Hôm tòa án mở phiên sơ thẩm xử Khá Bảnh 14/11/2019 vừa qua, hàng trăm thanh thiếu niên, có nhiều bé còn đeo khăn quàng vây quanh khuôn viên tòa và chiếc xe chở tù. Bị tống lên xe tù, Khá Bảnh còn tươi roi rói giơ hai tay vẫy chào “anh em”, oách như ngôi sao vẫy chào người hâm mộ.
Phong thái hiên ngang hoàn toàn trái ngược với bộ mặt vừa khóc như mưa, vừa quệt nước mắt, vừa mếu máo nhắc đến mẹ cháu tại Công an hôm Bảnh bị bắt. Hôm ấy, có lẽ đúng như lời “chú công an” lớn tuổi nói, Khá “không phải làm diễn viên nữa”, nên khí chất ngang tàng đàn anh rụng sạch, chỉ còn đúng một thằng con trai 26 tuổi đang sợ hãi và thấy có lỗi với mẹ.
Trông Bảnh lúc đó thật thà, buồn cười nhưng đáng yêu tệ. Nó khác xa dáng vẻ anh cao bồi làng non choẹt ngồi xếp bằng trên lớp đệm sặc sỡ trải kín sàn nhà, đập tay dạy dỗ anh em phải sống biết điều với bà con trong làng, đi đâu gặp người làng phải chào lễ phép.
Các clip thu hút triệu viewsKhá có một video tự giới thiệu là phim ngắn mang tên “Tình anh em”. Nội dung như sau: một đàn em chơi bài thua 500 triệu đồng, sang mượn (hay xin) anh Khá cho tiền giả. Anh Khá cởi trần, người đầy mực, ngồi lọt trong bộ bàn ghế gỗ to như cái đình chạm khắc uốn lượn không sót chỗ nào, bảo “chuyện khác anh vứt cả tỷ không tiếc, nhưng 500 triệu tiền cờ bạc cho chú là quá to”. Đàn em hầm hầm dọa tình anh em tôi với anh chấm dứt, rồi ôm túi ra đứng trước siêu thị để bắt xe đi trốn nợ(!)
Lúc giang hồ rượt đến thì chú trốn thoát vào một nhà nghỉ bèn thong dong khóa lại, rồi yên tâm đứng gọi điện. Bên ngoài, một đống thanh niên hầm hầm vác phóng lợn bị hai tấm cửa kính trong suốt ngăn lại bèn bất lực cực độ, chỉ biết đập tay vào cửa nhao nhao phẫn nộ (sau đây xin quảng cáo cửa kính chống đạn, bền vững như bê tông cốt thép).
Anh Khá đang quẩy nhiệt tình trên bar thì có điện thoại. Anh khoát tay một cái, anh em chui vào xe hơi phóng rầm rập trên đường y phim Mỹ.
Đến nơi anh bảo đàn em ra xe khiêng vào cọc tiền 500 triệu đồng ra giả thay cho đàn em. Nhưng đàn anh bên kia không dám nhận.
Hình minh họa. Hình chụp từ video Khá Bảnh đốt xe máy Courtesy of FB
Anh Khá bèn tuyên bố: “Ở cái xã hội này đ. có chuyện đúng sai, chỉ có kẻ yếu và mạnh thế thôi. Mày đánh em tao thì tao đánh chúng mày”.
Cả đám nhao vào. Còn Khá Bảnh xốc vai người em giang hồ đang rũ xuống vì cảm động, bước những bước oai hùng về cận cảnh, phía sau những người anh em vác phớ oánh chết bỏ bọn dám động vào anh em của Khá. Cùng lúc màn hình hiện lên dòng chữ:
“Clip phản ánh về tình anh em trong xã hội, mong mọi người hãy tránh xa cờ bạc để không phụ lòng những người yêu thương xung quanh mình. Chỉ cần biết quay đầu thì tất cả sẽ mỉm cười với bạn.
Một phim ngắn của Khá Bảnh. Chỉ đạo nội dung, kịch bản, đạo diễn”.
Ghi chú: Anh em trong băng Khá Bảnh rất ngại người ta không biết mình là giang hồ (tập sự) nên tóc luôn phải cạo cắt rập khuôn để rậm phía trước và gáy, cạo trắng hai mang tai, người luôn luôn phải cởi trần khoe 2/3 cơ thể bôi đầy mực. Ra đường nhất quyết phải mặc nguyên bộ đen bó sát, dù ban ngày cũng phải xách cây phóng lợn dài đến hai mét không ít, uốn lượn nghi ngút trên đường phố.
Thôi bạn đừng cười nữa để giữ an toàn cho màn hình. Kênh youtube của Khá bị xóa rồi, chứ nếu còn thì bạn được giải trí hơn nữa, vì rất nhiều video live stream đồng dạng như thế.
Ở Khá Bảnh, tôi thấy sự ngây ngô của một anh gà trống mới lớn đang cố khẳng định mình là tay vừa lịch duyệt giang hồ, tiền tiêu như nước, hào sảng nghĩa tình với anh em, cương quyết với kẻ thù, sống lành mạnh, ngoan ngoãn.
Tuổi teen teen, hầu như đứa trẻ nào cũng xa cách cha mẹ anh chị, chỉ thích bỏ nhà đi suốt ngày quây quần với “anh em”. Vừa không phải học hành, vừa bar sàn bét nhè không phải trả đồng nào. Đời sống toàn cảm giác mạnh như phim, chả bao giờ phải rửa bát quét nhà hay đi đổ rác. Sướng khoái thế là cùng. Nên video của anh Khá khiến các cháu mười bốn, mười lăm tuổi mê tít.
Câu chuyện của Khá Bảnh cảnh báo xã hội Việt Nam đang thiếu những cơ cấu phù hợp thực sự cho lứa tuổi vị thành niên.
Lứa thanh thiếu niên ngơ ngácCách đây mấy chục năm, xã hội có những tổ chức chặt chẽ cho từng lứa tuổi. Ở miền Bắc, thiếu niên vào Đội, thanh niên vào Đoàn. Ở miền Nam trước 1975 các tổ chức hướng đạo sinh, tổ chức thanh thiếu niên Công giáo, Thanh thiếu niên Phật Giáo … rất chặt chẽ, hoạt động sôi nổi phong phú. Cho đến bây giờ vẫn còn một số tôn giáo duy trì các tổ chức này và ngày càng có nhiều người nhận ra sự quan trọng của nó.
Nhưng sau 1975, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đội Thiếu niên tiền phong không thuyết phục được đa số dân miền Nam do các yếu tố chính trị quá mức gán cho nó. Nhiều gia đình không muốn con em mình tham gia các tổ chức này. Những năm 1977, 1978, tối tối đội viên và đoàn viên vẫn được huy động ra đường làm trật tự, bắt người mặc quần loe (mang kéo cắt luôn ống quần), tóc dài (xởn luôn) và cài nút áo cho những thanh niên mặc sơ mi không cài kín nút. Ngày nghỉ, đội-đoàn viên đi dài dài khắp nơi giơ nắm tay hô khẩu hiệu cổ động, “nhiệt liệt”, “ủng hộ”, và “phản đối” theo những anh chị phụ trách cầm tờ giấy đọc nhịp. Hoặc đi lao động công ích, trồng cây trên bãi biển, đồi trọc. “Mười cây chết chín một cây gật gù” cũng không sao, có thành tích là được.
Hình minh họa. Nhiều học sinh bị nghi là đã nghỉ học để đến xem phiên tòa xử Khá Bảnh hôm 13/11/2019 Courtesy of Infonet
Nói cho công bằng, thanh thiếu niên vốn thích ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà nên những dịp như vậy cũng là dịp để tụ bạ vui vẻ. Nhưng nó không bền.
Thế rồi khoảng 20 năm nay, Đội-Đoàn ngày càng mất sức hút. Các tổ chức Hướng đạo sinh manh nha trở lại ở Sài Gòn, Hà Nội và một vài đô thị lớn. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động chính thức của thanh thiếu niên đều phải dưới trướng Đoàn Thanh niên Cộng sản và Hội Liên hiệp thanh niên.
Bản chất của các tổ chức kể trên không phải là nơi tập hợp thanh thiếu niên đúng nghĩa; nó là “cánh tay nối dài của Đảng”.
Do vậy, gần như không còn tổ chức rộng rãi nào tập hợp được thanh thiếu niên. Ở cái tuổi nổi loạn và ưa khám phá, bọn trẻ gần như không được định hướng đạo đức và xã hội ngoài các bài học kinh viện ở nhà trường. Cần được kết nối và hướng dẫn, nhưng chúng khó tìm được thủ lĩnh tinh thần đúng đắn. Vì vậy, một số quay sang thần tượng các ngôi sao giải trí. Số khác thần tượng các “anh em xã hội” hay bất cứ cá nhân nào cá tính, mạnh mẽ và độc lập với thế giới người lớn.
Khá Bảnh bỗng dưng trở thành “ngôi sao”, được cổ vũ nồng nhiệt là vì vậy. Người lớn ngạc nhiên, nhưng tuổi trẻ thấy bình thường.
Vì chúng hiểu đời sống ngắn ngủi của các thần tượng một mùaTrước Khá, người ta cũng chứng kiến những “thần tượng” khác sinh ra và mất đi liên tục. Các thần tượng đó không tồn tại lâu bền đúng như ý nghĩa thần tượng thật sự: ngẫu nhiên họ xuất hiện đúng thời điểm bọn trẻ đang thiếu thốn một nhu cầu nào đó và thế là thành thần tượng chỉ sau một đêm. Khi có nhân vật mới hơn xuất hiện, “thần tượng” cũ nhanh chóng biến mất cũng chỉ sau một đêm.
Tuy vậy, các “thần tượng ngắn ngày” đã thành công trong việc chia nhỏ sự quan tâm và cả sinh lực của cái khối tuổi trẻ dạt dào sức sống nhưng đang cần định hướng. Khi sự tập trung không dành cho những giá trị sâu sắc và nền tảng thì cái khối sức sống đáng thèm muốn đó hoặc nhanh chóng rã tan như bọt sóng, hoặc ngược lại, làm mòn mỏi chính những người trong cuộc, khiến họ hoang mang và nghi ngờ tất cả.
Đời sống bất an và thực dụng trong nước cũng khiến không nhiều người tuổi trẻ dám có những ước mơ lớn lao, sâu sắc và dành toàn tâm toàn ý cho nó.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam không có Hoàng Chi Phong.
Lâm Thế Mai (VOA)