Passage to Freedom, 1954 - 1955.
Những ngày này cách đây 65 năm, Hải quân Hoa Kỳ lần đầu đưa hàng trăm ngàn người Việt rời bỏ chế độ Cộng sản ở miền bắc để vào nam, nhiều người trong số đó về sau này lại có cuộc di tản lần hai hồi năm 1975.
Cuộc di tản những người theo phe quốc gia, trong đó có nhiều người công giáo, diễn ra vào tháng 8/1954 sau khi có thoả thuận về các hiệp định đình chiến ở Đông Dương hôm 20/7/1954. Hiệp định cho Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà và Pháp 300 ngày để rút quân về sau vĩ tuyến 17 tương ứng về miền bắc và miền nam nơi có Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp. Người dân hai phía được tự do di chuyển tới nơi họ muốn.
Pháp và Quốc gia Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ giúp di tản người dân vào nam. Pháp bắt đầu dùng tàu và máy bay để đưa người dân ra đi hôm 5/8/1954 trong chiến dịch mang tên “Sang phía Tự do”, tên tiếng Anh là “Passage to Freedom”.
Hải quân Hoa Kỳ dưới quyền Đề đốc Lorenzo Sabin tham gia chiến dịch từ ngày 7/8 và cả thảy đã đưa 310.000 người cùng 69.000 tấn hàng hoá và 8.000 phương tiện vận chuyển trong khoảng thời gian từ đó tới 18/5/1955, theo cuốn Từ Sông Ra Biển của Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Richard Schreadley. Tác giả, người từng chỉ huy khu trục hạm trong Cuộc chiến Việt Nam về sau này, nói 18.000 lính Pháp và lính không thuộc lực lượng cộng sản nằm trong số những người được Hải quân Hoa Kỳ giúp di tản. Pháp đưa thêm tổng cộng nửa triệu người vào nam trong khi chỉ có vài chục ngàn thường dân đi ngược từ nam ra bắc.
Hoa Kỳ bắt đầu trợ giúp cho hải quân Việt Nam Cộng hoà, tên mới của Quốc gia Việt Nam kể từ khi ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống hồi tháng 10/1956, sau khi lực lượng Pháp rút đi hồi tháng 5/1957. Trung tá Schreadley nói số khoảng 100 tàu khởi đầu của Việt Nam Cộng hoà gần như hầu hết đều được Hoa Kỳ chuyển giao cho Pháp trong giai đoạn trước đó và quân số ban đầu của lực lượng hải quân ở miền nam chỉ chừng 1.900 lính và sỹ quan.
Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu đóng vai trò lớn hơn ở nam Việt Nam từ tháng 4/1960 sau khi có lệnh từ Đô đốc Harry Felt, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, người sau này đã gặp ông Diệm để “giữ chân ông ở Sài Gòn” ngay trước khi diễn ra đảo chính hôm 1/11/1963. Đó cũng là hôm Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đại tá Hồ Tấn Quyền, bị giết chết vì trung thành với vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hoà. Ông Diệm và người em Ngô Đình Nhu bị giết vào hôm sau, ngày 2/11/1963.
Vào cuối năm 1963, số cố vấn Hải quân Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn chỉ ở con số hơn 740 (so với con số đỉnh điểm gần 40.000 lính và sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ năm năm sau đó) và số tàu thuyền của Việt Nam Cộng hoà đã tăng hơn gấp đôi lên gần 260. Quân số của hải quân miền nam khi đó là 6.200 (con số này về sau lên tới 42.000 và số tàu các loại là 1.600 hồi đầu thập niên 1970) với 2.000 phục vụ trên biển, 1.200 trên sông và 2.600 trên bờ, theo cuốn Từ Sông Ra Biển. Phần còn lại nằm trong lực lượng hải thuyền hỗn hợp. Trong năm đó Hải quân Việt Nam Cộng hoà kiểm tra và khám xét hơn 135.000 tàu thuyền và gần 390.000 người trong đó chỉ có sáu người được cho là từ phía cộng sản thâm nhập, vẫn theo tác giả, Trung tá Schreadley.
Sang đầu năm 1964, mười năm sau Chiến dịch Sang phía Tự do, Đô đốc Felt lại cử một nhóm sĩ quan hải quân tới Việt Nam để xem Hoa Kỳ có thể giúp ngăn chặn việc xâm nhập đang ngày một xấu đi của phía cộng sản qua đường sông và đường biển. Tháng 1/1964 cũng là lúc Tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền sau khi lật đổ Tướng Dương Văn Minh, thủ lĩnh phe quân đội vốn đã đảo chính và sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu trước đó ba tháng. Bắc Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xâm nhập và đánh phá trước các diễn biến này.
Theo cuốn Từ Sông Ra Biển, nhóm sĩ quan tới đánh giá tình hình do Đề đốc Paul Savidge và Đại tá Phillip Bucklew, người sau này viết nhận xét hồi tháng 2/1964: “Các hoạt động của Việt Cộng, với sự trợ giúp tối thiểu của vỏ việc đánh lạc hướng, che giấu hay quấy rối, hoàn toàn có thể đưa người và thiết bị thâm nhập bằng đường bộ, đường biển hay đường không vào thời điểm và địa điểm họ muốn.” Nhóm này khuyến cáo Hải quân Hoa Kỳ tham gia vào tuần tra trên biển mà họ đánh giá là không hiệu quả cho tới lúc đó. Báo cáo cũng khuyến cáo Hải quân Việt Nam Cộng hoà cần có vai trò lớn hơn trong quá trình ra quyết định của quân đội, điều được cho là đã không bao giờ xảy ra cho tới tận cuối cuộc chiến vào 4/1975.
Năm 1964 cũng là thời điểm Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà lên kế hoạch chi tiết để tấn công các mục tiêu ở bắc Việt Nam. Trung tá Hải quân Richard Schreadley nói trước khi nghỉ hưu hồi tháng 7/1964, Đô đốc Harry Felt đã lên danh sách các mục tiêu tiềm năng và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã duyệt danh sách này. Hoa Kỳ chưa trực tiếp tham gia nhưng ngầm hỗ trợ Việt Nam Cộng hoà trong các cuộc tấn công bắt đầu từ hè 1964. Một trong những cuộc tấn công như thế diễn ra hôm 31/7/1964, do bốn tàu của Hải quân Việt Nam Cộng hoà thực hiện và một trong các mục tiêu là đảo Hòn Mê ở Thanh Hoá. Đó cũng là ngày khu trục hạm USS Maddox do Đại tá John Herrick chỉ huy tiến vào Vịnh Bắc Bộ để rồi sang đầu tháng Tám đã diễn ra các sự kiện khiến Hoa Kỳ đổ quân và tiền bạc ngày một nhiều vào Việt Nam trong gần 10 năm sau đó.
Sáng 2/8/1964, theo Trung tá Schreadley, tình báo Hoa Kỳ chặn và giải mã được lệnh chuẩn bị chiến đấu từ trụ sở hải quân của Bắc Việt Nam và trong cùng ngày còn có một lệnh tấn công bằng ngư lôi. Ít lâu sau khi có lệnh tấn công từ hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, USS Maddox phát hiện ba tàu phóng lôi P-4 do Liên Xô sản xuất và đang được hải quân miền bắc sử dụng. Đại tá Herrick gửi tin nhắn tới Tự lệnh Hạm đội Bảy và hàng không mẫu hạm Ticonderoga cách đó 280 hải lý yêu cầu trợ giúp vì USS Maddox có nguy cơ bị tấn công.
“Ngay sau 1600, tàu phóng lôi đã xuất hiện trong phạm vi năm hải lý, Maddox khai hoả với súng 127 ly và 76 ly,” ông Schreadley viết.
“Thuỷ thủ đoàn đổ mồ hôi [vì nã đạn] không thể biết rằng đó là những phát súng mở màn cho những gì sẽ trở thành cuộc chiến dài nhất của Hải quân Hoa Kỳ.”
Trong cuộc đụng độ đầu tiên với hải quân từ Bắc Việt Nam, Maddox bắn tổng cộng hơn 280 loạt đạn. Đối phương phóng ít nhất bốn ngư lôi về phía Maddox nhưng không trúng. Mặc dù vậy Maddox cũng bị đạn 14.5 ly bắn trúng thiết bị điều phối hoả lực và viên đạn này giờ được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân ở Washington D.C., theo Trung tá Shreadley.
Khi các phi cơ Crusader từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga tới ứng cứu, Trung tá James Stockdale đã chỉ huy máy bay chiến đấu tấn công ba tàu phóng lôi đang bỏ chạy khiến một tàu bốc cháy và sau đó chìm xuống biển.
Tàu Maddox và khu trục hạm Turner Joy sang ngày 4/8 còn được cho là bị lực lượng hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đeo bám và cả hai tàu đã “bắn trả”. Tuy nhiên chính Đại tá Herrick, chỉ huy tàu Maddox, sau này nghi ngờ chuyện thực sự có tàu hay ngư lôi của đối phương hôm 4/8. Ông cho rằng có khả năng thời tiết bất thường ảnh hưởng tới tín hiệu radar và sự quá cảnh giác của các thuỷ thủ đã khiến họ nghĩ rằng hai tàu bị tấn công. Chính quyền Hoa Kỳ đã dùng “cuộc tấn công” thứ hai này làm lý do để mở rộng sự can dự vào Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà luôn khẳng định không hề có cuộc tấn công thứ hai dù công nhận có cuộc chạm trán đầu tiên hôm 2/8.
Trong quá trình viết cuốn Từ Sông Ra Biển, Trung tá Schreadley đã phỏng vấn Đô đốc Thomas Moorer, Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương hồi tháng 8/1964 và ông nói: “Điều xảy ra là Bắc Việt đã gửi lệnh… ‘Sẵn sàng gây chiến’. Đó là chiều [4/8] khi chúng tôi chặn, giải mã và đọc được.
“…[L]úc đầu không ai nói… lệnh đã được ban ra vì chúng tôi không muốn Bắc Việt biết chúng tôi phá được mật mã của họ.” Ông Moorer nói lệnh ‘sẵn sàng gây chiến’ cộng thêm với việc có mặt các tàu của Bắc Việt Nam trong khu vực khiến các tàu Hải quân Hoa Kỳ xả súng. Ông cũng nói chỉ riêng sự kiện ngày 2/8 cũng đủ để Hoa Kỳ có lý do tấn công. Việt Nam từ trước tới nay vẫn tố cáo Hoa Kỳ “xâm phạm vùng biển Việt Nam” hôm 2/8 và khẳng định Hoa Kỳ “bịa” ra các cuộc tấn công hôm 4/8.
Chỉ 10 năm sau, Hoa Kỳ đã chính thức bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng hoà. Khi diễn ra Hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hoà và các tàu của Trung Quốc vào tháng 1/1974, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đứng ngoài cuộc. Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa kể từ đó.
Và chỉ hơn một năm sau, Hải quân Việt Nam Cộng hoà cũng không còn tồn tại. Hồi năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam, tôi có cuộc gặp Tư lệnh Hải quân cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh tại Virginia, Hoa Kỳ. Ông Tánh cho tôi xem lá cờ Việt Nam Cộng hoà cuối cùng bay trên Chiến hạm Trần Hưng Đạo HQ-1, cũng chính là con tàu đã đưa ông và nhiều người khác đi di tản.
Hoa Kỳ có lẽ sẽ khó có khi nào lại có sự can dự lớn về hải quân liên quan tới người Việt như từng xảy ra trong thập niên 1950 và 1960 của thế kỷ trước.
Nguyễn Hùng (VOA)