Trần Nguyễn Trường Sinh, lập trình viên đầu tiên trong lĩnh vực Flutter ở Việt Nam được Google vinh danh.
Chuyên gia lập trình Trần Nguyễn Trường Sinh đã trở thành thanh niên Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh trong lĩnh vực Flutter - một nền tảng phát triển ứng dụng cho iOS và Android do Google tạo nên.
Anh Trần Nguyễn Trường Sinh, chàng trai 29 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Giám đốc Kỹ thuật của Inspectorio Việt Nam thuộc Công ty Inspectorio, một công ty dịch vụ phần mềm có trụ sở ở bang Minnesota, chuyên cung cấp nền tảng công nghệ nhằm giám sát và kiểm định chất lượng sản phẩm được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo.
VOA vừa có dịp trao đổi với anh Trường Sinh, một trong 27 chuyên gia trên thế giới về lĩnh vực Flutter, và là một trong tổng số 825 Chuyên gia Phát triển Google (GDE) trên toàn cầu.
Dù các GDE không phải là nhân viên của công ty Google, nhưng họ được Google và cộng đồng đánh giá rất cao về kiến thức cũng như khả năng lan toả kiến thức về lĩnh vực được công nhận vì họ tích cực đóng góp và hỗ trợ các nhà phát triển (developer) và hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystem) trên toàn thế giới.
VOA: Xin chào anh Trường Sinh, trước hết xin anh cho biết Flutter là gì và nó có ưu điểm gì?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Flutter là một công nghệ để phát triển phần mềm trên điện thoại di động, trên máy tính và trên web. Trước đây, nếu cần phát triển phần mềm trên điện thoại di động thì phải làm riêng cho Android và phải làm riêng cho iOS, làm riêng cho web, còn nay với Flutter này thì chỉ cần làm một lần là xài cho cả 3-4 nền tảng. Nhưng cho dù làm cho Android không thôi, mà làm bằng Flutter thì thời gian cũng nhanh hơn.
Nếu như mình dùng Flutter này để phát triển ứng dụng phần mềm thì nó nhanh gấp 4-5 lần so với cách truyền thống.
VOA: Anh nghĩ gì về danh hiệu này?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Trước khi được vinh danh, mình nghĩ rằng điều này là một cái gì đó rất lớn và mình rất mong muốn, nhưng khi mình đạt được rồi thì mình cảm nhận rằng điều này không quá khó. Và mình nghĩ rằng những bạn coder (lập trình viên) Việt Nam khác, nếu tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, thì các bạn sẽ đạt được.
Nói ngắn gọn là khi mình đạt được rồi các bạn Việt Nam khác vẫn có thể đạt được giống như mình.
VOA: Anh có thể cho biết đôi chút về quá trình học tập và làm việc?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Trước đây, mình học tập và làm việc 10 năm ở Phần Lan. Vào tháng 5 năm ngoái mình về Việt Nam vì có Inspectorio, một công ty có trụ sở ở Mỹ, nhưng có văn phòng tại Việt Nam và ở Việt Nam là một trung tâm cho các nhà khởi nghiệp công nghệ (Techhub).
Trong quá trình làm việc ở Phần Lan, mình có được giải thưởng Nordic Startup Award - People’s choice CTO 2016.
Từ khi về Việt Nam, mình kết nối khá nhiều với cộng đồng ở trong nước và các nước Đông Nam Á. Vừa rồi, mình làm diễn giả cho Diễn đàn IO Extended Kuala Lumpur 2019, Malaysia. Sau đó, mình cũng đi làm diễn giả cho các diễn đàn ở TP. Hồ Chí Minh như Droidcon, một diễn đàn dành cho các lập trình viên Android; IO Extended Ho Chi Minh City, một diễn đàn về công nghệ mới mà Google đang hỗ trợ cho các lập trình viên trên thế giới để tạo ra những phần mềm mới.
Mình cũng có dịp tham gia một hội nghị Thanh niên của LHQ ở New York 2011 và có hình trên con tem của LHQ. Đó là một điều rất thú vị.
VOA: Anh nghĩ gì về cơ hội để cho các bạn trẻ trong nước làm GDE?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Với các bạn chưa bao giờ ra nước ngoài, thì tại Việt Nam hiện nay cũng có các buổi trao đổi (meetup) mà các bạn trong ngành công nghệ tập trung lại với nhau để chia sẻ thông tin, diễn đàn, workshop.
Nếu các bạn tích cực tham gia các buổi thảo luận (offline event) này thì không chỉ có thêm kiến thức và còn mở rộng ra các mối quan hệ mới, bớt đi tính tự cô lập bản thân, giao tiếp với xã hội nhiều hơn, chứ không hẳn có đi du học mới có thể làm được điều này.
Trần Nguyễn Trường Sinh, chuyên gia Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực Flutter được Google vinh danh.
VOA: Từng được các nước Bắc Âu (Nordic) trao thưởng về lĩnh vực khởi nghiệp, anh có thể chia sẻ cho các bạn trẻ Việt Nam các kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Có vẻ như hiện nay khởi nghiệp (startup) đang là một phong trào ở Việt Nam, các bạn thấy người khác làm thì các bạn cũng muốn làm, chứ chưa hiểu được startup là như thế nào, có những rủi ro gì…
Theo quan điểm cá nhân của mình, các bạn nên đi làm ở những công ty có sức hút, những công ty vừa và nhỏ, không nhất thiết phải làm ở những tập đoàn quá lớn. Các bạn đừng nên khởi nghiệp chỉ vì muốn khởi nghiệp.
Nếu các bạn thật sự có một niềm yêu thích về một công nghệ nào đó, một sản phẩm nào đó và muốn nhìn thấy nó được bán ra và sử dụng, thì các bạn có thể theo đuổi niềm đam mê đó, còn nếu chỉ vì muốn làm chủ mà khởi nghiệp thì không nên.
Bởi vì nếu chúng ta làm theo phong trào, và phong trào giống như một chiếc bong bóng thì cuối cùng nó cũng sẽ bể mà thôi.
VOA: Là một chuyên gia về công nghệ phầm mềm, anh nhận định như thế nào về cách mạng công nghệ 4.0 của Việt Nam?
Trần Nguyễn Trường Sinh: Trên truyền thông có rất nhiều người nói về cách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng 4.0… Tuy nhiên, bản thân tôi qua công việc hằng này vẫn chưa thấy nhiều lắm những ảnh hưởng hay sự hỗ trợ đặc biệt, hay các diễn đàn nói về công nghệ này.
Điều duy nhất tôi thấy sự hỗ cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là hỗ trợ về thuế, ngoài ra chưa có thấy sự hỗ trợ gì khác.
Tuy nhiên, các công ty thì có vẻ tích cực hơn. Họ có riêng các quỹ đầu tư cho công nghệ mà không đặt nặng vấn đề hiệu quả đồng vốn đầu tư (return on investment). Họ cung cấp quỹ cho các bạn trẻ có kiến thức, có đam mê để làm nghiên cứu.
Các công ty lớn khác cũng có xu hướng thành lập hẳn một thực thể nhỏ trong công ty (startup incorporation) để làm công nghệ 4.0, và các startup này có tính định hướng nhiều hơn so với việc định hướng từ chính quyền.
Theo VOA