Chiều hôm qua, bữa cơm thanh đạm mà ngon lạ lùng với mớ rau dền, mổng tơi, và một loại rau dại tên là gì đó, nó mọc đầy dọc theo bờ rào; nhưng một ông bạn tôi ghé chơi nhà đã cho tôi hay là rau đó ăn được, thậm chí là ngon – nếu chú em thích. “Hồi anh ở tù, nhờ rau đó mà sống sót mấy năm trời trong tù cải tạo.”
Tôi cắt được rổ rau nhiều loại mà nhớ rau tập tàng ở quê nhà, chẳng biết cái từ “tập tàng” ở đâu ra, vì sao người dân quê cắp rổ ra vườn, thậm chí ra đồng ngắt đủ thứ rau ăn được trên đường đi, trong tầm mắt… thì gọi là rau tập tàng. Tôi lại hái thêm được mấy trái đậu bắp nữa chớ, định đem vô nhà nấu canh với tôm khô, nhưng lười nên chỉ luộc lên cho xong.
Nhìn dĩa rau tập tàng mà cười thầm trong bụng với giới tư bản đỏ trong nước bây giờ, họ đãi nhau bữa lẩu, ăn với rau tập tàng là coi như sang cả khi rau tập tàng được nâng lên hàng đặc sản. Cái bọn trưởng giả học làm sang ấy, không biết bao giờ họ mới thành người? Rồi tôi nhớ bà ngoại xấp nhỏ khi tôi mới làm rể. Bà ngoại nấu canh chua dưới bếp. Tôi thì xuống tủ lạnh để lấy chai bia. Tôi thấy nồi canh chua sôi quá nên nói, “Má ơi! Nồi canh sôi quá rồi kià!” Má tui nói, “thì bỏ mớ đồ bổi vô cho má. Rồi tắt lửa đi.”
Tôi đứng chết trân vì con nhà người bắc di cư thì làm sao biết được “đồ bổi” là đồ gì? Thậm chí người bắc không xài chữ “đồ” cho thức ăn. Tôi đứng xớ rớ làm chị vợ tôi thương cảm, chỉ cười cười thông cảm một lần thôi nha em… Sau đó, chị ấy trút vô nồi canh chua cả rổ bạc hà, cà chua, đậu bắp với giá. Ấy là đồ bổi theo tiếng miền nam. Từ ấy tôi đọc sách cho tới hôm nay cũng chưa tìm được ai giải thích vì sao gọi rổ bạc hà, cà chua, đậu bắp với giá trong nồi canh chua thì gọi là đồ bổi? Có thể chỉ là từ địa phương nên đi ra khỏi xóm làng nào đó là hết nghe ai nói những từ quen thuộc như lũy tre làng…
Nhìn đến tô nước rau luộc màu đỏ gụ do rau dền đỏ thật đẹp, tôi nghĩ đến hộp gà kho gừng trong tủ lạnh, chỉ việc hâm lên là có nước gà kho để chấm rau, nhưng nghĩ đến việc ăn thịt thật là chán vì ngày nào cũng thịt. Bỗng nhớ tới khô cá dứa của bạn cho đã lâu, không biết có còn ăn được không nữa? Cũng không hiểu vì sao mà chiều hôm qua siêng năng lạ? Tôi đi lục tủ đá ngoài garage, lấy khô cá dứa ra chiên.
Ôi, đã bao năm ròng rã với thịt gà, thịt bò ở cái chợ Mỹ gần nhà. Bỗng chiều hôm qua như được về nhà, về đúng ngôi nhà tuổi nhỏ ở một vùng quê bên Việt nam; được ăn những món hồi nhỏ ngán tới cổ họng và chỉ thèm được ăn thịt gà với thịt bò. Nay ăn thịt gà với thịt bò đã ngán tới cổ họng nên ăn rau tập tàng luộc với khô cá dứa mà bồi hồi dĩ vãng đã xa…
Đang ngon miệng, ăn quên thôi. Bỗng đàn vịt trời kêu oang oác trên không. Chúng bay theo hình chữ V ngang qua khung cửa sổ lớn cạnh bàn ăn. Cả mùa thu tràn về ngó miệng làm tôi há hốc ngó trời… tháng mười rồi đó em.
Nhìn hàng cây còn xót lại của cả cánh rừng sau nhà trước đây; biết bao nhiêu cây rừng đã nằm yên dưới nhà cửa mọc lên, siêu thị rộng lớn, bãi đậu xe mênh mông và đường xa lộ không có điểm cùng. Biết bao nhiêu mùa thu đã đi qua đây để vàng lá cả khu rừng, nay chỉ còn hàng cây đứng lặng thinh, lá nhuốm vàng thêm mùa thu nữa; đã bao nhiêu đàn vịt trời bay qua đây để tiếng kêu vọng lại mùa sau, đã bao tháng mười miên man qua ngõ…
Mùa của thiên di, từng đàn chim bay qua bầu trời, bay về phương nam tìm nắng ấm theo quy luật sinh tồn tự nhiên trong vũ trụ. Nhưng những đường bay của chúng theo các nhà nghiên cứu thì không ngẫu nhiên chút nào mà có tính toán, có đội hình hẳn hoi. Trong hàng vạn loài chim trên địa cầu thì hầu hết đều có cuộc sống thiên di, từ loài chim chỉ di chuyển ngắn từ trên núi xuống chân núi để tránh rét mùa đông; đến những loài chim có cuộc hành trình dài đến mấy chục ngàn dặm từ bắc bán cầu xuống nam bán cầu. Chúng bay có khi cả tháng trời trong mùa di trú. Rất nhiều sách và phim nói về việc thiên di của những loài chim. Nếu có thời giờ xem phim hay đọc sách về chim thiên di, chúng ta không khỏi thán phục để có suy nghĩ khác hơn với muông thú khi các nhà nghiên cứu cho biết là chúng thường bay một mình và bay vào ban đêm để tránh bớt nguy hiểm với các loài thú săn mồi khác. Ngoài ra, bay đêm ít gió hơn và trời mát mẻ cho đỡ mệt để có thể bay liên tục nhiều ngày… Nghĩ đến cánh chim trời với người xa xứ như bà con không bên nội thì cũng bên ngoại. Chim bay cả đêm đi tìm đất sống, ngày còn phải kiếm ăn chứ nghỉ ngơi bao nhiêu; người vượt biên, vượt biển đi tìm tự do; rồi thì cũng tay làm hàm nhai tới nhắm mắt lìa đời chứ ai nuôi. Chim nhớ về tổ cũ. Người nhớ người, quê hương…
Con người đã biết về đời sống thiên di của nhiều loài chim. Ngay từ khi còn ngồi trong những ngôi trường bé nhỏ ở những làng quê xa xôi thì những cô cậu học trò nhỏ đã từng thả ước mơ bay theo những cánh chim trời. Ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới ấy nên ước mơ thường đẹp, ước mơ bay cao, bay xa khỏi lưng trâu, cầu khỉ, lũy tre làng để biết được trời cao biển rộng… Ở tuổi chưa có kỷ niệm thì lấy gì hoài niệm nên chấp cánh mơ bay theo đàn chim thiên di là một trong những kỷ niệm êm đềm khi hoài niệm lại tuổi thơ và cố hương từ một nơi xa mù cố thổ. Hình ảnh những đàn vịt trời, sếu, cò,… với những đường bay ngoạn mục của chúng khắp bầu trời. Ở tuổi chưa biết đến rủi ro và hiểm nguy trong hành trình bay mải miết của những loài chim thiên di nên chỉ thấy cánh đồng bát ngát, cồn cát trắng tinh, biển xanh và rừng thẫm, thung lũng phủ sương mù làm nền cho đàn chim thiên di tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Nhưng đến khi mang tâm trạng xa nhà đã lâu, người ta có thể đứng hằng giờ để ngắm bức tranh đàn chim thiên di bay trong bầu trời xám nên mây buồn lây… Bức tranh của một hoạ sĩ đường phố bên Đông Đức đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về người vẽ và bức tranh, hình như không cần nói thêm về việc cả hai buồn như nhau khi so sánh những cánh chim trốn tuyết thì đúng hơn qua nét cọ truyền thần của người vẽ mới thoát ra khỏi chế độ cộng sản trên quê hương ông. Ông vẽ và bán những bức tranh không bao nhiêu tiền trên hè phố Đông Đức sau khi bức tường Bá linh sụp đổ, nhưng chắc nhờ thế mà bầu trời hậu cảnh tự do hơn với màu xám khi quê hương ông chưa xây dựng lại được gì, càng làm lộ rõ lên nền trời u uẩn những nhà tù và trại giam cũ kỹ khắp nơi. Tôi nhìn ông và cảm nhận sự liên hệ rất gần giữa đàn chim thiên di và những cộng đồng ly hương. Đội hình bay của đàn chim không ngẫu nhiên mà là sự kỳ diệu của tạo hóa qua cuộc sinh tồn của muông thú, cộng đồng ly hương cũng không ngẫu nhiên mà sống thành cộng đồng với nhau để nói tiếng mẹ đẻ cho đỡ nhớ quê nhà… Người họa sĩ nhớ gì trong màu xám chủ đạo cả bức tranh tháng mười Đông Đức?
…
Đàn vịt trời bay qua. Những đàn chim thiên di bay qua. Chúng đập cánh bầy đàn làm mùa hè hạ nhiệt thành mùa thu hay chúng đem thu về cho cây thay lá, hoa cúc vàng ngẩn ngơ trong nắng nhạt, vuông cỏ khô nhà ai ngồi lại bên trái bí tháng mười. Mùa của tìm về từ những ra đi, mùa hoài cảm theo đất trời kỳ diệu và cánh chim thiên di bay đi để nhớ về tổ cũ, để lòng người chùng lại cung thương nỗi xa quê…
Tháng mười rồi đó em.
Rau dền đỏ sau nhà vẫn mọc tháng năm, hoa hẹ mùa này vẫn trắng lối đi bên hè; bạc hà vẫn cố gắng che nắng cuối mùa cho rau càng cua trổ hoa đơm hạt mùa sau. Cây sồi già trước ngõ đã thầm thì với gió bấc về; mấy con sóc đào hang giấu hạt để sống qua mùa đông… cuộc sinh tồn của vạn vật không ngưng nghỉ nên vạn vật hữu hạn. Tháng mười chưa cười đã tối nên thu đi thu đến cho lá vàng bay, mấy sợi tóc bạc bay về phía quê nhà tháng mười trăng lạnh…
Phan