Hồi năm 2014, cơ quan điều tra Trung Quốc cho biết họ tịch thu được khoản tiền tương đương 33 triệu USD trong nhà một quan chức.
Ông Nguỵ Bằng Viễn chỉ là phó giám đốc một đơn vị chuyên về than trong Cục Năng lượng Quốc gia.
Khi đếm khoản tiền hàng trăm triệu nhân dân tệ thu từ nhà riêng ông Ngụy, bốn trong số 16 máy đếm đã bị vỡ vì quá tải, báo Trung Quốc cho hay.
Đó là một ông quan chức họ Ngụy ở Trung Quốc, còn các quan chức họ Nguyễn và những họ khác tại Việt Nam cũng không chịu kém.
Tăng nhanh, tính bằng triệu đô
Cũng từ khoảng 2013 đến nay, các khoản tiền 'lại quả', thất thoát và bị quan chức chiếm đoạt làm của riêng ở Việt Nam đã tăng nhanh, tính bằng triệu USD.
Theo các báo Việt Nam, đây là những con số cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc cáo trạng tại tòa nêu ra:
Vụ Trịnh Xuân Thanh, trong vụ PCV: gây thiệt hại 119 tỷ VND, bằng 4,5 triệu USD, tham ô 4 tỷ VND (theo Viện Kiểm sát 01/2018)
Vụ tướng Phan Văn Vĩnh: bị cáo nhận đồng hồ Rolex 7000 USD 27 tỷ VND bằng khoảng trên 1 triệu USD khi đó; tướng Nguyễn Thanh Hóa nhận 22 tỷ VND, từ Nguyễn Văn Dương (2018) trong vụ đường dây đánh bạc.
Vụ Trần Bắc Hà: Nghi phạm (nay đã chết) bị cho là liên quan đến các vị Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm trong vụ gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng (300 triệu USD) tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Vụ Mobifone-AVG với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đẩy số tiền lên một kỷ lục của Việt Nam về khoản tiền bỏ túi cá nhân.
Hai cựu bộ trưởng khai đã nhận tổng cộng là 3,2 triệu đôla hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, theo truyền thông Việt Nam.
Con số 'thất thoát' tài sản nhà nước trong vụ việc được cho là 'hàng nghìn tỷ VND, bằng hàng trăm triệu USD.
Vì giới chức Việt Nam chưa xác định rõ số tiền là bao nhiêu nên khó biết một vụ việc này đã 'qua mặt' các scandal tham nhũng trong vùng hay chưa.
Tham nhũng ở Đông Nam ÁỞ riêng Đông Nam Á, công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh ở mọi quốc gia, và ngày càng không kiêng nể các quan chức cao nhất.
Gần đây, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ra tòa một lần nữa vì cáo buộc lừa đảo liên quan đến một quỹ của chính phủ.
Công tố viên nói ông Najib đã nhận và che đậy việc chuyển nhượng bất hợp pháp ít nhất 550 triệu USD.
Tại Indonesia hồi 2017, chủ tịch Quốc hội Setya Novanto bỏ trốn vì bị điều tra trong vụ scandal với con số cũng rất khủng khiếp, 170 triệu USD.
Tuy thế, đây không phải là tiền ông bỏ túi mà là tiền gây thất thoát cho ngân quỹ trong dự án đặt hàng thẻ căn cước thông minh.
Đôi khi, để truy tìm tiền tham nhũng, người ta cần ra nước ngoài, nơi các quan chức lập quỹ đầu tư để chuyển ngân.
Đầu tư công. Các dự án đấu thầu và xây cất, mua sắm dùng ngân quỹ quốc gia được dư luận chú ý nhiều vì các vụ thất thoát, biển thủ, hoặc ăn tiền công trắng trợn. Tranh của Mai Sơn gửi cho BBC.
Hồi 2018, báo chí châu Á nói ông Vibol Kong, quan chức Cục Thuế Campuchia bị điều tra tại Úc vì quỹ đầu tư ông đồng sáng lập bị cáo buộc rửa tiền, 15 triệu USD.
Vụ việc trước đó bị lộ ra vì ông Kong kiện đối tác 'dùng sai trái' khoản 1 triệu USD ông chuyển cho.
Người ta đặt câu hỏi vì sao một quan chức lương tháng chỉ 1000 USD có thể chuyển ra nước ngoài hàng triệu USD?
3,6 nghìn tỷ trên toàn cầuTheo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (2018), hàng năm, số tiền tham nhũng trên thế giới ở dạng hối lộ, tiền đánh cắp từ công quỹ lên tới 3,6 nghìn tỷ USD.
Việt Nam đang 'góp lửa' vào danh sách này với mức tăng có vẻ đều đặn.
Hồi 2017, Việt Nam có mặt trong số 5 nước bị dư luận chính các nước đó cho là 'tham nhũng nhất' theo tổ chức Minh bạch Quốc tế:
1. Ấn Độ: tỷ lệ hối lộ 69%
2. Việt Nam: tỷ lệ hối lộ 65%
3. Thái Lan: 41%
4. Pakistan: 40%
5: Myanmar: 40%
Phần về Việt Nam trong báo cáo nói người dân nước này coi tham nhũng là đại dịch.
Trong số 16 quốc gia được phỏng vấn năm 2017 thì dân Việt Nam và Malaysia bi quan nhất về tình hình chống tham nhũng ở nước họ, với 60% cho rằng chính phủ không hiệu quả trong hoạt động này.
Kể từ đó đến nay, phong trào Đốt lò của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm lộ ra thêm nhiều vụ tham nhũng ở cấp cao.
Nhưng các con số khủng lồ lại khiến dư luận nghi ngờ khả năng giảm đi nạn tham nhũng trong về cơ chế độc quyền và quan chức o bế nhóm lợi ích.
Đầu năm 2019, Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.
Năm nay, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu.
Xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.
Theo BBC