Từ khi mạng xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam, rất nhiều những phát ngôn ngớ ngẩn của các quan chức, những hành xử sai trái của cơ quan chức năng bị phơi bày lên mạng xã hội khiến chính quyền nhiều lần muốn quản lý mạng xã hội nhưng dường chưa họ vẫn chưa làm được.
Gài “an ninh quốc gia” để kiểm soát?
Tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 8 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu rằng: “Hiện nay rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, mua gì, thậm chí yêu ai đều thông qua mạng xã hội. Nếu như tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội nước ngoài có nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và không nằm ở Việt Nam. Điều này là rất nguy hiểm đến an ninh quốc gia”.
Theo dư luận trên mạng xã hội, việc ông Hùng nêu vấn đề an ninh quốc gia là để mở đường cho việc quản lý chặt chẽ hơn các mạng xã hội không “Made in Vietnam” hiện nay. Ông Nguyễn Kế Quang, một cư dân mạng có lời “nhắn gửi” tới ông Hùng:
“Đã là con người nói chung, người Việt nói riêng thì chẳng có bộ não nào giống bộ não nào vì họ không phải là là những robot được sản xuất trong cùng một hãng! Vấn đề là những người đang có nhiệm vụ, chức năng như ông cần phải không ngừng nâng cao trình độ quản lý tương xứng với sự phát triển của xã hội chứ không phải kéo sự phát triển của xã hội lùi lại cho phù hợp với trình độ quản lý của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng ạ!”
Ngoài những mạng xã hội nước ngoài nổi tiếng và thông dụng hiện nay như Facebook, Twitter, Instagram, Flickr …, Việt Nam có một số mạng xã hội “nội địa” như Zalo, Mocha, Gapo, Hahalolo, Lotus…
Tại buổi lễ ra mắt mạng xã hội Lotus hôm 16 tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng hơn chục năm rồi ông mới được nghe mọi người nói về một cách tiếp cận mới, và ông có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm.
Có lẽ Việt Nam làm những việc mà thế giới chưa từng làm nên những mạng xã hội “Made in Vietnam” không thu hút được người dùng Việt Nam vì cách thức hoạt động “không giống ai”, tức không sòng phẳng với người dùng như chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Sơn từ Đức từng chia sẻ với RFA:
“Thứ nhất về mặt kỹ thuật chúng ta còn thua xa so với các mạng xã hội hiện nay; Thứ hai người ta lo ngại về sinh quyển, đàm luận trên không gian mạng và sự an toàn của nó. Những thứ này đang là một dấu chấm hỏi, các nhà phát triển cần phải trả lời vấn đề này một cách sòng phẳng với người tiêu dùng thì mới thu hút người dùng.”
Ông Nguyễn Tiến Trung, Thạc sĩ Công nghệ Thông tin, cũng là cựu tù nhân lương tâm nói với RFA rằng, đa số những người đăng chính kiến của mình lên Facebook liên quan đến chính trị, hoặc phơi bày một sự thật nào đó về tham nhũng trong nội bộ đảng cộng sản, thì thường bị chính quyền VN tìm cách trù dập, bắt bớ thậm chí bị block mạng và gỡ bài. Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy là có một “đội ngũ” chuyên theo dõi nội dung của người dùng trên mạng xã hội thông qua việc yêu cầu facebook, google gỡ các nội dung bị cho là không phù hợp chính sách cộng đồng (?!)
Có kiểm soát được MXH nước ngoài không?
Ngoài việc đó, để kiểm soát người dùng mạng xã hội thì Nhà nước Việt Nam cũng đã và đang vận dụng nhiều cách để kiểm soát, kiểm duyệt nội dung đăng tải trên facebook và hiển nhiên trên mạng xã hội “Made in Vietnam”. Tuy vậy, các cách thức mà chính quyền VN đang áp dụng kiểm duyệt nội dung trên facebook, đều đang gặp phải sự phản ứng gắt gao từ cộng đồng. Có thể kể ra như vào giữa tháng 8 năm 2019, Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam. Lúc bấy giờ Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lên tiếng với RFA rằng như vậy sẽ không công bằng cho người dân. Ông giải thích:
“Định danh là phải rõ mặt người, vậy lực lượng Dư luận viên, AK47 của phía nhà cầm quyền CSVN - những kẻ mà người ta hay gọi là cuồng đảng, yêu đảng - không dám xuất hiện thì sẽ được giải quyết ra sao? Liệu có công bằng hay không?”
Còn với Luật An Ninh Mạng thì bị tổ chức Human Rights Watch chỉ trích rằng luật này được thiết kế để giúp Bộ Công An tăng cường giám sát phát hiện các chỉ trích, và làm sâu hơn nữa sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nếu luật được thực hiện, bất cứ người dùng internet nào ở Việt Nam cũng sẽ không còn quyền riêng tư.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nói với RFA tối ngày 8 tháng 11 rằng, ngoài chuyện bắt bớ những người bày tỏ chính kiến không vừa ý chính quyền trên mạng xã hội, về mặt kỹ thuật chính quyền có thể quản lý được mạng xã hội, chỉ có điều họ chưa dám làm thôi. Ông dẫn chứng về Luật An Ninh Mạng:
“Luật An ninh mạng là một luật rất khắc nghiệt nhưng có lẽ chính quyền thấy không ổn, cho nên nghị định để thi hành luật này vẫn còn bị treo chưa ra đời. Có lẽ còn nhiều bàn cãi trong nội bộ của giới lãnh đạo. Tôi đoán họ cũng có nhiều phe trong giới lãnh đạo và ông Hùng thuộc phe có tư duy rất là cổ lỗ.”
Cũng trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các mạng xã hội vào Việt Nam càng nhiều càng tốt nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây làm ăn thịnh vượng thì cũng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng.
Về mặt này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét rằng ở khía cạnh nào đấy thì chính quyền Việt Nam cũng có lý, vì các mạng xã hội lớn như Facebook, Google hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận nhưng không đóng đồng thuế doanh thu và giá trị gia tăng nào. Ông kết luận:
“Chỉ có cách đánh thuế, nhưng đây là vấn đề của cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.”
Hồi tháng 6 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói trước Quốc hội rằng Bộ Thông tin - Truyền thông sắp tới sẽ có yêu cầu cụ thể đối với các nhà mạng phải có các bộ lọc để xử lý thông tin trên mạng xã hội, mà ông gọi là “dọn rác”.
Ông cho biết Bộ Thông tin - Truyền thông đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và có thể phân tích, đánh giá. Các bộ ngành sau khi xác định thông tin nào là “rác” sẽ thông báo để Bộ này gỡ bỏ thông tin, kể cả đối với các nhà mạng nước ngoài.
Nghe có vẻ Chính phủ VN đang “chuẩn hóa” các công cụ kiểm soát mạng, kể cả mạng nước ngoài trong thời gian tới khi hoạt động không gian ảo trên mạng phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, với cách kiểm soát không công bằng như bấy lâu nay thì Việt Nam rất dễ sa lầy vào chiến thuật “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” và như thế nguy cơ xung đột giữa nhà nước và người dân chắc chắn sẽ tăng lên. Tình thế “vỡ trận” sẽ không sớm thì muộn sẽ diễn ra…
Theo RFA