Di ảnh anh Nguyễn Đình Tứ, mà gia đình tại Nghệ An, Việt Nam tin rằng nằm trong số 39 nạn nhân trên chiếc xe tải định mệnh ở Anh. Ảnh chụp ngày 26/10/2019. REUTERS/Kham
Nghèo túng, không tìm được chỗ đứng trong xã hội và hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn đã thúc đẩy nhiều thanh niên nông thôn miền trung Việt Nam vay nợ để cố gắng nhập lậu và Tây Âu, hoàn toàn không ý thức được các rủi ro cũng như nỗi thất vọng đang chờ đợi đối với đa số người.
Những nguy hiểm của các chuyến tương tự đã được nhắc nhở trong tuần rồi, sau khi phát hiện xác của 31 người đàn ông và 8 phụ nữ trong một xe tải kéo theo container lạnh ở Essex, gần Luân Đôn. Cảnh sát Anh ban đầu cho rằng các nạn nhân là người Trung Quốc, nhưng nay dường như đa số là người Việt Nam.
Nhiều người Việt nhập cư lậu có nguyên quán là các tỉnh miền trung, họ phải lưu lạc xứ người chủ yếu vì không có được việc làm ổn định, và cuộc sống buồn tẻ ở nông thôn.
Rất quen thuộc với mạng xã hội, nhiều thanh niên chưa đầy 30 tuổi, tin vào những lời bình trên Facebook và tiền bạc do người thân sống ở Anh, Pháp, Đức gởi về.
Những mạng lưới đưa người vượt biên có chân rết ở Việt Nam và Đông Âu tổ chức những chuyến đi này, với cái giá có thể lên đến 40.000 đô la. Để có được số tiền lớn ấy, những người muốn ra đi thường phải lao vào vòng xoáy nợ nần – theo các nhà chuyên môn và lời chứng của các gia đình. Nhà nghiên cứu Nadia Sebtaoui ở Paris nói với AFP : « Những người môi giới vẽ vời ra một nước Anh như là miền đất hứa ».
« Không ý thức được thực tế »Các đường dây vượt biên hứa hẹn với di dân bất hợp pháp số tiền lương hàng tháng 3.000 bảng Anh (3.500 euro) tại Anh quốc, tương đương ba năm lương tại các tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Nhưng thực tế thường khác hẳn. Oằn lưng dưới gánh nợ đã vay để ra đi, nhiều người nhập cư lậu có nguy cơ bị bóc lột.
Theo bà Sebtaoui, « họ hoàn toàn không ý thức được thực tế công việc ở châu Âu ». Nhiều người rốt cuộc vào làm tại các tiệm nail, hay các trại trồng cần sa bất hợp pháp, thậm chí bán dâm, với hy vọng kiếm tiền thật nhanh.
Đa số những người nhập cư lậu đến từ vài tỉnh ở miền trung Việt Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình – theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Anti-Slavery International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation. Khu vực này không được hưởng lợi từ sức bật kinh tế của đất nước trong thập niên vừa qua, và đối với đa số thanh niên, họ chỉ có thể tìm được những việc làm khiêm tốn tại các nhà máy, trên công trường hay đồng ruộng. Trong khi đó, những câu chuyện người nhập cư thành công ở nước ngoài được kể lại trong làng, nơi một số cư dân đổi đời nhờ kiều hối.
Lên đời xe gắn máy thay vì xe đạp« Chúng tôi sống nhờ tiền từ nước ngoài gởi về » - chú của anh Nguyễn Đình Tứ, 27 tuổi, một trong số các thanh niên nghi là đã mất trong chiếc xe tải, thổ lộ. Tại làng Phú Xuân ở tỉnh Nghệ An, nở rộ những dấu hiệu làm giàu ở nước ngoài, như những ngôi nhà xây đã thay thế cho những căn nhà lụp xụp, hay những chiếc xe gắn máy thay cho xe đạp cọc cạch.
Người chú của Nguyễn Đình Tứ, ngồi trong ngôi nhà trị giá 13.000 euro mà đứa cháu đã giúp xây lên, cho biết : « Tiền bạc từ nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt của làng này, vì vậy đám trẻ mới ra đi ». Bà Nadia Sebtaoui nói rằng đó là một số tiền đáng kể, tại một tỉnh mà thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ có khoảng 1.200 đô la.
Tại vùng đất này của Việt Nam, không khó tìm ra ai đó có thể giúp vượt biên nếu sẵn sàng chi tiền. Hướng đến đơn giản nhất là Nga, chỉ cần có visa du lịch hay một hộ chiếu giả là đủ. Từ đó, đường dây sẽ giúp di dân đi đến Tây Âu.
Người Việt chỉ mới định cư ở Đông Âu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hoặc với tư cách người tị nạn, hoặc trong khuôn khổ chương trình hợp tác lao động với Liên Xô.
Đa số người nhập lậu tiếp tục đi từ Đông Âu đến Tây Âu, nhiều người phải chờ đợi trong những lán trại tạm bợ ở miền bắc nước Pháp, để lên xe tải vượt biển Manche. Họ phải trả rất nhiều tiền cho đường dây, vì xe tải được coi là phương tiện tốt nhất để đến Anh – theo bà Sebtaoui.
Nhưng Luân Đôn ngày 28/10/2019 loan báo sẽ tăng cường tuần tra biên giới, sau thảm kịch ở Essex. Bộ trưởng Nội Vụ Priti Patel khẳng định trước Hạ Viện « kể từ hôm nay, chính quyền Bỉ chấp nhận cho triển khai thêm các nhân viên di trú Anh tại cảng Zeebruges ».
Miền đất hứa như vậy càng lùi xa thêm…
Theo RFI