Trong bài viết có tựa đề “Advice for Our Vietnamese Friends on China” [Lời Khuyên Những Người Bạn Việt Nam Của Chúng Tôi Về Trung Quốc] đăng trên tạp chí American Thinker hôm 27 tháng 9 năm 2019, nhà bình luận chiến lược David Archibald đã đưa ra lời báo động rằng Trung Quốc đang chuẩn bị tấn công Việt Nam. Trong bài viết này, Archibald cũng đã nhắc đến nhiều cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam trước các cuộc xâm lăng của Trung Quốc từ đầu kỷ nguyên Tây Lịch.
Họa xâm lăng từ phương Bắc là nan đề lớn nhất của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay. Thời nào cũng có, chỉ là mỗi thời đại cường độ và sắc thái của những cuộc xâm lăng từ phương Bắc cũng khác nhau. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chiến tranh ngày nay càng tinh vi và khốc liệt hơn các thời kỳ trước đây. Với phi đạn đủ tầm đủ cở, với pháo đài bay và chiến đấu cơ siêu thanh, với tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, với thủy lôi và phi cơ không người lái, cuộc chiến bây giờ có mức sát thương và tàn phá kinh hoàng.
Tất nhiên, tất cả những loại vũ khí dù có hiện đại và khủng khiếp đến đâu thì cũng không thể đe dọa và dập tắt lòng yêu nước của người dân Việt có thể xả thân để bảo vệ giang sơn gấm vóc mà nhiều đời tổ tiên ông bà đã hy sinh xương máu để gầy dựng và giữ gìn. Như di huấn của Vua Trần Nhân Tông đã minh thị:
"Một tấc đất của Tiền nhân để lại,
cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".
Hay như lời của Vua Lê Thánh Tông đã nói với các quan trông coi biên giới phía Bắc năm 1473 đã được ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư rằng, “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”
Nhưng làm sao để giữ nước khi phải đương đầu với một Trung Quốc có nền kinh tế và quân sự lớn mạnh đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau đại cường Hoa Kỳ?
Nói về mặt kinh tế và quân sự, Việt Nam không phải là địch thủ ngang tầm với Trung Quốc. Nhưng ngoài yếu tố kinh tế vững mạnh, khả năng quân sự tương xứng và trình độ chiến lược chiến thuật kỹ thuật cao để chiến thắng trong một cuôc chiến vệ quốc còn có yếu tố then chốt khác mà tiền nhân chúng ta đã vận dụng là lòng dân và nội lực dân tộc.
Khi Vua Lê Đại Hành (941-1005) hỏi về vận nước dài ngắn ra sao Thiền Sư Pháp Thuận (914-990) trả lời rằng:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam Thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
(Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi ở cung điện
Khắp nơi hết chiến tranh.)
“Vận nước như mây quấn” là nguyên lý thứ nhất mà Thiền Sư Pháp Thuận đưa ra là chỉ cho sự bền vững và thái bình của đất nước tùy thuộc vào sức mạnh đoàn kết và thống nhất của lòng dân trên dưới. Muốn cho toàn dân trên dưới một lòng thì giới lãnh đạo đất nước phải thi hành quốc sách theo nguyện vọng của dân, phải lấy dân làm gốc, phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền sống và quyền làm người của toàn dân, phải đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái, chủ nghĩa, ý thức hệ chính trị.
Áp dụng nguyên lý này của Thiền Sư Pháp Thuận, khi nước ta (Đại Việt) đương đầu với cuộc xâm lăng lần thứ 2 của quân Nguyên Mông vào năm 1284, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập một Hội Nghị Diên Hồng chưa từng có trong lịch sử nước nhà để lắng nghe ý kiến của các vị bô lão khắp nước về việc chống quân Nguyên Mông. Nhờ trên dưới toàn dân đã một lòng nên dù tương quan lực lượng của Đại Việt yếu kém so với đại quân Nguyên Mông vẫn có thể giành chiến thắng vẻ vang đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.
Lòng dân thống nhất như vậy là nhờ giới lãnh đạo đất nước biết thực hiện nguyên lý thứ hai của Thiền Sư Pháp Thuận: “Vô vi cư điện các.” Giải thích về nguyên lý ‘vô vi’ này, sử gia Lê Mạnh Thát đã viết như sau trong “Bài Thơ Vận Nước và Tư Tưởng Chính Trị Của Thiền Sư Pháp Thuận:
“Vậy rõ ràng, khi nói đến vô vi trên điện các, Thiền sư Pháp Thuận đã muốn đề xuất một mẫu người lý tưởng cho vua Lê Đại Hành trong việc trị vì đất nước, một mẫu người có trí, có đức. Người lãnh đạo phải sở hữu những phẩm chất tài và đức này thì đất nước mới thái bình thịnh trị, nơi nơi mới chấm dứt chiến tranh. Khi một đất nước đã thế, tất nhiên vận nước sẽ dài lâu, và vận mạng của triều đại cũng nhờ thế mà tồn tại với đất nước.”
Giải thích thêm về nguyên lý cốt lõi của việc trị nước này, sử gia Lê Mạnh Thát đã viết:
“Đúng thế, không có đất nước nào có thể tồn tại khi lòng dân ly tán và những người lãnh đạo lại thiếu tài, thiếu đức. Hai tính chất này đối với sự tồn tại của một đất nước, một triều đại, không bao giờ mất tính thời sự của nó. Trong lịch sử dân tộc, gặp những khi một sự việc như thế xảy ra, không biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra để tìm cho được manh mối, nguyên do vì sao đất nước bị ngửa nghiêng, dân tình bị khốn khổ. Lời cảnh báo của Thiền sư Pháp Thuận về độ dài ngắn của vận nước, do thế, đã trở thành một lời huyền khải, một tuyên ngôn về tư tưởng dựng nước và giữ nước. Nó đã trở thành nền móng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền dân tộc.”
Nói về tài đức của nhà lãnh đạo quốc gia, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại câu chuyện về lòng từ bi rộng lớn của Vua Lý Thánh Tông như sau:
“Mùa đông năm 1055, Thánh Tông từng nói với các quan hầu cận: "Ta ở trong cung sâu, sưởi là than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế này, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi bị cơn gió lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót". Tiếp đó, ông sai quan Hữu ty cấp mền, chiếu trong kho cho tù nhân và yêu cầu cung cấp cho người tù hai bữa ăn đầy đủ mỗi ngày. Cùng năm đó, Thánh Tông truyền lệnh giảm một nửa tô thuế cho dân cả nước.”
Nhà lãnh đạo quốc gia không thể chỉ biết nghĩ đến quyền lợi riêng tư của cá nhân, gia đình và đảng phải của mình mà bỏ mặc dân đen. Thậm chí còn lợi dụng chức quyền để hà hiếp, bóc lột, áp bức, bòn rút, tham nhũng của dân và của quốc khố để vinh thân phì da bất kể đến dân lành lầm than, đói rách và đau khổ. Một nhà nước như thế không thể nào thống nhất được lòng dân để tạo sức mạnh nội lực dân tộc chống lại những cuộc xâm lăng của ngoại bang.
Chưa hết, nội lực của dân tộc còn phải được xây dựng trên một nền văn hiến rực sáng mà biểu tượng rõ nét nhất là chất lượng của nền văn hóa thăng hoa.
Nền văn hóa của một dân tộc bao gồm tất cả những sinh hoạt đa dạng và phong phú của người dân về triết lý, tư tưởng, tôn giáo, đạo đức, giáo dục, văn chương, nghệ thuật, luật pháp, ẩm thực, y phục, v.v… được biểu hiện qua tư duy, ngôn ngữ và hành động thường nhật của từng cá nhân và cộng đồng xã hội.
Khi một đất nước với đầy dẫy những hành vi áp bức, bóc lột, tham nhũng, lạm quyền, mua quan bán chức từ chốn công đường đến học đường, trộm cắp khắp nơi, bạo hành nhan nhản từ gia đình đến xã hội, tàn phá môi trường đề làm ăn buôn bán, lãnh đạm thờ ơ với những bất công của xã hội, bóp nghẹt tiếng nói của người khác, sử dụng lời lẽ thô tục nơi công cộng, v.v.. là một đất nước đã phá sản nền văn hóa thăng hoa sẽ di hại nhiều thế hệ nếu không kịp thời điều chỉnh, sửa đổi. Một nền văn hóa như thế không thể nào có đủ yếu tố hữu hiệu để xây dựng nội lực cho dân tộc hầu tạo sức mạnh cho cuộc chiến tranh vệ quốc.
Và như một hệ lụy không thể tránh khỏi, một đất nước như vậy sẽ rất dễ bị ngoại bang thao túng, lũng đoạn và đánh bại trên cuộc chiến đa diện và phức tạp trong thời đại chiến tranh toàn diện ngày nay.
Cuộc chiến văn hóa này là cuộc chiến mà hiền thần Nguyễn Trãi đã nêu ra trong Bình Ngô Đại Cáo:
Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn,
Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo.
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
(Ngô Tất Tố dịch)
Dùng ‘đại nghiã’ đối với ‘hung tàn’ để chỉ cho tâm thức và hành xử thấu tình đạt lý và đầy khoan dung độ lượng của dân tộc Việt Nam không như tâm thức và hành động hung tàn bạo ngược của quân Minh xâm lược. Dùng ‘chí nhân’ để nói đến cái lòng nhân bản cao cả của người Việt không như hành động ‘cường bạo’ thô bỉ và thấp hèn của giặc Minh.
Đại nghĩa và chí nhân là những đặc tính của một nền văn hóa thăng hoa cao độ. Một dân tộc có nền văn hóa thăng hoa cao độ như thế thì dù giặc ngoại xâm có hung tàn bạo ngược đến mức nào cũng bị đánh bại.
Tổ tiên chúng ta đã biết xây dựng nội lực dân tộc hùng tráng như thế đó để giữ gìn đất nước.
Còn thế hệ con cháu hôm nay đã làm được gì cho nội lực dân tộc vững mạnh để chống ngoại xâm?
Huỳnh Kim Quang