Trong vài bài viết trước đây ít lâu, kẻ này có chia sẻ một cảm nghĩ riêng tư về hai chữ Tự Do.
Thay vì hai chữ tự do viết hoa trang trọng thường được thấy chói lòa trên các tấm biểu ngữ rước đi trong các cuộc xuống đường hay biểu tình đòi hỏi nhân quyền, tôi nói về hai chữ tự do như một mặc khải của mỗi người trong thinh lặng.
Thời gian 11 năm kẹt lại Sài Gòn sau 30 Tháng Tư 1975, sống dưới chế độ mới với cả một hệ thống công an cài răng lược khắp nơi, một buổi tối mùa trăng thành phố bị cúp điện, lần đầu tiên tôi ý thức được mình vẫn có tự do là khi tôi và mẹ ngồi duỗi chân trên thềm nhà, bên dưới mấy tàu dừa để lọt ánh trăng xuống chỗ hai mẹ con.
Không gian quanh tôi hây hẩy chút gió mát từ cái quạt nan mẹ tôi phe phẩy, vừa xua bớt cái nóng mùa Hè vừa đuổi muỗi. Hương thơm mấy bụi hoa dạ lý bên nhà hàng xóm thoang thoảng bay sang, cho tôi cảm giác nhàn nhã, dễ chịu, của một cảnh giới thảnh thơi mà bóng tối của một đêm cúp điện nồng nực không có chút tác động phiền não nào.
Mẹ tôi năm ấy đã ngoài tám mươi. Bà chưa bị lẫn nhưng xem ra mẹ tôi không bận tâm về bất cứ cái gì bên ngoài căn nhà nhỏ gồm 4 mẹ con bà cháu trong một con ngõ ở Phú Nhuận.
Chiều về là lúc mẹ tôi vui nhất vì gặp lại con và các cháu sau một ngày tất cả túa ra đường, tôi đi làm, trẻ con đi học và đi sinh hoạt. Sau này nghiệm lại, tôi hiểu ra mẹ tôi có sự chọn lựa riêng để thích nghi với cảnh ngộ bất như ý.
Anh tôi di tản đi Mỹ, thời gian đầu biệt tăm. Khi tôi báo tin, ký ức tôi chạm khắc sâu đậm một lần duy nhất trong đời, ánh nhìn thê thiết trong mắt mẹ. Từ đấy, mẹ tôi không nhắc đến anh nữa. Con gái tôi chết đuối trong một chuyến vượt biên năm 1979. Tôi giấu mẹ nhưng sư cô vô tình nói với bà, tôi gửi vong cháu vào chùa. Trước sau, mẹ tôi chọn sự im lặng để không nhân lên niềm đau, nỗi buồn.
Nhiều buổi tối như tối hôm đó, chờ tôi dọn dẹp xong, trẻ con ra ngõ chơi, mẹ gọi tôi: “Cúp điện nóng quá, cô cũng chẳng làm gì được, ra ngồi ngắm trăng con ạ!” Không chờ tôi mà mẹ tôi lần ra trước, tôi nghe tiếng cái quạt tre của bà phủi bụi quèn quẹt trên thềm xi măng. Có bữa tôi luộc khoai, có bữa còn vài trái bắp mẹ tôi mua từ chiều của chị bán rong qua cửa, mẹ tôi để sẵn vào cái rổ con và cắp theo ra cho trẻ con chốc chốc chạy về lấy ăn và chia cho bạn của chúng.
Chọn lựa sống thế nào là một thái độ có tính chủ động. Thời mẹ tôi, người đàn bà xuất thân nông thôn, mù chữ như mẹ tôi, có lẽ chưa hề biết đến hai chữ tự do nhưng sao trong bản thân, mẹ tôi biết cách nâng mình lên trên mọi bức bách, phiền lụy, biết tháo gỡ mình ra khỏi mọi xiềng xích khống chế của hoàn cảnh đến vậy? Có phải do mẹ tôi tự biết bẩm sinh trong bà có khả năng chọn lựa một cách thế sống thế nào cho phù hợp với mình không?
Dần dần tôi hiểu được rằng mỗi con người khi sinh ra, đã tiềm ẩn trong nó phẩm tính cao nhất là tự do. Chẳng phải trẻ con lúc còn bé cần được giáo dục để phẩm tính này như kim cương cần được mài giũa mới hữu dụng ư? Chẳng phải chúng ta quen hướng ngoại thay vì hướng nội để cứ phải đòi hỏi, đi tìm mãi tận đâu xa mà không dè tự do hiện hữu ngay trong tự thân? Chỉ cần mỗi người ý thức, nhận biết, phát huy nó, rèn luyện nó, nó là nguồn gốc của mọi sự tốt đẹp trên đời.
Tôi suy nghĩ riêng mình như vậy với đôi chút ngập ngừng, cho đến khi có cơ duyên được xem cuốn phim ngắn Hàn Quốc có nhan đề Xưng Tội (The Confession). Phim được thực hiện nhân Năm Thánh Lòng Thương Xót, được trao giải phim ngắn hay nhất và được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng mạng khắp nơi.
Truyện phim bắt đầu với cảnh một linh mục trẻ đang ngồi tòa giải tội nghe tín đồ xưng tội. Qua vách ngăn, vị thừa sai Công Giáo đoán được tâm trạng bôi rối của người bên ngoài với những khoảng im lặng khá lâu. Ông phải lên tiếng hai lần, cố chọn cách nói chậm, ở một âm vực trầm ấm, vừa khuyến khích, vừa cho người kia sự tin cậy để mở lời. Sau cùng, người bên ngoài khó nhọc đặt câu hỏi, nội dung muốn biết sau khi xưng tội, ông có được Chúa tha thứ không, ngay cả khi ông mắc tội trọng, là kẻ sát nhân?
Bất ngờ chạm mặt một hoàn cảnh khó xử, bây giờ đến lượt vị linh mục bối rối. Ông sửa lại dáng ngồi, thẳng lưng trên ghế, nhìn mông lung xung quanh, bán thân trên hơi cựa quậy, như thể cái ghế quá chật và ông phải tìm một cách để thích nghi. Lấy lại bình tĩnh, vị linh mục đặt những câu hỏi đời thường cho người tín đồ xưng tội, xem ông ta đã phạm tội giết người trong trường hợp nào, đã khai báo cảnh sát chưa, bao lâu rồi và tại sao mãi tới bây giờ mới quyết định tới đây thú tội…
Hồi tưởng đưa tới chỗ kẻ phạm tội nhắc đến địa danh Gayang-Dong và tai nạn đụng xe làm chết người nhưng bỏ chạy của ông ta 20 năm trước, không ngờ rằng vị linh mục đang ngồi nghe ông xưng tội hôm nay lại chính là đứa bé trai khóc cha trong cái đêm bi thảm ấy, trên con đường vắng ở Gayang-Dong.
Sau cơn giận dữ nổ ra không kềm hãm được về phía vị linh mục, xoay trở trong cái góc không gian chật chội của mấy bức tường mà ống kính đạo diễn đã zoom vào với nhiều ý nghĩa, tiếng thân thể người đàn ông đổ xuống sàn nhà bên ngoài làm động lòng trắc ẩn của vị chủ chăn đi rao giảng tình thương và ơn tha thứ.
Cha bước ra, đến chỗ người đàn ông khốn khổ đang nằm còng queo trên gạch, nâng ông ta dậy, để ông ta ngồi vào ghế giữa cơn ho rũ rượi, máu tràn trên tấm khăn giấy. Ông ta đang chờ chết vì ung thư giai đoạn cuối, đi xưng tội vì muốn thanh thỏa món nợ lương tâm không ngớt dằn vặt ông suốt hơn hai thập niên qua. Hận lòng vẫn chưa nguôi, mắt nhìn vẫn chưa thiện cảm nhưng vị linh mục trở lại tòa giải tội, lấy chiếc áo khoác và trở ra, đắp lên mình người tín đồ bệnh hoạn, có lẽ đang rất lạnh trong giáo đường không người mùa Đông.
Vị linh mục ra trước cung thánh, quỳ gối, ngước nhìn lên Chúa trên thánh giá cứu chuộc, khuôn mặt Chúa đầm đìa máu từ mão gai tuôn đổ. Nhìn sang Đức Mẹ, ánh sáng triều thiên rạng ngời dung quang Bà. Cha lần hạt và đọc kinh Lạy Cha, lắng nghe lời kinh thấm đượm vào tâm hồn khắc khoải.
Rồi Cha rời bàn thờ, trở lại chỗ người tín đồ cũng đang quỳ gối, gục đầu ăn năn và thở dốc từng hồi.
Một lần nữa, Cha đỡ ông ngồi lên ghế, cầm tay ông, ủ nó trong tay mình và mở lời: “Từ đáy lòng, tôi tha thứ cho ông. Chúa cũng tha thứ cho ông vì ông đã xin, bây giờ ông hãy tự tha thứ cho mình, đừng tự dày vò mình nữa vì thật ra, cha tôi đã không chết trong tai nạn tối hôm ấy. Cha tôi chỉ bị thương nặng và được bệnh viện cứu chữa. Hãy tự do để sống tốt và hạnh phúc.”
Nghe tới đây, cả khuôn mặt đã đầy tử khí của người tín đồ sáng bừng lửa hồi sinh, ông ta hét lên bằng tất cả sức lực tàn tạ của mình: “Cảm tạ Cha. Cảm tạ Chúa. Chao ôi, tôi đã sống 20 năm nay như một kẻ giết người!”
Và, vị linh mục đã chọn thể hiện tình người, lòng nhân đạo thay cho giáo luật cấm nói dối, thấy mình phải tiếp tục nói dối khi người đàn ông ngỏ ý xin gặp đấng sinh thành ra Cha để được đích thân nói lời tạ lỗi, “Bố tôi đã qua đời vì tuổi già ba năm rồi!”
Tất nhiên hành vi nói dối của vị linh mục có một ý nghĩa cao cả là đem lại sự bình an lúc chết cho một linh hồn khốn khổ đã hối hận nhiều vì sự sai trái của mình. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cuốn phim được khán giả tán thưởng, được Hội Đồng Chấm Giải xếp hạng mục cao nhất nhưng nhìn từ nhiều góc cạnh khác, nó cũng dung dưỡng những sai trái mới.
Quyết định riêng của một linh mục vượt qua giáo luật của giáo hội (sau việc này, liệu vị linh mục trong câu chuyện có xưng tội không và vị linh mục ngồi tòa giải tội sẽ giải quyết cách nào?).
Sự bất công về mặt xã hội khi tha bổng một tội phạm say rượu lái xe gây tai nạn chết người rồi đào tẩu, cho dù với lý do người này cần sự bình an trước khi đi về cõi khác.
Riêng tôi, kẻ viết bài này, tôi chỉ muốn nhân cuốn phim Xưng Tội, tập trung vào câu hỏi có hay không tự do như một bản năng bẩm sinh trong mỗi con người đứng trên muôn loài? Điều gì đã cho phép vị linh mục lấy một quyết định ứng xử vượt ra ngoài các giới răn ràng buộc ông về cả hai phương diện đạo và đời mà lẽ ra, ông biết rất rõ phải tuân thủ?
Tôi tin rằng chính cái mầm tự do bẩm sinh này, được trau dồi, rèn luyện theo cách riêng của mỗi cá nhân, thể hiện với trách nhiệm (như trường hợp vị linh mục trẻ trong phim Xưng Tội) sẽ là động cơ đưa đến những thành tựu nổi bật, khác với tự do bầy đàn phát sinh từ đám đông, dựa vào đám đông nên rất dễ trượt sang hỗn loạn.
Câu nói khiến tôi chú ý nhất là của vị linh mục trẻ: “Hãy tự do để sống tốt và hạnh phúc.” Trước khi nói với người tín đồ hối cải muộn màng, ông hẳn cũng đã nói với mình câu này để tự do lựa chọn với ý thức trong trẻo nhất, con đường mà từ trong lương tri, ông tin sẽ làm sáng danh Chúa cả trên trời, đem lại an vui cho người dưới thế, vượt lên trên mọi quy luật ước lệ.
Tự do trong ý nghĩa hoàn chỉnh và cụ thể nhất là phẩm tánh cao quý giúp mọi người, mọi tín đồ các tôn giáo đạt được cuộc sống tốt lành và hạnh phúc miễn là mỗi người tự khám phá được tự do ngay trong bản thân mình.
Bùi Bích Hà