Dòng đời như giòng sông vẫn miên man trôi, mặc cho bao sóng gió hay bão giông, tuy có lúc dữ dội qua ghềnh thác, có lúc êm đềm trôi xuôi. Những con đò vẫn ngày đêm dọc ngang trên sông, có lúc cắm sào nằm êm ả dưới gốc cây già bên bến nước. Dòng nước cuốn trôi tất cả, nước trôi đi như có mất bao giờ, ra biển cả rồi laị quay về nguồn. Chỉ tội những chiếc lá, những bơ vơ giữa giòng, khi thì giạt bên này, khi thì kẹt bên kia hoặc chìm xuống đáy sông. Những chiếc lá hoàn toàn bị đưa đẩy bởi giòng chảy, bởi con nước xuống- lên, bởi gió vật vờ ờ ỡm…
Con người ta cũng thế, cứ sanh- tử, tử - sanh bất tận; từng đời vật vờ theo giòng chảy của thời gian. Sanh- lão- bệnh - tử là cái vòng quay miên viễn không ngừng. Đôi lúc gã du tử tự hỏi lòng: Mình sanh từ đâu? chết đi về đâu? Mình cứ mãi sanh- tử thế này sao? hoặc giả: Mình đến thế giới này để làm gì? Không lẽ cứ sanh ra lớn lên, rồi nhọc nhằn mưu sinh, rồi quanh quẩn với ngũ dục để rồi chết? ý nghĩa của cuộc đời chỉ bấy nhiêu vậy sao? Và bao nhiêu câu hỏi không lời đáp vẫn đeo bám theo tháng ngày.
Thế rồi một hôm gã du tử quay về nguồn cội, rong chơi với trăng nước, trời mây… ấy mà lòng dạ laị thấy thênh thang vô cùng. Gã du tử quay về học Phật, tự nhiên bao bận lòng, bao bụi bặm tự dưng rơi rụng tự bao giờ. Nhớ xưa đọc thơ Phạm thiên Thư có gã lên động hoa vàng ngủ say, lòng hâm mộ biết bao. Dưới gầm trời này còn có động hoa vàng nhưng tiếc thay không mấy người biết, không mấy ai chịu tìm về để đánh giấc ngủ an nhiên, tự taị. Một giấc ngủ như con trẻ tâm còn thanh tịnh chưa vướng chút ưu phiền.
Trấn Phù Dung có thật hay không có thật nó chẳng phải là vấn đề, nói như nhà thiền ta hãy lìa xa “ Tứ cú bách phi” bận tâm chi có hay không, chẳng phải có chẳng phải không có, chẳng phải chẳng có chẳng phải chẳng không… Phù Dung trấn vẫn tồn taị hay không tồn taị nhưng nó đã cho đời một câu chuyện, một giấc mơ, một lối đi về. Gã du tử của trấn tìm về nguồn cội để làm gì? để từ đó dần dần buông bớt chấp, xả bớt ngũ dục, không còn quá vướng bận bên này bên kia. Phù Dung trấn vẫn mơ màng như giòng sông giữa trưa hè nắng hạ, vẫn êm đềm trôi xuôi giữa mùa xuân.
Người đâu, ta đâu?
Nhặt cánh hoa đào
Mai về bên ấy
Một trời trắng mây
(thơ- TLTP)
Gã du tử rong chơi giữa đời, dù mưu sinh vất vả nhưng không vì vậy mà thui chột đi lòng lân mẫn với người, không vì vậy mà chai sạn với cảm xúc trong đời. Gã du tử vẫn mê “Mắt biếc má đào”, vẫn nhớ “Gót son vóc hạc hình hài”… Nhưng không vì vậy mà đắm chìm hay đọa lạc ấy cũng nhờ “Quay về nguốn cội”, quay về với Phật pháp
Em về vàng hạ hoa dương
Ngẩn ngơ ở giữa con đường bướm hoa
( Thơ – TLTP)
Thế đấy! một chút ngẩn ngơ thôi vì đời vẫn đẹp dù rằng đời là khổ, những phút giây hiện tiền hoa bướm nhưng không lạc nữa bao giờ, ấy chính là “ Hiện xứ lạc trú vậy!
Đạo Phật đồng hành với dân tộc cũng đã hơn hai ngàn năm rồi, những hình ảnh ông Bụt, những câu tục ngữ, ca dao như: “Gieo gió gặt bão”, “Ở hiền gặp lành”, “Thờ cha kính mẹ”… ít nhiều chứa đựng Phật pháp. Phật pháp không chỉ là những bộ kinh cao siêu, những giáo lý quá siêu đẳng như: Tánh Không, Bát Nhã… làm sao người bình dân hiểu nổi! Phật pháp trong đời thường thông qua những câu chuyện, những việc làm, lời nói đơn giản nhưng đầy ý nghĩa như cha mẹ khuyên con lễ phép hiếu thảo với ông bà. Ông bà dạy cháu ăn chay, phóng sanh, thương yêu loài vật, gìn giữ môi trường… Hoặc giả khuyên bảo con cháu không rượu chè, không gian dối, không trộm cắp… cũng đều là Phật pháp cả! Phật pháp bất ly thế gian pháp kia mà!
Mùa hạ trấn Hoa Mộc Lan xanh biếc, lòng mơ tưởng về Phu Dung trấn xa xôi ngoài vạn dặm, nhớ về nguồn cội, ông bà, cha mẹ, nhớ những kỷ niệm xưa. Gã du tử viết những giòng chữ này xin kính cẩn dâng lên hai đáng sinh thành. Công ơn sinh thành dưỡng dục như trời biển, công ơn cha mẹ là một trong tứ trọng ân mà người con, người Phật tử phải luôn luôn ghi nhớ!
Thân này từ giọt máu đào
Thần này cha mẹ truyền trao nên người
(Giữa Con Đường Với Vết Trầm, thơ TLTP)
Ất lăng thành mùa hạ, 7/2019
Tiểu Lục Thần Phong