Một tác phẩm nghệ thuật khắc họa Fidel Castro. Siegfried Forster / RFI
Báo Le Figaro có bài viết « Buổi hoàng hôn của tư tưởng Castro tại Cuba ». Bài viết cho thấy, 3 năm sau khi Fidel Castro ra đi, các lãnh đạo lịch sử của cách mạng cũng lần lượt qua đời, ảnh hưởng (của Cuba) trong vùng giảm đi.
Bài báo mở đầu bằng câu hỏi « Những đứa con của cách mạng đã quên Fidel Castro chăng ? » Năm nay, khi La Habana kỷ niệm 3 năm ngày mất của vị lãnh tụ vĩ đại (25/11/2016), « những hoạt động tưởng nhớ đến người cha đẻ của Chủ Nghĩa Xã Hội Cuba diễn ra rất thưa thớt. Báo chí chính thức chỉ nhắc đến những hoạt động tưởng nhớ trong các trường học hay trong giới y tế đang làm nhiệm vụ ở Venezuela và người ta nhắc đến những thời khắc kỷ niệm mà rất ít nói về những cống hiến ».
Tờ báo nhận xét : « Thời đại con người đó ngự trị như chủ nhân của đất nước dường như đã lùi xa. Chỉ còn lại những tấm áp phích vàng úa theo thời gian của Fidel trong các tòa nhà chính phủ của Cuba, không có gì là phô trương. »
Bài báo cho biết, mặc dù giờ đây, « Fidel vẫn được đông đảo dân chúng kính trọng, nhưng không còn ai sợ hãi khi nhắc đến tên ông ». Fidel Castro chết đi, nhưng không có nghĩa là tư tưởng Castro cũng mất theo. Đa số các lãnh tụ lịch sử của cuộc cách mạng cũng đều ở tuổi gần đất xa trời. Nhiều người cũng đã lần lượt ra đi theo ông. Thế hệ chính trị còn lại bây giờ, tuy là những người được lựa chọn để kế tục sự nghiệp của Fidel Castro, nhưng phần đông họ muốn đất nước có được nhiều đồng đô la hay euro hơn là những bài diễn văn tràng giang đại hải về hệ tư tưởng.
Một dấu hiệu mà tác giả bài viết nhận thấy là, khác với cách đây 5-6 năm, ở Cuba giờ đây ra đường không còn thấy ai gọi nhau bằng « đồng chí » nữa. Tinh thần quốc tế của Castro cũng chìm xuống. Ở châu Mỹ Latinh, các chính phủ cánh tả từng chịu ảnh hưởng của Cuba cũng lần lượt tan rã hay lâm vào khủng hoảng, từ Bolivia, Nicaragua cho đến Venezuela.
Nga : Một căn hộ cho con những nạn nhân thời StalinTheo Le Figaro, Tòa án Hiến pháp Nga, trong phán quyết ra hôm 10/12 đã chấp thuận bồi thường cho con cái những tù nhân của các trại cải tạo Goulag dưới thời Cộng Sản. Họ sẽ được quyền nhận một căn hộ tại Matxcơva.
Như mọi người đã biết, cuối những năm 1930, Liên Xô dưới thời Stalin, trong cuộc đại thanh trừng đối kháng, hàng trăm nghìn người bị quy kết là « kẻ thù nhân dân » đã bị đưa đi đầy hoặc hành hình. Phần lớn các cuộc trấn áp này diễn ra ở Matxcơva. Những người bị bắt đi đầy trong các trại tù Goulag đều bị tịch thu tất cả tài sản, nhà cửa. Những ai sống sót, mãn hạn tù đều bị cấm trở lại sinh sống trong các thành phố mà họ đã bị bắt.
Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, một bộ luật để phục hồi nhân phẩm và đền bù cho các nạn nhân đã được thông qua. Đến năm 2005, điều luật này mới được phổ biến ở các vùng và thành phố Matxcơva. Phải đợi đến bây giờ, Quốc Hội Liên bang Nga mới bắt đầu cho triển khai áp dụng luật. Theo Le Figaro, có khoảng vài trăm đến vài nghìn người, nay tuổi cũng khá cao, trên lý thuyết có thể được hưởng các quyền lợi đền bù theo luật trên. Dù sao thì việc đền bù này cũng cho thấy nạn nhân của những năm tháng kinh hoàng dưới thời Stalin cũng đã được thừa nhận.
Theo RFI