Ảnh vệ tinh ngày 12/03/2016 cho thấy tàu bè Trung Quốc hoạt động tấp nập tại bãi cạn Scarborough. REUTERS/Planet Labs
Thái độ rụt rè chủ bại của Manila hiện nay trước sức ép của Bắc Kinh trên Biển Đông đã bị một bộ phận dư luận Philippines phê phán. Nhiều người đã không ngần ngại lấy Việt Nam ra làm gương cho chính quyền Duterte.
Nhật báo Philippines Inquirer ngày 28/08/2019 vừa qua đã có bài bình luận theo chiều hướng này mang tựa đề “Việt Nam ngoan cường đứng lên chống Bắc Kinh - Brave Vietnam stands up to Beijing”.
Theo bình luận gia Alito L. Malinao của tờ báo, cho dù Philippines hơn được Việt Nam nhờ có phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực hậu thuẫn cho yêu sách của mình về Biển Đông, Việt Nam lại là nước đã cho thấy có quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc chống lại ý muốn bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà báo Philippines nêu bật ví dụ về cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc gần khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông, khi Bắc Kinh cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được hải cảnh Trung Quốc hộ tống, vào hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kể từ đầu tháng Bảy vừa qua.
Điều được tờ báo Philippines ghi nhận là tàu của Việt Nam đã hiện diện ngay ở trong khu vực, bám sát tàu Trung Quốc, kể cả khi chiếc tàu khảo sát Trung Quốc tạm quay về Đá Chữ Thập ở Trường Sa để tiếp tế nhiên liệu, để lại hai chiếc tàu hải cảnh trong vùng khảo sát.
Đối với tờ Inquirer, Philippines có thể học một bài học từ Việt Nam. “Không sử dụng võ lực, chỉ cho tàu của mình ở trong khu vực để giám sát và bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, là đã có thể làm cho một chiếc tàu khảo sát của Trung Quốc rút đi”.
Nhà báo Philippines đã so sánh với thái độ ngược lại của Philippines trước những vụ xâm phạm thường xuyên của tàu Trung Quốc vào vùng biển Philippines.
Khi hàng đàn tàu Trung Quốc ồ ạt vào vùng biển ngoài khơi đảo Panatag (tức là đảo Thị Tứ ở Trường Sa), thì như bộ trưởng Quốc Phòng Delphin Lorenzana thông báo, ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho biết là ông đã “bắn” phản đối ngoại giao đến Trung Quốc.
Bản thân ngoại trưởng Locsin cũng đã nói như thế sau những vụ thâm nhập trước đó của Trung Quốc, thế nhưng chưa bao giờ nghe thấy ông nói gì về phản ứng của Trung Quốc sau khi bị Philippines phản đối : Bắc kinh có trả lời lại hay giải thích gì không ? Hay là chỉ phớt lờ phản đối này như đã làm với phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ?
Trong lúc Việt Nam rất kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình, thì tổng thống Philippines Duterte lại thông báo rằng ngư dân Trung Quốc có thể đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bởi vì Bắc Kinh đã đòi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông. Ông cũng cho biết đó là một thỏa thuận miệng giữa ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Điều mà ông Duterte đã làm, thật ra là chấp nhận một modus vivendi, tức là một kiểu chung sống ở vùng biển tranh chấp, cho phép tất cả những bên đòi chủ quyền đánh cá trong lúc các yêu sách chưa giải quyết.
Thế nhưng Việt Nam thì khác. Mặc dù là một quốc gia nhỏ, nhưng một lần nữa, Việt Nam lại đứng lên chống người hàng xóm khổng lồ. Việt Nam đã từng chiến đấu chống Trung Quốc trong quá khứ, bao gồm cả việc tham gia vào một số trận hải chiến đẫm máu ở Biển Đông. Nếu bây giờ Trung Quốc quyết định thử nghiệm vũ khí mới của họ, thì Việt Nam, đối tượng bị Bắc Kinh căm hận từ lâu, rất có thể sẽ thành đối tượng tấn công.
Trong phân tích của mình được báo mạng Nhật Bản The Diplomat đăng tải, ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của trung tâm tham vấn RAND Corp, cho rằng nếu tình hình khu vực tiến tới xung đột, Việt Nam sẽ là đối tượng mà Quân Đội Trung Quốc chọn đánh để có được kinh nghiệm chiến đấu rất cần thiết trong các lĩnh vực không quân và hải quân, mà không sợ bị Mỹ can thiệp, cũng như không sợ bị thua.
Lý do là vì khác với Philippines, nước có thỏa thuận phòng thủ chung với Hoa Kỳ, Việt Nam không có liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào.
Theo RFI