Lời Giới Thiệu: John Garnaut có đọc tác phẩm “100 năm cuộc chạy đua” của tiến sĩ Michael Pillsbury hay không thì không rõ. Hay các tác phẩm khác của giới chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Trung Quốc như Perry Link, Andrew Nathan v.v… Điều rõ ràng là chính Garnaut cũng là người tự bỏ công nghiên cứu tỉ mỉ các chính sách và chủ trương của Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông (qua đó hiểu thêm lịch sử chiến quốc kéo dài hàng nghìn năm của họ), và sự liên hệ xuyên suốt từ thời Mao đến thời Tập qua ý thức hệ cộng sản, cũng như qua sách lược của Stalin và Lenin để thành lập một biểu đồ (road map) liên kết tất cả lại với nhau.
Garnaut cũng theo dõi các chuyên gia hàng đầu của Úc về Trung Quốc, trao đổi và thảo luận với các giáo sư John Fitzgerald, Hugh White, Clive Hamilton, và với dân biểu Andrew Hastie, ngoài giới tinh hoa, ký giả, chiến lược gia khác tại Úc. Kinh nghiệm làm việc tại Bặc Kinh từ năm 2007, tiếp xúc với các giới lãnh đạo hàng đầu trong công việc của mình, cũng như các nhà trí thức và đối kháng gốc Hoa, các trí thức ngoài luồng, và các tài liệu mật, giúp cho Garnaut nghiên cứu chi tiết và qua đó vạch ra con đường mà Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình sẽ chủ trương hành động bằng ý thức hệ chính trị của mình ra sao.
Những người Việt quan tâm nên đọc kỹ bài “Những nhà thiết kế tâm hồn: những gì nước Úc cần biết về ý thức hệ ở Trung Quốc của Tập Cận Bình” của John Garnaut. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng một thời sử dụng các chiến lược và chiến thuật của Mao, điều mà ông Hồ Chính Minh cũng công khai thừa nhận tư tưởng Mao làm kim chỉ đường cho Việt Nam nhất là từ thời 1950 trở đi, chứ ông chẳng có tư tưởng gì cả. Chỉ có điều các lãnh đạo Việt Nam chỉ là học trò, lại mang tư duy lệ thuộc từ ngàn năm một cách vô thức, nhưng không có tham vọng lớn gì cho dân tộc mà chỉ toàn tham vọng rất thiển cận cho cá nhân, gia đình và bè phái, nên đất nước tang hoang và mục ruỗng là hậu quả tất yếu sau nhiều thập niên dài.
Chủ nghĩa cộng sản, hay chủ nghĩa xã hội, đối với Lenin, Stalin, Mao, hay Tập, hay các lãnh đạo cộng sản khắp nơi từ trước đến nay, thật ra chỉ là chiêu bài, là phương tiện thôi. Điều quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo cộng sản khắp nơi, đặc biệt tại Nga và Trung Quốc, và đàn em Việt Nam, là làm sao có thể điều hành quốc gia và làm sao duy trì quyền lực. Bởi rằng nếu không làm được điều này, nhất là trong nền văn hóa chính trị lâu đời của họ, thì không chỉ mất ghế, mất quyền, mà còn có khi mất tất cả, mất cả mạng sống, hay bị tru di tam tộc trước đây. Chiến dịch đốt lò của Nguyễn Phú Trọng, chẳng hạn, cũng không nằm ngoài chiêu bài này, sách lược học được từ Tập Cận Bình.
Mong đợi những người với tư duy và văn hóa hành xử này có thể tôn trọng pháp luật, kể cả hiến pháp, là điều không tưởng. Với tư duy và nỗi sợ hãi như thế, những kẻ lên cầm quyền trong mọi đảng cộng sản, tại Trung Quốc hay Việt Nam hay mọi nơi khác, là luôn sử dụng chiêu bài yêu nước làm vỏ bọc cho ý thức hệ quyền lực của họ. Do đó các cuộc đấu tranh chống tham nhũng thật ra chủ yếu là để thanh trừng các thành phần có khả năng đe dọa quyền lực của họ, dù nằm trong hay nằm ngoài Đảng.
Đọc xong bài này, những ai còn lờ mờ hay ngây thơ với chủ nghĩa cộng sản/xã hội, hay từng đọc tác phẩm “Chia tay ý thức hệ” của Hà Sĩ Phu nhưng thắc mắc tại sao cho đến nay các chế độ cộng sản vẫn chưa chịu chia tay ý thức hệ này, hy vọng hiểu ra được các nguyên do cốt lõi này.
Những ai đọc xong bài này vẫn còn muốn tìm hiểu thêm về trường hợp Việt Nam thì xin mời đọc ba tác phẩm giá trị của chính người Việt Nam. Hai tác phẩm đầu: “Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản” của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, tức tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, là cuốn sách cực kỳ giá trị nếu chưa đọc. Nó đã làm cho chế độ cay cú với ông, hạch hỏi ông nhiều lần khi về Việt Nam, và rồi cấm ông nhập cảnh nhiều lần. Luận án tiến sĩ của ông “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Việt Nam…” trình bày chi tiết quan hệ về văn học và chính trị mà chính tác giả Garnaut đã trình bày dưới dây.
Ngoài ra, sau khi đọc xong bài viết dưới đây của Garnaut, những nhận định của Garnaut một cách tổng quát có thể khá tương đồng với một chiến lược gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20: Tùng Phong Ngô Đình Nhu. Cách đây 6 thập niên, tác phẩm “Chính đề Việt Nam” cho thấy ông Ngô Đình Nhu cũng nhìn ra được rất rõ và rất sớm Stalin của Nga cũng như Mao của Trung Quốc chỉ dùng chủ nghĩa cộng sản cho mục tiêu phát triển quyền lực quốc gia hơn là một thế giới đại đồng không tưởng, xem việc chống lại chủ nghĩa tư bản/cấp tiến của phương Tây là lý do không thể tách rời cho cuộc đấu tranh không ngừng của họ. Rất tiếc hàng triệu sinh linh Việt Nam đã nằm xuống cho những mưu toan chính trị của một phường vô hại có văn hóa thấp.
Mời quý vị đọc nguyên tác này, nếu có thể thì đọc bằng tiếng Anh. Vì giá trị của bài này nên tôi có nhờ bạn Nguyệt Hà giúp dịch toàn bài này sang tiếng Việt để mọi người có cơ hội tìm hiểu. Xin lưu ý rằng về mặt dịch thuật, vì sự bất tương đồng của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch, nên có những đoạn, câu hoặc chữ dịch nguyên văn có thể làm tối nghĩa. Do đó có những đoạn, câu hoặc chữ được dịch để chuyển tải tư duy/ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt nhưng theo cách hành văn/ngôn ngữ Việt Nam một cách tốt nhất có thể nghĩ đến. Tất nhiên là có thể chưa hoàn hảo. Nếu quý bạn đọc thấy có chỗ nào có thể cải tiến thì xin cho chúng tôi hay để biên tập cho hoàn chỉnh hơn. Những đoạn trong ngoặc kép [] là chủ yếu làm rõ ý nghĩa, không phải nguyên văn tác giả.
Úc Châu, 18/08/2019
Phạm Khú Khải
____________
Những nhà thiết kế tâm hồn: Những gì nước Úc cần biết về ý thức hệ Trung Quốc thời Tập Cận Bình(John Garnaut trình bày trong buổi hội luận đặc biệt với giới tinh hoa Úc vào tháng Tám năm 2017)
Như một vài bạn đã biết, suốt 8 tháng vừa qua, tôi ở cương vị một người công chức, và cố gắng thực hiện tốt các hành vi được coi là mẫu mực như chờ thời cơ, che giấu ý kiến riêng và tuân trọng cái trật tự hành chánh một cách nghiêm ngặt.
Bây giờ thì tôi không còn những ràng buộc như thế nữa.
Tuy nhiên trước khi làm điều này, tôi muốn cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã có mặt ngày hôm nay, đặc biệt cảm ơn Paul và Sam đã mang đến cho tôi cơ hội này. Thật là vinh dự được có mặt tại đây, ở phần mở đầu của một chuỗi hội thảo hứa hẹn sẽ có ý nghĩa quan trọng lớn.
Chuỗi hội thảo này, bản thân nó, lại là một hành vi mang tính định hướng và nhào nặn xã hội (social engineering) táo bạo. Ý tưởng ở đây là bằng việc để cho các nhà kinh tế học và các chiến lược gia an ninh hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể thúc đẩy đối thoại và kể cả hòa bình giữa các nhóm/cộng đồng khác nhau tại Canbera - với mục tiêu lâu dài là hoạch định ra các chính sách mang tính đồng bộ.
Chúng ta sẽ xem kết quả của việc đó như thế nào.
Nhưng trong lúc này, tôi ở đây với tư cách một người xuất thân từ giới kinh tế học nhưng bị buộc phải dần dần nhường chỗ cho phía an ninh. Sự thoái lui này diễn ra từng bước trong suốt một thập kỉ, vì tôi đã phải chấp nhận rằng sự cởi mở về kinh tế không đảm bảo sẽ dẫn đến cởi mở về chính trị. Nhất là khi bạn có một chế độ chính trị vừa có khả năng lại vừa quyết tâm đảm bảo cho điều đó [tức cởi mở chính trị] không xảy ra.
Vẫn biết chính trị không phải là tất cả, nhưng không có quốc gia nào khác (ngoại trừ Bắc Triều Tiên) trên trái đất mà sự hiện diện của nó lại có ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực như vậy. Và không có thể chế chính trị nào mà lại ràng buộc chặt chẽ với ý thức hệ đến như thế.
Trong phạm vi công việc mà tôi đang làm chính ở tòa nhà này, tôi đã rất nỗ lực để loại bỏ vấn đề ý thức hệ khỏi những phân tích của mình về cách mà Trung Quốc đang tác động đến Úc và cả khu vực. Ý thức hệ là thứ rất xa lạ và khó hiểu. Vì vậy để làm cho nó dễ hiểu hơn đối với những nhà lãnh đạo bận rộn, tôi tìm cách “bình thường hóa” các sự kiện, hành động và khái niệm bằng cách đặt chúng vào khuôn khổ của những thuật ngữ quen thuộc hơn.
Cách tiếp cận "Bình thường hóa" đối với Trung Quốc cũng có tác dụng bỏ qua những tranh luận mang tính quy phạm, chuẩn tắc vốn rất căng thẳng về thế nào là Trung Quốc, Trung Quốc đang ở đâu, cũng như nó muốn gì. Đây là một cách để tránh những cuộc vãi vã về việc ai là người thân hay là chống Trung Quốc. Việc tách rời nhân tố "Đảng Cộng Sản" ra khỏi Trung Quốc là một cách để tránh gây ra phản ứng mang tính tự vệ của những người khác, giúp cho cuộc đối thoại không mất đi ý nghĩa và hiệu quả.
Phương pháp thực dụng kiểu này, cho đến nay, đã phát huy hiệu quả khá tốt. Chúng ta đã đưa những thảo luận về Trung Quốc lên một tầm cao mới, tinh tế hơn, trong khoảng một năm vừa rồi.
Tuy nhiên, khi loại bỏ ý thức hệ khỏi những cuộc thảo luận, chúng ta đồng thời cũng đang từ bỏ việc xây dựng một khuôn khổ có giá trị cho việc giải thích và dự đoán.
Ở mức độ nào đó, xét về tầm ảnh hưởng mà Trung Quốc đã vươn được vào nước Úc, chúng ta sẽ phải rất nỗ lực để đọc vị cái bản đồ ý thức hệ mà đã định hình ra thứ ngôn ngữ, các quan niệm và quyết định của giới lãnh đạo Trung Quốc. Nếu muốn lập ra bản đồ gen của Đảng Cộng Sản, chúng ta cần phải đọc được DNA ý thực hệ của họ.
Vì vậy, hôm nay tôi mạn phép bước vào lãnh địa nhiều tranh cãi này.
Tôi muốn đưa ra một số điểm bao quát dưới đây về nền tảng lịch sử của hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài việc là nó rất quan trọng: Chủ nghĩa Cộng sản đã không được du nhập vào Trung một cách nguyên vẹn như phiên bản gốc. Thay vào đó, nó được lai ghép vào một hệ thống tư tưởng đã tồn tại sẵn -
hệ thống triều đại phong kiến cổ điển Trung Quốc. Trung Quốc có một sự
tôn kính ở mức bất thường đối với sách vở và chấp nhận giá trị giáo huấn của nó.
Chủ nghĩa Mác-Lê nin đã được diễn giải cho Mao và những nhà cách mạng Trung Quốc khác bởi một trung gian quan trọng:
Joseph Stalin.
Chủ nghĩa Cộng sản- được diễn giải bởi Lê-nin, Stalin và Mao là một ý thức hệ tổng thể. Nói một cách không phải đạo về chính trị lắm thì ý thức hệ đó mang tính
toàn trị. Tập Cận Bình đã khôi phục ý thức hệ này đến một mức độ chưa từng thấy kể từ thời Cách mạng Văn hóa.
Tạm thời, tôi sẽ chưa bàn đến những hàm nghĩa thực tế hiện tại của tất cả điều này, cho đến khi chúng ta đi tới phần thảo luận tiếp theo.
Một vũ trụ học mang tính triều đạiThông qua công việc làm báo và viết lách của mình, tôi nhận thấy ý thức hệ chính thống của nước Trung Quốc Mới (Trung Quốc Mới - là cách nói mà Đảng ưa dùng), là chủ nghĩa cộng sản, đang cùng tồn tại với một ý thức hệ không chính thức của Trung Quốc Cũ. Những người sáng lập ra Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã lên nắm quyền với lời hứa sẽ lật đổ và phá hủy mọi thứ thuộc về quá khứ quân chủ tập quyền đen tối, nhưng họ đã không bao giờ thay đổi tâm thức chung của dân tộc.
Mao và các đồng chí của ông ta đã lớn lên với những câu chuyện, những giai thoại về nước Trung Quốc phong kiến. Họ đã không bao giờ ngừng đọc những thứ này. Những tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc như Hồng Lâu Mộng và Tam Quốc Diễn Nghĩa đều nói về sự trỗi dậy và suy tàn của các triều đại. Đây là cái “truyện thuyết lớn, bao quát” trong văn học và nghệ thuật chép sử của Trung Quốc, thậm chí cho đến tận ngày nay.
Mao thì còn đặc biệt bị ám ảnh bởi những câu chuyện đó. Thư kí một thời của Mao từng giải thích với tôi rằng: "Ông ta chỉ ngủ trên một phần ba chiếc giường, còn lại hai phần ba gường chất đầy những cuốn sách có chủ đề về Trung Quốc, sách cổ Trung Quốc. Ông ta nghiên cứu về chiến lược cai trị đất nước của các vị hoàng đế. Đó là điều mà Mao quan tâm bậc nhất".
Những nhà cách mạng tiên phong khác đều đã truyền lại những câu chuyện kiểu này cho con cháu mình. Con gái của cán bộ tuyên giáo hàng đầu của Mao, Hồ Kiều Mộc (Hu Qiaomu), nói với tôi rằng cha cô chỉ to tiếng một lần duy nhất với cô khi cô thú nhận đã không đọc hết cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng (cuốn sách dài cả triệu chữ). Hồ Kiều Mộc đã rất giận dữ. Ông nói rằng Mao Chủ tịch đã đọc cuốn sách đó tới 25 lần.
Vì vậy đây là quan sát đầu tiên của tôi về ý thức hệ theo nghĩa rộng nhất, như một hệ tư tưởng xuyên suốt của ý kiến và lý tưởng: các gia đình sáng lập ra Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều chìm đắm trong hệ thống đế chế. [tức tư tưởng Quân chủ tập quyền]
Phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng phong kiến tập quyền không dễ dàng kết hợp được với nhau. Nhưng chúng không phải là không thể dung hòa. Trần Vân (Chen Yun) là người đã hoàn thiện công thức chủ nghĩa Cộng sản phong kiến: con cháu của họ phải thừa hưởng quyền lực không phải vì đặc quyền mà là vì chúng có thể được tin cậy về sự trung thành với sự nghiệp cách mạng. Hoặc chính ông đã từng nói: "con cháu chúng ta ít nhất cũng sẽ không đào mồ mả của chúng ta lên".
Tập Cận Bình đã thực hiện một yêu sách bất thành văn mang tính quý tộc đối với quyền lực, bắt nguồn từ sự gần gũi của cha ông đối với Mao Chủ Tịch - người sáng lập ra Đế Chế Đỏ. Tập là đại diện mang tính thỏa hiệp giữa tất cả các gia tộc lớn sáng lập ra chế độ. Đây chính là điểm khởi đầu để tìm hiểu về thế giới quan của Tập và đội ngũ các thái tử đỏ của ông ta.
Trong quan điểm của các thái tử đỏ của Trung Quốc- hay còn gọi là những Người kế vị cách mạng (cách mà họ muốn được biết đến), Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong vòng quay từng tạo ra và hủy diệt mọi triều đại đã tồn tại trước đó. Trong truyền thống này, một khi bạn đánh mất quyền lực chính trị, bạn không chỉ là mất đi công việc theo kiểu như xã hội phương Tây, mà bạn còn mất tài sản, tự do, có khi là mạng sống, và thậm chí là cả sự an toàn cho gia tộc mình. Lịch sử sẽ xóa tên bạn. Được làm vua, thua làm giặc.
Với những vấn đề như thế, thành ngữ trong tiếng Anh là “life-and-death-struggle” (cuộc đấu tranh sinh tử) không thể diễn tả được hết tình cảnh khốc liệt này. Công thức của Trung Quốc là: “Ngươi chết – Ta sống”. Ta phải đánh phủ đầu trước để giữ được mạng. Tập và những đồng chí của ông ta trong triều đại đỏ tin rằng họ sẽ có kết cục giống nhà Mãn Thanh và nhà Minh khi họ bị ném vào sọt rác của lịch sử.
Sự tôn kính của Trung Quốc với sách vở Điểm thứ hai liên quan đến điểm thứ nhất đã nói ở trên, đó là Trung Quốc có một sự tôn kính đặc biệt đối với sách vở. Các câu chuyện, lịch sử và người thầy có thẩm quyền đạo đức rất lớn. Sự sùng bái này lớn hơn bất cứ điều gì ở bất cứ đâu mà tôi có thể nghĩ đến, ngoại trừ nước Nga thời Sa Hoàng. Điều này có thể đã khiến Trung Quốc và Nga, về mặt văn hóa, rất dễ tiếp thu và bị chinh phục bởi các thủ đoạn tuyên truyền và với ý thức hệ được tuyên truyền. Có một điều chắc chắn hơn là Trung Quốc đặc biệt dễ tiếp thu ý thức hệ của Liên Xô vì các nhà trí thức Trung Quốc đã tìm thấy ý nghĩa trong văn học và sách vở của Nga sớm hơn và dễ dàng hơn so với các nguồn khác của phương Tây. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: "Văn học Nga là người dẫn đường và người bạn của chúng tôi".
Trong thuật trị quốc cổ đại của Trung Quốc, có hai phương tiện dùng để giành và giữ quyền kiểm soát “giang sơn”: thứ nhất là Võ (vũ khí, bạo lực), thứ nhì là Văn (ngôn ngữ, văn hóa).
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tin rằng quyền lực bắt nguồn từ việc kiểm soát cả phạm trù đất đai lẫn văn hóa. Bạn không thể giữ được quyền lực thể chất (physical power) mà không có sức mạnh và sự thuyết phục về quyền lực diễn ngôn. Văn và võ phải đi song hành cùng nhau.
Mấu chốt để hiểu được sức hấp dẫn của Quốc tế Cộng sản Sô Viết tại Thượng Hải và Quảng Châu trong những năm 1920 là việc các đặc vụ Liên Xô (phải thừa nhận là rất xuất sắc) đã kể được một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Họ đến Trung Quốc với tiền bạc, súng đạn và kỹ thuật tổ chức nhưng sức hấp dẫn lớn nhất của họ nằm ở câu chuyện hứa hẹn về một lối thoát dứt khoát, theo đường thẳng, từ vòng quay của các triều đại (phong kiến).
(Thực ra, theo cách biện giải của Liên Xô đối với chủ nghĩa Mác, thì tiến trình lịch sử không hoàn toàn là theo một đường thẳng. Thay vào đó, lịch sử được cho là di chuyển theo quỹ đạo xoắn ốc – được định hình bởi các vòng tròn “biện chứng” của đấu tranh, hủy diệt và tái tạo).
Lợi thế nổi bật về mặt diễn ngôn của Mao so với những lãnh đạo khác chính là chủ nghĩa Mác- Lênin. Theo chủ nghĩa này, ngôn ngữ không chỉ là công cụ để phán xét đạo đức. Nó còn là phương tiện để định hình các hành vi được chấp nhận và là vũ khí để phân biệt giữa bạn và thù. Đây là ẩn ý của bài thơ Thấm Viên Xuân-Tuyết (bài thơ nổi tiếng nhất của Mao). Ý thức hệ Cộng sản cho phép Mao sử dụng văn hóa như một loại vũ khí bằng cách mà những đế vương tiền nhiệm chưa bao giờ làm được.
Ngoài ra, cũng nên nhớ ai đã là lãnh tụ của thế giới Cộng Sản trong suốt một phần tư thế kỉ lúc Mao vươn lên nắm quyền lực tuyệt đối.
Đồng chí "thiên tài vĩ đại" Stalin. Mao biết rằng giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lê Nin là tuyệt đối quan trọng cho đế chế của ông ta, nhưng cá nhân ông ta lại không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu nó đến nơi đến chốn. Ông ta tìm thấy một lối tắt để đi đến sự hiểu biết thành thạo về ý thức hệ thông qua cuốn sách Khóa Học ngắn về Lịch sử của những người Bôn-sê-vích (Short Course on the History of the Bolsheviks) do Joseph Stalin chấp bút, xuất bản vào năm 1938, tức là cuối thời kỳ Đại Thanh Trừng. Lý Nhuệ (Li Rui) kể lại trong một cuộc phỏng vấn với sử gia Lý Hoa Ngọc (Li Huayu) rằng Mao nghĩ ông ta đã tìm thấy một "cuốn bách khoa toàn thư về chủ nghĩa Mác" và "ông ta tỏ ra như thể là đã phát hiện ra một kho báu".
Khi Stalin qua đời vào tháng 3 năm 1953, cuốn sách Khóa học ngắn về Lịch sử của những người Bôn-sê-vích là cuốn sách được in nhiều thứ ba trong lịch sử nhân loại. Sau khi mất, Stalin được ca tụng là "bậc thiên tài" trong lời điếu văn trên trang nhất của tờ Nhân Dân Nhật Báo - các nhà máy in Trung Quốc được lệnh phải làm việc gấp đôi gấp ba. Cuốn sách này của Stalin đã trở nên gần như là một loại kinh sách tôn giáo ở Trung Quốc.
Mặc dù cuốn Khóa Học ngắn này khó đọc, nhưng lại mang đến cho chúng ta một lối tắt để hiểu về ý thức hệ Cộng sản, cũng như nó đã từng mang lại cho Mao.
Vấn đề của Stalin khác với Lenin. Lenin phải giành chiến thắng trong một cuộc cách mạng, còn Stalin thì phải duy trì nó [thành quả].
Thách thức lớn mang tính ý thức hệ của Stalin là phải giải thích được rằng họ đã chiến thắng trong cuộc cách mạng, nhưng cái mơ ước cháy bỏng từ lâu về sự bình đẳng hoàn hảo, mang tính không tưởng, thì lại phải bị trì hoãn. Ông ta phải hợp lý hóa chuyện trì hoãn vô thời hạn cái đích đến không tưởng về bình đẳng đó, và đặt cái mục tiêu ngày một xa đó xuống bên dưới mệnh lệnh của các cuộc đấu đá, sát phạt trong nội bộ đảng.
Cuốn sách của Stalin là cuốn cẩm nang cho cuộc đấu tranh không ngừng nhằm chống lại một danh sách những kẻ thù tưởng tượng đang hợp tác với gián điệp phương Tây nhằm khôi phục chủ nghĩa tư bản - cấp tiến của giai cấp tư sản. Nó được viết dưới dạng một cuốn biên niên sử về những chiến thắng của Lenin và sau đó là “đường lối đúng đắn” của Stalin nhằm tiêu diệt một danh sách vô tận các kẻ thù giai cấp. Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng một bộ phận lớn trong số những kẻ thù “thâm độc” nhất trong nội bộ đã che giấu ý định lật đổ chế độ bằng vỏ bọc "cải tổ".
Lợi ích thực tiễn của cuốn sách là ở chỗ nó kê ra một loại thuốc giải độc cho tình trạng trở nên xơ cứng và mục ruỗng – thứ mà sẽ ăn mòn và làm suy vong mọi chế độ độc tài.
Thông điệp độc đáo trong cuốn sách của Stalin là: con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ luôn bị cản trở bởi những kẻ thù muốn khôi phục chủ nghĩa tư bản từ bên trong đảng. Những kẻ thù này ngày càng liều lĩnh và nguy hiểm khi chúng ngày một bị đe dọa - và khi chúng hợp tác với bọn gián điệp và tay sai của chủ nghĩa cấp tiến phương Tây.
Những dòng quan trọng nhất của cuốn sách là:
"Khi cuộc cách mạng càng lún sâu, thì đấu tranh giai cấp sẽ ngày càng quyết liệt."
"Đảng trở nên mạnh mẽ hơn thông qua thanh trừng nội bộ."
Không khó để tưởng tượng ra rằng một một lãnh đạo Trung Hoa tàn nhẫn như Mao - người được sinh ra trong thế giới "Ngươi chết, ta sống" - thế giới mà hoặc là bị giết hoặc phải chủ động ra tay - và đã trở nên lão luyện với nguyên tắc đó, và cũng là người bị ám ảnh bởi việc ngăn chặn sự suy tàn vốn đã phá hủy mọi triều đại trước đây - đã cảm thấy được mặc khải, được soi sáng đến mức độ nào bởi thứ công thức này của Stalin.
Thứ mà Stalin đã đưa cho Mao không chỉ mà một cuốn cẩm nang hướng dẫn để thanh trừng các đồng chí của ông ta mà còn là lời giải thích tại sao việc đó lại cần thiết. Thanh trừng địch thủ là cách duy nhất mà một đảng tiên phong có thể thanh tẩy chính bản thân mình và vẫn duy trì bản chất cách mạng và ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản.
Thanh trừng là cơ chế để Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt được "sự thống nhất" ngày càng lớn đối với "chân lý" cách mạng, như cách diễn giải của Mao. Đó là cơ chế để ngăn chặn sự mục ruỗng và thoái hóa vốn dĩ chắc chắc sẽ xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo sáng lập rời khỏi chính trường.
Một cách quan trọng, Mao đã chia tay với Kruschev (Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô từ năm 1953 đến 1964) chính là bởi vì Kruchev đã chia ta với Stalin và với mọi thứ mà ông ta từng ủng hộ. Sự chia rẽ Trung-Xô là sự chia rẽ về ý thức hệ - trong đó Mao đòi quyền lãnh đạo về mặt ý thức hệ đối với thế giới cộng sản. Mác, Lê-nin, Stalin, Mao. Đó chính là việc Mao đòi được coi là người kế nghiệp chân chính của Stalin.
Chúng ta thường được nghe nhiều về việc Tập Cận Bình và về các đồng chí của ông ta đổ lỗi cho Gorbachev về sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng thực ra sự bất bình của họ còn đi xa hơn thế. Họ đổ lỗi Kruschev. Họ cho rằng rằng Kruschev đã rời xa chủ nghĩa Stalin. Và họ đã thề rằng họ sẽ không bao giờ đối xử với Mao như những gì Kruschev đã làm với Stalin.
Hôm nay, 60 năm đã đi qua, chúng ta đang chứng kiến Tập đòi làm “người kế vị cách mạng đích thực” của Mao.
Ngôn ngữ của Tập là “sự thuần khiết của đảng”, “phê bình và tự phê bình”, “con đường quần chúng”; ông ta ám ảnh với "tính nhất thống "; ông ta tấn công các yếu tố của "chủ nghĩa cấp tiến phương Tây thù nghịch”, “chủ nghĩa lập hiến” và các biến thể khác của “sự lật đổ” ý thức hệ. Đây đều là chủ nghĩa Mác-Lê Nin được diễn giải bởi Stalin cũng như bởi Mao.
Đây là ngôn ngữ mà các thái tử Đảng nói chuyện khi họ gặp mặt và thỉnh thoảng khi tôi phỏng vấn họ lúc chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 18.
Và đây là cách mà Tập nói sau Đại hội Đảng lần thứ 18:
"Bác bỏ lịch sử của Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô,
loại bỏ Lenin và Stalin, và gạt bỏ mọi thứ khác chính là rơi vào chủ nghĩa hư vô lịch sử; điều này làm rối loạn tư tưởng của chúng ta và làm suy yếu tổ chức đảng các cấp."
Ngày nay, cái đích đến không tưởng (của chủ nghĩa Cộng sản) phải được duy trì, bất kể nó có vô lý ra sao đi nữa, để biện minh cho việc sử dụng các phương tiện tàn bạo trên con đường đi đến đó. Tập đã chèn thêm vào một vài mục tiêu mang tính nhất thời - cho những người thiếu kiên nhẫn cách mạng - nhưng logic nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin-Stalin-Mao vẫn còn nguyên.
Việc thanh trừng ngày một khốc liệt của Tập đối với các đồng chí đang cản đường ông ta chính là nằm trong cái logic đó.
Đó là cuộc thanh trừ đối thủ chính trị đầy thách thức – cũng là một thái tử Đảng - Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bộ trưởng Bộ Công An Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), hai phó chủ tịch quân ủy TW Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong); cố vấn của Đoàn thanh niên Cộng sản - Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) và người kế vị tiềm năng Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) chỉ hai tuần trước.
Không một ai trong những người trên bị thanh trừng là do tư thù cá nhân. Việc thanh trừng này có tính biện chứng. Và không thể tránh khỏi.
Nó cũng thúc đẩy và làm tăng tốc hành trình của Trung Quốc tiến lên theo quỹ đạo lịch sử tất yếu hình xoắn ốc.
"Lịch sử cần phải được thúc đẩy theo tiến trình biện chứng của nó”, Tập Cận Bình phát biểu đánh dấu sinh nhật lần thứ 95 của Đảng vào năm 2015. Lịch sử luôn tiến về phía trước và không bao giờ chờ đợi những kẻ chần chừ."
Đây là logic được áp dụng trong cũng như ngoài Đảng.
Ông phát biểu trên nhật báo Quang Minh: "Cần phải chống lại thứ văn hóa suy đồi của giai cấp tư sản và của xã hội phong kiến".
Cốt lõi của chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin là đấu tranh không ngừng. Đây là thuốc giải độc cho sự vôi hóa và thoái hóa đã phá hủy mọi triều đại, mọi chế độ độc tài và đế quốc trước đây. Đây là lý do tại sao Tập và các Thái tử Đảng khác đều tin rằng chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin vẫn còn có sự liên quan cao độ với thời đại ngày nay. Không chỉ là liên quan, mà còn mang ý nghĩa sống còn.
Tập đã khởi động một chiến dịch thanh lọc - một cuộc chiến chống lại các thế lực phản cách mạng - không có điểm kết thúc bởi vì càng đi thì cái đích đến không tưởng về mặt ý niệm của chủ nghĩa cộng sản hoàn hảo lại càng bị đẩy ra xa hơn một chút.
Không có mục tiêu chính sách theo nghĩa mà một nhân viên ngân hàng Wall Street hoặc công chức ở Canberra có thể hiểu được, theo kiểu tính hiệu quả của thị trường năng lượng ở đây, hoặc đè nén hệ số Gini ở kia. Thay vào đó, đây là cách để khôi phục sinh lực và sức sống của triều đại. Chính trị là cứu cánh.
Đây là những gì Mao và Stalin hiểu rõ hơn bất kỳ đồng chí nào của họ. Đây cũng là toàn bộ ý nghĩa của công trình Phục Hưng Đỏ của Tập Cận Bình. Và nó giải thích vì sao tiến trình chính trị mang màu sắc cực đoan này sẽ không dừng lại ở Đại Hội 19.
Điều đó đưa chúng ta đến tiêu đề của hội thảo này.