn.
Georgie bắt đầu than phiền. “Đấy là cái hội chợ tệ nhất trong đời tôi. Mấy cái vòng xoay đâu hết rồi?”
“Có chứ,” tôi nói.
“Tôi không thấy cái nào hết.”
Một con thỏ chạy vụt qua đường và chúng tôi đụng ngay vào nó.
“Có một vòng ngựa gỗ, một vòng bánh xe Ferris, và cái mà người ta gọi là Hammer mà sau khi thử thì ai cũng cong người mà nôn mửa.” Tôi nói. “Ông có mù không?”
“Cái gì thế?”
“Một con thỏ.”
“Có cái gì đó đụng cái bịch.”
“Mình đụng nó, nó té cái bịch.”
Georgie đạp thắng xe lẩm bẩm, “Thịt thỏ hầm.”
Hắn sang số de và lùi xe vòng vo trở lại chỗ con thỏ. “Con dao thợ săn của tôi đâu rồi?” thiếu chút nữa là hắn cán lên con vật tội nghiệp lần nữa.
“Mình sẽ cắm trại giữa cảnh hoang dã,” hắn nói. “Buổi sáng mình sẽ điểm tâm trong cái vòm hong vu ấy.” Hắn quơ con dao thợ săn của Terrence Weber một cách mà tôi thấy là vô cùng nguy hiểm.
Nội trong một phút hắn đã đứng trên bờ ruộng, mổ bụng con vật ốm nhom nhỏ bé kia, quăng hết nội tạng đi. “Lẽ ra tôi phải làm bác sĩ mới đúng,” hắn nói.
Một gia đình chở nhau trong chiếc xe Dodge lớn, chiếc xe mà biết bao lâu nay tôi mới lại trông thấy, chạy chậm lại và ngóng cổ ra ngoài cửa xe lúc chạy qua. Người bố hỏi, “Con gì thế, rắn à?”
“Không, không phải rắn,” Georgie nói. “Một con thỏ có đầy con trong bụng.”
“Con!” bà mẹ nói, và người bố đạp ga chạy tới, trong khi lũ con lao nhao phản đối ở băng sau.
Georgie trở lại xe bên phía tôi ngồi, trước bụng áo sơ mi phùng ra như thể đang nhét đầy trái táo trong áo, hay cái gì gần gần như vậy, nhưng đúng ra chúng là mấy con thỏ con nhầy nhụa. “Tôi sẽ không bao giờ ăn mấy thứ này đâu,” tôi bảo hắn.
“Cầm đi. Cầm lấy đi. Tôi phải lái xe. Cầm đi,” vừa nói hắn vừa ném hết cả vào lòng tôi và đi vòng qua bên kia leo vào xe. Hắn bắt đầu lái càng lúc càng mau, với vẻ đắc thắng trên khuôn mặt. “Mình giết mẹ, cứu con,” hắn nói.
“Muộn rồi,” tôi nói. “Mình trở về là vừa.”
“Biết rồi.”
Sáu mươi, bẩy mươi, tám mươi lăm, suýt soát chín mươi dặm một giờ.
“Nên giữ ấm cho mấy con thỏ con này.” Tôi luồn từng con một vào trong áo và ấp lũ thỏ lên bụng tôi. “Mấy con thỏ không nhúc nhích gì hết,” Tôi bảo Georgie.
“Mình sẽ kiếm ít sữa, ít đường và vậy đó, rồi chính mình sẽ nuôi chúng nó. Tụi nó sẽ lớn bự như mấy con đười ươi.”
Con đường mà chúng tôi đi lạc đâm thẳng vào giữa lòng thế giới. Vẫn còn ban ngày, nhưng mặt trời không còn quyền uy soi sáng mà chỉ lờ mờ như món đồ trang trí hay miếng bọt bể. Trong cái ánh sáng lờ mờ ấy, thân chiếc xe lúc trước mầu cam tươi bây giờ đổi sang mầu xanh thẫm.
Georgie để mặc cho xe chạy chầm chậm, chầm chậm sát lề đường, như thể hắn ta đang ngủ gục hoặc đã chịu thua cái việc tìm đường.
“Cái gì thế?”
“Mình không thể tiếp tục chạy. Xe tôi không có đèn,” Georgie nói.
Chúng tôi đậu xe dưới một bầu trời kỳ lạ với một phần tư mảnh trăng mờ ảo dán lên trên.
Bên cạnh chúng tôi còn một khu rừng nhỏ. Hôm nay trời khô và nóng, những cây thông và các cây lăng nhăng khác hầm nóng một cách kiên nhẫn, nhưng khi chúng tôi ngồi đó mồi thuốc hút, trời bỗng dưng trở lạnh.
“Mùa hạ đã qua,” Tôi nói.
Đó là cái năm mà những đám mây băng giá của vùng địa cực trôi dạt về miền Trung Tây và chúng ta có hai tuần mùa đông giữa tháng Chín.
“Ông có nhận ra là tuyết sắp rơi không?” Georgie hỏi tôi.
Hắn nói đúng, một cơn bão xanh như cây súng đang cuồn cuộn trỗi dậy. Chúng tôi đứng dậy và đi lòng vòng một cách ngớ ngẩn. Cơn buốt giá tuyệt đẹp! Cái băng giá bất ngờ, và mũi nhọn của những lá thông đâm thẳng vào chúng tôi!
Những cụm tuyết xoáy quanh đầu chúng tôi khi đêm buông xuống. Tôi không tìm thấy chiếc xe đâu nữa. Càng lúc chúng tôi càng đi lạc sâu hơn. Tôi luôn miệng nói, “Georgie, ông có nhìn thấy không?” và hắn ta hỏi tôi liên tục, “Thấy cái gì? Thấy cái gì?”
Nguồn ánh sáng duy nhất chúng tôi có thể thấy là một vạch hoàng hôn chớp nháy dưới viền đám mây. Hai đứa tôi đi về phía ấy.
Chúng tôi chạy xuống dốc đồi gập ghềnh về phía một cánh đồng trống trông như một nghĩa trang quân đội, đầy những hàng bia mộ khổ hạnh giống hệt nhau cắm trên mộ lính. Tôi chưa bao giờ đi qua nghĩa trang này. Ở phía bên kia cánh đồng, bên ngoài màn tuyết, bầu trời bị xé rách và các thiên thần giáng thế từ mùa hạ xanh rực rỡ, những khuôn mặt khổng lồ vằn vện bởi ánh sáng và đầy ắp sự thương hại. Hình ảnh họ cắt thấu trái tim tôi và xuôi xuống tận mỗi khớp xương sống, và giả sử như trong bụng tôi có bất cứ thứ gì thì sự sợ hãi đã tống chúng ra ướt nhẹp đũng quần tôi rồi.
Georgie dang tay, la lớn, “Rạp chiếu phim ngoài trời cha nội ơi!”
“Rạp chiếu phim ngoài trời…” Tôi không chắc đó là cái gì.
“Tụi nó chiếu phim ngay trong cơn bão tuyết khốn nạn!” Georgie hét lên.
“À ra vậy. Vậy mà tôi tưởng cái gì khác,” tôi nói.
Chúng tôi dò dẫm bước xuống, leo qua khúc hàng rào bị lủng và đứng ở tận cuối bãi. Những chiếc loa mà lúc đầu tôi lầm tưởng là bia mộ xì xồ đều nhịp. Rồi tới thứ âm nhạc leng keng, mà tôi có thể hát nhẩm theo đúng điệu. Những diễn viên điện ảnh chạy xe đạp bên bờ sông, tiếng cười vang ra từ những cái miệng xinh xắn, khổng lồ. Nếu có ai đến coi phim thì chắc họ cũng đã bỏ về khi thời tiết bắt đầu trở chứng. Bãi đậu không còn chiếc xe nào, dù là xe hư bị bỏ lại từ tuần trước, hoặc bỏ lại vì hết xăng. Vài phút sau đó, ngay giữa cuộc dạ vũ xoay tít mù, màn ảnh tắt ngúm, mùa hạ điện ảnh kết thúc, tuyết phủ vạn vật, không còn gì ngoài tiếng thở của tôi.
“Tôi bắt đầu nhìn thấy lại được rồi,” vài phút sau Georgie nói.
Một vùng xám xịt phát sinh ra vô số hình dạng, quả đúng vậy. “Nhưng cái nào là gần còn cái nào thì xa?” tôi nài nỉ hắn nói cho tôi biết.
Bằng cách mò mẫm sai thì đổi hướng khác, đi tới đi lui trong đôi giầy ướt sũng, chúng tôi trở lại được chỗ đậu và chui vào xe ngồi mà run lẩy bẩy.
“Kiếm đường về chứ,” Tôi nói.
“Không có đèn mình không đi đâu được.”
“Mình phải trở về, xa lắm đó.”
“Không, không xa đâu.”
“Mình chạy ít nhất cũng ba trăm dặm.”
“Mình chỉ ở ven biên thôi, ông ngố ạ, tại mình chạy lòng vòng nó vậy.”
“Chỗ này đâu cắm trại được. Tôi nghe tiếng xe trên xa lộ liên bang đàng kia kìa.”
“Mình cứ ở đây chờ thêm chút nữa. Mình về muộn được mà. Không ai thấy mình đâu.”
Chúng tôi lắng nghe tiếng xe vận tải hạng nặng chạy trên xa lộ liên bang từ San Francisco đến Pennsylvania, như những cái rung dọc theo bản kim loại của lưỡi cưa, trong khi tuyết tiếp tục chôn vùi chúng tôi.
Sau cùng Georgie nói, “Mình nên tìm sữa cho lũ thỏ con.”
“Tôi không có sữa,” tôi trả lời.
“Mình pha nước đường.”
“Sao tự nhiên ông lo lắng chuyện đường sữa vậy, có thể quên đi được không?”
“Tụi nó là loài bú sữa mẹ mà.”
“Quên mấy con thỏ ấy đi.”
“Nhưng mà tụi nó đâu rồi?”
Sự thật là tôi quên bẵng đi chuyện đám thỏ con, nên tụi nó chết queo hết.
“Tụi nó luồn ra sau lưng tôi và bị đè bẹp hết trơn,” tôi nói, mắt đẫm lệ.
“Tụi nó luồn ra sau lưng?”
Hắn nhìn trong lúc tôi gỡ ra từng con một, đặt trên bàn tay và nhìn chúng. Có tất cả tám con. Không con nào lớn hơn ngón tay tôi, nhưng chúng nó có đủ cả. Chân nhỏ xíu! Mi mắt! Ngay cả râu nữa!
“Chết hết rồi,” tôi nói.
“Có phải cậu là cái loại người đụng đâu hư đó không? Những chuyện như thế này xảy ra thường lắm, phải không?” Georgie hỏi.
“Thành ra người ta mới gọi tôi là Thằng Ngố Rừng.”
“Cái tên đó sẽ dính với cậu suốt đời.”
“Tôi cũng nghiệm ra như thế.”
“Thằng Ngố Rừng sẽ theo cậu xuống mồ.”
“Thì tôi đã nói rồi. Tôi đồng ý với ông trước khi ông phát biểu nữa mà,” tôi nói.
Cũng có thể không phải lúc tuyết đang rơi. Có thể khi chúng tôi ngủ trong xe, tôi trở mình và đè dẹp mấy chú thỏ con. Cũng không sao. Điều quan trọng đáng nhớ bây giờ là sáng sớm hôm sau tuyết tan trên kính xe và ánh nắng mai đánh thức tôi dậy. Một vạt sương bao phủ vạn vật.
Màn sương bao phủ vạn vật bắt đầu trở thành sắc cạnh và khác lạ trong ánh nắng. Coi như chuyện bầy thỏ chưa hề làm chúng tôi bận tâm, hoặc chúng đã là vấn đề rắc rối rồi được quên đi, và trong đầu tôi không còn điều gì khác. Tôi cảm thấy cơn khát như đang được dập tắt. Bằng cách nào đó tên nô lệ trở thành bạn của chủ nô. Georgie áp mặt trên tay lái ngủ say.
Tôi thấy từng lọn tuyết giống những đóa hoa nở trọn trên cạnh những chiếc loa của rạp hát lộ thiên – không, chúng bộc lộ những cánh hoa lúc nào cũng nở sẵn ở đó. Một con nai sừng tấm đứng lặng trong đồng cỏ bên ngoài hàng rào, lộ ra cái vẻ vừa quyền uy vừa ngu ngốc. Một con chó rừng chạy băng ngang đồng cỏ và mờ nhạt đi trong những rặng cây non.
Chiều hôm ấy chúng tôi trở về chỗ làm vừa kịp giờ để tiếp tục công việc một cách êm ả như thể chúng chưa hề bị gián đoạn và chúng tôi chưa hề bỏ đi đâu phút nào.
Từ cái loa phát ra giọng đọc, “Chúa là đấng chăn chiên lành.” Bài kinh phát mỗi chiều vì đây là bệnh viện Công Giáo. “Lạy Cha chúng tôi, ở trên trời,” vân vân và vân vân.
“Đúng đấy, đúng đấy,” Y Tá bảo.
Người đàn ông bị đâm vào mặt, Terrence Weber, đã xuất viện khoảng giờ ăn tối. Bệnh viện giữ anh ta qua đêm và cho anh ta một miếng băng mắt – tất cả hoàn toàn không vì lý do nào hết.
Anh ta ghé ngang phòng cấp cứu để chào tạm biệt. “Này, mấy viên thuốc mà các anh cho tôi làm tôi nếm cái gì cũng thấy khủng khiếp.”
“Đúng ra còn tệ hơn thế,” Y Tá nói.
“Cả đến lưỡi tôi cũng bị.”
“Anh không bị mù đã là một phép lạ rồi, hoặc ít ra thì cũng chết,” bà ta nhắc nhở hắn.
Bệnh nhân nhận ra tôi. Hắn mỉm cười. “Tôi đang dòm lén cô hàng xóm lúc cô ta nằm bên ngoài tắm nắng,” hắn nói. “Thế là bà xã tôi quyết định cho tôi mù luôn.”
Hắn bắt tay Georgie.
Georgie không nhận ra hắn. “Anh là ai thế?” Georgie hỏi Terrence Weber.
Trước đó vài giờ, Georgie nói một điều gì đó, đột nhiên và hoàn toàn giải thích sự khác biệt giữa hai đứa tôi. Chúng tôi lái xe trở về thị trấn, trên Xa Lộ Cũ, xuyên qua vùng bình nguyên. Chúng tôi cho một người quá giang. Một cậu bé tôi quen. Chúng tôi ngừng xe và cậu nhỏ leo chậm rãi ra khỏi cánh đồng mênh mông như ra khỏi miệng một núi lửa. Tên hắn là Hardee. Trông hắn dám còn tồi tệ hơn chúng tôi.
“Tụi tôi bị tùm lum phải ngủ cả đêm trong xe,” tôi nói với Hardee.
“Tôi cũng nghĩ,” Hardee nói, “Hoặc là thế hoặc là hai anh đã lái xe hàng ngàn dặm.”
“Cũng đúng luôn,” Tôi nói.
“Hoặc các anh ốm đau, bệnh tật hay bị cái gì đó.”
“Cha này là ai vậy?” Georgie hỏi.
“Đây là Hardee. Mùa hè năm ngoái hắn ở với tôi. Tôi thấy hắn nằm trên bậc thềm nhà tôi. Con chó của cậu sao rồi?” Tôi hỏi Hardee.
“Nó vẫn ở dưới đó.”
“Đúng rồi, tôi nghe nói cậu đi Texas.”
“Tôi làm việc trong một trại nuôi ong,” Hardee nói.
“Ồ. Có bị ong chích không?”
“Không phải như anh nghĩ đâu,” Hardee nói. “Mình thành một phần của công việc luyện tập hàng ngày của tụi nó. Tất cả đều ăn nhịp với nhau.”
Bên ngoài, cũng chừng ấy dải cỏ xanh cuốn, trải dài liên tục trước mặt chúng tôi. Trời không gợn mây, nắng chói chan. Nhưng Georgie nói, “Coi kìa,” tay chỉ thẳng phía trước.
Một vì sao nóng đến mức sáng tỏ, xanh rực rỡ trên bầu trời trống trải.
“Tôi nhận ra cậu ngay lập tức,” tôi bảo Hardee. “Nhưng mà tóc cậu sao thế? Ai cạo cậu trọc lóc vậy?”
“Đừng nhắc tới.”
“Thì thôi vậy.”
“Tôi bị gọi nhập ngũ.”
“Ồ, vậy sao!”
“Thật đó. Tôi đang vắng mặt không phép. Tôi đảo ngũ. Tôi phải trốn qua Canada.”
“Ô, ghê quá,” tôi bảo Hardee.
“Đừng lo,” Georgie nói. “Tụi tôi sẽ đưa cậu qua đó.”
“Bằng cách nào?”
“Thế nào cũng tìm ra cách. Tôi nghĩ tôi có người quen. Đừng lo. Cậu đang đi về phía Canada đó.”
Cái thế giới ấy! Bây giờ nó đã bị xóa bỏ hoàn toàn và người ta cuốn nó lại như cuộn giấy rồi cất bỏ vào một xó nào đó. Đúng vậy, tôi có thể chạm những ngón tay vào nó. Nhưng nó đâu mất rồi?
Một lát, Hardee hỏi Georgie, “Anh sống bằng nghề gì,” và Georgie trả lời, “Tôi cứu mạng người ta.”


Denis Johnson
Hoàng Chính dịch
Denis Johnson nhà thơ, nhà viết kịch và nhà văn; nổi tiếng qua tập truyện ngắn Jesus’ Son (1992), được xem như khuôn mẫu trong các chương trình dạy viết văn. Cuốn tiểu thuyết 600 trang Tree of Smoke được trao National Book Award năm 2007. Cuốn Train Dreams vào chung kết giải thưởng Pulitzer. Chào đời năm 1949 ở Munich, Đức Quốc, lớn lên ở Nhật Bản, Philippines và Washington. Ông dạy tại Đại học Texas, Iowa, Boise State University. Denis Johnson mất vì ung thư vào tháng Năm 2017, ở tuổi 67. Tình Trạng Khẩn Cấp dịch từ Emergency, trong tập Best American Short Stories xuất bản năm 1992.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.287 giây.