Ông Thầy Tử Vi không vui, nói với tôi: “Cứ như lá số này của gia đình ông, thì trong vận hạn 10 năm sắp tới của ông xem như là một vận xấu kéo khá dài. Số ông có Thái Dương hãm ư di cung, nan chiêu tổ nghiệp, ly tổ vi hung. Số ai có sao Thái Dương cư cung Thiên Di, khó bảo toàn tổ nghiệp ở quê hương, vận này rất xấu! Số cháu trai thì Vũ Phá Tỵ Hợi Di cung- Tha phương cầu thực lao tâm phất lực. Hai sao Vũ Khúc, Phá Quân ở cung Di, phải vất vả lắm mới có miếng ăn, không chừng phải bỏ xứ ra đi!”
Bấy giờ gia đình chúng tôi đang ở trong tâm trạng phấn khởi, đã khám sức khỏe xong đang chờ chuyến bay đi Mỹ, số này tất ứng vào chuyện “phải bỏ xứ ra đi,” nhưng nói tới đây, là vận 10 năm không tốt thì chắc là số tử vi này chấm sai. Trước đây đã có bao nhiêu người bỏ thân trên biển cả, chỉ mong có dịp đặt chân đến một nơi nào đó ở ngoài đất nước Việt Nam. Bây giờ có cơ hội xuất ngoại bằng máy bay, không phải chui nhủi, trốn tránh, bảo toàn được sinh mệnh, hẳn phải là gặp phước Trời, trăm người chưa được một. Vào thời buổi này, ai cũng mong có dịp xuất ngoại, hàng xóm trầm trồ, mơ ước có được hoàn cảnh của người bỏ nước ra đi, mà lá số tử vi lại cho rằng gặp vận xấu?
Nhiều gia đình ngày lên phi trường đi Mỹ, bố và con trai thì đóng vest và cà vạt, mẹ và con gái thì lên đồ đầm, cho vẻ vang, đẹp đẽ với thiên hạ, chòm xóm, đâu phải là một chuyến đi đày, phải lìa quê, ly tổ!
Theo văn hóa Việt Nam hay Á Đông, phúc đức cho một đại gia đình nào được xếp vào cảnh “tứ đại đồng đường” (bốn đời sống chung dưới một mái nhà!). Có phước báu mới được sinh ra, lớn lên, và chết trong cùng một căn nhà đó, hay nói rõ là trên một cái giường, trong một căn phòng duy nhất.
Sống lưu lạc xa quê vì sinh kế, được gọi là tha phương cầu thực, với một người không biết quê quán ở đâu đến đây, được gọi bằng thành ngữ “trôi sông lạc chợ!” Không gì thê thảm bằng người bị tách ra khỏi cội nguồn, đẩy ra khỏi quê hương, ngày trước là lũy tre làng, cây đa bến cũ, con đò sông xưa.
Cũng bởi vậy tâm trạng người xa quê xót xa biết bao nhiêu. Người con gái đi lấy chồng xa, với “chiều chiều ra đứng ngõ sau,” người lưu xứ buổi chiều, lòng chạnh hỏi “quê nhà biết ở nơi đâu?” Cùng với tâm sự u hoài, ưu thời mẫn thế, đêm qua trời “chớp bể với mưa nguồn,” người quân tử thức giấc với nỗi buồn triền miên, khó lòng dỗ giấc ngủ trở lại.
Đó có thể là nỗi buồn của người phải tha phương vì sinh kế, mới nghe qua cũng đã thấy chạnh lòng.
Nhà văn Lưu Dân ở Úc đã từng đặt câu hỏi: “Làm người dân lưu vong, có dễ không, hả bạn?”
Ông đã sống hơn nửa đời ở Úc, nơi đã cho ông cơ hội và quyền con người.
Ông xúc động mỗi lần nghe bài hát “I Still Call Australia Home” và cảm thấy ấm áp hơn mỗi lần đi xa trở về, nhưng ông đã có nửa đời trước sinh ra và lớn lên, ăn miếng cơm và uống miếng nước ở Việt Nam, nơi ông được hấp thụ nền văn hóa đẹp đẽ và tình tự quê hương ngọt ngào. Ông tỏ ý hoang mang về căn cước (identity crisis) của mình, và cho rằng mình đã vượt qua cơn khủng hoảng đó nhưng thỉnh thoảng nó vẫn nhói lên như một nhắc nhở về quê hương đã xa và mái ấm đang có.
Và ông đã tự hỏi: “Bây giờ, tôi là người Úc hay Việt?”
Trong tác phẩm “Sống Chẳng Còn Quê,” xuất bản ở Úc, BS.Trần Xuân Dũng đã tâm sự: “Lúc nào tôi cũng khắc khoải về nước Việt Nam đã mất.”
Ông cho rằng Trần Văn Thủy, một đạo diễn miền Bắc viết trong tác phẩm của ông “Nếu Đi Hết Biển” đại khái nếu đi hết biển qua các Đại Dương, Châu Lục, đi mãi, đi mãi, thì sau cùng cũng lại trở về với quê mình, làng mình.
Nhưng Trần Văn Thủy đã nhầm, người ta yêu quê hương nhưng khi quê hương ấy nằm trong tay những kẻ trời không dung, đất không tha như bọn Việt Cộng, thì thà “Sống Chẳng Còn Quê” còn hơn.
Trong trang cuối cuốn sách, ái nữ của tác giả, thế hệ sau, đã viết: “Tôi coi nước Úc là nhà, nhưng tôi biết rằng bố mẹ tôi lúc nào cũng vẫn cảm thấy như ở ngoại quốc!”
Nỗi lạc lõng, xót xa, ray rứt ấy bao giờ mới hết?
Đài Loan là một hòn đảo lưu vong xa nguồn cội, nhưng Đài Loan ngày nay đã có tất cả những gì là quê hương. Chúng ta đem theo được một Little Saigon đến đây, nhưng là một Little Saigon với thể chế, luật pháp và ngôn ngữ của nước Mỹ.
Chúng ta lưu vong nhưng chúng ta đã trở thành người dân của một quốc gia khác, một hai thế hệ sau, hình ảnh Việt Nam sẽ còn lại rất mờ nhạt, thậm chí sẽ không còn cả tiếng nói và chữ viết.
Không phải chỉ chúng ta đang ở Mỹ, mà rồi đây nhiều thế hệ sau, ở Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc, thậm chí ở cả Cambodia, Lào, Thái Lan… có những người kể chuyện cho con cháu nghe, bằng tiếng bản xứ rằng, ngày xưa thật xa, họ có một bà nội, bà ngoại, bà cố người Việt lưu lạc tới đây kết hôn với một người chồng địa phương!
Sống lưu vong, Thiếu tướng Nhảy Dù Lê Quang Lưỡng, lúc chết, không muốn phủ quốc kỳ, vì thẹn đã không được “da ngựa bọc thây,” ông tâm sự rằng, lúc cuối đời, ly rượu uống vào nghe đắng cả lòng.
Lưu vong là sống tạm bợ nơi nào đó không phải là quê hương, lý do vì quê hương đang có vấn nạn, lưu vong không phải là đi làm ăn xa, để mỗi cuối năm lại “về quê ăn Tết.”
Vậy thì lưu vong và ly hương hẳn đã khác nghĩa nhau. Mỗi năm đã chẳng có hàng chục nghìn người Việt ly hương hớn hở “về quê ăn Tết” đó sao?
Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com