CIA từng bị mất nhiều người ở Trung Quốc
Tháng 5/2017, báo The New York Times gây chấn động với loạt bài tiết lộ cơ quan tình báo Mỹ CIA đã bị mất nhiều liên lạc người Trung Quốc kể từ năm 2010.
Có những người đã bị phản gián Trung Quốc bắt, một số người bị xử bắn. Tờ báo Mỹ mô tả có một cán bộ bị bắn chết ngay trước mặt các đồng đội.
Cơ quan phản gián của CIA cùng với FBI đã phải lập một nhóm điều tra, lấy tên Operation Honey Badger, để đánh giá vì sao dẫn tới thất bại nghiêm trọng này.
Cuộc chiến phản gián giữa Mỹ và Trung Quốc gợi nhắc lại cuộc đối đầu giữa KGB của Liên Xô và CIA thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Từ lúc ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư cuối năm 2012, ông đã tăng cường chiến dịch lùng tìm nội gián.
Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc từng hứa giải thưởng tối đa 77.000 đôla cho ai giúp phát hiện "người đóng vai trò quyết định ngăn chặn hoạt động tình báo".
Tình báo trưởng của CIA tại Bắc Kinh thực tế là có đăng ký khai báo chính thức với phía Trung Quốc. Điều này có được là nhờ sự hợp tác hạn chế Mỹ - Trung từ thời khi hai nước cùng chống Liên Xô ở Afghanistan.
Tuy vậy, Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự theo dõi chặt chẽ các nhân viên tình báo của nhau.
Vì lẽ đó, CIA thường không trực tiếp tuyển mộ người liên lạc ở Trung Quốc, mà dựa vào các nguồn thứ ba. Đó có thể là những điệp viên đánh thuê, hoặc các cơ quan tình báo phương Tây, cũng như của Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc, sẽ giúp tuyển người cho CIA.
Các phát hiện của Trung Quốc cho thấy Mỹ có nhiều quan chức cao cấp làm việc cho họ tại Trung Quốc.
Roger Faligot, phóng viên điều tra người Pháp, vừa ra mắt sách Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping.
Trong sách, ông cho hay năm 2010, Li Hui, thư ký cho một thứ trưởng tại chính bộ an ninh quốc gia, rơi vào lưới tình một phụ nữ người Mỹ gốc Trung Quốc, khi đến Hong Kong.
Li Hui, 40 tuổi, đồng ý làm việc cho CIA. Nhờ ông ta, mà FBI đã tổ chức bắt nhiều điệp viên Trung Quốc tại Mỹ.
Ông Tập Cận Bình
Đến tháng 3/2011, an ninh Trung Quốc tóm được Li Hui.
Sếp của ông ta, thứ trưởng an ninh Lu Zhongwei, bị cách chức tháng 6/2012.
Vài tháng sau, một thứ trưởng an ninh khác, Qiu Jin, bị tố cáo là điệp viên kép.
Cuối năm 2014, Liang Ke, trưởng phòng an ninh tại Bắc Kinh, bị bắt cùng nhiều đồng chí.
Người thay thứ trưởng Qiu Jin là Ma Jian, chuyên về khu vực Bắc Mỹ.
Nhưng không lâu sau, tháng Giêng 2015, đến lượt Ma Jian bị tống giam vì tội tham ô và làm gián điệp.
Tháng 4/2016, Trung Quốc công bố một đoạn băng quay cảnh Ma Jian thú tội rằng ông ta cần tiền cho sáu cô bồ. Ma Jian bị kết án tù chung thân tháng 12/2018.
Sự hỗn loạn và thanh trừng không chỉ xảy ra tại bộ an ninh quốc gia.
Đại sứ Trung Quốc tại Iceland Ma Jisheng cùng vợ quay về nhà ăn Tết đầu năm 2013.
Vừa xuống máy bay, họ bị an ninh bắt giữ với tội danh làm tình báo cho Nhật Bản.
Trước đây, năm 2006, đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Li Bin bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ.
Tại Mỹ, chính phủ cũng tiếp tục điều tra sự xâm nhập của tình báo Trung Quốc.
Tháng 4/2019, cựu nhân viên ngoại giao Candace Marie Claiborne nhận tội đã nói dối về số tiền nhận của tình báo Trung Quốc.
Hai nhân viên Mỹ, Kevin Mallory và Jerry Chun Shing Lee, từng làm việc tại Bắc Kinh cho tới năm 2007.
Năm 2019, Kevin Mallory bị kết án tù 20 năm vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Kevin Mallory
Jerry Chun Shing Lee cũng đã nhận tội làm tình báo cho Trung Quốc.
Jerry Chun Shing Lee, 54 tuổi, được hai sĩ quan tình báo Trung Quốc tiếp cận năm 2010, đề nghị trả 100.000 đôla và 'chăm sóc' ông ta suốt đời vì những thông tin mà ông này có được khi còn là nhân viên CIA. Lee rời CIA năm 2007 và chuyển đến Hong Kong.
Hàng trăm ngàn đô la sau đó được gửi vào tài khoản ngân hàng cá nhân của Lee, từ năm 2010 đến 2013, theo bản cáo trạng.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ về vấn đề gián điệp kinh tế.
Theo BBC