Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga (Ảnh : naval-technology.com)Bản tin tiếng Anh của hãng thông tấn Nga Ria Novosti đề ngày 30/07/2013 tiết lộ : Chiếc đầu tiên trong số 6 tiềm thủy đỉnh mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ được bàn giao vào tháng 11/2013. Nhà máy đóng tàu Admiralty tại St. Petersburg, phụ trách đóng loại tàu này cho Việt Nam cho biết : « Chúng tôi dự trù lễ ký kết văn kiện nhận tàu và việc đưa con tàu về Việt Nam trong tháng 11 ».
Trong một bản thông cáo do bộ phận báo chí của nhà máy đóng tàu Nga công bố, trong tháng 7/2013 chiếc tàu ngầm đầu tiên này vừa hoàn tất 100 ngày thử nghiệm trên biển, thủy thủ đoàn Việt Nam của chiếc tàu cũng đã bắt đầu được đào tạo từ tháng Tư vừa qua.
Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm do Nga sản xuất từ năm 2009 theo một hợp đồng được cho là có trị giá 2 tỷ đô la, bao gồm cả việc đào tạo thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam ở Nga. Nhân chuyến thăm Liên Bang Nga vào tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đi xem xét tiến độ đóng tàu và thăm hỏi đoàn thủy thủ đến Nga học sử dụng phương tiện này.
Theo dự kiến, toàn bộ số tàu sẽ được lần lượt giao cho Việt Nam từ nay đến năm 2016. Tháng Tư vừa qua, báo chí Nga từng cho biết là hai chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm 2013.
Bản tin của RIA Novosti nhắc lại các chiếc tàu Việt Nam đặt mua thuộc lớp Varshavyanka (đề án 636M), chạy bằng diesel và điện, gây tiếng ồn rất thấp và có thể tấn công các mục tiêu ở xa mà không bị phát hiện. Chính vì khả năng gần như là tàng hình đó mà loại tàu này – phương Tây gọi là Kilo – đã được Hải quân Mỹ mệnh danh là « hố đen trong lòng đại dương ».
Một bài viết trên trang web The Diplomat tháng Tư vừa qua, đã ghi nhận sự kiện Việt Nam sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên trong năm nay, xem đấy là một phần trong nỗ lực phát triển khả năng « chống tiếp cận » mà đối tượng cần ngăn chặn là Hải quân Trung Quốc tại vùng Biển Đông.
Bài báo trích lời James Holmes, « chuyên gia hải quân » của The Diplomat nêu lên khả năng : « Tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể lảng vảng mà không bị phát hiện ngoài khơi căn cứ Hải quân Trung Quốc ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, uy hiếp tàu ngầm Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm là khi các chiếc này vào hay rời cảng – một thời điểm dễ bị đối phương tấn công. »
Theo RFI