Hình ảnh minh họa một người đang truy cập Facebook.
Facebook mới cho VOA Việt Ngữ biết rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã chặn ba trang cá nhân (profile) ở Việt Nam từ tháng Bảy năm ngoái, sau khi nhận được yêu cầu của chính quyền Hà Nội liên quan tới sản phẩm đồ uống MILO của Nestlé.
Một đại diện của Facebook cho biết, tập đoàn của Thụy Sĩ cáo buộc rằng chủ của ba tài khoản cá nhân bị chặn đăng tải thông tin “sai”, “xúc phạm uy tín” rằng các sản phẩm MILO “chứa các chất phụ gia có hại hoặc bị cấm”.
Nestlé sau đó xác nhận rằng hãng này, thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đã yêu cầu Facebook “xem xét và xóa” nội dung “không chính xác” về các sản phẩm của hãng trên một số tài khoản Facebook vì các thông tin đó “gây tác động xấu tới danh tiếng của các sản phẩm cũng như hãng Nestlé”.
Một đại diện của Nestlé cho biết đã gửi “các tài liệu” kèm yêu cầu trên, nhưng từ chối cung cấp thêm cho VOA tiếng Việt nội dung chi tiết của các thông tin bị coi là “sai” của các trang cá nhân liên quan.
Facebook cho hay rằng ba trang cá nhân “bị chặn vì vi phạm các điều luật về phỉ báng của Việt Nam, chứ không phải họ vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng” của mạng xã hội này, và rằng đề nghị chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông là “cơ sở pháp lý” để thực hiện điều đó.
“Những người có trang cá nhân bị chặn đã được thông báo. Trang của họ vẫn có thể tiếp cận được đối với những người ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”, một đại diện của Facebook cho biết.
Theo một bản báo cáo của Facebook, công khai các yêu cầu giới hạn nội dung của các nước trên thế giới trong giai đoạn từ tháng Bảy tới tháng 12 năm 2018, mạng xã hội có hơn hai tỷ người sử dụng cho biết cũng đã nhận được các yêu cầu khác của Bộ Thông tin và Truyền thông, với những cáo buộc về nội dung “xúc phạm uy tín” đối với các sản phẩm của Heineken và Suntory PepsiCo Vietnam.
Facebook cho biết cũng giới hạn truy cập nội dung theo yêu cầu từ cả Bộ Công An Việt Nam, theo Điều 5 của Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, có hiệu lực từ năm 2013.
Theo tìm hiểu, điều luật này có nêu ra nhiều hành vi bị cấm như “lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” để “chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Ngoài ba trang cá nhân bị chặn, Facebook cho hay rằng, trong khoảng thời gian nêu trên, hãng cũng đã chặn 1.553 post [bài viết] theo yêu cầu từ phía Việt Nam.
Tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nơi Facebook chặn nhiều thông tin nhất, sau đó tới Thái Lan, vốn hiện nằm dưới chính quyền quân nhân và Indonesia, quốc gia có tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Trang tin về công nghệ ICT News thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 10/5 đưa tin rằng theo yêu cầu của Việt Nam, Facebook “đã gỡ bỏ” 208 tài khoản giả mạo và hơn 200 link [đường dẫn] bài viết “có nội dung chống phá đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Trang web của chính phủ Việt Nam cho biết, hiện có “hơn 60 triệu tài khoản” của người Việt trên Facebook, trong khi công ty dữ liệu Statista của Đức nói rằng tới cuối năm 2019, con số Facebooker Việt Nam sẽ là 45 triệu.
Dù vấp phải nhiều phản đối, Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ đầu năm nay, trong đó có điều khoản về việc “bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng”, theo đó quy định các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên Internet “phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”. Hiện chưa rõ Facebook hay các công ty công nghệ khác đã thực hiện điều này hay chưa.
Theo VOA