Lân la khách lạ nên quen,
Rồi ngón tay tình chắp mối duyên,
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm hồ dễ đã ai quên.
(Thế Lữ, Lời Than thở của Nàng Mỹ Thuật)
Trằn trọc mãi Luân vẫn không thể nào nhắm mắt được, không nhắm mắt được không phải vì Luân khó dỗ giấc ngủ mà vì bụng Luân đói. Gần cả tháng nay, tấm thân trai trẻ cao hơn mét bảy nặng bảy tám chục ký đang tuổi lớn của Luân chỉ được nuôi dưỡng buổi sáng bằng một mẫu bột mì sú nước ép lại rồi nướng, to chừng nửa bàn tay, và buổi trưa buổi chiều mỗi bữa một lưng chén cháo bột mì nấu rau muống nêm muối. Nói cho đúng, phần ăn trưa tối có thể ăn đến no nhưng Luân mỗi bữa chỉ ăn được lưng chén là vì cách ăn học trò của Luân không tài nào đua kịp cách ăn lao động của các bạn khác. Nuốt nước bọt, cố nén tiếng bụng sôi, Luân thắc mắc mãi không hiểu tại sao các bạn khác có thể vục chén vào múc đầy cháo bột trong nồi đang sôi sùng sục, húp vội nuốt vội chẳng sợ nóng để kịp tranh múc chén khác. Cháo bột nhiều rau muống hơn sợi bột càng nóng thêm vì bột chín sền sệt giữ không cho hơi nóng thoát ra. Luân chợt nhớ đến tô canh bát bửu kiểu Quảng đông mà Luân đã một lần được thưởng thức. Canh bát bửu được nấu bằng tám thứ khác nhau. Thoạt nhìn vào và nếu không đưa tay sờ lên bên ngoài tô, người ta tưởng chừng tô canh đã nguội vì không một sợi khói nào bốc lên từ mặt tô canh sóng sánh mỡ yên tĩnh như mặt hồ lặng gió. Lớp mỡ giữ không cho hơi nóng thoát được ra ngoài dù chỉ một sợi mong manh. Người vô tình múc một muỗng đưa ngay vào miệng chắc chắn miệng lưỡi sẽ bỏng, nếu vội nuốt vào chắc chắn cổ họng sẽ cháy. Luân lẩm nhẩm:
“Cháo bột nóng như vậy sao họ ăn nhanh được, nghĩ cũng tài.”
Rồi Luân tự hỏi:
“Tài gì mình cũng có thể có sao lại chẳng có tài ăn cháo nóng?”
Một tháng trôi qua Luân vẫn không tài nào ăn kịp đồng bạn. Luân thở dài:
“Chóng thật, mới hôm nào mà đã một tháng.”
Đúng là mới hôm nào đang là sinh viên Luân nhận giấy triệu tập lên phường “làm việc” và được cho biết phải chọn lựa hoặc đi lính gọi là nghĩa vụ quân sự hoặc đi làm phu gọi là nghĩa vụ lao động. Suy nghĩ rất nhanh, Luân chọn giải pháp đi nghĩa vụ lao động. Chẳng phải Luân không biết thi hành xong nghĩa vụ lao động không đồng nghĩa với đã thi hành nghĩa vụ quân sự. Luân cũng biết rõ đi lao động là lao mình vào gian truân mệt nhọc quá sức một sinh viên chưa hề làm việc nặng như Luân. Tuy vậy, Luân cho rằng dẫu sao đi lao động cũng tốt hơn ít nữa trong giai đoạn hiện thời, tốt vì thời gian ngắn hơn, quá ngắn là khác, so với thời gian nghĩa vụ quân sự, chưa nói chuyện làm lính còn phải đi ra chiến trường nếu gặp buổi giặc giã. Thế là với ít quần áo trong ba lô, Luân đến trình diện sau khi đã bàn bạc hết cách với mẹ:
“Mẹ hiện thời chẳng biết cách nào để giữ con lại nhà. Thôi thì con cứ đi đi, sáu tháng gì đó con quay về mẹ sẽ liệu.”
Luân nhìn mẹ ngạc nhiên, chẳng hiểu mẹ nói liệu là liệu điều gì, liệu thế nào, chẳng lẽ lại liệu chuyện cưới vợ cho Luân? Nhìn mẹ rất nhanh, Luân lắc đầu nhè nhẹ, thầm nghĩ vợ con gì, mình mới có mười chín tuổi đầu. Lấy vợ về lấy gì mà ăn, nhất là đang thời buổi này. Không hiểu ý nghĩa cái lắc đầu nhẹ của Luân, mẹ Luân nhìn Luân ái ngại rồi móc ví lấy mấy chục bạc đưa cho Luân:
“Con giữ lấy mà ăn thêm. Mẹ mẹ đã nghe nhiều người nói ở đó họ không cho ăn uống đầy đủ đâu.”
Luân cầm tiền, lí nhí nói cám ơn mẹ, lòng thầm nghĩ ai bán gì ở đó mà mua, mà ai muốn bán cũng chẳng có gì để bán. Luân choàng tay ôm mẹ rồi vội vả khoác ba lô bước ra ngõ. Tới đầu ngõ, Luân đưa tay quẹt vội dòng nước đang thấm ướt cổ áo vai áo Luân: Dù cố không khóc thành tiếng, mẹ Luân vẫn không thể cầm được dòng nước mắt chảy ra.
Luân cắm cúi bước đi, con tim chợt nghe nghèn nghẹn.
***
Đoàn Molotova mấy chục chiếc đổ không biết mấy trăm thanh niên nam nữ xuống một bãi đất trống dọc một loạt lều tranh vách nứa lụp xụp gọi là láng. Đoàn người được chia thành tổ gọi là A, mỗi A hai mươi người, bốn A thành một đội gọi là B chiếm cứ một láng, bốn B thành một đoàn gọi là C. Bốn láng của một C dựng thành hình chữ U, hai láng hai đầu quay mặt vào nhau và hai láng nằm ngang quay mặt về bờ sông Thạch Hãn. Luân được xếp vào A3, B2, C1, Láng 2 quay mặt ra sông. Luân nhìn quanh. Ngoài loáng thoáng một số rất ít nam nữ mặt mày thanh tú trong y phục dẫu nghèo nàn vẫn không giấu được nét thư sinh, đa số còn lại đều có làn da cháy nắng, cánh tay trần màu đồng thau để lộ các bắp thịt không cuồn cuộn như lực sĩ nhưng rắn chắc biểu hiện đã quen với lao động chân tay ngoài trời. Luân cũng thoáng thấy vài đôi mắt con gái liếc nhìn Luân và hình như có ai đó mỉm một nụ cười kín đáo. Lòng run lên nhè nhẹ, Luân thở dài tự kiềm chế không cho con tim xao xuyến. Mười chín tuổi đời, Luân chưa hề rung động trước một người con gái. Con tim Luân không phải đã khô cằn, thân xác Luân không phải không biết bồi hồi trước người khác phái, diện mạo Luân không phải không đủ lôi cuốn, Luân chưa hề rung động chỉ vì tâm trí buộc Luân không được nghĩ đến tình yêu trong hoàn cảnh này khi đất nước đang lâm cảnh khốn khổ. Khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, mọi người đều ăn bo bo bột mì và rau củ, cá thịt đã trở thành xa xỉ. Thêm vào đó, người thành phố như gia đình Luân ngày đêm thấp thỏm không biết sẽ bị tống ra khỏi thành phố đi kinh tế mới vào lúc nào. Của cải riêng tư của mọi gia đình đều tan biến vì bị đánh tư sản, đồng tiền cuối cùng bị lấy mất vì đổi tiền. Miền Nam trù phú một sớm một chiều trở thành một miền đất đói khổ nghèo nàn, nhà nhà ăn bữa trưa lo bữa tối, ăn hôm nay lo ngày mai.
Cũng một sớm một chiều, khắp phố phường làng xóm miền Nam nổi lên các chợ trời bán đủ loại đồ cũ nguyên là đồ dùng gia đình. Người ta bán tháo bán đổ mọi thứ, từ quần áo giày dép đến giường tủ bàn ghế thậm chí đến các loại sách báo đĩa nhạc băng nhạc để có tiền mua thức ăn nuôi sống gia đình. Người buôn bán đều thành buôn bán lậu vì mọi thứ đều trở thành bị cấm bán từ lon gạo đến miếng thịt. Buôn mươi ký thịt, mươi ký gạo đều phải giấu kín tìm cách đưa vào Sài Gòn bán lại kiếm chút tiền lời. Bà hàng thịt trong chợ bày hàng nhưng không thấy miếng thịt nào trên sạp; có khách quen hoặc người mua không phải là đám cách mạng 30 giả dạng truy bắt, bà vội nháy mắt cho người phụ việc chạy vội về nhà đem ra đúng cân lượng muốn mua. Các phương tiện chuyên chở công cộng như xe đò xe lửa chở đầy người buôn lậu. Tài xế, lơ xe giúp bạn hàng giấu hàng những nơi hóc hiểm khó tìm thấy, hoặc nói cho đúng công an lưu thông không muốn tìm thấy vì đã bị tiền lộ phí che mắt. Xe lửa chạy chậm lại khi qua các khúc đường được bạn hàng mua trước để nhảy hàng. Chẳng học trường huấn luyện đặc công biệt động chuyên nghiệp nào, người buôn lậu xe lửa bất kể đàn ông đàn bà trẻ em đều trở thành người nhảy tàu chuyên nghiệp không sợ gãy tay gãy chân trật xương trật khớp.
Đặt ba lô lên chiếc giường tre vạc tre được chỉ định, Luân lấy ra những vật dụng đem theo sửa soạn giường ngủ: một tấm trải giường, một cái gối nhỏ, và một tấm mền mỏng. Nâng ba lô cho vào kệ cũng bằng tre phía trên đầu giường, chưa kịp ngồi lên giường nghỉ chân, Luân đã nghe tiếng còi tập họp. Vì không có loa phóng thanh, cán bộ chỉ huy trại phải hét lớn phổ biến nội quy, giờ lao động giờ nghỉ, các hiệu lệnh cần thiết:
“Các đồng chí là thanh niên, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Các đồng chí phải ghi nhớ lời Bác và các đồng chí lãnh đạo chỉ dạy, lao động là vinh quang, với sức người sỏi đá cũng thành cơm. Các đồng chí nhất trí không?”
Đoàn người cố sức la lớn nhất trí, nhất trí, tiếng hô dội lại rừng núi xa xa nghe như sóng ì ầm đáp trả. Luân há miệng la không thành tiếng. Bỗng Luân cảm thấy thân thể rã rời như thể mọi năng lực đã theo hơi miệng thoát hết ra ngoài.
***
Nằm trong mùng muỗi, Luân chà hai bàn tay vào nhau. Hai bàn tay quen cầm bút cầm đàn giờ đã sần sùi chai cứng nhiều chỗ. Qua ánh trăng lờ mờ lọt qua kẽ liếp, Luân nhận ra nhiều vết nứt trên hai bàn tay, vết đã thành sẹo, vết còn đóng cứng hai mép chờ lành, vết còn toang hoác rướm máu. Luân thở dài. Cho dẫu hai bàn tay sau một tháng đã chai dần vì dao vì cuốc, miệng và bao tử Luân vẫn không thể nào đủ chai để nuốt vội tô cháo bột sôi sùng sục. Bữa nào cũng như bữa nào, Luân vừa thổi vừa ăn được phần chén thứ nhất thì người cùng mâm đã múc chén thứ hai thứ ba. Khi đồng bạn ăn xong đứng lên cũng là lúc Luân ăn xong chén thứ nhất, trong nồi chẳng còn gì ngoại trừ chút nước và tí rau muống sót lại vừa đủ cho Luân húp vài muỗng. Và cứ thế, Luân càng ngày càng thấm đói. Một miếng bột nướng buổi sáng, một chén bột luộc buổi trưa, và một chén bột luộc buổi chiều không đủ nuôi cơ thể của chàng trai tuổi mới lớn đang cần đầy đủ chất bổ dưỡng. Năng lượng dự trữ của cơ thể ngày càng tiêu hao, cơn đói ngày càng càng hành hạ Luân, hành hạ đến độ Luân gần như không còn nhấc nỗi cuốc, không còn bưng nỗi tảng đất tảng đá nếu không cố gắng hết sức mình.
Có tiếng gà rừng và gà nhà xao xác báo hiệu bình minh sắp tới. Lại thêm một ngày gian khổ đang chờ đợi. Gần đầu nguồn sông Thạch Hãn nơi Luân phải lao động hằng ngày là một vùng đất khô cằn sỏi đá. Bên kia sông về hướng bắc là An Đôn và Nhan Biều hai vùng đất cằn cỗi. Bên này sông xa xa về hướng nam là Lavang đồi thấp đồi cao cũng sỏi đá cằn cỗi không kém. Về phía Tây đầu nguồn là sườn đông dãy Trường Sơn với núi đồi rừng rú trùng điệp của các quận Lao Bảo, Hướng Hóa, Cam Lộ. Thạch Hãn là tên con sông chính của Quảng Trị dài chừng 155 km bắt nguồn từ sườn đông dãy Trường Sơn, chảy qua các quận Cam Lộ, Hải Lăng, Thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, nhập với sông Hiếu từ Cam Lộ xuống chảy qua Đông Hà rồi đổ ra Cửa Việt. Con sông này trước đây được gọi là sông Thạch Hàn vì cho rằng ở mạch nguồn có một mạch đá ngầm ngăn chặn dòng nước phun ra thành dòng sông. Cũng như hầu hết các dòng sông ở miền Trung, sông Thạch Hãn mang ít phù sa nên nước trong xanh, vào mùa cạn có thể nhìn thấy đáy. Con sông đẹp, dòng chảy hiền hòa tưới mát đồng lúa các quận Hải Lăng, Triệu Phong, và làm cho núi rừng Lao Bảo, Cam Lộ thêm xanh tốt. Luân thở dài ra, giụi mắt, vén mùng chui ra. Các bạn cùng A cũng đang ra khỏi mùng, không ai giấu được nét mặt ngái ngủ khi lục tục kéo nhau ra bãi đất gồ ghề theo tiếng còi hiệu múa máy tay chân gọi là tập thể dục buổi sáng. Tiếng hô một, hai, ba, bốn đều đều như nhịp điệu một bài ca buồn tẻ không đánh thức được được đám trai trẻ vừa thiếu ngủ vừa thiếu chất bổ dưỡng. Bụng Luân lại réo sôi ùng ục. Cơn đói đang hành hạ Luân.
Tiếng hô giải tán chưa thoát hết khỏi miệng người điều khiển, cả bọn vừa ùa té chạy vừa hô khỏe. Luân cũng vội vàng chạy vào, vội vàng đánh răng rửa mặt qua loa, bụng vẫn sôi thành tiếng không cách nào kiềm hãm được. Luân chợt nghĩ đến đâu phải chỉ mình Luân đang đói mà cả miền Nam no đủ sau ngày gọi là giải phóng đều đang đói. Tất cả đều đói.
Thay vội quần áo lao động, Luân ra xếp hàng xuống nhà bếp lãnh miếng bột mì nướng phần ăn sáng và múc đầy bi đông nước đun sôi để nguội phần giải khát cho đến bữa ăn trưa. Cơn buồn ngủ vẫn chưa dứt nên bước chân Luân loạng choạng chừng như đang trong cơn mộng du.
Hàng đêm sau một ngày lao động mệt nhọc kiệt sức, đặt mình lên giường, Luân không tài nào nhắm mắt được phần vì bụng đói, phần vì nhớ mẹ nhớ anh nhớ chị nhớ gia đình, phần do ấm ức buồn phiền vì công việc chân tay vất vả không quen thuộc với một thư sinh mười chín tuổi như Luân, phần thức khuya thổi sáo giải nỗi lòng uẩn ức. Nhắm mắt lại, hình ảnh gia đình Luân quây quần bên mâm cơm lại ám ảnh Luân. Dù cũng phải ăn độn bo bo bột mì như bao nhiêu gia đình khác, anh chị em Luân chưa ngày nào phải ăn đói. Bữa cơm nào không nhiều thí ít cũng có chút cá chút mắm gọi là thêm chút protein cần thiết cho cơ thể. Để quên nỗi buồn phiền và qua cơn đói, những đêm đẹp trời và gió ven sông không lạnh quá, Luân lại để hồn nghệ sĩ trong Luân bừng dậy. Một mình ra ngồi trên một tảng đá ven bờ, Luân đưa sáo lên thổi gửi tâm hồn bay bỗng với trăng sao sông nước, giải tỏa u uất chất chứa trong tâm hồn. Giọng sáo khi ai oán não nề khi trách móc than vãn. Tuy chưa đủ điêu luyện mê hoặc lòng người như tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa hay của Tô Kiều Ngân, tiếng sáo của Luân cũng đủ làm rung động các tâm hồn ấp ủ máu văn nghệ thi ca. Đêm này qua đêm khác trừ những đêm mưa gió lạnh lẽo, Luân thả hồn theo tiếng sáo trong khi mọi người chìm trong giấc ngủ sau một ngày nhừ nhuyễn thân xác và rời rã tâm hồn. Nói cho đúng, không phải tất cả mọi người đều mê ngủ. Nhiều người đêm này qua đêm khác vẫn thao thức âm thầm thưởng thức tiếng sáo nỉ non của Luân, để hồn buồn khi giọng sáo u uẩn, phấn khởi khi giọng sáo véo von, và thấy lòng trống vắng đêm mưa gió khi Luân không ra ngoài thổi sáo được.
Một buổi sáng, khi nhận phần ăn sáng, Luân bỗng thấy trong lòng bàn tay dày cộm hơn và nặng hơn mọi ngày. Chưa kịp ngạc nhiên, Luân bỗng bắt gặp ánh mắt long lanh đen nhánh của một người con gái Luân mỉm cười kín đáo rồi khẽ chớp mắt ra hiệu cho Luân khép vội bàn tay che giấu những gì trong đó. Dưới ánh sáng mập mờ của bình mình chưa lộ hẳn, mái tóc huyền buông dài ngang lưng che khuất một phần khuôn mặt trái xoan với làn da trắng vẫn chưa bị sạm lại vì nắng gió lao động. Không để người chung quanh nhận ra, người con gái quay ngoắt đưa phần ăn cho người kế tiếp không kịp để Luân mỉm cười đáp lại. Ra khỏi cửa nhà ăn, nhìn vào lòng bàn tay đang cộm lên, Luân ngạc nhiên nhìn thấy một mẩu bánh nướng thứ hai ép sát mẫu bánh thường ngày. Lòng Luân chợt rộn lên một niềm vui là lạ, vui không phải vì được no bụng nhờ mẩu bánh thứ hai mà vì tâm trí vướng vất câu hỏi tại sao người con gái đó thêm phần bánh cho Luân. Cô ấy lấy đâu ra phần bánh thứ hai đó? Có phải cô nhường phần ăn của cô cho Luân không? Luân biết tổ chị nuôi có thể no bụng hơn nhờ số bánh hoặc thức ăn “không đẹp mắt” ví như cháy hay bể vụn nhưng không thể nào giữ riêng thêm một phần ăn nguyên vẹn. Thêm vào đó, điều Luân thắc mắc hơn cả chính là tại sao cô ấy biết Luân đang đói để cho thêm phần ăn?
Và từ hôm đó trở đi, mỗi buổi sáng Luân đều có thêm một phần ăn sáng. Cô gái biết tên Luân nhưng Luân chưa hề biết tên cô ấy. Đã nhiều lần Luân mon men xuống nhà bếp giả vờ xin nước nóng xin này xin nọ nhưng chưa một lần có cơ hội thuận tiện gặp riêng cô gái để hỏi tên hoặc nói một lời cám ơn. Dẫu sao, Luân cũng đã nhận ra rõ ràng nhan sắc của cô gái Huế. Gió mùa từ Lao Bảo thổi về mà người Quảng Trị quen gọi là gió Lào hun nắng hanh hừng hực chưa thể đốt cháy hết nét học trò trên khuôn mặt thơ ngây cũng như chưa thể làm khô cằn thân hình thon thả như cành trúc mảnh mai của cô gái. Luân nhớ đến câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ,
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Hàn Mặc Tử, Đây Thôn Vĩ Dạ)
Và từ ngày đó, đêm đêm tiếng sáo của Luân càng nỉ non hơn, càng tha thiết hơn vì giọng sáo đã phảng phất tiếng lòng Luân muốn gửi đến người con gái đang làm dậy sóng tim Luân. Luân gửi theo tiếng sáo nỗi lòng của Trương Chi mơ về Mỵ Nương, chỉ khác Luân không phải là anh chàng si tình xấu trai như Trương Chi và người con gái không phải là một nàng công chúa mà chỉ là cô anh nuôi đang thi hành nghĩa vụ lao động. Tiếng sáo vút lên cao khi Luân nghĩ đến đôi chân mày lá liễu, êm đềm dịu dàng khi nghĩ đến làn môi, và thiết tha âu yếm khi nghĩ đến mụ cười của người con gái đang có ma lực làm rộn rã con tim của chàng trai mười chín. Tiếng sáo đêm đêm càng nỉ non, ánh mắt hai người nhìn nhau hàng buổi sáng càng thêm thắm thiết và nụ cười rất nhanh hai người cho nhau càng thêm ấm áp. Luân mong ước có dịp gặp nàng để thổ lộ nỗi niềm đang bóp nghẹt con tim Luân.
Một đêm trăng sáng, Luân say sưa gửi lòng theo giọng sáo. Sợ bị kiểm điểm phê bình là lưu luyến chế độ cũ, là tiểu tư sản, Luân không dám thổi những bài tiến chiến đã từng quen thổi như Thiên Thai, Bến Xuân, Suối Mơ của Văn Cao; Dư Âm của Nguyễn Văn Tý; Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Quanh đi quẩn lại, Luân chỉ thổi được những bài na ná bài Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý hoặc Người Ơi Người Ở Đừng Về của Xuân Tứ, những bài với làn điệu tương đối mượt mà không có máu xương súng đạn. Thêm vào đó, Luân thổi những bài hoặc đã tự sáng tác hoặc do cao hứng đột xuất tức cảnh sinh tình. Đêm êm ắng quá, gió hiu hiu gợn sóng mặt sông dưới ánh trăng hạ tuần. Luân mơ hồ cảm giác Liêu trai, chợt nghĩ đến hồn ma bóng quế hoặc hồ ly tinh giả dạng người đẹp theo tiếng sáo đến trêu Luân. Cố lấy hết thản nhiên, Luân rướn tiếng sáo lên cao cố xua đuổi ý nghĩ quỉ mị. Trăng hạ tuần đã ngã về Tây. Bỗng, Luân cảm thấy rờn rợn như thể một làn gió thoảng, một hơi thở nhè nhẹ đang mơn man sau gáy Luân. Muốn ngưng tiếng sáo quay đầu nhìn lại kiểm soát cảm giác của chính mình nhưng không biết một ma lực nào Luân không cho quay đầu lại được. Tiếng sáo vẫn tiếp tục lung linh. Cảm giác rờn rợn vẫn chạy dọc xương sống. Hồn ma bóng quế nào đang trêu ghẹo Luân? Một hồ ly tinh? Một hồn trinh nữ nợ tình chưa dứt? Ý nghĩ gặp ma như trong Liêu trai Chí dị làm Luân lạnh người, dợm đứng lên quay về lán. Nhưng, một giọng nữ nhẹ nhàng như hơi thở thì thào bên tai Luân:
“Anh Luân thổi tiếp, đừng để người ta chú ý.”
Giật thót người, Luân tiếp tục thổi câu nhạc dang dở, lấy hết can đảm ngoái đầu nhìn về phía tiếng nói. Nàng. Thì ra là nàng, người con gái chưa biết tên mà Luân đang thầm yêu. Nhẹ nhàng, nàng ngồi xuống cạnh Luân, tiếng nàng êm như bài thơ hòa theo tiếng sáo rót vào tai Luân:
“Em tên Lan, Tôn Nữ Diệu Lan, mười tám tuổi. Em đang học lớp 12 trường Hai Bà Trưng, bị gọi đi nghĩa vụ lao động vì ba em là sĩ quan ngụy.”
Hai Bà Trưng là tên mới của trường Đồng Khánh sau 1975. Luân đổi tiếng sáo qua bài Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, bất chấp ngày mai có thể bị phê bình kiểm điểm trong buổi họp tổ hàng đêm. Trong bầu khí thơ mộng, bên hơi thở ấm ấp và tiếng nói dịu dàng của người con gái Huế mà Luân đã nhiều đêm ấp ủ trong mộng, Luân không kiềm chế được tiếng lòng phổ qua giọng sáo:
Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng,
Nhớ chăng non nước Hương Bình,
Có những ngày xanh,
Lưu luyến bao tình,
Vương mối tơ mành.
(Dương Thiệu Tước, Đêm Tàn Bến Ngự)
Lan vẫn nói nhẹ nhàng:
“Anh đừng ngưng sáo. Em sẽ cho anh biết điều anh đang muốn biết, không cần phải hỏi.”
Luân khẽ nghiêng mình nhìn nàng gật đầu, tiếng sáo vẫn tha thiết nỉ non. Lan thỏ thẻ:
“Em biết anh đang là sinh viên và đang đói vì không thể nào ăn kịp bạn cùng tổ vốn quen với quen nếp sống lao động chân tay.”
Ngừng một chút nhìn sâu vào đôi mắt Luân đang long lanh phản chiếu ánh trăng, Lan nói tiếp:
“Mấy bạn cùng đội với anh đã cho em biết, còn hỏi em có cách nào giúp anh. Nghĩ hết cách, em chỉ còn cách giúp anh thêm phần ăn sáng.”
Hơi lạnh từ thân thể Lan tỏa ra phảng phất hương thơm trinh nữ, một hương thơm kỳ lạ tách biệt với mùi thơm của hoa cỏ đồng nội, của sương đêm, và của hơi nước toát lên từ sông Thạch Hãn. Tâm hồn Luân bỗng lâng lâng một rung động lạ thường. Cô gái ngồi cạnh Luân không còn là cô Lan chị nuôi mà là nàng Tiên như nàng Tiên trong bài thơ văn xuôi Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử.
Tiếng xào xạc hấp tấp của một chú chồn chú chuột thoắt từ bụi rậm này qua bụi rậm khác làm đôi bạn giật mình. Luân trở về thực tại. Hấp háy mắt nhìn Lan, Luân muốn hỏi có phải Lan nhường phần ăn sáng của nàng cho Luân không. Như hiểu ý, Lan nói tiếp:
“Em không nhường phần ăn của em đâu, chỉ xin thêm một phần vì bột bắt bánh thế nào cũng còn thừa đủ làm thêm vài cái. Em nói rõ cho mấy chị cùng tổ chị nuôi để các chị khỏi thắc mắc. Họ cũng một số là sinh viên học sinh nên ủng hộ em, thông cảm với việc em giúp anh.”
Từ đó, đêm nào tiếng sáo của Luân cất lên, Lan lại ra ngồi cạnh Luân thủ thỉ tâm tình. Lan bảo Luân:
“Không riêng gì em, mấy chị cùng tổ đều mê tiếng sáo của anh. Tiếng sáo giải tỏa niềm u uất mà hình như người nào cũng có khi phải lao động vất vả ở nơi này.”
***
Gian khổ rồi cũng trôi qua. Mấy tháng lao động chân tay dưới tên gọi mĩ miều là nghĩa vụ lao động cũng trôi qua. Đêm cuối cùng trước khi chia tay, một đêm trăng tròn, Luân không thổi sáo. Ngồi sát bên nhau, Luân thì thầm nói yêu Lan trong khi thực sự Luân cũng chưa hiểu yêu là gì. Quàng tay ngang lưng Lan, Luân nói với Lan đủ thứ chuyện, chuyện gia đình, chuyện học hành, chuyện sẽ làm gì khi từ đây trở về, đủ thứ chuyện rừ chuyện nói lên một lời hứa hẹn tiếp tục cuộc tình vừa mới bắt đầu. Chẳng ai trong hai người hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là hứa hẹn tương lai. Tình yêu của đôi bạn chỉ là sự rung động của hai con tim lần đầu biết rung động; tình yêu không chút vẩn đục dù chỉ trong mơ ước như mơ ước một nụ hôn. Đôi bạn như đôi chim lần đầu tiên lìa tổ, nhìn về chân trời biết đất trời bao la đủ cho chim sãi cánh nhưng chưa biết phải đập cánh thế nào. Lời hứa hẹn duy nhất hai người nói với nhau là ghi cho nhau địa chỉ để tiếp tục liên lạc khi về tới Huế.
Mừng rỡ đón Luân trở về lúc chiều đã muộn, mẹ Luân chua xót nhìn da con cháy nắng và đôi bàn tay con sần sùi nứt nẻ. Ngay đêm đó, chờ cả nhà ngủ say, mẹ Luân đánh thức Luân dậy bảo vào phòng mẹ. Mẹ nói:
“Luân, mẹ thấy con ở đây không còn yên ổn nữa cũng chẳng có tương lai.”
Luân nhìn mẹ ngạc nhiên chưa hiểu ý mẹ muốn nói gì.
“Nghĩa vụ lao động chỉ giúp con yên ổn tạm thời. Họ sẽ gọi con đi nghĩa vụ quân sự không biết lúc nào, nhất là lúc này chiến trường Campuchia đang sôi động.”
“Vậy mẹ muốn con làm gì?”
Mẹ Luân nhìn Luân đầy thương mến:
“Cách duy nhất cho con có tương lai là con phải rời khỏi đất nước này.”
Luân quay lại trố mắt nhìn mẹ:
“Vượt biên? Nhà mình tìm đâu ra tiền cho con vượt biên?”
Mẹ Luân mỉm cười:
“Nhà mình không tìm đâu ra nhưng mẹ biết cách xoay xở.”
“Ý mẹ là….?”
“Là ngay sáng sớm ngày mai mẹ sẽ dẫn con xuống Thuận An, ở đó vài ngày đợi đi với người ta.”
“Nhưng mà….”
Mẹ Luân nghiêm nét mặt:
“Không nhưng nhị gì cả. Gia đình mình chỉ còn con là trai lớn. Anh con đã có vợ con, khó lòng rứt bỏ được, em con còn nhỏ chưa đến nỗi nào. Chỉ mình con đủ tuổi để làm bia đỡ đạn cho họ.”
Không ai không biết đi vào lính gọi là thi hành nghĩa vụ quân sự là một đi khó trở về. Hơn thế nữa, hình ảnh các gia đình xóm giềng có thân nhân “Việt kiều” nhận được quà cáp từ bên Tây bên Mỹ gửi về làm lòng Luân rộn lên một niềm hy vọng. Những phong kẹo chewing gum thơm phức, những thỏi kẹo chocolate ngọt lịm mà mấy cô bạn cùng xóm thỉnh thoảng lén người nhà đưa cho Luân nếm thử còn vương vấn trong tâm trí Luân. Vượt biên thành công không chỉ giải thoát đời Luân mà còn giải thoát cuộc sống của mẹ và anh chị em Luân, của cả gia đình Luân. Viễn ảnh tương lai hứa hẹn khiến Luân cảm thấy tràn ngập niềm vui. Chợt nghĩ đến Lan, Luân hỏi mẹ:
“Sao gấp quá vậy mẹ, cho con một tuần lễ được không?”
Mẹ Luân nghiêm sắc mặt:
“Không được. Một là vì tàu họ sắp đi, may mà con về kịp. Hai là con đi ngay nếu tụi nó hỏi mẹ dễ trả lời. Mẹ sẽ nói là cứ tưởng con còn ở Quảng Trị lao động, không thấy con về nhà. Như thế tụi nó sẽ không hoạnh họe mẹ được.”
“Nhưng lỡ đi không thoát thì sao?”
“Thì mẹ sẽ tính. Trừ phi con bị bắt ở tù, còn không mẹ sẽ gửi con vào Sài Gòn cho đến khi đi được.”
Thế là Luân ra đi không báo cho Lan biết. Thêm nữa, nỗi vui vì sắp thoát cũi sổ lồng làm Luân quên hết tất cả. May mắn, chuyến đi thành công, Luân được vớt lên đảo rồi được định cư ở Mỹ.
Vất vả với cuộc sống mới, với việc gầy dựng tương lai, và lo có tiền để giúp đỡ gia đình còn lại ở quê nhà, Luân không còn thời gian để nhớ đến Lan hoặc đến bất cứ chuyện gì khác. Giờ đây, khi cuộc sống đã ổn định, khi tuổi đời đã chồng chất, Luân có lúc nhớ lại mối tình của tuổi thơ dại đầu đời và lòng thầm rung động vì cái thuở ban đầu như Thế Lữ đã viết, Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy; Nghìn năm hồ dễ đã ai quên. Luân thầm nghĩ đâu đó trên thế gian này, người con gái tên Lan của những ngày đói khổ không biết giờ này mất còn thế nào. Thở dài, Luân thầm nhủ:
“Liệu người con gái ngày xưa ấy có lúc nào thoáng nghĩ đến Luân, đến người đã được nàng cứu đói? Liệu mối tình thơ dại có ghi chút dấu ấn nào trên cuộc đời nàng không?”
Trần Hữu Thuần