Ảnh minh họa : Người tỵ nạn Rohingya (Miến Điện) tìm đường sang Bangladesh. Ảnh ngày 12/11/2017. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Trong 70 năm tồn tại, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ( HCR ) chưa bao giờ thấy như vậy : Theo báo cáo của tổ chức này, vừa được công bố tại Genève hôm nay, 19/06/2019, trong năm 2018, số người tản cư, tị nạn đã lên đến gần 71 triệu.
Con số này có thể sẽ còn cao hơn vì HCR chưa tính đến toàn bộ những người Venezuela đã bỏ nước ra đi trong những tháng qua. Tổng cộng đã có khoảng 4 triệu người Venezuela đi sang các nước khác ở Nam Mỹ, nhưng chỉ mới có 500 000 người được HCR nhận đơn xin tị nạn. Như vậy là tổng số người di tản trên toàn thế giới năm qua có thể lên đến gần 74 hoặc 75 triệu người.
Đông nhất vẫn là số người phải tản cư trong nước do chiến tranh hoặc do bị truy bức, tổng cộng là 41 triệu người. Quốc gia có người tản cư trong nước nhiều nhất không phải là Syria ( hơn 6 triệu người ), mà chính là Colombia, quốc gia vẫn còn xung đột vũ trang khiến gần 8 triệu người phải sang nơi khác lánh nạn.
Còn số người tị nạn, tức là những người đã được nhận đơn xin tị nạn, là khoảng 26 triệu người, trong đó có đến 2 phần 3 là đến từ năm nước : Syria, Afghanistan, Soudan, Miến Điện và Somalia. Cũng theo báo cáo của HCR, 80% số người tị nạn chạy sang nước láng giềng, chính vì vậy mà Thổ Nhĩ Kỳ, láng giềng của Syria, trong năm thứ tư liên tiếp là quốc gia tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất ( 3,7 triệu người ).
Nói chung, chính những nước kém phát triển nhất gánh chịu nhiều nhất gánh nặng của những người tị nạn, tản cư. Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc tiếp nhận người di dân vượt biển Địa Trung Hải. Nhân dịp này, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi kêu gọi các nước châu Âu tìm ra một giải pháp dài hạn cho việc phân bổ người tị nạn.
Theo RFI