Việt Nam hôm 18/12 đã phản bác Moody’s, sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm này hạ triển vọng của Việt Nam xuống mức “tiêu cực”, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10.
Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng quyết định của Moody’s “không xác đáng” và “chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công”.
Bộ này cũng cho rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng với triển vọng tiêu cực của Việt Nam “không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời” của chính phủ Việt Nam để “cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho bên cho vay”.
Trước đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho rằng triển vọng tiêu cực “phản ánh rủi ro tiếp diễn về việc trì hoãn trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của chính phủ” trong khi “thiếu vắng những giải pháp rõ ràng hơn để cải thiện sự phối hợp và tính minh bạch về việc quản lý nợ trong chính quyền”.
Theo Moody’s, việc thanh toán nợ bị trì hoãn cho thấy việc “khá yếu kém” về “quản trị và thể chế” của Việt Nam, nhất là “sự thiếu hiệu quả về mặt hành chính”.
Tổ chức này nhận định thêm rằng dù sức khỏe tài chính của các ngân hàng của Việt Nam trong những năm qua “đã được cải thiện”, hệ thống ngân hàng vẫn là “nguồn gây ra rủi ro chính” cho Việt Nam.
Dù hạ triển vọng của Việt Nam xuống mức “tiêu cực”, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 vì “tiềm năng phát triển mạnh cũng như việc đa dạng hóa kinh tế, hỗ trợ cho khả năng chống đỡ các cú sốc của nền kinh tế, trong đó có việc suy giảm thương mại toàn cầu kéo dài”.
Theo VOA