Năm nay dường như khu phố quanh vùng tôi sống, thiên hạ vui chơi đốt pháo bông mừng lễ Độc Lập mồng 4 Tháng Bảy khá nhiều so với mọi năm, mãi đến hơn nửa khuya mà pháo hoa vẫn còn rực rỡ qua khung cửa sổ phòng ngủ, dù rằng sáng hôm sau là Thứ Sáu vẫn có một số người vẫn phải đi làm. Có lẽ chỉ số dow jones vào cuối tháng 6 đã gia tăng đến 26,599.96 số điểm cao nhất kể từ năm 1938. Mức chứng khoán lên cao sẽ tạo nên nhiều người được giàu thêm, tôi chỉ mong đó sẽ không là những chiếc bong bóng mau bị xì hơi. Hằng năm các cơ quan chính phủ, nhất là sở bảo vệ thú vật thường xuyên nhắc nhở dân chúng nhớ chăm sóc các thú cưng như chó, mèo… đừng để chúng ngoài sân, sợ tiếng pháo nổ làm chúng sợ. Tôi còn nhớ có một năm, hơn 10 giờ tối đêm lễ 4 Tháng Bảy, bà hàng xóm ẵm qua con chó Bichon đi lạc, nhờ tôi giữ dùm vì con chị bị dị ứng lông chó. Sáng ngày hôm sau khi vừa lái xe đi làm thì tôi thấy hình con chó được in và dán trên các cây quanh vùng. Tôi vội điện thoại về cho ông xã và nói anh ra xem thông báo có phải con chó mình đang giữ không. Khi chúng tôi trả về cho chủ nó thì họ mừng quá và “đền ơn,” chúng tôi từ chối nhưng họ vẫn cứ đưa. Thế là tôi dùng số tiền đó (dù không có là bao) gởi cho các cô nhi ở Bình Dương do các sơ dòng Mến Thánh Giá trông nom. Sống trong xã hội mà sinh mạng chó, mèo được quí trọng chạnh nghĩ đến các thiếu nhi Việt Nam còm cõi mà buồn quá bạn ơi.
Tiểu bang vàng Cali đông người lắm chuyện nầy đã ra đạo luật AB485 (Assembly Bill 485) được ký từ Tháng Mười, 2018 và có hiệu lực ngày 1 Tháng Giêng, 2019. Đó là các hiệu tiệm bán thú cưng sẽ không được bán các thú vật như chó, mèo, thỏ, trừ trường hợp chúng được các nhóm giải cứu hay các cơ quan kiểm soát thú vật địa phương gởi tới bán.
Tôi không biết các nhà nuôi chó bán các loại, giống chó có khai sanh đàng hoàng có bị ảnh hưởng của luật nầy không? Thời còn ở Việt Nam, tôi có biết một em bé gái độ 6 tuổi, gốc Huế, con nhà giàu thuộc dòng dõi, hỏi em muốn làm gì? Em trả lời là em muốn làm con chó nhà giàu. Dĩ nhiên đó chỉ là ước mơ ngô nghê của con bé thích được cưng chiều, vì chỉ có chó nhà giàu mới được người ta nâng niu bồng ẵm.
Thời điểm đó có phong trào nuôi chó loại nhỏ, người mình thường gọi là chó Nhật Bổn, rất được cưng. Sau nầy kỹ nghệ nuôi chó ngày càng phát triển và có rất nhiều giống chó khác nhau. Cách đây hơn tháng, tình cờ đọc báo Việt, được biết những nhà giàu “mới” ở Việt Nam ngày nay, họ dám xuất khoảng tiền gần trăm ngàn đô la để mua một con chó giống nào đó làm tôi chạnh lòng. Tôi nhớ có lần tôi đưa tấm hình cũ của cô cháu gái ẵm chó thì cô bạn Mỹ nói ngay đó là chó giống Phú Quốc của Việt Nam rất mắc, cổ hỏi tôi biết không? Tôi chả biết gì cả. Thời điểm sau năm 1975, cuộc sống ai cũng nghèo khổ khốn khó, sinh mạng các em bé nghèo hèn còn không có tiền để chữa bệnh thì giá con chó quí như vậy ai mà quan tâm nó đáng bao nhiêu? Tôi còn nhớ lúc đó chị hàng xóm đố tôi, con gì rẻ nhất thời nầy? Tôi không biết, chị trả lời đó là con người. Thật đúng là một cuộc đổi đời vĩ đại. Buồn quá phải không bạn?
Bạn có biết khoảng 48% dân chúng Mỹ có nuôi chó, trong số đó thì 38% là những người trẻ phải đi làm, nên cha mẹ chúng (chó) phải gởi chúng đến nhà “trẻ.” Kỹ nghệ chăm sóc chó được tiến triển rất khả quan. Khoảng hơn 2 thập niên trước, tôi thường đi làm chung xe (car pool) thì khi thấy phía trước là xe đi đón chó, anh chàng Mỹ giảng nghĩa, lúc đó mình mới biết được dịch vụ xe đưa đón chó đến nhà “trẻ.” Có một lần đi đến nhà chăm sóc chó (day care) ban ngày, chúng tôi vô cùng thích thú vì hàng chục con chó đủ loại, chơi với nhau thật là dễ thương. Các vị tổng thống Mỹ cũng rất thích nuôi chó, ngoại trừ Tổng Thống Trump thì không thấy ông nuôi chó, chắc có lẽ ông thích người đẹp hơn. Con chó Millie của Tổng Thống George H.W Bush (cha) khi vừa mới sanh thì được các đài truyền hình lên bản tin, sau đó nó nhận được hơn 10 ngàn thiệp chúc mừng “mẹ tròn con vuông.” Cố cựu Tổng Thống Franklin D. Roosevelt thì luôn luôn dẫn theo con chó Fala màu đen trong mọi chuyến công tác, về sau nó được làm tượng xuất hiện ngồi dưới chân tượng Tổng Thống Roosevelt. Ngoài ra con chó Hachiko giống Akita của Nhật cũng được dựng tượng ở nhà ga để ngưỡng mộ lòng trung thành của nó, vì nó đã chờ đón chủ một cách vô vọng trong suốt thời gian thật dài cho đến ngày nhắm mắt.
Thời gian đi làm việc cũng có nhiều chuyện vui kể bạn nghe, bà đồng nghiệp của tôi gởi hình con chó dự thi “hoa hậu xấu,” chó bà được trúng giải nhất “hoa hậu chó xấu-the ugly dog.” Bà nói thời gian đó, hàng ngày đi làm về, được (hay bị) các đài ti vi, phóng viên (paparazzi) đón trước nhà săn tin, phỏng vấn, bà không nói tiền trúng giải là bao nhiêu, nhưng 5 năm sau, trong dịp soạn bỏ các thư từ (junk mail) tình cờ bà tìm được tấm chi phiếu vài trăm đô do đài truyền hình hay magazine trả vì đăng ảnh con chó (?).
Trước kia cũng có bà làm chung với tôi (trên 30 năm về trước) có nuôi giống chó Bichon lai Yorkie silky, bà nói mỗi lần chó “làm chuyện gây giống” thì bà được 100 đô. Mấy anh chàng Mỹ làm chung cười giỡn nói chó của bà hơn tụi tôi. Lần khác chủ chó bị anh hàng xóm kiện ra tòa vì không cột chó nên chó của anh ta sanh một bầy chó lai xấu giống(?). Ra tòa với bầy chó con, chánh án xử huề cả 2 bên vì không ai nhốt chó nên mới có sự kiện như vậy. Sau đó quan tòa cười và ông nói, chó con dễ thương quá, nếu không muốn nuôi thì để tôi nuôi giùm cho.
Thời đó chưa có luật buộc phải có dây cột chó. Nói đến đây chợt nhớ đến ba tôi, ông cũng “mê” chó berger đẹp, cả tỉnh lỵ Bình Dương nhiều người đến xin lấy giống, ông ra điều kiện phải xem mặt “nàng dâu chó,” đẹp ông mới chịu cho lấy giống. Thời gian làm về hộ tịch cho thành phố Long Beach, tôi được biết có nhiều người già ghi tên chó, mèo trên tờ di chúc, trước đó tôi cứ nghĩ đó là chuyện vui. Nhưng thống kê cho biết độ 44% chủ ghi tên chó trên tờ di chúc. Nếu bạn sống ở vùng nam Cali quận Cam, bạn đi dạo biển vùng Dana Point, hay các vùng dân giàu bạn sẽ thấy các em bé “chó “ngồi trên xe đẩy, mang kính râm, quần áo đẹp, được chở đi dạo bãi biển. Lúc chúng tôi mới sang Mỹ, ở khu nghèo, vợ chồng anh chị manager ở khu apartment đến mời sinh nhật. Tôi hỏi sinh nhật ai? anh nói sinh nhật con chó, chúng tôi thấy buồn cười quá, bây giờ thì đâu có gì là lạ nữa. Con chó Chihuahua khu xóm tôi hàng ngày được đi dạo với áo đầm đủ kiểu, đủ màu, chủ nó bà Đại Hàn cười nói giỡn với tôi là nó nhiều áo hơn bà, chồng bà, ông Mỹ “hơi già” đủng đỉnh đi sau (vì ông vừa qua cơn mổ tim), bà chả cần bận tâm, trong lúc nói chuyện với con chó như nói với con. Trong thời gian nằm bịnh viện Kaiser ở Irvine, vào mùa Giáng Sinh, tôi cũng chứng kiến các con chó mặc quần áo đỏ ông già Noel, vào thăm bịnh nhân, chúng được leo trên giường bịnh nhân. Chủ chúng cho biết họ phải nộp đơn” xin việc” cho chúng, chúng phải qua các cuộc “phỏng vấn” kèm hồ sơ bịnh lý trước khi quyết định cho chúng “job” không lương nầy, chúng cũng có danh thiếp riêng. Các dịp lễ lạt như lễ Quốc Khánh, Halloween có những show chó rất vui, chó mặc đồ đủ loại thật vui mắt, lúc đó tôi thường chở má tôi đi xem. Họ cắt tóc chó thành hình lá cờ Mỹ, hoặc cắt lông cho chó như chó mặc đồ tắm hai mảnh, có con thì mặc quần áo giống chủ, chó “look alike.” Cũng có lần xem báo tôi thấy vị linh mục làm lễ thành hôn cho 2 con chó Bichon lông xù mặc áo cưới cô dâu và chú rể mặc tuxedo, điều nầy đối với tôi thì hơi quá đáng. Vợ của ông bạn ông xã tôi lúc trước gọi điện thoại nói về con chó cưng, bà ấy gọi là “ông của tôi.” Cách đây vài tháng, tôi rủ người bạn đi đón bà bạn khác từ Toronto sang, đang ở thành phố Alisio, gặp bạn cũ, tay bắt mặt mừng, sau đó thì bạn vừa lái xe vừa thao thao bất tuyệt về những đứa con 4 cẳng của mình một cách say sưa. Lần khác vào nhà vệ sinh phụ nữ khu shopping “xịn.” Thấy bà Mỹ đẩy vào chiếc xe, bên trong là em bé chó ngồi chễm chệ, sơn móng tay chân và đeo nữ trang (nữ trang ít hơn con chó chảnh của chị Tâm Nguyễn gởi hình qua fb). Kể cũng vui phải không bạn? Thời gian nuôi chó chắc tôi cũng thế thôi, mà vui thật, nhiều kỷ niệm tràn về, con chó có bộ lông trắng nên rất dễ bị dơ, nhiều lúc chờ hoài mà ông xã không rảnh tôi bèn tắm cho nó. Về nhà anh cười quá xá vì lông mình nó trắng nõn mà cái đầu thì đen thui vì tôi không dám gội đầu cho nó sợ nó bị ngộp, bị nước vào lỗ tai. Thỉnh thoảng vợ chồng gây lộn thì nó biết binh má, sủa ba quá chừng (vì má cho nó ăn mỗi ngày!). Lúc chúng tôi mới đem nó về nhà, nó được 1 vị giáo sư ở Long Beach City College tặng một gói quà gồm sổ khám bịnh, sách chỉ cách nuôi chó, phòng chống bịnh, sổ chích ngừa, thức ăn cho chó con v.v… Bạn bè trong sở biết nó nhiều nên mỗi lần sinh nhật tôi, hay lễ Giáng Sinh họ tặng quà cho nó thay vì tôi. Sinh nhật nó cũng được hãng thức ăn Mighty Dog gởi thiệp mừng và quà là hộp thức ăn. Ngày thường chúng tôi đi làm thì nó “ok” nhưng cuối tuần nếu chúng tôi đi đâu thì nó giận lẫy, mặt buồn hiu, cho bánh bisquit món khoái khẩu, nó cũng nhứt định không thèm ăn, năn nỉ cũng cương quyết không ăn. Nó được theo chúng tôi đi Las Vegas, đi San Francisco đủ mọi nơi. Con chó sau thì lại bị say sóng nên không chở đi đâu được. Lúc chúng tôi đi du lịch hay về Việt Nam thì phải tìm nơi gởi, nhiều người khuyên không nên gởi các trung tâm nuôi chó vì nhiều con chó khi về nhà thì bị bịnh “trầm cảm,” họ lại phải đưa nó đi bác sĩ tâm lý, mà tính ra tiền gởi cũng gần bằng tiền máy bay của mình. Lúc má tôi về Việt Nam không trở qua, Lucky chạy vào trong phòng tìm bà ngoại, không thấy bà, nó buồn hiu và chạy vòng khắp các phòng để tìm. Con chó cái nhỏ màu đen tên Mina thì nhảy vòng vòng xin ăn như nhảy đầm, nó ganh tị không cho tôi ẵm các con chó khác ngoài anh Lucky của nó thì “OK,” tới lúc già rồi bịnh gần chết, nó thở hổn hển nhìn ông xã tôi và ứa nước mắt (vì ông xã tôi gọi nó là con gái cưng). Mỗi con chó có cá tính khác nhau. Nuôi chó là một thú vui nhưng nhiều trách nhiệm và phí tổn cho chúng cũng rất cao như đi cắt tóc, khám bịnh, chà răng, rửa tai… Vấn đề là khi nó chết mình cũng đau khổ như mất một thành viên thân thiết của gia đình. Nói đến đây tôi chợt nhớ, cuối Tháng Sáu vừa qua, cô bạn cũng về hưu, các con đã lớn, bao nhiêu tình thương cô cho 4 con mèo. Một con bị bịnh nặng, bác sĩ đề nghị cho nó “đi,” nhưng bạn cứ chần chừ, sau cùng thì đành phải nghe lời bác sĩ. Rốt cuộc tôi trở thành “cố vấn tâm lý” bất đắc dĩ, khuyên lơn an ủi bạn. Bạn cho biết số tiền bạn tốn kém cho con mèo trong suốt 10 năm qua, tôi nghe qua cũng muốn “té xỉu,” bởi thế bạn không dám cho chị em trong gia đình biết sợ bị“chửi.”
Nhiều khi vào sở nói chuyện chó, mèo, chim chóc cũng vui. Tụi Mỹ chưng bày hình thú cưng trong phòng làm việc. Có nhiều người Mỹ lại thích nuôi heo “mọi” một giống heo nhỏ bụng trĩu xuống gần mặt đất, họ gọi là Vietnamese pig. Có lần chủ nuôi bị hàng xóm thưa, thế là chủ heo dẫn heo vào city hall, đưa heo lên thang máy vào gặp mấy ông đại diện dân để “phản đối” (chuyện nầy xảy ra trên 30 năm rồi, và chỉ có ở Mỹ).
Nhiều cặp vợ chồng trẻ khi ly dị dành nuôi con chó, rốt cuộc vì (nhờ) con chó mà anh chị trở về chung sống hòa bình. Sau khi viết bài nầy chắc chắn ông xã xệ sẽ cười tôi viết truyện “cái tôi” nữa vì sau ông bà, cha mẹ, anh chị lại đến…mấy con chó của tôi,” mặc kệ anh nói gì, tản mạn “tory” (tanmantory) chuyện… chó, mèo, chim chóc thì không mích lòng ai cả phải không các bạn?
Lâm Túy Mĩ