Cụ có nhận thấy rằng, con người chẳng ai giống ai. Có người đẹp , có người xấu, có người không xấu không đẹp. Có người rất dễ thương, chỉ cần nhìn thấy đã có cảm tình nhưng mà đánh nét ra thì chẳng có gì là xuất sắc, nhưng trông toàn thể lại rất đặc biệt, ưa nhìn. Có người mới nhìn thì đẹp, nhưng nói chuyện vài câu là chỉ muốn bỏ đi ngay. Có người giản dị, không trang điểm lòe loẹt, không ăn mặc đúng thời trang, không đeo vòng vàng, kim cương như một cái tủ của tiệm kim hoàn, nhưng lại rất lịch sự, đài các, thanh lịch. Có người mang cả một tiệm kim hoàn trên người, quần áo toàn đồ có nhãn hiệu, mắc tiền, mà trông vẫn kệch cỡm, không thế giấu được cái gốc gác quê mùa của mình.
Nếu cụ cũng khó khăn, đánh giá con người không qua cái vỏ - như tôi - thì chúng mình sẽ nói chuyện tiếp. Còn nếu cụ tin rằng người tốt về lụa, lúa tốt vì phân, chân tốt vì hài, tai tốt vì nụ, thì mình không đồng ý với nhau ngay từ căn bản rồi, nói nữa chỉ thêm bất đồng ý kiến thôi. Tôi không nói trái lại với cụ vì những thứ làm cho lúa tốt, chân đẹp, tai xinh, tôi chỉ không đồng ý là người tốt về lụa thôi. Lụa cũng có thể làm cho con người tốt được một phần nào – một phần bề ngoài thôi – nhưng không thể thay đổi hẳn giá trị của một con người, vì con người không phải chỉ có bề ngoài, mà còn cái bề trong, cái tâm hồn, mới là đáng kể. Con người không phải chỉ là con công, con phượng, con hùm, con beo, mà chỉ cần nhìn bộ lông là đủ.
Cụ có thấy rằng, ngày nay nghệ thuật giải phẫu thẩm mỹ, không nước nào tranh tài được với Đại Hàn. Những tài tử Đại Hàn, nam cũng như nữ, có thể nói rằng đều có một nét đẹp toàn hảo, nhưng cụ nhìn riết, cụ thấy người nào cũng giống y như người ấy. Tôi xem một bộ phim chừng vài chục tập, mà suốt từ đầu đến cuối cuốn phim, tôi chịu, tôi vẫn không nhận được ai vào với ai, anh nào là chồng chị nào, chị nào là người tình của anh nào, vì tất cả đều giống y chang nhau, chẳng biết ai là bản chính ai là bản sao của ai. Tất cả đàn ông đều đẹp trai như nhau. Tất cả đàn bà cũng đều từ cùng một khuôn đúc ra. Thiếu sự khác biệt nên không còn gì hấp dẫn nữa. Nghệ thuật giải phẫu thẩm mỹ đem lại cho con người một sắc đẹp toàn thiện, toàn mỹ. Nếu không tính đến cái tâm hồn, cái tính tình, cái tính nết bên trong thì chẳng hóa ra tất cả mọi người đều như nhau, đều giống nhau hết cả hay sao? Không có người xấu, làm sao biết ai là đẹp. Không có người béo, biết thế nào là gầy. Không có người ác, biết ai là hiền, không có người vô duyên làm sao biết ai có duyên. Và điều quan trọng nhất, có cái xấu để làm tiêu chuẩn thì mới thấy cái đẹp là đáng quí, cho dù là đẹp bề trong hay đẹp bề ngoài.
Ngày nay, sắc đẹp bên ngoài, sự hấp dẫn của những đường cong của thân thể, đôi mắt nai tơ với hai cặp lông mi cong vút, không còn gì là đáng quí, đáng kiêu hãnh, vì chẳng phải là của Trời cho mà chỉ là một món hàng có bán đầy trên thị trường. Ai muốn mua đều có thể mua được, chỉ cần có tiền. Ngay cả những cặp chân mà người trong nước gọi là dài đến nách, muốn có cũng còn được huống chi mấy cái món lẻ tẻ khác như môi cong, miệng rộng, má lúm đồng tiền, vú bự, mông to. Vì thế người đẹp thời nay không hiếm. Muốn đẹp tới cỡ nào cũng có, muốn đẹp theo kiểu nào cũng được. Vậy thì, người ta lấy gì để đánh giá người đẹp đây? Phải chăng người đẹp nhất là người bỏ ra nhiều tiền nhất để tu bổ nhan sắc, hoặc là người phải bỏ ra ít tiền nhất để tô sửa lại. Xét ra thì hai câu trả lời trên đều không sai. Người bỏ tiền nhiều để sửa là người có nhiều sai sót hơn là người cần tu sửa ít. Nhưng cũng có thể hiểu được là sửa nhiều nên đẹp hơn. Cái đó là tùy ý từng người đối diện. Nhưng với tôi thì kiếm được một người chưa hề trải qua dao kéo – vào thời buổi này – hơi khó. Như vậy thì làm sao chấm điểm ai là người đẹp, ai là người không đẹp? Lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá người đẹp?
Cụ có thấy rằng, ngày nay, trong tất cả những cuộc thì hoa hậu làng, hoa hậu tỉnh cho tới hoa hậu quốc gia, hay quốc tế, thì cũng có màn thi ứng sử - phải không nhỉ? Tôi chưa đi thi bao giờ nên không biết người thời nay gọi nó bằng cái tên gì? – để thêm điểm cho người đẹp. Vì cái điểm này mới là cái điểm thật của thí sinh chứ không như mấy cái điểm đẹp là điểm của ông bác sĩ thẩm mỹ. Người ta hỏi thí sinh một câu hỏi về sự hiểu biết thường thức để chấm điểm cách nói năng cùng sự hiểu biết của thí sinh. Thật ra thì người ta làm ra thế để chứng minh rằng người đẹp này cũng có chút thông minh, cũng biết ăn nói chứ không đến nỗi là người giả, chỉ có mặt mũi thân hình, còn cái đầu trống rỗng. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh, người ta chỉ tính đến cái cách ăn nói của thí sinh mà chẳng ai chú ý tới lời nói, tư tưởng của thí sinh vì trong vài phút đồng hồ, làm sao đủ để đưa ra một chương trình ích quốc lợi dân khi thí sinh trúng tuyển, đăng quang thành mẫu nghi thiên hạ. Cho nên chớ nghe lời nói mà chỉ cần nhìn cách nói mà cho điểm. Sống ở thời điểm này, con nít cũng biết rằng sắc đẹp và trí tuệ là hai kẻ thù không đội trời chung. Một là cụ có cái này, hai là cụ có cái kia. Cụ đừng bao giờ hy vọng có cả hai mà phiền. Xin nhớ cho rằng đây là một cuộc thì sắc đẹp, cho nên cụ làm ơn quên đi cái sự thông minh của thí sinh. Người ta thi sắc đẹp chứ người ta không thi bằng tiến sĩ, hay thạc sĩ gì cả. Xin cụ nhớ cho như vậy.
Cứ cho là với cái điểm ứng sử, như vậy cũng coi như là đã giải quyết cái sự người đẹp trong các cuộc thi hoa hậu, thế nhưng còn ở ngoài đời thì sao? Cụ thấy rằng cái chiêu thức cái nết đánh chết cái đẹp có còn xài được không? Tôi ba phải, cụ hỏi tôi làm gì. Đôi khi tôi thấy cái nết cũng cần thiết đấy, nhưng nó chả đủ sức đánh chết cái đẹp phải không cụ. Nhiều lúc nhìn mấy nàng không có nết mà phát chết khiếp lên. Nhưng nhìn mãi một nàng không đẹp thì cuộc đời cũng chẳng thể nở hoa. Ít nhất mỗi thứ cũng phải có một chút thì cuộc sống mới thăng bằng, còn chả cần đẹp như hoa hậu, như người mẫu, nhưng cũng không nên xấu như ma, như quỉ Dạ Xoa thì cho dù có ngoan như cô Tấm thì cuộc đời cũng tẻ ngắt. Nhưng mà đẹp như tiên mà lòng dạ quỉ quyệt thì sống cũng như chết, nhất là đối với cái người sống chung, chia sẻ cuộc đời với cô ta.
Thật ra thì tôi cũng chả ham cái đẹp và cái nết cho lắm, nhưng đối với tôi, điều quan trọng nhất ở người phụ nữ là cái duyên và cái đức. Để lúc nào rảnh sẽ bàn đến hai cái vụ này.
Bà ba phải (Viendongdaily)