Mấy năm gần đây, hầu như năm nào tôi cũng đi Mỹ, có năm đi đến hai ba lần, hoặc để tham dự các
buổi hội thảo hoặc họp hành ở các đại học hoặc nghiên cứu ở các thư viện. Về lại Úc, bạn bè tôi
thường hỏi về các thắng cảnh hoặc các tiệm ăn ngon ở Mỹ, tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác, không biết gì
cả. Ai cũng ngạc nhiên. Tôi thú thật: thứ nhất, ở Mỹ, ngoài thì giờ họp hành, hội thảo hoặc tìm tài liệu,
tôi chỉ la cà gặp bạn bè ở các quán cà phê hoặc tiệm ăn chứ không đi đâu cả; thứ hai, ở các tiệm ăn,
tôi chỉ quan tâm đến bạn và các câu chuyện của bạn chứ không hề chú ý đến các món ăn để biết là
chúng ngon hay dở, thậm chí, không hề biết cả tên tiệm.
Các chuyến đi Mỹ của tôi thường kéo dài từ một tuần đến ba hay bốn tuần. Nhưng dù là bốn tuần, tôi
vẫn thấy ngắn và không đủ để gặp gỡ bạn bè. Nhiều lần, một số bạn bè tôi rủ rê đi thăm nơi này nơi
nọ. Lúc nào tôi cũng phân vân. Đi, cũng vui, nhưng mất ít nhất cũng một hai ngày. Trong một hai ngày
đó, tôi sẽ không được gặp bạn bè. Do đó, tôi phải lựa chọn: hoặc đi viếng cảnh hoặc ở lại để gặp
bạn. Và bao giờ tôi cũng chọn việc gặp bạn.
Không phải tôi không yêu thiên nhiên. Tôi vẫn thích nhìn cảnh đẹp. Tôi đã từng ngồi thừ người hàng
giờ trước một cái hồ, một dòng sông, trong một cánh rừng hay một công viên. Ở nhà, tôi có thói quen
đi bộ; và đi bộ, bao giờ tôi cũng chọn hoặc đi quanh hồ hoặc dọc theo bờ biển. Những lúc đến
Sydney ở nhà Võ Quốc Linh, bạn tôi, trên một ngọn đồi nhìn xuống dòng sông, tôi từng ngồi hàng giờ
lặng lẽ ngắm dòng sông liên tục đổi màu với nắng. Tôi vẫn ao ước một ngày nào đó được đi thăm
những thắng cảnh lớn trên thế giới. Thế nhưng, do thời gian có giới hạn, nếu bị buộc phải chọn lựa
giữa cảnh và người, tôi chọn người.
Thật ra, trong những lúc gặp bạn bè, tôi nói rất ít. Tôi thích diễn tả bằng văn viết hơn bằng lời nói. Tôi
bị mê hoặc bởi nhịp điệu của văn viết. Ở từng dấu chấm, dấu phẩy. Ở độ nén và sức nổ của câu, ở
sự ngân vang và lấp lánh của chữ. Với tôi, nói chỉ là điều bất đắc dĩ. Bởi vậy, giữa bạn bè, phần lớn tôi
chỉ lặng lẽ ngồi nghe từ giờ này sang giờ khác. Nghe bạn bè kể về đời họ. Nghe họ kể về công việc
viết lách cũng như bối cảnh đằng sau những tác phẩm mà họ ưng ý nhất. Vui nhất là khi những điều
bạn bè kể có liên hệ đến một đề tài tôi đang định nghiên cứu. Có cảm tưởng như được tặng không
một kho tư liệu dồi dào và có lúc thật bất ngờ.
Chỉ có điều bạn bè văn nghệ thường có những thói quen rất khác nhau. Phần lớn giới làm âm nhạc, từ
nhạc sĩ đến ca sĩ, đều thích tụ tập đông đảo để nghe họ đàn hát. Phần lớn giới nghệ sĩ tạo hình đều
thích mời về nhà để khoe tranh và tượng. Phần lớn giới làm thơ và viết văn đều thích rủ rê ra các tiệm
cà phê, lại là các tiệm cà phê vắng vẻ để dễ dàng tâm sự dù phải trả giá bằng các ly cà phê lạt thếch.
Bù lại, đôi khi tôi được nghe những bài thơ thật hay hoặc những giai thoại thật thú vị. Phiền nhất là các
nhà thơ và nhà văn thường chỉ thích gặp riêng. Mỗi người một cuộc hẹn. Có người thứ ba, dù là bạn
quen, người ta đều không thấy thoải mái để tâm sự về chuyện viết lách, nhất là những điều họ tâm
đắc về tác phẩm của chính họ. Nói về tác phẩm của mình bao giờ cũng là chuyện hết sức riêng tư.
Chính vì thế, ở chỗ đông người, các nhà văn nhà thơ thường bị ngắc ngứ với những câu chuỵện tầm
phào vô thưởng vô phạt. Họ chỉ thực sự là họ, chân thành và sâu sắc, khi ngồi với một người bên ly cà
phê hay tách trà ở một quán thật vắng. Tôi hiểu điều đó nên cố gắng thu xếp thời giờ để gặp từng
người ở những giờ giấc khác nhau. Thành ra, cả ngày tôi cứ lê la từ quán cà phê hay tiệm ăn này đến
quán cà phê hay tiệm ăn khác.
Ở những dịp như thế, nhiều người cố gắng thuyết phục tôi về cái hay và/hoặc cái mới trong tác phẩm
của họ. Thực tình mà nói, không phải bao giờ tôi cũng bị thuyết phục. Nhưng tôi vẫn thấy rất thích thú
khi biết hoàn cảnh sáng tác cũng như những dụng ý người ta định gửi gắm trong từng câu từng chữ.
Mỗi tác phẩm một hoàn cảnh và một dụng ý. Dụng ý, không phải lúc nào người ta cũng thể hiện được,
nhưng hoàn cảnh sáng tác thì, dù chưa chắc đã hữu ích trong việc cảm thụ, phân tích và đánh giá tác
phẩm, vẫn là những giai thoại lý thú. Không biết những giai thoại ấy, thật ra, cũng chả sao. Nhưng biết,
vẫn vui.
Cứ thế, mỗi lần đi xa, tôi lại dành hết thời gian cho bạn bè. Lần nào cũng lần khân khất cái hẹn đi thăm
thú cảnh đẹp. Nhưng, kệ. Cảnh thiên nhiên, lúc nào cũng còn đó. Chỉ có bạn bè là càng ngày càng
thưa thớt. Nhiều người, gặp lần này, nhưng nghe hồ sơ bệnh lý cũng như nhìn sắc diện của họ, tôi
không dám hy vọng sẽ được gặp họ lần tới.
Hơn nữa, sau này, chết đi, chúng ta lại trở về với đất cát và cây cỏ, nghĩa là với thiên nhiên. Như vậy,
thời gian sống với con người ngắn ngủi hơn nhiều. Có khi phải đếm từng năm từng tháng từng ngày.
Nghĩ thế, tôi không hề thấy tiếc.
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)