Một đoạn video trên mạng, trong đó ghi lại những lời nhắn gửi người thân của những sinh viên, những người trẻ HongKong trước lúc xuống đường. Những cuộc xuống đường báo trước nguy cơ đối với họ khi giới cảnh sát (được gọi là Hắc cảnh) ngày càng thẳng tay trấn áp dữ dội phong trào đòi quyền tự do của người dân HongKong.
Những ngày qua, phong trào biểu tình của người dân HongKong đã lên đến đỉnh điểm của bạo lực. Bạo lực trấn áp từ phía nhà cầm quyền HongKong đối với người dân của mình, bạo lực từ phía những người biểu tình vốn ôn hòa đã không thể nhẫn nhịn nhìn hàng loạt cảnh sát ra tay thi thố bạo lực và đàn áp những người dân tay không.
Và hẳn nhiên là họ đã phải chiến đấu, phải tự vệ và bảo vệ lẫn nhau, nhưng tất cả kiên quyết để xuống đường, để tiến lên đòi cho được một HongKong dân chủ, nhân quyền và thoát khỏi ách Cộng sản đã ngày càng hiện rõ trước mặt.
Có thể nói, phong trào biểu tình của người dân HongKong lần này, khác hẳn cách đây 5 năm, từ cách tổ chức cho đến ý chí của người HongKong quyết đòi tự do, dân chủ, quyết tâm để cho con cháu mình không bị họa Cộng sản biến thành bầy cừu ngựa.
Đã gần một năm trời, những cuộc biểu tình rầm rộ của mọi lứa tuổi, của mọi tầng lớp người HongKong đã không hề bị lụi tắt hoặc làm cho người dân nơi đây nhụt chí khi sự đàn áp ngày càng gia tăng từ phía nhà cầm quyền.
Cuộc đời thật lạ. Khi HongKong là thuộc địa của Anh, một “đế quốc thực dân” đến đô hộ, những người dân HongKong được hưởng một cuộc sống mà khi được đưa về “Đất mẹ Trung Hoa” thì cuộc sống đó chỉ còn lại trong mơ ước.
Và ngày nay, họ đang đổi máu xương của mình, để đòi cho được sống như những ngày bị đế quốc thực dân đô hộ.
Và những người con dân HongKong buộc phải xuống đường, buộc phải bước lên.
Sự lỳ lợm của chính quyền HongKong trước những đòi hỏi chính đáng của người dân, sự tàn bạo của quan thầy Bắc Kinh đã cho người HongKong những dự báo không lành khi họ quyết đòi lại quyền được sống, quyền tự do của họ đã và đang bị cướp đi.
Bởi, chính họ, những người dân Trung Hoa ngấm sâu nhất những sự khủng khiếp của một Thiên An Môn. Những hình ảnh của sự kiện này như mới còn tươi máu, như còn bầy nhầy những đống thịt người dưới xích xe tăng trên quảng trường Thiên An môn ngày nào.
Những sự đe dọa của nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày càng gia tăng đã báo cho người dân HongKong một sự chẳng lành khi đối đầu với súng đạn, với phương tiện hiện đại mà được mua sắm bằng chính tiền bạc, mồ hôi, máu xương của chính họ.
Hơn hết, đáng sợ và kinh tởm nhất, vẫn là họ phải đối đầu với tư tưởng Cộng sản lấy bạo lực làm phương tiện cai trị và tồn tại, coi xương máu của dân không đáng bằng nước lã, sự tàn bạo ngút trời của chúng là mối đe dọa khủng khiếp đối với những người dám đương đầu.
Những người biểu tình bị hơi cay, vòi rồng, bị bắn bằng đạn thật là những sự việc đã xảy ra thường xuyên tại đây.
Hàng ngàn người bị bắt bớ bất chấp mọi lời lẽ, luật pháp đã là những tấm gương đau đớn.
Hàng loạt côn đồ nhà nước được bố trí đánh lén, chơi bẩn là điều xảy ra hàng ngày.
Hàng chục thanh niên bỗng nhiên mất tích, rồi xác trôi nổi bên bờ biển là điều có thật.
Thế nhưng, người HongKong vẫn bước xuống đường.
Không phải họ không biết sợ hãi.
Không phải họ không thấy quý giá cuộc sống của mình.
Không phải họ không ý thức được sự điên cuồng và tàn bạo của những người Cộng sản.
Họ biết, họ sợ, họ ý thức được tất cả. Nhưng, tiếng nói của lương tâm, tiếng kêu của sinh mạng con cái họ, các thế hệ kế tiếp của họ đã thúc đẩy họ dám đối đầu.
Và cũng như những con người sống có nhân bản, có lương tâm, có tình cảm, trước khi đối diện với bạo tàn, họ đã chuẩn bị cho mình một tinh thần kiên định với sự quyết tâm mãnh liệt
Hôm qua, những chàng sinh viên trong hai trường Đại học lớn nhất HongKong đã bị đe dọa tước đi sinh mạng của mình nếu không đầu hàng súng đạn và chính quyền bất nhân.
Họ đã đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã giữa sự sống và cái chết.
Nhưng, họ đã quyết ra đi, quyết dấn thân cho tương lai của đất nước, con cháu họ.
Những đoạn video, những lá thư gửi lại cho gia đình của những chàng trai, những cô gái HongKong hôm nay đã nói lên tất cả những tâm tư, những ước mơ cũng như ý thức của họ về cuộc sống.
Xem đoạn video đó, nghe những lời nhắn gửi của những chàng trai trẻ HongKong gửi đến mẹ, đến bố, đến người yêu như những tờ di chúc trước lúc xuống đường… tôi chợt thấy nhói lên trong lòng một cảm xúc khó tả.
“Tôi năm nay 22 tuổi, và đây là lá thư cuối cùng của tôi. Tôi sợ rằng sẽ không còn được gặp mọi người nữa. Nhưng, tôi không thể không xuống đường"”
“Tracy, trong trường hợp anh không trở về từ đường phố, có quá nhiều điều không chắc chắn. Trái tim anh đang rối loạn, anh sợ có chuyện xảy ra với mình. Liệu em có nghĩ anh vô trách nhiệm hay tự hào về anh?
“Ba mẹ ơi! Khi ba mẹ thấy bức thư này, thì có thể con đã bị bắt hoặc đã chết. Con luôn cố gắng để sống xứng đáng với kỳ vọng của ba mẹ trong học hành và trong công việc. Nhưng hơn tất cả, con muốn làm một người sống có lương tri, không sống hèn, sống nhục. Sẽ là nói dối khi nói mình không sợ, nhưng chúng con sẽ không bỏ cuộc”…
Rất nhiều những dòng thư kèm nước mắt của những chàng trai, cô gái sinh viên HongKong như vậy đã được viết, được gửi đến gia đình và người thân.
Họ chỉ là những thanh niên mới lớn, cùng bằng lứa tuổi của những thanh niên đang hò hét khản cổ, những đứa con gái cởi truồng chạy xe máy ào ào ở đường phố Thủ đô Việt Nam khi thắng được một trận bóng hay đón một ngôi sao Hàn Quốc. Nhưng chúng lặn mất tăm khi những cuộc biểu tình chống độc tài, chống xâm lăng đang diễn ra trên đường phố.
Xem những đoạn video ghi lại những sự kiên cường, anh dũng và mãnh liệt của những người dân, những thanh niên HongKong và sự tàn bạo, bắt bớ của cánh sát, của súng đạn, ta mới thấy hết ý nghĩa của những dòng thư này.
Những hình ảnh này gợi cho tôi nhớ lại những năm tháng chiến tranh, những lớp người Việt Nam đã tạm biệt quê hương, bố mẹ, vợ con, người thương ở quê hương để ra đi chiến đấu.
Họ ra đi lặng lẽ, âm thầm trong những đêm tối trời ở sân kho hợp tác xã. Quà tặng trước khi ra trận chỉ là những chiếc khăn tay, mấy con tem hoặc mươi cái phong bì trao vội của những cô gái.
Và họ ra đi để mãi mãi không trở lại. Thậm chí vẫn còn hàng chục, hàng trăm ngàn người “theo lời đảng gọi” ra đi để đến nay nằm ở một góc rừng, một đầm lầy nào đó không còn tăm hơi.
Điều giống nhau trong những cuộc ra đi của những lớp người mà tôi chứng kiến trong chiến tranh nói trên, với việc xuống đường của những người dân HongKong ở đây, là họ mang trong mình một ý nghĩ: Vì tinh thần yêu nước.
Điều khác biệt giữa những cuộc ra đi nói trên, là những người lính Bắc Việt ra đi mang trong mình niềm tin được đúc kết bằng sự dối trá, lọc lừa và họ bỏ mạng vì sự dối trá đó, để ngày ngay đúc lên một chế độ độc tài, coi cha mẹ, vợ con của họ là thù địch.
Còn những thanh niên HongKong hôm nay, họ ý thức được một cách rõ ràng rằng, việc họ phải xuống đường vì những giá trị bất biến của Tự do, Dân chủ, của quyền con người, của tương lai con cháu, dân tộc và đất nước họ.
Tôi cảm phục và kính phục họ, những người con của HongKong trẻ tuổi nhưng chí lớn.
Họ xứng đáng được hưởng những gì mà Tạo hóa đã ban cho mọi người: Quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Tôi chỉ biết cầu chúc cho họ thành công, sớm thoát khỏi hiểm họa Cộng sản độc tài.
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh (RFA)