Ơi Thượng Đế, xin nghiêng tai, lắng nghe lời con: vì con nghèo nàn và khốn khó.
– Thánh Vịnh, LXXXVI:I
Ngày nay tôi làm công chức, cái nghề không đến nỗi là niềm bất hạnh lớn nhất của tôi. Thành thật mà nói, tôi đã không chuẩn bị để chịu gian khổ. Con người đến một tuổi nào đó sẽ được trang bị một cách hoàn hảo để đương đầu với cơn tuyết lở của sự tẻ nhạt và niềm cay đắng, vì từ thuở ấu thơ, anh ta đã quen thuộc với những thăng trầm của cuộc sống thường nhật bởi bị soi mòn thường xuyên bởi sự bực bội.
Điều này không xẩy đến cho tôi. Tôi bị ném vào đời sống không cha mẹ, không tuổi thơ, không thời niên thiếu.
Một ngày kia tôi chợt bắt gặp mình, mái tóc hoa râm, trong tấm gương của quán rượu Minhota, một khám phá không làm tôi hoảng sợ nhưng làm tôi ngạc nhiên khi tôi móc ông chủ quán từ trong túi tôi ra. Khá ngỡ ngàng, ông ta đã không hỏi tôi làm cách nào mà tôi làm được chuyện ấy. Giả như ông ta có hỏi tôi cũng không biết trả lời thế nào. Chính tôi còn không biết giải thích thế nào về sự hiện hữu của mình trên thế gian. Tôi bảo ông ta rằng tôi mệt mỏi; rằng tôi mệt mỏi và hao mòn ngay từ lúc sơ sinh.
Không hề cân nhắc câu trả lời của tôi, cũng không hỏi gì thêm, ông ta mời tôi làm việc cho ông ta. Thế là từ hôm ấy tôi có việc làm, bằng cách làm ảo thuật giúp khách hàng tiêu khiển.
Tuy nhiên chính ông chủ lại không chấp nhận thói quen của tôi là cho khách hàng những bữa ăn miễn phí, những món ăn mà tôi bí mật kéo ra từ túi của mình.
Cho rằng đó không phải là cách tốt nhất chỉ để làm tăng số lượng khách hàng – trong khi tiền thu nhập không tăng – ông ta giới thiệu tôi với ông bầu của gánh xiệc Andalusia Circus Garden, người mà sau khi nghe tả về năng khiếu của tôi, đã sẵn sàng nhận tôi làm việc. Tuy nhiên ban đầu ông ta được nhắc nhở nên thận trọng với những trò ảo thuật của tôi, vì tôi có thể cho khách vào miễn phí.
Trái với những mong đợi đầy bi quan của ông chủ thứ nhất, hành vi của tôi thật mẫu mực. Sự gắn bó với đám đông của tôi không chỉ làm họ say mê mà còn đem theo lợi tức đáng kể cho ông chủ nữa.
Khán giả, nói chung, tiếp nhận tôi một cách khá lạnh lùng. Chắc tại tôi không xuất hiện với áo đuôi tôm và mũ nồi. Nhưng khi tôi bắt đầu lấy thỏ, rắn, thằn lằn ra từ một chiếc mũ một cách vô tình, khán giả đã nhuốm đầy khích động, nhất là trong màn cuối, khi tôi làm một con cá sấu hiện ra ngay trên đầu ngón tay. Rồi bằng cách ép con vật lại, tôi biến nó thành cây đàn xếp và kết thúc màn trình diễn bằng cách đàn bài quốc ca Đông Dương Thuộc Pháp. Tiếng vỗ tay bùng vỡ khắp nơi dưới cái nhìn thờ ơ của tôi.
Người quản lý gánh xiệc, quan sát tôi từ xa, đã giận sôi lên vì thái độ dửng dưng của tôi với sự tán thưởng của khán giả, nhất là khi sự tán thưởng ấy đến từ đám trẻ con tụ lại để vỗ tay tán thưởng tôi vào những suất trình diễn ban ngày hôm Chủ Nhật. Việc gì phải cảm động, nếu những khuôn mặt ngây thơ ấy, phần số đã an bài để chịu khổ đau khi qua lứa tuổi nào đó, đã không gợi nên trong tôi chút xót thương nào, có chăng là nỗi căm hận, về việc chúng có những thứ tôi mơ ước nhưng không bao giờ có được: sự chào đời, và một dĩ vãng.
Càng nổi tiếng thì tôi càng không kham nổi chính cuộc đời mình.
Có lúc ngồi trong quán cà phê, bướng bỉnh nhìn đám bộ hành diễu qua trên lề phố, tôi lại kéo chim bồ câu, chim hải âu và chồn hôi từ trong túi ra. Những người chung quanh, nghĩ tôi cố ý làm như thế, đã đồng loạt ré lên những tràng cười rôm rả. Tôi nhìn đăm đăm xuống sàn nhà một cách thất vọng, và lẩm bẩm nguyền rủa thế giới và đám chim muông.
Mỗi khi, một cách lơ đãng, tôi mở bàn tay là những vật tò mò tuột ra khỏi tay tôi. Nhiều lúc tôi làm chính mình ngạc nhiên bằng cách lôi hết hình dạng này đến hình dạng kia ra khỏi tay áo. Sau cùng tôi hoàn toàn bị bao vây bởi những hình thù lạ lẫm, mà không biết phải giao cho chúng tác dụng gì.
Phải làm sao đây? Tôi nhìn quanh, con mắt van xin sự giúp đỡ nào đó, một cách vô vọng, một tình thế vô cùng khốn khổ của cuộc đời.
Hầu như luôn luôn, nếu tôi tút khăn tay ra để hỉ mũi, là tôi làm những người chung quanh ngạc nhiên bằng cách lôi từ túi ra cả tấm một khăn trải giường. Nếu tôi mân mê cổ áo, một con chim ó sẽ xuất hiện ngay lập tức. Có những lúc khác, khi đang cố buộc dây giầy, những con rắn sẽ bò ra từ trong ống quần tôi. Đàn bà trẻ con la hét vì sợ. Nhân viên an ninh đến, đám đông bu quanh, thêm một vụ tai tiếng. Tôi lại phải về tổng hành dinh cảnh sát và lắng nghe một cách chăm chú khi được nhắc nhở không được phép thả rắn ra nơi công cộng.
Tôi không phản đối. Rụt rè, tôi nhắc họ một cách khiêm nhường về tình trạng ảo thuật gia của mình, đồng thời tôi minh xác là tôi không muốn làm phiền ai. Đêm đêm, tôi đã quen với tình trạng thức giấc đột ngột lúc nửa khuya khi đang say ngủ vì tiếng vỗ cánh phành phạch của con chim nào đó từ tai tôi bay ra.
Vào một dịp nọ, hoàn toàn nổi giận, và hứa không bao giờ làm ảo thuật nữa, tôi đã cắt đứt hai bàn tay mình. Nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Vừa đứt là hai bàn tay tôi liền mọc lại, tươi trẻ và hoàn hảo, ngay từ chỗ mấu bị cắt cụt.
Tôi phải bằng cách nào đó giải quyết nỗi thất vọng của mình. Sau khi cân nhắc vấn đề một cách thận trọng, tôi kết luận là chỉ có chết đi mới kết thúc nỗi bất hạnh của tôi một cách phù hợp.
Cương quyết bám lấy quyết định của mình, tôi móc một bầy sư tử ra khỏi túi và, khoanh tay chờ đợi giây phút chúng sẽ xé xác mình. Chúng không làm gì hại tôi hết. Xúm xít quanh tôi, chúng hít hà mùi áo quần tôi, ngó quanh, rồi lẩn đi.
Sáng hôm sau chúng trở lại và ngồi trước mặt tôi đầy khiêu khích.
“Tụi bay muốn tao làm gì hở, bọn thú ngu ngốc?” Tôi gầm lên đầy phẫn uất.
Chúng nó lắc những cái bờm và năn nỉ tôi làm cho chúng biến đi.
“Thế giới này vô cùng nhàm chán,” chúng tuyên bố.
Không kiềm giữ nổi cơn phẫn nộ của mình, tôi giết lũ sư tử và ăn thịt tất cả. Tôi mong mình sẽ chết vì bội thực.
Điều bất hạnh trong vô số những điều bất hạnh! Tôi bị một cơn đau bao tử dữ dội, nhưng tôi vẫn còn sống.
Sự thất bại này chỉ làm tăng gấp bội sự thầt vọng của tôi. Tôi rời đô thị, tìm về miền núi.Tới đỉnh núi cao nhất, nơi chế ngự vực thẳm tối tăm, tôi buông mình xuống khoảng không. Tôi mơ hồ cảm nhận được cảm giác tiếp cận với sự chết – và ngay lập tức, tôi thấy mình treo lơ lửng bởi một cánh dù. Qua bao khó khăn, bầm dập trên đá tảng, thương tích và bụi bẩn đầy người, tôi trở về thành phố, và việc đầu tiên tôi làm là mua một khầu súng lục.
Nằm trên giường ở nhà, tôi đưa khẩu súng lên mang tai. Tôi kéo cò, ngóng chờ một tiếng nổ lớn và cơn đau của viên đạn xuyên thủng đầu.
Không một phát súng nào, và không có cái chết: cây súng cầm tay biến thành cây bút chì.
Tôi lăn lộn trên sàn nhà, thổn thức khóc. Tôi, kẻ có thể tạo ra những sinh vật khác và làm chúng biến đi lại không có cách nào làm biến được chính mình vào hư không.
Tôi tình cờ nghe được một câu nói, vọng lại từ con phố bên ngoài. Nó đã đem đến cho tôi hy vọng mới về một sự gián đoạn tuyệt đối với cuộc sống. Từ một người đàn ông, tôi nghe ra rằng làm công chức nhà nước đồng nghĩa với việc tự sát dần mòn.
Tôi không còn chọn đủ sức để xác định rõ cách thức tự sát nào hợp với tôi hơn: chậm rãi hay nhanh chóng. Kết quả là tôi xin một chân vào làm việc cho Bộ Ngoại Giao.
1930 là một năm đắng cay và dài hơn những năm sau cái lần lộ diện đầu tiên về sự tồn tại của tôi trước tấm gương tại quán rượu ở Minhota.
Tôi đã không chết như ý tôi mong muốn. Ưu phiền càng khuyếch tán, bất hạnh càng gia tăng.
Lúc hành nghề ảo thuật, tôi không có nhiều liên hệ với khán giả – sân khấu luôn cho tôi một khoảng cách dễ chịu. Bây giờ tôi buộc phải tiếp xúc thường xuyên với những sinh vật đồng nghiệp, cần thiết phải thấu hiểu họ, và phải che giấu sự ghê tởm họ gợi lên trong tôi.
Điều tàn nhẫn nhất là, vì trách nhiệm của tôi thuộc loại tầm thường, tôi hay bắt gặp mình ở trong cái thế phải tán gẫu vô bổ liên tiếp hàng giờ. Sự biếng lười khiến tôi căm ghét việc mình không có quá khứ. Tại sao giữa những kẻ đang tồn tại ngay trước mặt tôi chỉ mỗi mình tôi là người không có bất cứ thứ gì để nhớ lại? Tháng ngày trôi lềnh bềnh trong hỗn độn, trộn lẫn với một vài hồi ức vớ vẩn, tuy chúng cũng là một dấu hiệu tốt nho nhỏ của ba năm mà tôi có được.
Tình yêu đến với tôi từ một công chức nhà nước khác. Bàn làm việc của cô ta sát bên tôi. Tình yêu giúp tôi lãng quên nhiều nỗi lo âu trong một khoảng thời gian.
Sự phân tâm tạm thời. Nỗi bồn chồn không nguôi lại trở về. Tôi lại vùng vẫy trong bất ổn. Làm sao tôi có thể cầu hôn người bạn chung sở này khi tôi chưa bao giờ thử làm cái việc thố lộ tình yêu và chưa từng trải qua một lần kinh nghiệm nào?
1931 bắt đầu trong ảm đạm với nhiều đe dọa sa thải toàn thể trong Bộ cộng với lời cự tuyệt của cô thư ký đánh máy khi tôi ngỏ lời. Đứng trước nguy cơ bị đuổi việc, tôi cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình. (Chức hiệu không quan trọng đối với tôi. Tôi chỉ sợ phải xa cô gái đã từ chối tôi nhưng sự có mặt của nàng đang dần trở nên thiết yếu với tôi.)
Tôi đến gặp trưởng phòng và dõng dạc tuyên bố tôi không thể bị khai trừ bởi vì sau mười năm làm trong Bộ, tôi giờ đây đã có phúc lợi bảo đảm công việc.
Ông ta nhìn chòng chọc vào tôi thật lâu trong im lặng. Rồi cau mày nói ông ta lấy làm ngạc nhiên về thái độ chua cay của tôi. Ông ta không bao giờ ngờ rằng người chỉ mới làm việc một năm lại cả dám gan tự nhân rằng đã làm mười năm.
Để chứng minh với ông ta thái độ của tôi không phải là đùa cợt, tôi lục soát khắp các túi tìm cho ra giấy tờ chứng minh điều quả quyết của mình. Trong kinh ngạc, tôi chỉ lôi ra được một tấm giấy nhàu nát, một đoạn của bài thơ lấy cảm hứng từ cặp vú của cô thư ký đánh máy.
Tôi lúng túng dốc ngược hết mọi túi áo, nhưng cũng không tìm thấy gì khác hơn …
Tôi buộc phải tiếp nhận thất bại. Tôi đã quá tin vào năng lực ảo thuật của mình, thứ đã bị hủy diệt bởi môi trường quan liêu.
Giờ đây không còn chiếm hữu tài năng ma thuật kể trên, tôi không cách nào từ bỏ nghề nghiệp tồi tệ nhất của loài người. Tôi thiếu thốn tình yêu của cô thư ký đánh máy và tình bè bạn. Điều này thường xô đẩy tôi vào những nơi chốn cô đơn. Tôi hay bị phát giác đang cố dùng những ngón tay gỡ từ lớp bên trong áo quần mình, nhiều vật li ti mà không ai nhìn ra được dù họ có nhìn chăm chú cách mấy.
Họ cho rằng tôi điên rồ, nhất là những lúc tôi ném những vật li ti ấy vào không khí.
Tôi có cảm tưởng rằng một con nhạn đang bay ra từ đầu những ngón tay. Tôi thở dài thật sâu.
Dĩ nhiên, ảo tưởng không đem đến cho tôi niềm an ủi nào. Nó chỉ tô đặm thêm hối tiếc đã không sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn kỳ ảo.
Có đôi khi tôi mường tượng sẽ kỳ diệu biết bao khi chiết ra những chiếc khăn mù soa đỏ, xanh, trắng, lục từ thân thể tôi, đổ đầy màn đêm với pháo hoa, xoay mặt mình hướng về bầu trời và để cầu vồng chảy tràn từ đôi môi tôi. Chiếc cầu vồng sẽ bao trùm địa cầu từ đầu này sang đầu khác. Rồi tràng pháo tay sẽ đến từ những ông cụ tóc bạc và đám trẻ thơ hiền lành.
Hoàng Chính dịch
Lời người dịch: Murilo Rubião (1916-1991): nhà văn Brazil. Tác giả của nhiều truyện ngắn siêu thực theo khuynh hướng Hiện Thực Huyền Ảo của Châu Mỹ La Tinh cuối thế kỷ 20. Truyện ngắn Gã Cựu Ảo Thuật Gia Từ Quán Rượu Minhota trích từ tuyển tập truyện ngắn Châu Mỹ Latin A Hammock Beneath the Mangoes. Nhà xuất bản Plume Fiction.