Năm ấy lụt lớn chưa từng thấy, nước ngập như biển. Nhà bá hộ lu nổi lềnh phềnh từ trong nhà ra ngoài sân, bá hộ cho người đóng cổng kẻo nó trôi ra ngoài hết. Giáo Ngữ vốn hay chữ, đọc nhiều ổng bảo:
- Nhà bá hộ giống truyện Alibaba và bốn mươi tên cướp quá, lu nổi lềnh khênh dễ cũng đủ bốn mươi á!
Bá hộ vốn là tay lanh lợi, biết cách làm ăn. Ông mướn người đúc lu bằng xi măng để trữ đường, đi gom đường ở các lò ép, khi hết mùa mía thì bán ra, vậy là ông trúng lớn. Bá hộ Thì giỏi và lanh lẹ lắm, trong nhà ngoài các lu đường nước còn trữ nào là đường thẻ, đường bánh to như cối xay bột, đường cát, đường phèn, đường phổi… đường của ông bán ra Hải Phòng, vào Sài Gòn lên tận Nam Vang luôn! Ai ai cũng khen đường của ông bá hộ ngon và tốt. Năm nay bán hết đường sớm mà chưa đến mùa miá nên gặp lụt các lu trống nổi lên. Làng Cảnh Dương nổi tiếng: “Nhất Thì nhì Liên tam Kiên tứ Cự”. Bá hộ Thì không chỉ nổi tiếng giàu có ruộng đất “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay nguôi” mà còn nhân đức hơn hết. cái thời thân phận chủ-tớ còn ngặt nghèo nặng nề lắm, ấy vậy mà ông đối xử với tá điền rất tử tế, thậm chí kẻ ăn người ở trong nhà ông còn cho phép ăn chung. Nhiều người không thích hay ghen ghét thì bảo:
- Thằng chả làm màu đó mà!
Mặc ai nói gì thì nói, bá hộ Thì vẫn không thay đổi cách ăn ở của mình. Nhà bá hộ Thì lớn và đẹp nhất làng Cảnh Dương, vừa nhà thờ gia tộc vừa là nơi ở luôn, vườn tược quanh nhà rộng cả mẫu. Sát hàng rào cây duối ông bá hộ cho trồng mấy mươi cây dừa nên phong cảnh rất đẹp và thanh bình. Gian nhà thờ là quan trọng nhất và cũng được chăm chút nhất, toàn danh mộc; cái phản gỗ nơi ông thường nằm bằng gỗ lim lên nước bóng loáng như gương. Ông bá hộ Thì không mộ Phật Pháp nhưng em gái là cô Mười thì tin Phật lắm. Ngày rằm, mùng một cô đều mang lễ vật lên chùa và rất thành tâm cúng bái. Quãng đường từ nhà ông bá hộ lên chùa phải qua cống Thầy Tư bắt qua con mương nước trong xanh, bên này mương là trường cô Bản. Trường nhỏ nằm bên bờ mương nép dưới luỹ tre, ngày ngày tiếng trẻ ê a đánh vần nghe rộn rã đồng quê. Cô Bản dạy bọn trẻ không biết bao nhiêu năm rồi, hết lứa này đến lứa khác. Cô Bản cũng xinh nhưng sao mãi chẳng lấy chồng. Người ta xì xầm, có kẻ còn nói:
- Tuổi dần cao số!
Có lần cô Mười noí với thầy, thầy quở:
- Đừng nói vậy mà gây khẩu nghiệp xấu; canh, kỷ là người Tàu đặt ra chẳng có tuổi nào cao số hay thấp số cả. Người sanh cùng ngày giờ cô Bản nhiều biết bao, sao chỉ cô Bản cao số? ấy là chưa nói bọn Tây, nó có coi ngày giờ tướng số chi đâu mà nó vẫn phát triển, vẫn sống hạnh phúc!
Cô Mười nghe và phục thầy lắm. Thầy sống một mình ở chùa, ngày ăn một bữa, nếu hôm nào lỡ việc mà quá ngọ là thầy dứt khoát không ăn. Thầy công phu tinh tấn, giữ giới nghiêm nhặt, đạo hạnh thanh minh, người làng Cảnh Dương và các tổng đều mến mộ thầy. Việc ma chay, cưới hỏi, cúng kiếng… đều nhờ thầy, thầy từ bi không từ chối ai nhưng luôn dụng thời cơ để chỉ rõ những chuyện sai vạy mà người làng không biết. Có lần cô Mười cùng các bà mang vàng mã lên chuà, thầy kêu laị bảo:
- Không lẽ ma qủi cô hồn Tàu, Việt mới có tiền để xài còn cô hồn Âu-Mỹ nó không có sao?
Mọi người cười rần rần chịu là thầy có lý, bất chợt thầy khóc tỉ ti trách các bà hết sức thống thiết:
- Các bà nhẫn tâm lắm, các bà hại chúng rồi!
Bấy giờ các bà giật mình áy náy không biết mình làm gì sai, có kẻ đánh liều thưa:
- Bạch thầy, chúng con có gì sai xin thầy dạy bảo, mong thầy hoan hỷ bỏ qua cho.
Ngưng giây lát rồi thầy mới nói:
- Lẽ ra cửu huyền thất tổ, thân nhân của các bà đã siêu thoát từ lâu nhưng vì các bà đốt tiền, vàng, vàng mã… nhiều quá nên bọn họ ở mãi dưới ôm đống của mà không chịu đi đầu thai!
Bấy giờ mọi người ngớ ra, không ai nó ai lời nào tất cả lặng lẽ đem hết số vàng mã bỏ đi. Cô Mười về kể với ông bá hộ, ông bá hộ cười và đắc ý:
- Ông thầy được lắm, vậy mới xứng là thầy để dạy chúng chứ!
Có lần ông giáo Ngữ nói với người làng rằng:
- Tui đọc sách thấy năm nọ ở đâu tận ngoài kia có ông trùm viết bài cậy đăng trên báo là: “Địa chủ ác ghê”, nào là bóc lột, cướp đoạt, lười biếng, độc ác… Nhưng sao ông bá hộ Cảnh Dương laị hiền thế, tử tế với tá điền và kẻ ăn người ở, ổng còn trợ giúp cho việc làng, Ổng là người ủng hộ tài vật và nhân lực để cúng đình, cúng miễu, hát bội… Hổng có ổng lấy ai làm những việc này, hổng có ổng làng Cảnh Dương chắc vắng như chùa Bà Đanh! Người làng ai cũng công nhận giáo Ngữ nói đúng. Họ nối lời giáo Ngữ:
- Bởi vậy ông bà ta mới dạy: “Có đức mặc sức mà ăn”. Nhà bá hộ Thì lẫm lúa to nhất làng, lụt ngập cỡ đó mà cũng chưa tới được lẫm lúa của ổng!
Bá hộ Thì không sanh được con trai nên bá hộ Kiên và bá hộ Cự luôn tìm cách cạnh khoé:
- “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” hoặc tỷ như “ Nữ nhân ngoaị tộc”
Người ta nghe được mách với ổng thì ổng cười khì:
- Có con trai như chứa giặc, có con gái như hũ mắm. cái nào haị hơn cái nào? Con cái cũng là duyên nợ, có duyên thì đến hết duyên thì thôi. Hà cớ gì phải phân biệt trai với gái!
Thầy trên chùa tán thán lắm:
- Nếu ai cũng có chánh kiến như ông hộ Thì thì đời này bớt khổ, bớt nhọc. Người ở quê khổ về vật chất, chân lấm tay bùn đã đành mà còn cái khổ khác nó khắc nghiệt hơn, đó là những quan niệm, tục lệ làng; những lời cay độc, bóng gió, xỉa xói… Họ tự làm khổ mình rồi làm khổ lẫn nhau, đày đọa nhau, troí buộc nhau cuối cùng cả đám dính mắc với nhau hết đời này sang đời khác! Mọi người cứ gây ra rồi lên chùa cầu xin Phật-Bồ Tát giúp, vậy là không thể được. Phật-Bồ Tát không giải quyết được việc của các người đâu. Các người phải tự sửa mình, tự mình thay đổi cái quan niệm thì cuộc đời số phận sẽ đổi thay theo!
Ngày cô Mười lấy chồng ra riêng, ông bá hộ cho mảnh đất kế bên để cất nhà. Cô Mười lên chùa mời thầy xuống coi hướng, làm lễ đặt móng. Thầy cũng xuống, xong thời kinh thầy kêu cô Mười và người nhà laị:
- Tục ngữ có câu: “ Vợ hiền hoà nhà hướng nam” cứ thế mà làm, ngày nào giờ nào cũng tốt cũng hưng vượng cả nếu tâm ý trong sạch hiền thiện!
Ông bá hộ Thì bước ra chắp tay vái thầy:
- Bạch thầy, con xin cảm ơn và đảnh lễ thầy!
Hôm ấy cả làng đồn um lên:
- Lần đầu tiên thấy ông bá hộ vái tạ thầy!
Tiểu Lục Thần Phong