logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 02/12/2019 lúc 09:09:00(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh. Bước được dăm mét, Diễn dừng lại. Hân hỏi, “sao anh lại dừng?” Diễn đưa tay phải chỉ phía xa, “em xem kìa!” Lúc này Hân ngẩng đầu nhìn. Một vạt hoa vàng rực lưng chừng núi, trùng điệp kéo dài chừng chục dặm hai đầu mất hút vào khoảng trời xanh biếc của những ngày chớm hạ. Hân ngẩn người say mê ngắm vạt poppy xa rồi đến thảm hoa màu cam dưới chân. Lúc này Diễn đứng lại làm điểm tựa cho Hân dựa vào. Hân bảo hay chúng ta ngồi xuống. Diễn lắc đầu, mắt nhìn chân trời xanh thẳm mùa hè nhớ đã sang tháng năm. Tháng tới Hân ra đi. Bên tai anh như nghe tiếng nước chảy và từng hạt âm thanh xa xôi đang rơi xuống. “Anh nghĩ gì vậy?” Hân hỏi vừa cúi xuống sờ một cánh hoa vàng. “Anh nhớ đến bản Passage Through July.” Diễn trả lời tiếp tục nhìn xa mông lung.

Diễn đưa Hân đến triền đồi phía trái nhiều hoa poppy màu vàng cam rực rỡ trong nắng. Năm này nóng đến chậm, ánh nắng tháng năm ít chói chan hơn những năm trước. Hân rất thích vì nàng sợ nóng và sợ ánh nắng gắt làm sậm đi màu da trắng hồng mịn màng vốn được chăm sóc rất cẩn thận. Đưa máy hình cho một thiếu phụ đứng gần, Diễn xin chụp giùm một tấm ảnh kỷ niệm. Người đàn bà Mỹ vui vẻ chụp đến ba tấm ở ba tư thế khác nhau. Diễn cám ơn và hai người đi xuống đồi.

Hân nói chúng ta về và Diễn lái xe ra khỏi khu vực bảo tàng du lịch. Về đến Orange county sau bốn giờ đồng hồ lái xe, Diễn ngồi xuống chiếc ghế trong quán phở cảm giác như mình được nằm trên tấm đệm êm! Thấy Diễn lim dim mắt, Hân lo lắng hỏi, “anh thấy thế nào? có mệt lắm không?” Diễn lắc đầu trong khi Hân nói, “tại anh không cho em lái thay!” Diễn không nói chỉ đưa tay gọi người thanh niên chạy bàn. Diễn ăn một tô phở to, trong khi Hân ăn một tô nhỏ sau khi yêu cầu lấy ít bánh phở. Ăn rất nhanh, Diễn bảo, “anh rất đói bụng vì sáng nay ăn quá ít, chỉ hai lát sandwiches!” “Thì mọi ngày anh vẫn ăn như thế!” Hân trả lời. Diễn lắc đầu, “mọi ngày ăn xong ở nhà khác với hôm nay, phải lái xe đi về gần tám giờ đồng hồ.” Hân lúc này nhắc nhở Diễn:

“Anh đừng quên rằng mình đang trong giai đoạn kiêng ăn!”

Diễn không trả lời nhưng anh quả thật lúng túng, Hân nói không sai vì chính anh long trọng tuyên bố với Hân tuần trước. Nghĩ đến chiếc bụng hơi to của mình, anh lẳng lặng đi ra bãi xe. Hân đi sau quan sát dáng điệu của Diễn khiến nàng tức cười. Tuy vậy, Hân lên xe không nói gì thêm và hai người về nhà. Trong lúc Hân đi thay quần áo, Diễn ra patio ngồi nhìn bóng đêm rồi đứng lên vào nhà mở nhạc. Đĩa cd còn trong máy bắt đầu một bản nhạc mà Diễn không bao giờ quên. Tiếng nhạc ban đầu mơ hồ, rời rạc. Ngày ấy, cứ ngồi nghe bản nhạc này Diễn có cảm tưởng mình đang nằm trên bãi cỏ xanh mùa hè tại An Mỹ, một làng ngoại ô Pleiku. Bản nhạc “Đi qua tháng Bảy” với Diễn ngày hôm nay là một vết cắt ký ức. Rất sắc gọn và dứt khoát. Anh đang nghe tiếng nước róc rách của con suối cạnh bờ cỏ. Mùa thu năm anh mười lăm tuổi. Cỏ xanh mịn và êm mát như tấm thảm xanh biếc kéo dài đến chân núi xa. Con đường làng màu trắng ngà len lỏi giữa những ruộng lúa giống một nét bút sắc. Trên con đường này voi thường đi vào núi kéo gỗ lưu trên mặt đường nhiều vết lõm sâu xám đen. Mây thu xây thành đầu núi và điểm đặc biệt trên mặt thảm cỏ, gió nhẹ lướt thướt êm đềm như vọng âm một thời bình yên, gợn thêm cảm giác ấp ủ vỗ về. Lúc bấy giờ Diễn xa mẹ đã bảy năm.

Ngày hôm nay cảm giác ấy không còn nguyên vẹn, nhưng khi nghe Passage through July Diễn bao giờ cũng chờ đợi tiếng gió lướt thướt sau một loạt âm vang sấm sét từ xa. Diễn chờ một âm vọng quá khứ như thứ nhạc ru con! Việc này Hân không thay thế được. Hân có thể hát cho Diễn nghe bao điệu ru từng khắc ghi trong ký ức anh về một thời điêu linh tuổi trẻ, nhưng mãi mãi Hân không thể vực trở lại thứ hạnh phúc đã mất, dù Hân ước muốn làm điều đó. Ngày Hân theo Diễn về nhà, nàng quyết định chọn cho mình một tương lai, đúng nghĩa một tổ ấm. “Có em bên cạnh, mùa đông sẽ ấm áp và cuộc đời đơn giản hơn. Em cho rằng cuộc sống của anh phức tạp đến độ tủi thân vì anh mãi cuộn mình trong những rối rắm phát sinh từ cô đơn mà ra!” Lúc ấy Diễn hỏi Hân, “em chắc chắn như thế?” Hân gật đầu, “em tin và anh hãy hi vọng.” Nghe Hân nói, Diễn tự hỏi mình có hi vọng hay không nơi người con gái giản dị và đơn sơ trong suy nghĩ đang đứng bên cạnh. Tuy nhiên, có Hân Diễn nhận ra thêm một số khuyết điểm của mình mà trước kia anh không chú ý hay vô tình che dấu nó.

Hân thích hoa, nàng bảo “Nhìn hoa em thấy ấm áp trong lòng, chính hoa an ủi con người lúc cô đơn. Em thấy lạ là nỗi cô đơn nghiền ngẫm anh đến tận xương, nhưng không hề có nụ hoa nào trong vườn nhà cả! Em sẽ trồng nó!” Diễn cười khi nghe cách Hân nói. Tháng đầu tiên Hân đi mua hoa về trồng và cái sân sau chẳng mấy chốc trở thành một vườn hoa nhỏ. Những gốc hồng già nua tàn tạ, dưới bàn tay Hân trở nên trẻ trung khoe sắc với những cành non và nụ mới. Hai khóm hoa trà thêm nhiều búp xanh. Bụi hoa giấy tím dọc tường với bàn tay cắt tỉa của nàng đã có những mầm tím li ti khắp nơi. Buổi chiều hai người ngồi ngắm hoa vừa uống trà. Hân đặt ly trà xanh xuống hỏi, “anh có thấy vui hơn với vườn hoa mới?” Diễn im lặng nhìn sâu vào mắt Hân bảo:

“Ngày hôm nay vườn hoa khởi sắc này là công của em, anh cám ơn em!”

“Thế anh thích hoa nào nhất trong đám hoa trước mặt?”

Diễn quay sang ôm vai Hân, “hoa nào cũng đẹp, nhưng em là thứ hoa đẹp nhất đối với anh!” Hân cười có chút tự hào, “em cám ơn anh đã nói như thế!” Cả hai tiếp tục uống trà, màu nắng sẫm dần. Trên mái nhà một cành trắc bá vàng hanh gợi nhớ ánh nắng chiều quê nhà xa xưa. “Em đang nghĩ gì?” Diễn hỏi Hân khi thấy mắt nàng như mông lung ở một thời khắc nào khác. Hân lắc đầu, “em không nghĩ gì cả.” Diễn hỏi thêm:

“Có phải em nhớ nhà?”

“Không, tháng tới em về thăm nhà sao mà nhớ!”

“Chính vì thế em nhớ nhà mà em không nhận ra. Cảm giác ấy là thứ không cảm giác!”

“Anh nói em không hiểu?”

“Ừ, em không hiểu đâu!”

Hân cười nhìn về hai đóa hồng vàng hé nở buổi sáng giờ đã mãn khai ở góc tường. Hoa hồng vàng mùi thơm thoang thoảng. Diễn nhận ra từ buổi sáng sớm, lúc anh đến bên bụi hoa vươn vai hít thở. Diễn nghe mùi hương tuy anh không nhìn, nhưng vẫn cảm nhận sự lắng đọng trong tâm khảm đồng thời dường như kỷ niệm vang vọng đâu đấy. Diễn nhận ra kỷ niệm là chiếc bóng của chính mình. Luôn đi theo anh và chỉ biến mất khi anh không còn tồn tại trên cõi đời này!

Diễn nhìn theo Hân đang chậm rãi đến từng bụi hoa, cúi xuống nâng niu từng cánh hoa như đang thì thầm với chúng. Quang cảnh trước mắt tháng tới không còn nữa. Nó sẽ biến mất, lặn sâu vào ký ức Diễn

để rồi ngày đó anh có thể bất kỳ lúc nào cũng nghe mùi hương hồng vàng, mơ hồ bóng dáng hạnh phúc nhạt nhòa sau lưng mỗi lần đi ra dạo vườn hoa.

Diễn đứng lên đến bên Hân ôm nàng từ phía sau. Anh buồn bã nói, “Anh sẽ nhớ em xiết bao!” Hân quay lại hôn Diễn bảo, “Em đi một tháng rồi về lại với anh mà!” “Anh biết, nhưng anh không thể hôn kỷ niệm, hôn chiếc bóng của chính em.” Diễn thì thầm. Hân đứng im lặng trong vòng tay Diễn khá lâu rồi nàng nói:

“Anh hãy nâng niu kỷ niệm như người ta thường làm.”

“Anh thực không muốn nâng niu đau khổ, buồn bã hay luyến tiếc một chiếc bóng.”

“Thế thì anh làm gì khi không có lựa chọn nào khác?”



Hân hỏi, Diễn mỉm cười, “Anh sẽ làm thơ!” Hân lại hỏi, “Thơ có thể thay thế em sao?” Diễn lúc này nhìn vào mắt Hân nói:

“Làm thơ là viết tương lai của quá khứ. Đeo đuổi, khát vọng tương lai đều là thứ ước mơ. Mà ước mơ làm con người ta không còn thấy đau khổ hay buồn bã, em hiểu không?”

Hân gật đầu trả lời:

“Em không hiểu hết, nhưng em bằng lòng cách sống của anh những khi không có em bên cạnh.”

Thế rồi Hân ra đi. Khi ánh nắng hè tháng sáu gay gắt thêm và bầu trời ao ước một vạt mưa để xua đi cái trì trệ lắng đọng vào mỗi buổi xế chiều, Diễn vẫn ngồi uống rượu một mình trên hiên nhà, bên tai mơ hồ vang vọng tiếng mưa xa. Anh viết:



“chiều ngoài song âm thầm trôi, vệt nắng

mưa từng dây âm vang xua đời thêm xa vắng!

trời chiều lê thê nhuốm trăm bề sóng vỗ,

ngày ngày đi xa gió vẫn gọi về…”



Diễn gọi mưa, gió, cả âm vang sóng vỗ nhưng cuối cùng cũng chỉ là vệt nắng âm thầm trên thềm hiên nhà. Suốt tháng sáu, Diễn ngồi nghe mãi một cung bậc trong khi vườn hoa nhà tàn tạ quá nửa. Hân nhắn tin trên phone tháng tám sẽ trở về. Lúc ấy Diễn nhẩm tính đã ba tuần Hân xa anh.

*

Cha Hân mất tại Việt nam khi nàng năm tuổi và Mây mới được một tuổi. Ba năm sau bà Khâm mẹ nàng dắt hai con vượt biển. May mắn cả ba đến Mã Lai và sau đó được định cư tại Úc. Mười hai năm trôi qua khi gia đình Hân dọn đến sống tại thành phố Avoca, một nơi khá ưu đãi dành cho những thuyền nhân Việt nam đầu tiên vượt biển đến định cư tại Úc. Sáu năm sau, Hân rời gia đình. Nàng theo chồng đến một nơi thật xa. Xa mỏi mắt đến độ nàng không muốn trở về thăm nhà dù rất nhớ người thân. Hân viết thư rất ít và hai năm sau cùng nàng không viết lá thư nào nữa. Tuy không ai hỏi lý do, nhưng bao giờ thâm tâm Hân cũng bảo, “nếu tôi không thể kể cho người thân của mình nghe bao điều đau khổ, viết thư làm gì!” Đến khi sống với Diễn ba tháng, Hân mới có ý định về thăm nhà. Ít ra trong đầu nàng có câu trả lời nếu ai đó hỏi.



Khi Hân bước vào căn nhà số sáu của mẹ, nàng thấy Mây đang ngồi nhìn ra cửa sổ sau. Khu chung cư buổi chiều thứ ba vắng ngắt. Không thấy lũ trẻ nô đùa và tiếng đám chó sủa, chạy nhảy đuổi nhau của những năm xa xưa. Hân đứng im nhìn Mây chăm chú. Sự tĩnh lặng của cả ngôi nhà khiến nàng cảm giác mình và Mây là hai pho tượng của viện bảo tàng. Tự nhiên Hân chảy nước mắt. Nàng lên tiếng, “Mẹ đâu rồi Mây?” Nghe tiếng Hân, Mây đứng lên rồi vụt chạy đến ôm chị la to, “chị về rồi!” Hân gật đầu ôm chặt đứa em gái nhỏ hơn nàng năm tuổi. Hân nhìn thấy nhiều sợi tóc bạc trên mái tóc của em. Mây thì thầm, “Mẹ đang trong bệnh viện, nhưng đã hồi phục sau cơn đột quy tháng rồi!”



Hân thở phào kéo chiếc va li đến sa lông ngồi xuống. Không thấy gì thay đổi trong phòng khách. Những tấm màn cửa tuyn đỏ, chiếc bàn gỗ gõ đen, chiếc tủ kính chén bát kiểu Tàu, và ba chiếc ghế bọc nhung tím sẫm cũ kỹ như bao năm trước. Mây cất hành lý của chị rồi nói, “phòng chị vẫn vậy. Lần này về rồi bao giờ đi?” Hân nhăn mặt buồn phiền khi nghe em hỏi. Nàng lắc đầu, “sao em cứ hỏi kiểu đó, chị mới về mà! Chúng ta đi bệnh viện thăm mẹ.” Mây lại ngồi nhìn đăm đăm ra cửa sổ như trông chờ ai, rồi tiếng nói của nàng cất lên như vọng từ một nơi nào rất xa, “Không phải chị đi lấy chồng rồi sao!”



Mây xuống bếp, mang lên một ly nước rồi chờ Hân thay quần áo. Hai người sẽ đi thăm mẹ và ăn tối ngoài phố. Khu vực này giờ dành cho người cao niên, Mây kể, đám gia đình có lũ trẻ và chó đã ra đi lúc chị đi lấy chồng được một năm. “Anh Hiến như thế nào rồi?” Nghe Mây hỏi, Hân xua tay:

“Chị và anh ấy đã ly dị hai năm rồi.”

“Mẹ và em không biết chuyện này!”



Mây nói như than trách. Hân lại thấy mình có chồng hay không nào liên hệ gì đến những người khác, ngay cả thân nhân của mình! Nàng hay nhắc nhở trong lòng, “cuộc đời tôi, hạnh phúc hay không là chuyện không phải ai cũng có thể xen vào để đánh giá hoặc phê bình!” Thế nhưng khi nhìn thấy vết chân chim trên đuôi mắt Mây, Hân tự trách mình khắc khe và vô lý khi những người thân yêu quan tâm. Tự dưng nàng thấy mình bất công khi nhớ đến Diễn. Khi Diễn vui, nàng tự hào và cả tự mãn, tại sao mẹ và em quan tâm lại khó dễ tận đáy lòng! Quay sang Mây, Hân nói:



“Chị xin lỗi em và mẹ vì không hề thư từ gì những năm sau này!”

“Thì em có nói gì đâu, trừ mẹ thỉnh thoảng muốn biết tin của chị.”



Mây nói nhưng đôi mắt không rời cửa sổ, làm như nàng đang tìm gì trên khoảng trời xanh. Lúc này Hân nhận ra Mây có điều khác lạ. Ngày xưa Mây liến loắng, chạy nhảy, hiếu động bây giờ lặng lẽ như một con chim mùa bão tố. Nhưng không phải đã hơn hai mươi năm rồi sao? Mây lúc ấy mới bắt đầu lên trung học và Hân chuẩn bị vào đại học. Đến bên Mây, Hân vuốt tóc em hỏi:



“Em sao cứ ngồi nhìn mãi trời xanh?”

“Tên em là Mây mà chị!”



Mây quay nhìn chị trả lời. Hân hoảng hốt khi thấy đôi mắt lạc thần của em. Tuy nhiên rất nhanh đôi mắt Mây trở lại bình thường. Trong một khoảnh khắc dường như có hai hoàn cảnh riêng lẻ rời ra sau đó xô vào nhau. Hân cũng nhận ra hình ảnh mình trong đôi mắt của Mây, tuy vậy nàng không nói ra. Trời sang chiều khi cả hai ra khỏi nhà. Con đường dẫn ra khỏi khu chung cư nắng bàng bạc giống sương khói đâu xa lắm, Hân không gặp ai. Nhà nào cũng đóng cửa nhưng bên trong có ánh đèn. Năm phút sau đến con đường chính, xe cộ nhiều và người đi tấp nập dần. Đến trạm xe bus hai người chờ rồi lên xe vào thành phố.



Mẹ của Hân ngồi trên giường bệnh, tựa gối nghiêng người nhìn ra cửa. Bà vừa ăn xong bữa chiều, trước mặt khay chén đĩa còn chưa được dọn đi. Bà đang chờ Mây như thường ngày. Cô ý tá mang khay chén bát ra khỏi phòng vừa lúc hai chị em Hân bước vào. Bà Khâm, mẹ của Hân tóc bạc trắng tuy gầy ốm nhưng khuôn mặt hồng hào đã không tỏ ra chút tình cảm gì khi thấy nàng. Bà hỏi Mây, “sao giờ này con mới vào?”, Mây thấy mẹ không thèm nhìn chị bèn bảo, “chị Hân về thăm, mẹ không vui hay sao?” Bà Khâm chưa nói gì Hân đã bước đến nắm hai tay mẹ bảo, “con xin lỗi đã không chăm sóc được cho mẹ những khi đau ốm thế này!” Nói xong Hân òa lên khóc. Lúc này bà mới quay nhìn nàng, trong đáy mắt có chút trách móc, “mẹ không bao giờ nghĩ rằng con trở về!” Hân lắc đầu tiếp tục nức nở khóc. Mây đến bên chị bảo, “chị đã về nhà thì hãy quên hết mọi việc không vui trước kia. Bây giờ không phải bên chị có mẹ và em hay sao?” Hân ngẩng nhìn Mây rồi quay sang mẹ cố mỉm cười nói nho nhỏ, “con xin lỗi mẹ!”



Hân và Mây sau khi hàn huyên với mẹ, cả hai rất vui khi biết bà Khâm sẽ được xuất viện tuần tới. Ra khỏi bệnh viện đã bảy giờ tối, Hân và Mây đến một quán phở trong khu người Việt ăn cơm. Cả hai đều ăn cơm cá kho, gỏi gà, và một tô canh cải bẹ xanh thịt bò. Nhìn chung quanh mọi người đều nói tiếng Việt khiến Hân nhớ đến khu phố Diễn ở và nàng tự hỏi không biết anh có nhớ những dặn dò của nàng trước lúc ra đi. Hình ảnh Diễn thoáng gợn trong lòng Hân một nỗi buồn. Hân nói với Mây:



“Về nhà chúng ta hãy đi phía cửa sông? Lâu rồi chị không thấy cảnh hoàng hôn trên sông trước kia!



Mây thoáng ngập ngừng rồi nói:



“Trời tối quá, nhìn cảnh sông dưới ánh đèn điện không thấy đẹp. Vả lại đường về nhà xa hơn.

Hãy để ngày mai.”



Hân gật đầu khen quán nấu ăn ngon. Nàng gọi thêm café uống vì Mây bảo, “café không làm em mất ngủ.” Nhìn khuôn mặt cằn cỗi khắc khổ của Mây, Hân hỏi, “sao em không lập gia đình?” Mây không trả lời, mắt lại nhìn đâu đó thật xa. Hân lại hỏi, “em có người yêu?” Mây nhìn chị lắc đầu nhưng sau đó nói, “có nhưng như không!” Nghe Mây nói như thế Hân không hiểu, nàng hỏi, “thế bây giờ anh ấy ở đâu?” Mây không trả lời nhưng mắt lại nhìn lên mảnh trời xanh ngoài cửa sổ có một tảng mây trắng lững lờ trôi ngang. Không khí mùa đông tràn ngập nơi đây, tuy tháng tám nhưng trời rất lạnh không bù mùa hè bên Mỹ, Diễn và những cụm hồng vàng. Hân rùng mình nói với Mây, “chúng ta về, chị thấy lạnh quá!”



Hân về phòng của mình, tuy không người ở nhưng Mây dọn dẹp thường xuyên nên sạch sẽ và ngăn nắp. Cạnh cửa sổ có một chiếc ghế chứng tỏ Mây thường ngồi ngắm mây trời. Hân nhìn xa xa trong đêm tối thấy một dãy ánh sáng chạy dọc theo bờ sông. Nàng thầm nghĩ ngày mai sẽ đi bộ đến đấy nhìn ngắm lại một hồ nước và một đoạn sông. Nếu cuộc đời là một cuộn phim thì hồ Salvas và khúc sông phía Nam chính là một đoạn phim đời của Hân và Mây một thời ấp ủ ước mơ. Hai người thường ngồi trên chiếc cầu ngắn bắt ngang cửa hồ. Cầu dẫn một đầu vào thành phố phía Bắc. Cầu khá cao khiến người đứng trên cầu nhìn xuống sông thấy choáng ngợp. Tuy nhiên đứng trên cầu người ta vẫn thấy đàn cá vẩy trắng bạc tung tăng lượn trong nước hồ óng ánh xanh biếc vào buổi trưa hè. Dân trong thành phố thường đến ven hồ cắm trại vào những ngày cuối tuần và suốt ba tháng hè. Tuy nhiên bờ hồ phía đông cấm du khách xuống bờ nước vì đàn cá sấu. Ba phía còn lại người cũng chỉ ngồi ngắm cảnh bên này bờ rào sắt, nhưng lúc nào cũng tấp nập vào những ngày nghỉ lễ.



Hân ngủ dến nửa đêm giật mình thức giấc vì khác múi giờ. Nàng xuống bếp lấy nước uống đi ngang phòng Mây thấy phòng tắt đèn yên ả, Hân đoán em ngủ ngon. Đứng ở phòng khách, Hân đến chiếc ghế Mây ngồi ban chiều quan sát. Phòng khách có hai cửa sổ đều có hai chiếc ghế bên dưới. Phòng ngủ thêm ba cửa sổ có thêm ba ghế. Mây đặt ghế bên dưới để ngồi nhìn trời mây bên ngoài. Hân ngẩm nghĩ, “Mây ngồi nhìn trời hay đang chờ đợi ai?” Đã quá lâu hai chị em không hề nói chuyện riêng tư với nhau. Hân tự hứa ngày mai nói chuyện may ra an ủi Mây, nếu em nàng đang có chuyện không vui. Nàng biết cuộc sống hiện tại của Mây, chỉ lo cho mẹ trong căn nhà rộng thênh thang này hẳn nhiên rất buồn. Nghĩ đến nỗi cô đơn của mình những năm lang thang nơi xứ lạ, Hân rùng mình. Nàng thấy rõ hình thù của nó ra sao khi gặp Diễn. “Anh đã sống một mình mười hai năm! Có gì đâu!” Diễn bình thản nói với đôi mắt một màu bóng tối. Hân rất rõ màu sắc cô đơn. Nó khiến nàng không định hướng được lối đi, chung quanh nàng vạn vật không hề thay đổi nhưng Hân chỉ thấy sương mù cùng một nỗi đau âm ỉ, xót xa và mỗi lúc mỗi xua nàng trôi giạt về một đại dương mênh mông trống trải. Hân muốn bám níu một thân cây, một điểm tựa để có thể xác định mình đang ở đâu và phải làm gì. Nhưng chỉ có vô vọng và bờ vực tuyệt vọng lúc nào cũng chờ đợi dưới chân nàng. Đứng trước gương, nàng từng thấy đôi mắt mình suốt một màu đen sắc lạnh những đêm uống rượu say về muộn, nhưng rồi lại không hề thấy mình trong gương. Bóng tối cô đơn đã nuốt chửng lấy nàng! Và ban chiều nàng lại thấy mắt Mây chỉ một màu cô quạnh. Màu của nấm mồ trong buổi hoàng hôn nếu có ai đó yêu cầu Hân diễn tả. Có cái gì hết sức vô vọng sâu thẵm bóng tối trong đôi mắt em nàng! Về phòng, nằm suy nghĩ mãi Hân thiếp đi không hay.



Buổi trưa Hân rủ Mây đi ra thăm hồ Salvas. Hân đề nghị, “chúng ta đến cầu ngồi chơi như ngày xưa lúc đi học về.” Mây lắc đầu nói:



“Chị đi một mình vậy. Em không thích chiếc cầu như trước kia!”

“Tại sao?”

“Em không thích thế thôi.”



Nghe Mây nói, Hân buồn bực một mình đi ra bờ sông. Mùa đông trời lạnh nên ít người đi dạo. Con đường ra hồ hai bên cây cối trơ cành vì rụng lá. Hân quấn thêm cổ một vòng khăn len rồi cắm cúi đi lên cầu. Hân leo lên thanh chắn ngồi xuống ngẫm nghĩ. Không có gì thay đổi, trừ ta. Cầu vẫn cao thăm thẳm khi nhìn xuống. Trên mặt nước có thêm nhiều vạt tảo xanh đen. Hân nhìn ra xa, một dãi tuyết trắng kéo dài rồi mất hút vào bầu trời đầy mây xám. Một vài người đi ngược chiều tò mò nhìn nàng. Một cơn gió cất lên tạt vào mặt Hân buốt giá khó chịu. Hân lại nhớ đến buổi chiều cùng em thăm mẹ, nàng vẫn vơ nghĩ đến Diễn và tự hứa tối sẽ text cho anh vài dòng. Nhìn chung quanh Hân chỉ thấy trơ vơ có nàng. Dường như trời buốt giá hơn khiến Hân đứng lên rồi quyết định trở về nhà.



Về đến nhà thấy Mây ngồi dưới cửa sổ nhìn trời, Hân hỏi, “đêm rồi em ngủ ngon giấc không?” Mây lắc đầu khiến Hân ngạc nhiên vì nàng thấy rõ phòng Mây tắt đèn và không hề tiếng động. Tuy nhiên Mây không giải thích và Hân không hiểu sao cảm thấy cuộc sống của Mây hết sức bí ẩn. Đến gần em Hân bảo:



“Chị vừa đi ra hồ, vẫn không có gì thay đổi như những ngày chúng ta đi học. Chị lên thành cầu ngồi nhớ lúc chúng ta bẻ bánh cho chim và cá ăn. Em nhớ không Mây?

“Không nhớ gì cả, em không thích con đường ấy!”

“Từ bao giờ?

“Từ khi anh Dũng ra đi.”

“Dũng là người yêu của em?”

“Vâng!”

“Tại sao em để Dũng ra đi?

“Vì Dũng không đi cùng đường với em!”



Giọng Mây áo não khiến Hân lo lắng. Nàng đến bên Mây vòng tay ôm hai vai em nói, “hãy kể cho chị nghe về Dũng và em?” Mây lắc đầu bảo, “Có gì để kể khi tình yêu không hề có điểm chung!” Hân ngạc nhiên, “chị không hiểu!”



Mây quen Dũng trong một buổi họp cuối khóa của trường đại học Y ngành điều dưỡng. Người thanh niên cao nhưng mảnh khảnh như một cô gái, cùng học điều dưỡng nhưng khác ngành tự giới thiệu xin được làm bạn với cô. Mây vui vẻ bắt tay Dũng và nhận thấy đôi mắt anh rất sáng. Cô cảm giác trong đêm tối mắt Dũng sáng không khác ánh đèn. Sau khi quen nhau kể ra điều này, Dũng bảo, “đúng nhiều người bảo như thế nhưng ích lợi gì từ một đôi mắt sáng kiểu đó nhỉ?” Nghe Dũng hỏi như thế Mây phì cười, “thì nó sẽ giúp những người đi cùng anh không bị lạc những đêm tối trời!” Sau đó Dũng về làm việc trong một bệnh viện lớn thành phố trong khi Mây trở về bệnh viện trường cô học làm ngành kế toán.



Nửa năm sau tình bạn hai người dường gắn bó hơn, thường chiều chủ nhật cả hai ngồi trên cầu cửa sông nhìn hoàng hôn xuống bên kia rặng núi. Mây hỏi Dũng, “anh có thấy nắng chiều màu vàng và mỗi lúc mỗi sáng hơn?” Dũng gật đầu, “Đúng vậy vì nó sắp tắt!” Mây nhìn Dũng nói:



“Gần bóng tối, ánh sáng rực rỡ hơn!”



Dũng lại gật đầu nhìn bóng chiều sẫm màu đang nhẹ nhàng lan dần trên mặt sông. Anh chợt nắm lấy tay Mây, nhưng không nói tiếng nào. Mây quay nhìn mắt anh hỏi, “Anh có thích em không?” Trước khi Dũng trả lời, Mây thấy con ngươi trong mắt anh như nở to ra rồi thu nhanh trở lại bình thường, “anh thích và đôi khi tự hỏi có phải là tình yêu hay không?” Dũng nói nhanh như sợ tiếng nói biến mất trong khi Mây nắm tay còn lại của Dũng nói:



“Em cũng vậy, nhiều lần có câu hỏi giống anh, nhưng em tin rằng đó là sự thật!”



Dũng ôm Mây và trời như trở lạnh dù lúc bấy giờ là một chiều hè. Mây nhớ cảm giác duy nhất ấy đã nuôi tình yêu cô lớn dần. Cô tin Dũng và cho rằng anh có cùng một xúc cảm tình yêu như cô. Ngày ấy Mây hai mươi tám tuổi. Năm năm trước, khi Hân chị cô đi lấy chồng Mây bắt đầu lên đại học và cô yêu Lâm, người bạn cùng lớp. Tình cảm cuồng nhiệt của Lâm khiến cô nghi ngờ tính chân thật của tình yêu mà Lâm dành cho cô. Sau lần đi chơi xa với anh, cô từ giã mối tình đầu vì cho rằng mình không thích hợp loại tình cảm chỉ quan tâm đến thân xác cùng âm thanh của những hộp đêm hay những quán café mà Lâm chở cô đến mỗi cuối tuần. Mây cần sự êm đềm, nhẹ nhàng và ngay cả sự tĩnh lặng cần thiết của những tảng mây trôi lặng lẽ ngoài khung cửa phòng cô mỗi chiều. Thời gian sau đó, Mây cảm thấy lòng mình yên ả hơn những khi ngồi nhìn mây bay. Mây đặt thêm ghế dưới các cửa sổ trong nhà và vui vẻ an phận với thứ giải trí đơn sơ giản dị đó. Mãi đến khi quen Dũng, cô tự hỏi phải chăng sở thích hai người giống nhau nên họ đến với nhau để rồi yêu nhau. Nghĩ đến Dũng bao giờ Mây cũng cảm thấy lòng mình thanh thản êm đềm như đám mây trên bầu trời cao. Cô còn cho rằng mình thấy Dũng đâu đó trên đám mây kia rồi cười một mình.



Một năm sau, Mây cho rằng mình ngày một yêu Dũng sâu đậm hơn. Cô nhớ nhung, phiền muộn mỗi khi Dũng đi xa vì công việc trong khi tình yêu của Dũng đối với cô dường như không thêm không bớt chút nào. Nó vẫn như những ngày đầu tiên hai người ngồi trên cầu nhìn chiều xuống bên kia sông. Về sau Mây cho rằng tình yêu của cô lớn lao khiến cho tình cảm của Dũng dành cho cô nhỏ bé đi và cô không hề nhận ra điều đó mãi đến khi Dũng một chiều cũng ngồi trên cầu nói với cô, “anh không còn là Dũng nữa, em biết không?” Mây giật mình tưởng Dũng đùa với mình nhưng Dũng bảo:



“Không hiểu tại sao anh không thích cái tên Dũng chút nào cả?”

“Thật không?”

“Thật như thế, và anh còn thù ghét cái tên của mình nữa!”



Lúc này Mây nhìn Dũng và nhận ra con ngươi mắt anh nở to rồi thu hẹp như ngày nào hai người bắt đầu yêu nhau. Mây chợt hỏi, “Anh không còn yêu em phải không?” Dũng lắc đầu, “Không phải, chỉ anh không thích cái tên mình mà thôi!” Mây ngạc nhiên:



“Anh nói đùa phải không?”

“Anh nói thật!”



Mây nhìn Dũng đăm đăm, cô tự hỏi có gì không bình thường trong đôi mắt Dũng. Trong khi Dũng chợt nhận ra Mây có điểm gì đó giống mình. Dũng nói, “Anh thích cái tên Mây của em!” Mây hỏi, “tại sao?” Dũng quay đầu nhìn hai con tàu đang đi vào cửa sông trả lời, “Anh không biết!” Tự dưng Mây thất vọng, một cảm giác hụt hẩng như mình đi quá đà. Mây lại hỏi, “Anh cảm giác ghét tên mình bao giờ?”

Dũng nhìn lên trời cao nói:



“Hơn sáu tháng nay!”

“Sao anh không cho em biết ngay lúc ấy!”

“Vì anh thấy không cần thiết.”



Nghe Dũng nói, Mây thấy mình như đi quá xa trên một con đường trong khi Dũng đã sang một con đường khác mà mình không hay biết. Mây nói với Dũng, “Anh không còn yêu em nữa, anh biết không?”

Dũng xua tay, “Không, anh vẫn yêu em.” Mây đứng lên trong khi Dũng đến ôm cô thật chặt. Mây tránh một nụ hôn cô nói, “Anh không phải là người yêu em năm trước!” Dũng hỏi ngay:



“Tại sao?”

“Vì anh không còn là Dũng mà là một ai khác! Thôi chúng ta về.”



Dũng đưa Mây về, cô không nói gì thêm nhưng trong lòng xác quyết câu trả lời của mình. Lúc Mây bước xuống xe, Dũng phân trần, “em phải tin anh, anh vẫn yêu em như ngày trước.” Mây để Dũng hôn từ giã nhưng lòng cô tràn ngập thất vọng. Bước vào nhà Mây nhìn lại vẫn thấy Dũng ngồi trong xe nhưng chưa lái xe đi. Tối hôm ấy, Mây luôn tự hỏi về thái độ kỳ lạ của Dũng nhưng không tìm ra câu trả lời. Lúc nhìn lên trời cao, cô nghĩ tình yêu của Dũng giờ chỉ là chiếc bóng của một cuộc tình hai năm trước!



Từ hôm ấy, Mây tránh mặt Dũng. Hai người chỉ nói chuyện trên điện thoại hỏi thăm sức khỏe của nhau. Mây đau buồn và cô chỉ có niềm vui duy nhất là tiếp tục ngồi nhìn mây bay. Ba tháng sau Dũng cho Mây biết anh tình nguyện sang Keyna làm công tác y tế. Mây chúc anh đi bình an mà không đá động gì đến tình cảm hai người, tuy Mây vẫn trả lời cô vẫn yêu Dũng khi anh ta hỏi.



Mây kể tiếp, sáu tháng sau khi sang Phi châu, Dũng chết trong trận phục kích của nhóm hồi giáo quá khích vào toán người tị nạn Keyna tìm đường sang nước láng giềng. Mây thở dài kết luận, “Dũng mất em buồn nhưng tình yêu với Dũng tan vỡ, em hụt hẩng và đau khổ vì đã đặt niềm tin cuộc đời vào một đối tượng không được bình thường.” Hân đến ôm Mây an ủi, “không thực sự như em nghĩ! Hãy tìm người đàn ông khác vì tình yêu có đủ hai mặt hạnh phúc và chia lìa. Em chỉ là người không may mắn với thứ tình yêu chia lìa, nhưng không vì thế mà chịu đựng đau khổ trong khi bản thân có quyền tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Mây nhìn chị chăm chú rồi hỏi:



“Chị đang hạnh phúc?”

“Có thể gọi như thế vì chị cảm thấy mình khá hơn trước rất nhiều!”



Hân nói vừa nhìn ra cửa sổ, dường như nàng thấy lại cả những buổi chiều ngồi với Diễn uống rượu ngắm hoa. Quay sang Mây, Hân nói tiếp, “hạnh phúc với chị là thứ cảm xúc chủ quan, ý nghĩa thực sự có lẽ là sự trường tồn tích cực của một thái độ sống do chính hạnh phúc mang lại.” Mây không nói gì chỉ bước đến ghế ngồi rồi nàng hỏi Hân, “tại sao Dũng lại ghét cái tên của mình, trong khi em lại yêu cái tên anh ấy xiết bao?” Hân đứng lên nói với em trước khi bước ra khỏi phòng, “vì Dũng là người đồng tính mà em không biết. Tuy nhiên em chia tay Dũng là đúng, trước khi cả hai nhìn nhận một sự thật!”



Buổi tối, Hân mở laptop. Nàng viết cho Diễn, “Em có hai tâm trạng lúc về nhà. Một là thấy lại hết tuổi trưởng thành của mình qua những khu phố, con đường, cây cầu, con sông… nói chung thấy lại một phần đời hạnh phúc mà có những lúc ở Mỹ, em không dám nhớ lại. Kế tiếp là tâm trạng nhớ anh cùng những kỷ niệm chúng ta bên nhau. Em nhớ bao lời anh nói và cũng tự hỏi đến giờ anh đã làm được bao nhiêu bài thơ, có thể gửi cho em xem được không? Em sẽ trở về với anh trong tháng tám. Như thế anh và em cùng cô đơn bước qua tháng Bảy đúng tâm trạng bản Passage through July diễn tả anh nhỉ!”



Hân gửi thư cho Diễn xong bèn đến cửa sổ phòng đứng nhìn ra vườn. Ánh đèn giữa sân soi đám cỏ mùa đông vàng xơ xác đến tội nghiệp. Cây cam góc vườn ủ rũ và sương mù bắt đầu xuống khiến cảnh vật mờ ảo lạnh lùng hơn. Đã hơn một giờ sáng, đi ngang phòng Mây thấy cửa khép hờ, Hân nhìn vào trong. Như hôm mới về, phòng tĩnh lặng, ánh đèn lờ mờ Hân nhìn sang phía cửa sổ, bóng Mây ngồi nhìn ra sau vườn như một pho tượng. Xuống phòng khách ngồi, Hân buồn bã nhìn căn nhà trống trải hoang vu. Ngày mốt mẹ về, Hân nghĩ có thể căn nhà sinh động, ấm áp hơn, nhưng rồi đến ngày Hân ra đi như thế nào? Mây có mặt trong nhà không khác một chiếc bóng. Tâm thức dằn vặt tổn thương về mặt tâm lý tai hại to lớn hơn nhiều. Chỉ có cách làm Mây hồi phục qua việc giúp em trở về dòng sông tuổi thơ tươi đẹp. Giống như ghép thể chất bệnh hoạn hiện tại vào chiếc khung tâm hồn trong sáng ngày xưa để có một sinh khí mới. Hân cho rằng mình phải giúp Mây và cho mẹ sự an tâm trước khi trở về với Diễn vào tháng tám.



*

Chiều thứ sáu được thư Hân, Diễn ra sau nhà nhìn vườn hoa thầm nghĩ nàng quan trọng với anh xiết bao! Khoảng trống trong tâm hồn anh hôm nay không khác cái vườn hoa hoang phế trước mắt. Tháng bảy đang trôi qua mang theo cả một không gian rực rỡ ngày trước về nơi mà Diễn không hề mong đợi. Trong đời tình yêu cuối mùa như tiếng nước chảy vọng lại từ miền ký ức! Âm thanh ấy nhạt nhòa mờ ảo dù Diễn khao khát sự nồng nhiệt, sấm sét âm vang từ một góc ẩn nấp xa xăm nào đó dọc theo bờ sông thanh xuân của mình. Khát vọng giờ lặng lẽ âm thầm, như bóng dáng một quê nhà đã khuất phía sau một con thuyền lạc loài muốn quay trở lại cội nguồn, nhưng mỗi lúc mỗi trôi xa hơn. Anh viết cho Hân:



“Đêm từng đêm qua mau

Ngày lại ngày ngoảnh mặt

Chân lê bóng dài bao nhịp trầm luân.

Gió giữ màu kỷ niệm như lá chết trong tủ thời gian

Anh, kiếp đời sương khói lang thang

đầu sông cuối bãi kiếp dã tràng - dệt mãi một bài thơ dang dỡ.

Vầng âm hao, kia, mảnh đời tan vỡ - mây trời cao sao đuổi kịp tình xa!

Ngày qua đi, những sợi gió cuối mùa - chiều viễn xứ mơ hồn ma đất cũ.

Thời yêu dấu gió trêu đùa tóc rũ - ngày xôn xao theo vạt nắng lưng đồi.

Cau vườn xưa im lắng tiếng mẹ ru…”



Diễn gửi bài thơ cho Hân hi vọng nàng thấy được tháng bảy đi qua tâm hồn anh hôm nay, liệu có giống như nỗi cô đơn mà Hân từng mô tả với anh về một vườn hoa không người chăm sóc ngày trước?


Tháng 7-2019
Lê Lạc Giao


Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.626 giây.