Thủ tướng Scott Morrison và ông Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội quân danh dự tại Hà Nội, 23 tháng Tám, 2019.
Những gì mà chính thể độc tài ở Việt Nam nhận được qua bản Tuyên bố chung Việt Nam - Australia, nhân chuyến thăm chính thức Hà Nội của Thủ tướng Australia Scott Morrison từ ngày 22 đến 24 tháng 8 năm 2019, có lẽ chỉ thỏa mãn một nửa hoặc một phần ba kỳ vọng trước đó của chế độ nổi tiếng không chỉ với nguyên tắc ‘ba không’ mà còn cả ‘bốn không’ - không dám kiện Trung Quốc.
Nội dung an ủiMục số 12, được xem là quan trọng nhất trong bản tuyên bố trên, đã chỉ đề cập khá chung chung về “Hai Thủ tướng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp. Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông”, và một số thuật ngữ ngoại giao nói lúc nào cũng đúng về về “tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không”, “tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”, “Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Tuy thế, bản tuyên bố này lại không nêu cụ thể hành động đối tượng nào “cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông”.
Nội dung có thể được xem là đắt giá nhất trong bản tuyên bố trên là: “Hai bên kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế, và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay”.
Cái tên Trung Quốc đã được đề cập đến, tuy vẫn còn quá nhẹ nhàng so với cách dùng từ cứng rắn và mô tả cụ thể của Hoa Kỳ về “việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8 là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông”, và “hành động của Trung Quốc phá hại hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất kinh tế lên các quốc gia Đông Nam Á khi ngăn các nước này tiếp cận trữ lượng hydrocarbon chưa khai thác trị giá khoảng 2.500 tỉ đô la, và chứng tỏ rằng Trung Quốc bất chấp quyền của các quốc gia thực thi những hoạt động kinh tế trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của họ theo Công ước về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn vào năm 1996”.
Điều an ủi còn lại đối với Nguyễn Phú Trọng và những người đồng đảng của ông ta là Tuyên bố Việt Nam - Australia vẫn còn nhắc đến cái tên Trung Quốc, còn trước đó và bất chấp nỗ lực lobby của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019 đã chỉ đề cập khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề đả động cái tên Trung Hoa.
Úc có làm gì? Hay cần làm gì?Khó mà cho rằng sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng vài tuyên bố thuần từ ngữ ngoại giao, lực lượng hải quân Úc sẽ làm một điều gì đó đủ mạnh mẽ để hỗ trợ các tàu hải cảnh Việt Nam - đang bị một số lượng tàu Trung Quốc gấp hàng chục lần ‘đánh hội đồng’ ở khu vực Bãi Tư Chính, cho dù Úc là một trong số hàng tá ‘đối tác chiến lược’ của Hà Nội.
Trong thực tế, Úc không chỉ là ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam mà còn là một đồng minh quân sự của Mỹ trong ‘bộ tứ’ ở vòng cung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc), do vậy đương nhiên phải quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Một sự ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp của chính phủ Úc đối với Việt Nam là gần như đương nhiên, trong bối cảnh Mỹ đã trở thành nước đầu tiên ủng hộ gián tiếp Việt Nam và đang có những động tái quân sự để dằn mặt Trung Quốc tại Biển Đông. Và trong bối cảnh chính thể Việt Nam đang rơi vào tình thế phải cầu cạnh từng ‘đối tác chiến lược toàn diện’ để cứu vãn nó khỏi sự bế tắc vì bị “đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc dồn ép tận chân tường ở khu vực Bãi Tư Chính.
Tuy thế, sách lược của ‘bộ tứ’ dường như chẳng có gì phải vội vã với Việt Nam - quốc gia vẫn còn nằm nguyên trạng trong ‘chủ nghĩa xã hội anh em’ với Trung Quốc và luôn bị ‘đảng anh’ hiếp đáp. Từ khi xảy ra vụ Bãi Tư Chính vào đầu tháng 7 năm 2019 đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ lên tiếng phản ứng Trung Quốc sau mỗi lần Bộ Chính trị Việt Nam chịu ra mặt phản đối ‘đảng anh’.
Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng tại đó.
Nếu lấy hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ làm hệ quy chiếu thì có thấy rõ là tàu sân bay này đã chỉ làm nhiệm vụ ‘tuần tra Biển Đông’ mà chưa có hành động can thiệp nào, dù là gián tiếp, vào khu vực Bãi Tư Chính. Và do đó chưa có tác dụng gì răn đe tàu Trung Quốc.
Theo logic đó, khả năng Úc điều tàu chiến đến Biển Đông để hỗ trợ hải quân Việt Nam là gần như không có.
Cũng cần chú ý là cho tới trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison, chính phủ Úc đã chẳng bình luận gì về vụ Bãi Tư Chính, thậm chí báo chí ở Úc còn không đăng tải thông tin về vụ này.
Không thể cho rằng nước Úc bàng quan vụ Bãi Tư Chính vì không ‘dính’ gì Biển Đông. Bởi cũng như Nhật bản, Úc có một phần quyền lợi trong giao thương qua Biển Đông, với khoảng 50% lượng giao thương thông qua vùng biển này. Nếu Trung Quốc khống chế được khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và hơn thế nữa là ‘nuốt’ hẳn Bãi Tư Chính, Úc đương nhiên sẽ bị khó khăn và thách thức lớn trong giao thương do các tàu Trung Quốc ‘làm luật’.
Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng tàu chiến Trung Quốc lại khiêu khích tàu Úc.
Nhưng có lẽ sách lược của Úc là chẳng khác gì sách lược của Hoa Kỳ: những quốc gia này trông chờ giới chóp bu Việt Nam tự đi bằng chính đôi chân của mình trước khi tìm cách dựa dẫm vào ngoại viện. Sách lược đó có thể sẽ không có hành động hỗ trợ nào cho Việt Nam nếu chế độ này vẫn ngả ngớn đu dây với Trung Quốc, thậm chí còn không có nổi một thao tác kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và nổ súng chỉ thiên trước tàu Trung Quốc.
Trong lúc đó, đã quá rõ là Bộ Quốc phòng Việt Nam bất lực đến thế nào. Trong suốt thời gian tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ngự trị ở Bãi Tư Chính, lực lượng hải quân Việt Nam đã chẳng thể làm gì, thậm chí còn chẳng dám nói gì trước một kẻ cướp táo tợn lao vào nhà mình.
Trên một phương diện khác, đã đến lúc nước Úc cần kết hợp chặt chẽ sách lược quốc phòng với sách lược nhân quyền.
Thực tế là nhiều đời chính phủ Úc đã thất bại, hoặc gần như thất bại về sách lược đấu tranh cải thiện nhân quyền với chính quyền Việt Nam. Bất chấp Úc đã ‘cài’ được Việt Nam bằng cơ chế đối thoại nhân quyền hàng năm, nhưng giới quan chức láu cá ma lanh Việt vẫn thản nhiên qua mặt Úc, trong khi vẫn ngửa tay nhận viện trợ từ chính phủ và người dân nước này.
Theo VOA