Đông đảo người dân Hồng Kông xuống đường ngày 02/10/2019 phản đối cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình. REUTERS/Tyrone Siu
Trong suốt bốn tháng qua, phong trào phản kháng ở Hồng Kông đã kiên trì đấu tranh đòi dân chủ và các quyền tự do lẽ ra họ được hưởng. Tuy nhiên, dường như trong nội bộ người biểu tình xuất hiện những chia rẽ, rạn nứt về chiến lược đấu tranh, đặc biệt do phong trào này không có thủ lĩnh thực sự và người biểu tình bắt đầu mệt mỏi.
Trang Franceinfo (12/10/2019) lấy ví dụ một người biểu tình trẻ ở Hồng Kông. Sau bốn tháng trên tuyến đầu và đã xô xát với cảnh sát, thanh niên này đã quyết định đấu tranh theo một cách khác để phong trào tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân.
Anh nói : « Những người biểu tình sẽ vẫn tiếp tục đi biểu tình. Những người trên tuyến đầu thì sẽ vẫn cố gắng gây sức ép tối đa đối với chính quyền để không bị lấn át. Với những người biểu tình ôn hòa, họ đấu tranh bằng cách, ví dụ, tạo thành những dây chuyền người nắm tay nhau trên phố để thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Cả hai hình thức biểu tình này đều có chung mục đích cuối cùng, đó là đấu tranh cho những mục tiêu chung của họ ».
Trả lời trang Franceinfo, giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste ở Hồng Kông, cho rằng sự chia rẽ trong nội bộ người biểu tình sẽ là một nguy cơ lớn. Ông nhận định : « Phong trào đã bị cực đoan hóa, trở nên bạo lực hơn rất nhiều. Điều đáng lo ngại cho phong trào là sự chia rẽ : Một bên ngày càng trở nên cực đoan, đập phá tài sản hoặc tấn công vào các cơ sở hành chính. Còn bên kia thì lo lắng về tình trạng thái quá này, họ muốn quay lại với chiến lược ôn hòa hơn hoặc bất tuân dân sự, không tấn công vào các cá nhân và dĩ nhiên là vào cảnh sát ».
Giáo sư Cabestan kết luận : « Phong trào này đang bị chia rẽ và tôi nghĩ rằng Bắc Kinh, cũng như cảnh sát Hồng Kông, là những bên có lợi trước sự chia rẽ này ».
Theo RFI