Cardenas, tỉnh Matanzas cách thủ đô La Habana khoảng 120 km.
REUTERS/Desmond BoylanSự chống đối từ phe thủ cựu đối với các biện pháp cải cách được Chủ tịch Raul Castro đưa ra ở Cuba, là một dạng « phản cách mạng » mới, mà lợi ích đi ngược lại với quyền lợi của các nhà ly khai chính trị lâu nay tại đất nước này. Đó là nhận định của các nhà phân tích, khi trả lời AFP ngày 30/07/2013.
Theo Rafael Hernandez, giám đốc tờ Temas, tạp chí duy nhất của Nhà nước công khai bàn luận về các chủ đề xã hội, chính trị và kinh tế, thì đó là « những kẻ quan liêu chống đối lại các thay đổi. Họ không làm gì ầm ĩ, nhưng đặt ra các rào cản cho việc áp dụng các cải cách, rồi khoanh tay đứng nhìn ».
Còn Esteban Morales, nguyên là một viên chức của trường đại học La Habana nhận xét : « Bất kỳ ai tấn công vào tiến trình cải cách này, trên thực tế đều trở thành một kẻ phản cách mạng ». Ông sử dụng lại từ ngữ « phản cách mạng » mà Fidel Castro đã dùng trong những năm đầu của cách mạng Cuba để chỉ tất cả các kẻ thù đối với chủ trương của lãnh tụ.
Một nhà cựu ngoại giao kiêm giáo sư đại học, ông Carlos Alzugaray cho rằng : « Trong khối bảo thủ này, người ta thấy có những kẻ quan liêu và những tay nhà giàu mới, những kẻ tham nhũng, vốn thủ lợi từ sự bất lực của chế độ trong việc áp đặt kiểm soát một cách thực chất mô hình tập trung hóa trong những năm qua ». Bên cạnh đó còn có « những người giáo điều không đồng ý với cải cách, ngày nay có rất nhiều trong xã hội dân sự». Đối với ông Alzugaray, tất nhiên những người này không xứng đáng được gọi là « đối lập », vì « họ không có bất kỳ đề án chính trị nào ».
Esteban Morales nhấn mạnh, những người ngăn trở tiến trình cải cách « cũng có thể gặp được trong hàng ngũ của Đảng (tức Đảng Cộng sản Cuba, đảng duy nhất và hiện diện trong mọi ngành, mọi cấp), đôi khi kể cả các nhân vật lãnh đạo quan trọng ».
Từ khi đưa ra tiến trình « cập nhật hóa » mô hình kinh tế đã lỗi thời của Cuba vào năm 2008, Chủ tịch Raul Castro không ngừng lên án « nạn quan liêu » và kêu gọi « thay đổi cách suy nghĩ ». Nhưng ông Carlos Alzugaray nhấn mạnh : « Khó thể tưởng tượng được là những người chịu trách nhiệm về các thảm họa từ chính sách kinh tế suốt năm chục năm qua lại có thể thay đổi cách suy nghĩ trong một sớm một chiều ».
Cây bút bình luận Raul Garcés nhận định : « Không thể có sự xuất hiện của các quan hệ kinh tế mới, nếu không có sự ló dạng của các quan hệ xã hội mới, trong một tiến trình mà các hành động và phản ứng diễn ra đồng thời».
Đối với Arturo Lopez-Levy, nhà nghiên cứu của trường đại học Denver, Hoa Kỳ, thì khối thủ cựu « không chỉ tự giới hạn trong một lứa tuổi hay một tầng lớp xã hội ». Nhưng « Không thể có việc những người bảo thủ chống cải cách và giới đối lập truyền thống công khai hợp tác với nhau».
Cả bốn nhà phân tích trên đều cho rằng, phe đối lập truyền thống - bị chính quyền lên án là « những tên lính đánh thuê », có khuyết điểm mang tính cấu trúc : họ thiếu một cương lĩnh chính trị cụ thể.
Arturo Lopez-Levy nhận định : « Những chuyến đi nước ngoài mới đây của nhiều nhà ly khai cho thấy phe đối lập Cuba cần được cập nhật hóa tình hình ».Quan điểm của blogger nổi tiếng Yoani Sanchez hay giải Sakharov về tự do tư tưởng Guillermo Farinas « chủ yếu là tố cáo chế độ, những chỉ trích hơn là đề nghị ».
Giáo sư Lopez-Levy khẳng định : « Không có gì ngạc nhiên nếu mọi việc cứ tiếp tục như thế, họ hầu như không hiện hữu trong quan điểm chính sách nội trị ». Ông nhìn nhận, từ năm mươi năm qua, chế độ Cuba « hầu như không hề có chỗ cho đối lập trung thành ».
Còn đối với Rafael Hernandez, thì tuy vậy lực lượng « đối lập trung thành » này – những người « muốn có cải tổ chính trị trong nội bộ mà không phải gây chiến với chính phủ » - vẫn hiện diện. Ông khẳng định : « trong số 769.318 đảng viên đảng Cộng sản Cuba, và bên ngoài đảng, có rất nhiều những nhà ly khai công khai, nhưng trung thành ».
Theo RFI