Minister of Information Nguyen Manh Hung meets with southern IT companies, July 15, 2019
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam mới đây lại nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng mạng xã hội riêng của đất nước để thay thế Facebook, điều mà một nhà nghiên cứu tại Singapore bình luận với VOA là “không khả thi”.
ICT News, VnExpress, VTC và các báo khác đưa tin cho hay Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “khuyến khích” các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng “một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới”.
Ý kiến của bộ trưởng thông tin và truyền thông được đưa ra khi ông gặp cộng đồng công nghệ thông tin-truyền thông phía nam hôm 15/6 ở thành phố Hồ Chí Minh, các bản tin cho biết.
Bộ trưởng Hùng được báo chí dẫn lời phát biểu rằng: "Tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa”. Minh họa thêm cho quan điểm của mình, ông Hùng cho rằng đã đến lúc cần một mạng xã hội mà giá trị do cộng đồng tạo ra “được chia sẻ” chứ không “đổ về cho một người".
Ông kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tạo ra mạng xã hội “đối trọng, khác biệt Facebook”, theo các bản tin.
Nói về công cụ tìm kiếm, vị bộ trưởng thông tin và truyền thông nhận xét rằng Google “dựa vào tiền trả cho họ để đưa kết quả lên trước”. Các bản tin không cho biết là ông Nguyễn Mạnh Hùng có đưa ra bằng chứng nào để củng cố lời cáo buộc của ông hay không.
Vị bộ trưởng cũng đề cập đến điều mà ông cho là một bất cập khác của Google, đó là khi một người bình thường có một câu hỏi, Google cho ra hàng triệu câu trả lời “rất khác nhau và cũng không biết đâu là đúng, đâu là sai”.
Những vấn đề kể trên của Facebook và Google, theo Bộ trưởng Hùng, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt “có cơ hội lớn” để phát triển một hệ sinh thái, triết lý và mô hình kinh doanh mới “không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới”.
Tuy nhiên, đưa ra góc nhìn khác về việc xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp hiện đang làm việc ở Singapore nói với VOA rằng ý tưởng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “không thực sự khả thi”.
Nhà nghiên cứu thuộc Viện Iseas Yusof Ishak lưu ý đến các khó khăn về kỹ thuật và thị trường ở thời điểm Facebook đang hết sức mạnh mẽ. Ông Hiệp chỉ ra rằng ngay như Google, một hãng lớncủa Mỹ với số vốn khổng lồ, mà vẫn thất bại sau khi tung ra mạng xã hội Google+.
Một yếu tố quan trọng khác là sự quen thuộc và tính kết nối với thế giới, theo tiến sĩ Hiệp, vì vậy “rất khó” để thuyết phục họ chuyển sang mạng xã hội khác. Ông nói:
“Những người dùng ở Việt Nam không chỉ có nhu cầu kết nối với người dùng ở Việt Nam không, mà còn có nhu cầu kết nối với bạn bè, đối tác, đồng nghiệp, v.v… ở nước ngoài. Một cái mạng chỉ dành riêng cho người Việt Nam mà không có người nước ngoài trên đấy thì sẽ rất hạn chế. Ở Việt Nam hiện tại, Facebook đang chiếm thị phần áp đảo. Chính vì vậy, để mà một mạng xã hội mới làm sao mà có thể thay thế Facebook thì tôi nghĩ hầu như là không thể”.
Tính đến hết năm 2018, với 60 triệu tài khoản Facebook do người Việt đứng tên, Việt Nam là quốc gia đứng hàng thứ 7 trên thế giới về lượng người sử dụng Facebook đông đảo.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp không loại trừ việc chính quyền có thể đi tới động thái quyết liệt là cấm Facebook, nhưng cách làm này sẽ dẫn đến những phản ứng từ người dân như biểu tình và sử dụng các phần mềm vượt tường lửa.
Theo tiến sĩ Hiệp, ngay cả khi Việt Nam chặn Facebook giống như nước láng giềng Trung Quốc cùng ý thức hệ cộng sản đã làm, xác suất để mạng xã hội riêng của Việt Nam thành công không hề cao do quy mô thị trường 96 triệu dân của Việt Nam quá nhỏ so với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc.
Mong muốn của chính quyền Việt Nam về một mạng xã hội riêng đã được nêu ra nhiều lần. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 6 năm nay, Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản khai trương hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo, gọi tắt là VCNET.
Một phần hệ thống này là một mạng xã hội để “chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền về các chủ trương đường lối của đảng, nhà nước và phản bác các thông tin sai trái”, Ban Tuyên giáo cho hay.
Đánh giá về những nỗ lực như vậy, tiến sĩ Hiệp cho rằng mạng xã hội của Việt Nam khó thu hút người tham gia còn vì hai lo ngại về bảo mật thông tin người sử dụng và sự kiểm duyệt. Ông phân tích với VOA:
“Mạng quốc tế như Facebook họ có quy chuẩn riêng về bảo vê thông tin người dùng. Một mạng của Việt Nam, nhất là mạng được phát triển bởi công ty quốc doanh, thì rất khó đảm bảo yếu tố đó khi mà họ chịu rất nhiều sức ép từ giới chức Việt Nam. Khi mà mạng đấy do Việt Nam kiểm soát, họ sẽ dễ dàng kiểm duyệt hơn so với các mạng của các công ty đa quốc gia như là Facebook chẳng hạn”.
Mạng VCNET ra đời sau 9 tháng kể từ thời điểm ông Nguyễn Mạnh Hùng còn là Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nêu ra đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “phát triển mạng xã hội Việt” vào đầu tháng 9/2018.
Dư luận bày tỏ trên Facebook và các nhà hoạt động bình luận với VOA ngay sau khi mạng này được khai trương rằng việc Ban Tuyên giáo xây dựng VCNET không khác gì là “lại đổ đi cả đống tiền một cách vô ích”.
Theo VOA