Tác giả ghi lời chia buồn trong sổ ở hội đồng địa phương vùng Thurrock thuộc hạt Essex. (Hình: Nguyễn Hùng cung cấp)
Mấy ngày qua tôi đã vài lần đi lại chặng đường thầm lặng cuối cùng của 39 con người xấu số trước khi cả thế giới bàng hoàng với tin họ đã chết trong thùng đông lạnh. Đó là quãng đường chưa tới hai cây số từ cảng Purfleet bên sông Thames tới khu công nghiệp Waterglade ở vùng Grays. Nói theo kiểu Việt Nam, Grays là quận thuộc huyện Thurrock, tỉnh Essex ở miền nam. Nước Anh gọi Essex là county, vẫn được dịch là ‘hạt’. Cảng Purfleet nằm trong quận cùng tên giáp ranh với Grays, vốn là quận lớn nhất tại Thurrock.
Tôi bắt đầu chặng đường trong video quay bằng camera hành trình này từ nơi bạn có thể nhìn thấy sông Thames và cảng sông Purfleet nằm cách đó vài trăm mét. Chặng đường đưa bạn đi ngang qua ga tàu Purfleet, một trường phổ thông, vài trụ sở các công ty gỗ hay xăng dầu trước khi đi ngang qua cổng vào cảng Purfleet để từ đó đi lại chặng cuối tới khu công nghiệp Waterglade nơi người ta phát hiện ra xác của 39 người mà tới nay nhiều gia đình ở Việt Nam sợ rằng con em họ nằm trong số đó.
Hoa do người địa phương để lại phía đường đối diện chỗ chiếc xe đỗ sau khi phát hiện 39 người chết. (Hình: Nguyễn Hùng)
Nơi họ được phát hiện ra chỉ bao gồm các khu công nghiệp, khu mua sắm, các siêu thị rất lớn và bởi vậy đêm tới trên đường gần như không có bóng người. Đó có lẽ là lý do nơi đây được chọn để thả người ra từ các công-ten-nơ. Tôi tin rằng nhiều người đã đi thoát theo ngả này cho tới khi tai nạn xảy ra với 39 người đêm 22 sang ngày 23/10. Người dân địa phương từng nói họ được người ta ấn điện thoại vào tay để nói chuyện với người ở đầu giây kia và được nhờ đưa người tới địa điểm cụ thể với giá nhất định. Khu vực này cũng chỉ cách đường vành đai cao tốc bao quanh London, được gọi là M25, có vài phút. M25 cũng nối với các đường cao tốc khác đi khắp nước Anh. Có thể nói đó là nơi hạ cánh lý tưởng cho những người vào Anh bất hợp Pháp.
Tại nơi người ta phát hiện ra thi thể nạn nhân, nhiều người dân đã mang hoa và thiệp tới để chia buồn với nạn nhân và gia đình họ. Hội đồng địa phương vùng Thurrock cũng mở sổ chia buồn để những ai muốn chia sẻ với các nạn nhân và gia đình có thể tới ghi đôi lời. Hội đồng cũng khuyến cáo người dân mang hoa tới khu vườn gần trung tâm để tưởng nhớ những người đã mất vì như vậy trang trọng hơn để tại khu công nghiệp Waterglade.
Trang web của hội đồng địa phương Thurrock ghi lại lời chia buồn của một số nhân vật quan trọng trong đó có thủ tướng, bộ trưởng nội vụ và cảnh sát trưởng vùng Essex. Thủ tướng Boris Johnson ghi trong sổ hôm 28/10 rằng cả nước Anh và cả thế giới “bị sốc trước thảm kịch và sự tàn ác của số phận xảy đến với những người vô tội đang hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn” ở Anh. Cảnh sát trưởng BJ Harrington nói ông “thực sự đau buồn trước mất mát của các gia đình và người thương của họ”. Ông cam kết “sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật”.
Khi tôi tới ghi sổ tưởng niệm chiều 28/10, người ta đã cất bút tích của thủ tướng và những nhân vật qua trọng khác đi. Thị trấn Grays sinh hoạt như thường ngày nhưng có lẽ nhiều người dân địa phương vẫn giữ trong đầu câu hỏi những người xấu số là ai và vì sao họ sẵn sàng chui vào công-ten-nơ không đầu kéo vượt biển tới cảng sông quê họ.
Ông thủ tướng đã phần nào trả lời câu hỏi đó khi ghi rằng họ “hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Họ cho rằng lao động tại Anh sẽ giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn và nhanh hơn so với ở lại Việt Nam. Gia đình họ mong con cái sang Anh để gửi tiền về phụ giúp gia đình. Họ không có quan hệ để có thể đi nhờ chuyên cơ hay đi bằng hộ chiếu công vụ rồi trốn ở lại nên tìm con đường vất vả và chông gai hơn. Nhưng chắc chắn họ không hề nghĩ rằng họ có thể phải bỏ mạng trên con đường mưu sinh.
Tôi cũng nghe người trong cộng đồng Việt Nam tại Anh nói rằng có người ở Việt Nam thực sự tin rằng con em mình đã chết trong chiếc công-ten-nơ và gọi sang cho họ hàng ở Anh để ra nhận xác. Nhưng người họ hàng giấy tờ chưa có nên cũng chưa dám xuất hiện dù cảnh sát Anh đã khẳng định họ sẽ không truy xét bất cứ ai giúp họ xác định danh tính của những người đã mất.
Trong khi một số cư dân mạng có những lời lẽ khó nghe với những người bạc mệnh, tôi chỉ có niềm thương cảm với các đồng hương không may gặp nạn. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, điều duy nhất họ làm sai cho tới nay là toan di cư trái phép vào Anh. Mà biên giới cũng là điều có thể bàn cãi. Mấy chục nước châu Âu trong khối Schengen đã bỏ hoàn toàn biên giới giữa các nước trong khối nhưng Anh không tham gia khối này. Nếu họ tham gia, số người vào Anh có lẽ sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần nhưng những thảm cảnh như vừa qua đã không xảy ra. Thế giới vẫn hoạt động theo nguyên tắc nhà giàu, nước giàu kín cổng cao tường và cách ly họ khỏi phần còn lại của thế giới. Đây không phải là điều đáng hoan nghênh nhưng cho tới khi thế giới có cùng hệ giá trị và trình độ phát triển, người ta khó có thể làm gì khác.
Tôi cũng nghĩ rằng các nước giàu nên có cái nhìn bao dung hơn với những người chạy trốn khỏi các nơi có xung đột, chiến tranh hay các xứ sở còn tình trạng độc tài toàn trị. Nhiều nước độc tài toàn trị nghèo không phải vì người dân giáo điều, lười biếng và không có hoài bão mà vì đây là các thuộc tính của giới chính trị gia điều hành đất nước và cai quản người dân. Xin thành thật chia buồn với gia đình các nạn nhân và những người đang là nạn nhân của các chế độ độc tài toàn trị.
Nguyễn Hùng (VOA)