Thắp sáng cổng thành Brandenburger, Berlin, Đức mừng 30 Bức Tường Berlin sụp đổ. Reuters
Vào ngày kỷ niệm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, 11 tháng 11, một số báo Paris không ấn hành, nhưng bài vở vẫn được cập nhật trên mạng. Riêng ba tờ báo lớn là Le Monde, Le Figaro và Libération phục vụ độc giả như bình thường.
Dư âm sự kiện Bức Tường Berlin sụp đổ cách nay 30 năm vẫn là đề tài chiếm nhiều trang báo Paris trong ngày. Trên nhật báo le Figaro, bài báo mang tựa đề "Các nền dân chủ bại trận trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh", Nicolas Baverez đưa ra những ý kiến như sau : 1989 đã khép lại thế kỷ 20, một thế kỷ mở đầu vào năm 1914 khi Thế Chiến Thứ Nhất khai mào. Sau biến cố đó, khối Liên Xô tan rã. Mô hình dân chủ thăng hoa. Nhưng rồi, trong ba thập niên qua, các nền dân chủ đang bị những mối đe dọa xuất phát "từ bên trong và bên ngoài" thách thức.
Một mặt, từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga và cả những tổ chức khủng bố đều coi mô hình dân chủ là "kẻ thù", mặt khác, ngay bên trong các nền dân chủ phương Tây, các phong trào dân túy đang bùng lên và nền dân chủ tự do đang bị "mô hình dân chủ phi tự do" của thủ tướng Hungary Viktor Orban cạnh tranh.
Trên bàn cờ quốc tế, phương Tây rệu rã : Mỹ phủi tay với trách nhiệm của thế giới, châu Âu thì vừa bất lực vừa bị chia rẽ. Tác giả bài báo cho rằng tổng thống Nga, Vladimir Putin đã có phần vội vã khi thông báo "mô hình dân chủ và tự do đã cáo chung", nhưng rõ ràng, "các nền dân chủ đã đã thua trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh" bởi vì "sau biến cố 1989, ảnh hưởng của phương Tây trên thế giới đã thu hẹp", bởi vì "chủ nghĩa tự do bị hòa toan trong cuộc sống mà ở đó người ta chủ chú trọng vào vật chất, con người trở nên ích kỷ và xã hội phủ định hoàn toàn mọi cấp bậc về giá trị đạo đức". Nicolas Baverez cho rằng, hạ gục được Liên Xô, các nền dân chủ phương Tây đã say men chiến thắng, nhưng rồi đã để vuột khỏi tầm tay dòng lịch sử của thế giới.
Le Monde trong bài xã luận ít bi quan hơn qua phân tích : châu Âu đã quá mải miết nhìn về số phận của chính mình và chỉ thấy rằng kinh tế đang dậm chân tại chỗ, các nền dân chủ phải đối mặt với khủng hoảng, điển hình là qua mỗi đợt bầu cử từ tại Tây Ban Nha hay tại Ý và thậm chí là cả tại Pháp, các đảng cực hữu bài ngoại không ngừng lớn mạnh. Những điều đó không sai, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải khách quan nhìn nhận rằng, Cuộc Cách Mạng diễn ra trong hòa bình tại Đông Đức năm 1989 đã mở ra rất nhiều cánh cửa, từ việc thống nhất nước Đức cho đến sự sụp đổ của chế độ độc tài theo kiểu Stalin. Có điều, tây Âu và Mỹ đã ngây thơ lầm tưởng rằng, các nước Đông Âu sẽ nhất loạt rập khuôn theo phương Tây, nhưng sẽ là một sai lầm nếu như chối bỏ tất cả những thành tựu mà làn sóng tự do năm 1989 đã đem lại cho châu Âu. Hai thành tựu không thể chối cãi đó là đời sống của người dân khối Xã Hội Chủ Nghĩa trước kia đã được cải thiện đáng kể, và quý giá hơn nữa là quyền tự do từ tự do đi lại của gần như hầu hết tất cả người dân châu Âu và quyền tự do của các công dân bầu chọn người lãnh đạo.
Theo RFI