Nhìn những khuôn mặt trẻ dấn thân tranh đấu cho quê hương, đất nước, từ quốc nội đến hải ngoại, xuất hiện trong buổi họp mặt ngày 10 tháng 6 vừa qua tại Sydney, Úc Châu. Đứng trên sân khấu, tôi có nói đùa với luật sư Lưu Tường Quang, một nhân sĩ lão thành, đã dầy công hoạt động và đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng tổ chức cộng đồng người Việt tỵ nạn lớn mạnh tại quốc gia này một câu là: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta có thể yên tâm để về hưu đươc rồi anh nhỉ”? Nhưng thật ra, đây chính là quyết định của tôi sau 3 năm hoàn tất lời hứa tình nguyện qua vai trò thành viên hội đồng quản trị của tổ chức VOICE, với bao thành quả tốt đẹp và đầy ý nghĩa. Không chỉ là chương trình vận động định cư đồng bào tỵ nạn, mà còn những nỗ lực đào tạo một thế hệ trẻ từ trong nước cũng như tại hải ngoại, đồng tâm, hiệp lực, để tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Những nguyên tắc căn bản của điều 25, chương II được ghi rõ trong hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do hội họp, lập hội, biểu tình…”. Hoặc như điều 27 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định…”! Đây là lời nói của “con Người” chứ không phải là của những “con Vẹt”, và chính những văn bản trên đã là lý do mà nước CHXHCNVN được có chân trong Liên Hiệp Quốc và được các nước tự do công nhận cũng như thiết lập bang giao. Nhưng các “lý tưởng” trên có thật sự được cho phép và áp dụng ở VN ngày nay hay không? Và đó cũng chính là nội dung một chuyến đi dài của chúng tôi trên nước Úc.
Trong các buổi họp mặt những ngày qua ở Melbourne, ở Adelaide hoặc trên bàn thuyết trình tại các thành phố Brisbane, Sydney, v.v…, cộng đồng người Việt tự do tại Úc Châu cũng như quý vị dân biểu, thượng nghị sĩ cùng các vị chủ tịch cộng đồng tại 4 tiều bang: New South Wales, Queensland, South Australia và Victoria đã thật sự xúc động và ngạc nhiên khi nghe một cô gái mới 23 tuổi, sinh ra và lớn lên từ miền Trung nước Việt, nhưng đã biết giá trị của tự do, dân chủ và nhân quyền khi cô vừa bước vào ngưỡng cửa đại học lúc 18 tuổi. Cô và các bạn đã thành lập nhóm “Tinh Thần Khai Minh” để góp phần chia sẻ và mở mang dân trí, dân quyền cho những người chưa từng có một ngày được sống dưới thể chế “tự do, dân chủ” thật sự! Họ cũng không khỏi thắc mắc, tại sao mà một nữ bác sĩ y khoa trẻ đến từ Hà Nội, lại hy sinh cả sự nghiệp để theo đuổi lý tưởng đấu tranh cho dân quyền trong một đất nước đang bị cai trị bởi chủ nghĩa Cộng Sản? Và có lẽ cú “shock” lớn nhất là khi họ gặp một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tốt nghiệp đại học Yale, mà lại trở về quê Cha, đất Tổ, cùng đồng hành với đồng bào trong nước đứng lên đòi hỏi “quyền làm người”?
Cô gái miền Trung đó tên là Vi Yên, một thực tập viên đã được VOICE đào tạo, hiện đang phục vụ và thực hành tại văn phòng dân biểu Chris Hayes thuộc tiểu bang New South Wales, Úc Châu. Người bác sĩ trẻ từ Hà Nội là cô Đinh Thảo, cũng là một thực tập viên được VOICE huấn luyện. Tôi đã có dịp tháp tùng cả hai cô gái này trong các lần vận động và điều trần về tình trạng nhân quyền cùng hoàn cảnh của các tù nhân lương tâm tại VN hiện nay trước LHQ cũng như tại quốc hội Liên Âu vào những tháng trước đây. Tôi ngưỡng mộ kiến thức cùng khả năng của họ, không những chỉ là sự nhận định về thời cuộc cũng như tầm nhìn sâu sắc về tương lai đất nước mà cả về khả năng Anh ngữ. Còn anh chàng sinh viên Mỹ gốc Việt của đại học Yale, nơi đào tạo ra bao nhiêu lãnh tụ của đất nước Hoa Kỳ, đó, chính là em Will Nguyễn, một trong những người dẫn đầu cuộc xuống đường lịch sử tại Sai Gòn vào ngày 10 tháng Sáu, năm 2018. Với cái đầu đầy máu, nhưng vẫn hiên ngang phá các hàng rào cản để hướng dẫn đoàn biểu tình tiến bước, cho đến khi bị công an áp đảo và khiêng đi như con vật, rồi bị nhốt tù 41 ngày trong trại giam, sau đó bị trục xuất khỏi VN.
Những khuôn mặt nói trên, là đại diện của thế hệ trẻ yêu nước, là hình ảnh của hàng trăm thực tập viên đã được VOICE đào tạo, và là biểu tượng của những thiện nguyện viên trẻ trong ban tổ chức của chuyến gây quỹ định cư người tỵ nạn thành công nhất vừa qua của VOICE tại 4 tiểu bang Úc Châu. Không một buổi nhạc hội nào còn một chỗ trống, không một buổi “tâm tình với cộng đồng” (community talk) nào mà không có sự hiện diện của các vị chủ tịch cộng đồng cùng đông đảo người tham dự, thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi.
Họ đặt cho các diễn giả trẻ Vi Yên, Đoàn Thảo và Will Nguyễn những câu hỏi đầy thử thách và phức tạp. Nhưng ngược lại họ cũng đón nhận thật nồng nhiệt những câu trả lời trung thực, can đảm, quyết tâm và đầy nhiệt huyết của thuyết trình đoàn. Ngồi cạnh các em mà không “bị” hỏi, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình “nhẹ gánh”, và trong niềm hãnh diện, tôi thầm nhủ “bó đuốc đã được trao, và mình có thể yên tâm để thực sự nghỉ hưu…”! Tôi chợt nhớ đến lời chia sẻ của một người bạn thân, chị nói: “Giới trẻ đang dấn thân đấu tranh cho dân chủ, tự do, công bằng, công lý cho mọi người Việt Nam đã sống quá lâu, quá dài trong một xã hội thiếu vắng những điều căn bản để sống như một con người”!
Một trong những điều may mắn trong chuyến đi Úc lần này, là tôi đã có dịp đi thăm “người bạn già”, nhạc sĩ Phan Văn Hưng, dù chưa đến tuổi thất thập, nhưng chàng đã quyết về “ở ẩn” trong một cái am tĩnh lặng, nhường dòng suối nhạc đấu tranh lại cho những đọt măng non, điển hình như người viết nhạc trẻ tuổi tên là Tuấn Khanh chẳng hạn, mà ca khúc “Trong Tim Tôi” nói về những cái chết oan khiên của các tù nhân lương tâm, hay những cái chết âm thầm, tức tưởi trong đồn công an của các nhà đối kháng với chế độ, đã làm cho cả hội trường rơi lệ.
Nhưng một trong những điều thú vị trong chuyến đi lần này, là tôi được hội ngộ với rất nhiều phụ huynh của các bạn trẻ đã dấn thân tình nguyện giúp người, giúp đời qua các hoạt động của tổ chức VOICE. Gặp lại ba mẹ của luật sư Trịnh Hội ở Melbourne, dù có già yếu hơn trước, nhưng ông bà vẫn vui vẻ như ngày nào, vẫn hãnh diện về những đóng góp của đứa con trai duy nhất đã dấn thân phục vụ tha nhân và cuộc đời. Lần đầu tiên gặp thân mẫu của cô luật sư Anna Nguyễn tại Sydney, bà tâm sự, tôi định cho cháu tình nguyện giúp VOICE khoảng 1,2 năm để học hỏi kinh nghiệm đời và giúp những đồng hương thiếu may mắn, thế mà thấm thoát đã hơn 4 năm cháu mới quyết định trở về lại Úc để lo cho sự nghiệp và lập gia đình. Tôi cũng gặp thân phụ mẫu của các cô luật sư Trần Kiều Trinh và Trần Kiều Ngọc ở Adelaide, với nụ cười thân ái và khuôn mặt hiền từ. Hai cô Kiều cho biết, ông bà luôn khuyến khích và hỗ trợ các con, từ công việc gia đình cho đến ngoài xã hội. Tương tự như thân phụ của Tuấn Lê ở Brisbane, một cựu sĩ quan Không Quân với hơn 3 năm tù “cải tạo”, nhưng vẫn không quản ngại tiếp tay cậu con trai đầy tinh thần phục vụ xã hội, luôn quan tâm đến quê hương, đất nước. Ông làm tôi nhớ đến Bố của mình, cụ Hoàng Việt, người đã hướng dẫn đưa đường cho tôi lý tưởng phục vụ tha nhân, quan tâm, và xây dựng thế hệ tiếp nối.
Trên bước đường sinh hoạt cùng tổ chức VOICE thời gian gần đây, từ các chuyến đi Âu Châu và Canada vào đầu năm nay, hoặc những buổi nhạc hội, chợ đêm, sinh họat với cộng đồng tại Hoa Kỳ.., tôi đã hân hạnh được gặp gỡ, được tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh có tấm lòng bao la, rộng lượng như quý vị mà tôi đã mạn phép được nhắc đến ở trên. Họ là ngọn đuốc soi đường, là điểm tựa tinh thần cho con cái và quan trọng hơn cả, họ là tấm khiên bảo vệ và chống đỡ những mũi tên độc ác, vu khống, bịa đặt và đánh phá hầu làm suy sụp tinh thần những đứa con đầy nhiệt huyết của mình. Họ vững tin vào tâm đức cùng sự dấn thân của giới trẻ, họ nâng đỡ và khuyến khích các cháu. Đó cũng chính là lý do mà chúng ta còn hy vọng để sống, để vươn lên và để mong có một ngày người Việt sẽ không còn phải bỏ nước ra đi và người ra đi sẽ có cơ hội trở về.
Nam Lộc/Thời Báo