Nàng bảo ta nàng hãy còn son
Ta đi qua của thấy con nàng bò
Con nàng những trấu cùng tro
Ta đi gánh nước tắm cho con nàng
(Ca dao)
Hồi ấy tôi bắt đầu làm thơ. Làm thơ thực là vất vả tôi ngồi trước tờ giấy trắng cả giờ chẳng biết viết gì. Tôi thử chọn đề tài trời, trăng, mây, nước, bướm, ong, hoa lá… nhưng không sao viết được bài nào hay. Tôi chẳng khám phá ra tứ thơ nào mới cả. Những điều tôi viết ra đã có người viết cả rồi. Người ta khuyên nên làm thơ tình vì chỉ có thơ tình mới dễ cảm sâu vào lòng người, nhưng muốn làm thơ tình thì phải yêu mà tôi thì chưa yêu. Thế là tôi ráo riết đi tìm người yêu, tôi cần một nàng thơ giống như phi thuyền cần hỏa tiễn để phóng mình chu du chín tầng hư ảo tìm hái những vần thơ lạ cống hiến cho đời. Người ta lại còn nói mối tình đau thương, trắc trở ngang trái, tuyệt vọng thì mới sản sinh ra được những áng văn thơ sầu não dễ làm dễ hay. Nói vắn tắt là “thơ thất tình”. Muốn có thất tình thì theo tôi cũng chẳng phải là điều khó. Tôi sẽ chọn cho mình một nàng công chúa cao sang còn tôi tự mình đày đọa mình, hoá thân thành anh chàng bán than xấu xí bần hàn, những “cuộc tình không cân sức” kiểu này thế nào cũng dẫn đến một kết cục não lòng lúc đó tha hồ mà làm thơ, vì sự nghiệp thơ ca tôi quyết định làm cuộc thí nghiệm. Tôi bắt đầu lạnh nhạt với với những niềm vui và hạnh phúc tầm thường. Tôi thèm khát sự đau khổ, tôi tin rằng một sự đau khổ thanh khiết có khả năng thăng hoa thành thơ ca bất tử, tôi phiêu lưu đi tìm cội nguồn của sự khổ đau, tuyệt vọng.
Kế hoạch đã vạch ra, cứ thế mà thi hành. Tôi chẳng mất nhiều thời gian thì đã hoàn thành bước đầu. Mấy ngày sau đã có nàng công chúa, đã có chàng bán than, đã có cuộc tình đơn phương, não lòng. Tôi đã gặp nàng “Giáng Tiên” đến lần thứ ba thì đã có thể tôn nàng lên ngôi thần tượng, nàng thơ, niềm kiêu hãnh đau thương, niềm hoang lạc tàn nhẫn, sự đau đớn diệu kỳ.
Giáng Tiên là ca sĩ phòng trà, hàng đêm tôi có thể đến chiêm ngưỡng nhan sắc ảo não và nhấm nháp no nê giọng ca thánh thót của nàng. Dưới ánh đèn sân khấu nàng rực rỡ như một bà hoàng. Nàng thanh khiết cao vợi lấp lánh hào quang như khuôn mặt thánh nữ thấp thoáng trong bảy sắc cầu vồng. Nhiều hôm tôi thấy chiếc áo kim tuyến nàng mặc trên người sáng lên như một ngọn pháo hoa, đốt cháy một cách ngây ngất mọi giác quan trong tôi. Có khi chiếc áo dài trắng thêu hoa nàng mặc trên người đẹp tới làm cho tiếng đàn dương cầm bỗng chốc hoá thành xanh đỏ chen chúc nhau rơi xuống cõi trần như cơn mưa xác pháo. Nàng đi giống như con rắn nước lượn lờ trôi theo dòng nhạc, bao nhiêu cặp mắt nhìn lên đói khát thèm thuồng, bao nhiêu pháo tay, bao nhiêu hoa tươi… nàng bay thật cao trong một thứ gió hào quang, danh vọng, còn tôi thì tự đày đọa mình trong chốn thấp hèn tối tăm cũng chỉ với mục đích: Làm thơ yêu nàng. Tôi cấm mình không được mon men đến gần, tôi không cho mình yêu theo cái kiểu phàm phu tục tử, tôi sợ nàng thơ mỏng manh như bọt xà phòng tan vỡ vì những ý nghĩ thô tục, thường tình của tôi. Chẳng bao giờ tôi dám tưởng tượng xa xôi nghĩ về một sự chung đụng tầm thường như những cặp trai gái khác. Mỗi đêm sau buổi biẻu diễn, bao nhiêu chàng công tử hào hoa đưa đón nàng, còn tôi dựng chiếc xe đạp cà tàng dưới gốc cây từ xa đứng nhìn nàng lên xe, rồi tôi đi về lòng mang một nỗi buồn thật dễ chịu. Sau đó tôi đắm mình trong sự cô đơn sầu thảm não nề. Tôi cố gắng giữ sự cách biệt giữa tôi và “Giáng Tiên”, tôi lại cố gắng đẩy thêm cho sư tương phản giữa cao trọng và thấp hèn của nàng và tôi thêm rộng ra. Tôi tin sự tương phản đó sẽ tạo ra một loại phản ứng dây chuyền thúc đẩy những “phân tử thơ” bắn phá nhau mà kết quả là một năng lượng thơ khổng lồ sinh ra. Quả nhiên phản ứng có xảy ra thật. Đêm đêm tôi về viết được những bài thơ trường giang đại hải nhưng lạ quá thơ thì dài viết thì dễ nhưng vẫn chưa có bài thơ hay. Tôi tin chắc mình không phải là kẻ bất tài, có thể mình còn mắc phải một sai lầm nào đây chỉ vì mình chưa yêu hay đã yêu nhưng chưa yêu đủ liều lượng, hoặc chỉ mới còn đứng giữa ranh giới của lãnh địa thần tình ái chứ chưa hẳn ở trong đó và thế là tôi càng phải cố gắng. Tôi phải dùng chữ “cố gắng” vì tôi thấy yêu người cũng là công việc khó khăn tột bực tôi đem hết cả năng lực dự trữ ra dùng vào công việc yêu nàng Giáng Tiên.
Giai đoạn đầu xảy ra đúng như dự liệu nhưng về sau điều mong mỏi kỳ quặc tưởng đâu dễ dàng thực hiện nhưng cuộc sống lại có những bất ngờ ghê gớm chính sự ngẫu nhiên phi lý của cuộc sống lại đưa nàng Giáng Tiên đến với tôi, lấp hẳn cái hố cách biệt mà tôi cố tình đào ra.
Đó là vào một đêm mưa cuối đông, trời mưa tầm tã phòng trà vắng tanh, đêm đó mấy vị công tử hào hoa bỏ về trước để lại nàng Giáng Tiên bơ vơ một mình, tôi thấy nàng đứng đợi xe rất lâu vẫn không có chiếc xích lô nào đi qua, Giáng Tiên nhìn thấy tôi nàng kêu tôi lại chỉ bằng một nụ cười thân thiện. Không biết đây có phải lần đầu tiên nàng biết có tôi hiện hữu trên cõi đời này không? Chiếc xe đạp của tôi có diễm phúc được nàng chọn, tôi dắt xe lại gần, quanh nàng sực nức hương thơm. Giáng Tiên thỏ thẻ: “Anh cho em về nhà đi!” Giáng Tiên lên xe, tay nàng vòng qua cái bụng chỉ toàn thơ lép kẹp của tôi. Tôi cũng cảm tưởng như hai vòng bánh xe trôi theo làn hương quấn quýt sau lưng tôi. Trên đường đi, Giáng Tiên làm quen và hỏi tôi nhiều chuyện, tôi nghe giọng nói và giọng hát của nàng khác hẳn nhau, giọng nói thì đầy âm sắc quê mùa mộc mạc thế mà khi lên sân khấu đứng trước micrô nàng bắt chước cái giọng gì nghe lạ quá, giống như tây nói tiếng ta một thứ giọng nói nửa nam nửa bắc và khi nàng hát lại còn lạ hơn nữa nàng hát tiếng Pháp, Anh, Hoa, Ấn độ… Không biết nàng hiểu những điều nàng hát không?
Tới nơi nàng không cho tôi đưa tận nhà. Giáng Tiên nói, khuya rồi hàng xóm họ dị nghị. Ban ngày lại chơi. Rồi Giáng Tiên chỉ cho tôi căn nhà cuối con hẻm có ngọn đèn vàng ngoài hiên.
Tôi quay xe về, lòng hoang mang vô kể, thực tình thì tôi không muốn có cuộc tiếp xúc vừa qua, cuộc gặp gỡ chỉ có mấy phút ngắn ngủi đã làm rạn nứt phần nào thần tượng mong manh pha lê của tôi mà tôi vẫn xây một lâu đài cổ tích dành cho nàng công chúa chứ không phải căn nhà nhỏ tồi tàn cuối con hẻm tối tăm đó. Tôi không ngờ da thịt trong trẻo tinh khiết của nàng công chúa lại có thể chạm vào cái bụng phàm phu tục tử nào dù đó là cái bụng chứa đầy tứ thơ của tôi. Thôi đã thế thì hãy thâm nhập vào chốn bồng lai tiên cảnh một chuyến xem nàng tiên sống như thế nào. Và thế là sáng hôm sau, chín giờ tôi đến gõ cửa nhà nàng.
Tôi gõ hồi lâu mới nghe tiếng dép lê trong nhà, tiếng mở khoá lách cách và một khuôn mặt ngái ngủ hiện ra. Dưới ánh sáng ban ngày chói chang, nét mặt của Giáng Tiên làm cho tôi sững sờ. Đây có phải nàng Giáng Tiên ướt sũng ánh đèn sân khấu mỗi đêm dâng tiếng ca huyễn hoặc cho đời? Bộ mặt mà tôi gặp sáng nay khác hẳn. Ôi bao nhiêu sự bê trễ cẩu thả hiện ra rõ mồn một. Đâu rồi hình bóng giai nhân mà tôi vẫn từng chiêm ngưỡng hằng đêm dưới ngọn đèn sân khấu? Hình như tối qua nàng lên giường mà không kịp rửa mặt. May mắn lắm nàng chỉ lau qua khuôn mặt mình bằng chiếc khăn ướt. Tội nghiệp cặp lông mày nàng tỉa tót nhỏ như sợi chỉ rồi bôi đen bằng bút chì than, màu than bôi đen như bị một nhát chổi quét lấy lệ về hướng thái dương để lại vết lọ dài. Màu đỏ son môi cũng chẳng hơn gì, đêm qua nó bị bôi xoá lấy lệ cho nên sáng nay nó bị nham nhở chỗ còn, chỗ mất, trông giống như người bị đánh dập môi. Đâu rồi cặp môi mọng ướt và trông như trái chín mà bây giờ chỉ còn cái miệng vô duyên với cặp môi héo hắt đậu trên khuôn mặt giống mặt hề. Tai hại hơn cả là lớp phấn trắng, phấn hồng, kem lót, kem dưỡng da, đủ thứ sắc màu ô hợp sau một đêm nó trộn lẫn với mồ hôi nhễ nhại trông giống như bức tường ẩm mốc loang lổ. Tệ hơn nữa nhiều chỗ trông như có dòng nước ngấm qua. Chiếc cổ cao mà trước tôi đã làm thơ ca tụng đẹp như cổ thiên nga giờ đây phấn đọng lại trong mấy nếp nhăn giống như có mấy sợi chỉ quấn quanh. Tóc tai nàng bơ phờ có chỗ còn dính mấy cái kẹp, có nơi còn ống xốp cuộn tóc nhưng tất cả tả tơi trông tóc nàng giống như khu vườn sau cơn mưa gió.
Bộ quần áo nàng khoác trên người nhăn và bẩn, nó giống như dưa cải để quá ngày, còn màu của nó thì văn chương một tí gọi là màu hoàng yến. Nhưng đây là con chim hoàng yến bị ám khói và bị bắn thủng nhiều chỗ! Gần nách áo sứt đường chỉ, nàng gài tạm bằng chiếc kim găm. Từ đó tôi có thể kết luận rằng trong căn nhà của người phụ nữ này chắc chắn không “tồn tại” cây kim sợi chỉ. Khi nàng cúi xuống, qua cổ áo rộng tôi thấy cặp vú không gì nâng đỡ xẹp lép lòng thòng như vú chó cái nuôi con. Tôi phân vân, nào đâu bộ ngực núi lửa khiêu khích và kiêu hãnh trên sân khấu?
Giáng Tiên mở cửa mời tôi vào nhà. Trong khung cảnh đặc biệt này chúng tôi không cần giữ phép lịch sự kiểu chủ khách. Tôi thấy Giáng Tiên vén mùng. Trong giường giữa đống mền gối lộn xộn có một khối tròn đầy vết mực xanh đỏ lăn lộn. Sau khi nhìn kỹ thì đó là một cái đầu cạo trọc của thằng bé. Có lẽ nó là con của nàng. Đứa bé có cái đầu ngũ sắc vì nó bị ghẻ chốc, mẹ nó cạo trọc và xức thuốc đỏ, thuốc xanh, chỗ còn tóc, chỗ không, trông thật buồn cười. Thắng bé vừa thức dậy, nó lăn lộn đi tìm chỗ khô, đêm qua nó tè ra ướt nhiều chỗ. Thì ra nàng tiên nữ đã có con và không chồng. Phòng nàng trông chẳng khác gì tổ chuột, tới gần đầy mùi nước tiểu. Cạnh giường ngủ là chỗ móc quần áo. Bao nhiêu bộ cánh xanh đỏ, cái thì mỏng như tơ nhện cái lại dày như mo, cái dài cái ngắn, còn kiểu cách thì kỳ quái dị dạng giống như đồ hát tuồng.
Bên dưới giường của nàng tiên phải nói là một thế giới huyền bí, một thứ hang động chẳng có người dám thám hiểm. Tôi chắc cả năm chẳng có cái chổi nào lai vãng đến nơi đó. Nó đầy bụi bặm, váng nhện, rác rưởi, nước tiểu, giày dép đứt, tàn thuốc lá và bao cao su của những người bạn tình.
Đang còn ngẩn ngơ thì Giáng Tiên kêu tôi cuốn quýt nhờ lấy giấy cho nàng. Tôi đưa mắt nhìn nhưng chẳng có quyển sách báo nào. Nàng bảo tôi dỡ nệm ghế lên. Trời ơi! tôi khui đúng cái “viện bảo tàng của tình yêu” bao nhiêu là thư từ của những người ái mộ gửi cho nàng đều dồn cả vào chỗ này. Tôi nhặt lên một xấp giấy, có cả thơ lẫn thư, màu thiên thanh có mà màu hồng nhạt cũng có, bây giờ thì những áng văn thơ tuyệt tác này sắp sửa chịu sự tuẫn tiết cuối cùng để cho Giáng Tiên làm công tác dọn dẹp vì thằng bé vừa mới bậy ra!
Tôi tần ngần hồi lâu trước chiếc bàn phấn của nàng tiên nữ. Tôi chắc rằng chiếc bàn phấn này cũng là tặng phẩm của một kẻ si tình nào đó. Trước đây chắc nó sang trọng lộng lẫy, nhưng nay thì bệ rạc ngó thấy. Tấm gương nứt làm hai, mặt gương mờ mịt thức mây. Đứng soi vào gương trông thấy bóng dáng mình mờ ảo như nhìn qua màn sương. Tôi tưởng người như Giáng Tiên phải có những dụng cụ trang điểm loại đắt tiền mua ở những cửa hiệu sang trọng nhất. Sự thật thì không phải như thế. Hình như chỗ này cũng là nơi mà cái thằng bé đầu xanh đỏ chơi đùa. Nó chọn chỗ này cũng phải vì có rất nhiều thứ có thể làm đồ chơi. Bao nhiêu là vòng đeo tay đủ kiểu, hoa tai đủ thứ. Phấn son của mẹ nó cũng là thứ đồ chơi rất tốt. Tôi thấy nhiều hộp phấn không, nhiều hộp phấn khô bể ra như bánh in, mấy thỏi son cạn tới đáy mà dù Giáng Tiên với ngón tay út có móng dài cũng không móc ra được. Mấy ống kem thì teo tóp, hộp phấn mi mắt cái còn cái mất, kềm kẹp lông mi đã gãy, chổi quét phấn rụng tả tơi, mặt bàn chỗ nào cũng lem luốc. Thực là một thế giới hỗn độn của mùi hương và màu sắc. Thằng bé đã chơi chán chê chỗ này. Tôi thấy lọ nước hoa không còn một giọt cắm đầy chân nhang. Với cái chỗ như thế này mà nàng Giáng Tiên có thể tô điểm thành một bà hoàng để hàng đêm ra trước công chúng thì nàng quả thực đáng cấp bằng đại học về khoa trang điểm!
Trên bàn còn nhiều thứ nữa chẳng ăn nhập gì tới việc làm đẹp. Có một con dao cùn với trái xoài xanh ăn dở cùng với chén mắm ruốc. Nàng tiên có thể vừa nhấm nháp xoài xanh mắm ruốc vừa nhìn vào gương tô điểm dung nhan của mình. Cô ta được nuôi dưỡng bằng loại thực phẩm đặc biệt này nên vẫn giữ được vóc dáng thanh mảnh gọn gàng chứ chưa phát phì. Cạnh giường tôi thấy có giắt một mảnh giấy ghi:
– Hụi chết còn tám tháng
– Xấp hàng trả góp cho con Lan còn năm chục
– Trễ kinh mười sáu ngày!
Ôi thực là những con số rất đáng cho nàng tiên phải quan tâm. Giáng Tiên nhờ tôi xuống bếp lấy bình sữa. Tôi lần mò ra phía sau. Trong chạn nhiều chén bát đĩa ăn xong chưa rửa. Bên trong đầy phân gián, phân chuột. Một cái tô đựng thứ nước gì đục lờ lờ nổi váng mỡ không biết từ ngày nào bốc mùi chua. Một chiếc thẩu nhỏ dựng mỡ, mở đã đông và đông luôn một chú gián với đầy đủ râu và chân trông giống như một xác ướp trong băng. Trong chạn còn có một chén nước mắm ớt xanh, chắc là phần còn lại của một bữa tiệc bánh bèo, bánh nậm Huế. Tỏi, ớt, đường, muối vung vãi khắp nơi. Cạnh đó là ông lò đất sứt mẻ lạnh lẽo. Điều này cho biết nàng tiên ít khi nấu bữa ăn cho mình. Trong chốn tối tăm nầy cũng có sự hiện hữu của thần thánh. Một vị thần, không rõ là táo quân, thần tài hay thổ địa ngồi trong chỗ nhang tàn khói lạnh còn ngài thì giống như từ ống khói vừa mới chui ra.
Tôi chính là kẻ phải ngồi xuống phồng miệng thổi lửa nấu nước sôi pha sữa cho thằng bé đầu xanh đỏ. Tôi không ngờ cuộc phiêu lưu ngỡ là tình cảm trong buổi sáng hôm nay lại có thể đưa tôi đi xa tới thế nầy. Trong khi chờ nước sôi, tôi tiến về “thám hiểm” phía sau nhà. Quang cảnh chỗ nầy càng làm tôi ngao ngán. Trên chiếc dây phơi nối nhiều chỗ cột từ cây chùm ruột tới cây khế là điểm “tập kết” của đồ lót. Xì líp, xú chiên, đủ kiểu đủ màu mới có, cũ có, thủng lỗ, teo tóp giống như lá cờ của đám tàn quân. Bên dưới là một thau nhôm cũ đựng đầy quần áo trong một thứ nước đục lờ lờ có xác lá vàng rơi. Mấy chiếc áo quần chẳng biết tới lúc nào mới được bàn tay tiên nữ chạm tới giặt giũ phơi lên? Chỗ này cũng là giang sơn của rác rưới, mùi chua của thùng nước cơm, và mùi cống rãnh. Cuối vườn cũng có cái thùng rác. Tôi lấy hết can đảm nhìn vào trong. May quá, cái mà tôi tưởng sẽ thấy đã không có. Tôi chợt nhớ lại con số mười sáu viết trong tờ giấy mà tôi đã đọc từ lúc nãy.
Ngay buổi đó chúng tôi có được một bữa cơm thân mật. Tôi nói rằng thân mật chính vì nồi cơm thì do tôi nấu, Giáng Tiên đi mua thức ăn. Tôi ở lại với nàng suốt buổi sáng, buổi trưa và cả buổi chiều. Tôi muốn cuộc phiêu lưu của mình phải đi tới cùng đường. Tôi biết thêm nhiều điều thuộc về đời thường của Giáng Tiên. Cả cái tên “GiángTiên” người ta gán cho nàng, nàng cũng chẳng hiểu ý nghĩa của nó là gì. Nàng đích thị là cô Lê Thị Lụa chuyên đi làm cỏ lúa quê xã Đồng Sơn, huyện Hoà Đồng, tỉnh Gò Công, một cô gái quê chính hiệu. Thời gian đó còn cho tôi cơ hội khám phá thế giới nội tâm của cô gái nầy. Thực là một cô gái hồn nhiên, mộc mạc và thật đáng yêu, còn cô Giáng Tiên trên sân khấu chỉ là cái xác không hồn, là của giả, là cuộc sống giả phù phiếm vô vị.
Trong lúc ngồi xổm trên nền nhà ăn cơm, tôi nhìn nàng không nhịn được cười. Nàng hỏi:
– Cười chi?
– Cười sân khấu và cười cuộc đời sao lại khác nhau tới mức độ này.
– Cái nào hơn?
– Cuộc đời!
Trên đường về nhà lòng tôi nao nao. Trong chính chốn sâu thẳm của con tim tôi đã có sự thay bực đổi ngôi. Cô Lụa mộc mạc có cuộc sống vô cùng bê bối luộm thuộm từ cách ăn mặc cho tới mọi sinh hoạt khác đã đè bẹp cô Giáng Tiên lộng lẫy xa hoa nhạt nhẽo và giả tạo.
Tôi phân vân mãi không hiểu tại làm sao cuộc đời thực không mấy khi dành chỗ cho sự lãng mạn, ảo tưởng, mơ mộng. Cuộc đời thực vừa mới trông qua chẳng có gì là đẹp đẽ nên thơ cả thế mà cuộc đời thực, cuộc sống thực đáng yêu biết là dường nào!
Bây giờ thì tôi đã “giác ngộ”. Tôi sẽ ra giữa chợ quỳ xuống chiêm ngưỡng cuộc đời và làm thơ…
Quý Thể