logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 20/12/2019 lúc 05:35:02(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Thơ Nguyễn Đức Sơn


UserPostedImage
THƠ VÀ ĐÁ
 
Đá hát
Ngàn thâu
Tóc râu
Ta nhịp
Thơ hát
Đá át
Hồn sa
Bát ngát
 
****
 
RẰM
 
Đá nhập thơ
Nhảy trờ trờ
Trời nguyệt mở
 
****
 
VẠN CỔ
 
Đá chọi thơ
Thơ chọi đá
Sáng mịt mờ
Cõi quá lạ
 
****
 
ĐÁ HÁT
 
Đá ca
Trăng tà
Thiên ma
Bách chiết
Khuya nghe đá hát
Đòn roi thấm rát
Bất tận hồn mơ
Bốc cao tiếng sát
 
****
 
MỘNG
 
Nhà đá
Trăng tà
Vạn cổ
Hồn ta
 
****
 
ĐÊM NAY
 
Qua khe cửa sắt nhà tù
Tôi thấy trăng mù
Nín thở
 
****
 
THIÊN CAO
 
Mây bạc về đâu
Bên trên cửa sổ
Ta đợi ngoài thâu
Chuyến đi quá đắt
 
****
 
TRĂNG và MỘNG
 
Thôi trăng
Đừng vào thăm ta
Mộng đã chín ngoài xa
Vạn dặm
 
****
 
BÀI THƠ HY VỌNG
 
Thơ ca
Không đồng nghĩa
Với kêu la
Trối chết
Đồng hóa
Với trời đất bao la
Thơ ca
Có tiếng la
Từ đó
Từ đó
Giọt lệ phải sa
Cho thiên hà
Lấp ló
 
****
 
SAO
 
Núi sinh ra
Họa hoằn lắm
Mới
Có chỗ mềm
Nhưng
Cũng đủ
Cho kẻ xấu
Ngày đêm
Chê trách
 
****
 
TÔI KHÔNG HIỂU
 
Những trái tim
Trăm năm chao đảo
Nói gì
Với cái đầu
Ngàn năm
Trụ giữa giông bão
 
****
 
SỐNG
 
Cùng với thơ
Chẳng lẽ
Chỉ còn có
Một cách
Là đứng một chân
Trên núi
 
****
 
CHIỀU
 
Gò đống
Ngang qua
Ma
Một lũ
Đang ngồi cú rủ
Không thấy đứa nào hỏi
Trái đất
Mới hay cũ
Dẫu sao thì
Người
Đang sống
Phải nhào với
Ma
Một đống
 
****
 
GIỜ ĐỢI HÀNH QUYẾT
 
Cứ hỏi
Thật
Trời xanh
Khi
Các anh
Chưa bóp cò
Thì
Tự do
Đã gục
 
****
 
MAI KIA TỪ GIÃ CÕI ĐỜI
 
Mai kia từ giã cõi đời
Đừng nghe
Cái cẳng từng rời cái chân
Cái xa nhập với cái gần
Cái lạ lẫm
Cái thiết thân một rồi
Không có đứng
Không có ngồi
Không trên
Không dưới
Bồi hồi là sao
Không nghiệt ngã
Không ngọt ngào
Trần gian trở lại
Ta chào chính ta
 
 
*****
 
UserPostedImage
Nguyễn Đức Sơn, nhìn bởi HS Trương Đình Nguyên


Vài dòng tiểu sử nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
 
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.  Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận.  Nguyễn Đức Sơn bắt đầu sáng tác thơ với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông làm thơ rất sớm, xuất bản nhiều tập thơ và truyện ngắn từ đầu thập niên 60 cho tới năm 73. Ông là một trong bốn thi sĩ thường được gọi là “Tứ trụ thi ca” của miền Nam Việt Nam (ba người kia là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.) Sơn Núi là tên gọi thân mật khi hàn huyên với bạn bè. Hiện vợ chồng Nguyễn Đức Sơn sống ở đồi Phương Bối, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc.
 
Các tác phẩm đã xuất bản:
 
Tập truyện:
Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm, 1968)
Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm, 1969)
Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm, 1971)
Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang (chưa in)
 
Thơ:
Hoa Cô Độc (Mặt Đất, 1965)
Bọt Nước (Mặt Đất, 1966)
Lời Ru (Mặt Đất, 1966)
Đêm Nguyệt Động (An Tiêm, 1967)
Vọng (An Tiêm, 1972)
Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm, 1972)
Tịnh Khẩu (An Tiêm, 1973)
Du Sỹ Ca (An Tiêm, 1973)
Thơ và Đá (Văn Học Press, 2019).

Sửa bởi người viết 20/12/2019 lúc 05:38:43(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 20/12/2019 lúc 05:42:14(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Thơ và Đá, Thay Lời Tựa

UserPostedImage
Nguyễn Đức Sơn & Tuệ Sỹ (2013)

Trong buổi sơ ngộ, Sơn tự giới thiệu, hay một người khác, là Sao Trên Rừng; tôi đã biết anh, một người làm thơ. Một con người đang sống thì phải làm một việc gì đó để sống. Nhưng làm thơ, là làm gì?
Suốt buổi sáng hôm ấy, anh nói liên tục. Và tôi thì đang làm một việc, như mọi người đang làm. Anh làm những gì anh đang nói. Tôi làm những gì tôi đang nghĩ.
Năm mươi năm sau, lang thang độc hành trên đoạn đường thiên lý, tôi ghé thăm Sơn Núi, bước nhầm nhà; được xua đuổi như một kẻ bán nhang lường gạt. Tôi nhầm nhà, bởi vì đi tìm một Sơn Núi chưa từng hiện hữu; bị xua đuổi như một kẻ lường gạt, bởi đi tìm đâu đó một ngôi sao vọng tưởng như vẫn còn lấp lánh trên rừng già âm u ma quái.
Tôi đã hư cấu một huyền thoại hoang đường từ một con người quái dị, trải qua những thăng trầm bi kịch sinh tồn. Mỗi một con người tự đắm mình, chìm nổi, trong dòng sông sử tính của bi kịch sinh tồn. Nhìn lên quãng không gian hư vô bàng bạc, nó tự gán định mệnh của mình vào một ngôi sao bất thực. Sao Trên Rừng, lẻ loi, cô độc, soi bóng trong giọt sương mong manh trên đầu ngọn cỏ, tìm đâu ý nghĩa tồn tại của nhân sinh:

Mai sau tắt lửa mặt trời,
Chuyện linh hồn với luân hồi có không?

Suốt buổi sáng hôm ấy, anh vẫn nói liên tục, và tôi vẫn lang thang với những ý tưởng mơ hồ trong hai câu thơ mà không biết ai đã đọc cho nghe.
Rồi 50 năm sau, tôi từ bóng tối tử tù bước ra, để cùng anh lang thang trên các đường phố Sài Gòn đầy rác và bụi bằng chiếc xe thổ mộ từ thời tiền sử của anh; nó sẵn sàng vứt tôi xuống đường như một định mệnh mù quáng nào đó đã ném tôi và anh vào giữa cuộc tồn sinh mà anh nguyền rủa bằng những ngôn từ phạm thánh. Anh tự gọi mình là Sao Trên Rừng, trong buổi đầu, với những thắc mắc siêu hình, như một ngôi sao lẻ loi, cô tịch, in dấu tồn sinh mà loài người vừa mới ra khỏi bóng tối tịch mịch man dại của sử tính, từng bước đấu tranh sinh tồn, tâm tính hồn nhiên như giọt sương mai trên nụ hoa hồng trong nắng sớm. Chỉ trong thoáng chốc, sử tính tàn
bạo trong tia nắng, giọt sương mai chảy tan, nước mắt và máu nhuộm màu gót chân lịch sử, từng dấu ấn khổ lụy nhân sinh.
Không phải tôi đang huyền thoại hóa một con người, thăng hoa những lời thơ phạm thánh. Nhưng bởi, gần 50 năm hòa bình mà những giọt máu hận thù chưa đóng vảy trên vết thương dân tộc. Những người làm thơ đang làm gì trên vết thương nhức nhối ấy? Làm cái không làm, nói những lời không nói; mỗi người trong góc tối đơn độc của mình, như từng viên sỏi bị vất bỏ lăn lóc bên vệ đường bởi những bóng ma được khoác cho màu áo thánh nhân, hiền sĩ, những bóng ma oan ức được vinh danh anh hùng dân tộc.
Mọi lời thơ, mượt mà như hơi thở của tình yêu đầu đời, hoặc gay gắt cuồng nộ của gã lang thang vô lại, hay âm thầm theo bước chân của tên tử tội đi lần đến pháp trường, hoặc được nghe từ nắng trưa rực cháy vinh quang bởi những ngọn lửa tham tàn điên đảo, hay từ trong bóng tối lao tù, đâu đó, vẫn còn ngưng đọng trong quãng lặng chuỗi giai điệu phạm thánh. Ánh sao lấp lánh phút chốc tan vỡ thành những viên sỏi.
Tôi đã cách điệu hóa chuỗi tương tục sử tính từ thơ của Sơn là như vậy. Không ghi dấu ấn nơi đó thành những tâm tình thời đại, những âm vang của lịch sử một thời, hay bất cứ ý nghĩa nào. Chỉ là một cái nhìn phiến diện. Bởi vì, mặc dù tôi đã biết anh từ thời những người yêu thơ gọi anh, hay anh tự gọi, là Sao Trên Rừng, tôi có rất ít thơ của anh để đọc. Thỉnh thoảng anh chỉ cho tôi nghe một vài bài, đã chỉ đủ cho tôi viết một đoạn ngắn, không phải cá biệt về Sơn, mà từ thơ Sơn quay lại suy nghĩ về chính mình: làm thơ là làm gì, thơ là gì, là sự lựa chọn ngẫu hứng, hay định mệnh quái ác đã ném ta vào thế giới điên đảo vọng tưởng, quái tượng ma quái nhảy múa trên những đám côn trùng sâu bọ bê bết máu lăn lóc trong bóng tối âm thầm?
Từ buổi bình minh của nhân loại, thơ là những bản tình ca trong cuộc tình hôn phối chư thiên và nhân loại, từ những nhớ nhung trằn trọc bởi yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Tôi cũng đã đọc thơ Sơn từ những buổi đầu như vậy. Nhưng rồi, cùng với những bước leo thang của chiến tranh tàn bạo; những ngôi sao trên bầu trời thanh bình bỗng chuyển mình thành những cụm hỏa châu, soi sáng hố hầm bom đạn dẫy đầy xác chết. Làm thơ, là làm gì? trong ánh hỏa châu, trong
tiếng khóc của bà mẹ mất con, của người vợ mất chồng? Thơ Sơn, Sao Trên Rừng, biến dạng thành những viên sỏi, những tảng đá vô tri vô cảm, để phạm thánh, để nguyền rủa cả một xã hội mà anh xem là cái chuồng khỉ. Anh xách cái chuồng khỉ ấy, trên những tờ giấy báo nhăn nhó, ném cho tôi mà không nói một lời. Và ra đi.
Anh chạy trốn chiến tranh, trong những hũ gạo, trong những vách tường hai lớp. Bị tống vào quân lao, bị đẩy ra chiến trường làm lao công tải đạn, có thể bị giết chết như một con chó lạc loài. Rồi với sự giúp đỡ của những người đồng cảm, những người hầu như chưa hề biết đến một câu thơ của anh, anh được ngụy trang trong chiếc áo thầy tu, trốn khỏi chiến trường chết chóc, và
tiếp tục sống tạm bợ di chuyển từ chùa này sang chùa khác, để tránh những trận càn quét quân dịch.


UserPostedImage
Nguyễn Đức Sơn tại quán cà phê Paris, Sài Gòn, 2007

Cho đến khi hòa bình được tuyên bố, anh lại lẩn trốn xã hội và vẫn tiếp tục nguyền rủa xã hội trong một thứ chủ nghĩa xã hội không có con người, nói như Trần Đức Thảo sau 20 năm im lặng. Cả gia đình anh sống bên ngoài xã hội như một bộ lạc tiền sử. Tôi không thể nói gì về thơ Sơn, cũng không thể nói gì về bi kịch tồn sinh ấy. Bởi, đời sống thực của Sơn là những chuỗi nghịch lý của thương và ghét, yêu và hận.
Đọc thơ Sơn, như người điên mất trí nhớ ném từng viên sỏi vào hồ nước để nhìn những đợt sóng lăn tăn. Tôi thật vô cảm với những chữ thơ khô khan như sỏi đá vô tri, tự bộc lộ thơ thành đá, đá thành thơ, hay thơ là đá, đá là thơ. Sỏi đá vô tri thì chìm xuống đáy nước, và những gợn sóng nhấp nhô trên mặt nước gợi hứng cho cảm xúc lãng mạn một cách phù phiếm.
Tôi đã hẹn sẽ đến thăm Sơn trên đồi Phương Bối. Thế rồi, những đoạn đường thiên lý độc hành của tôi lần lượt biến dạng; cọp, beo, chồn, cáo, cũng lần lượt biến mất. Chúng biến đi đâu? Sơn, một con người của nghịch lý, của những mâu thuẫn thiên thần và ác quỷ, bỗng chốc nghiêm nghị như một triết gia bản thể luận, tuyên bố một chân lý vừa khám phá: chúng tất cả đang lần lượt đầu thai trong thế giới loài người.
Trong những cái mâu thuẫn ấy, tôi đang chôn chân trong cát bụi bốc theo dấu vết xe ngựa thị thành, vẫn mơ về đỉnh đèo Đà Lạt, ngắm nhìn những đợt phù vân tan hợp trên đỉnh Trường Sơn, giữa rừng khuya nằm đợi một ngôi sao lẻ loi, cô độc và một câu hỏi mập mờ:

Mai sau tắt lửa mặt trời,
Chuyện linh hồn với luân hồi có không?

Bây giờ, tai và mắt anh không bận đến nghe và nhìn cái xã hội, cùng với bạn bè, mà anh nguyền rủa, và cũng không còn những câu hỏi vớ vẩn đã từng đè nặng lên thảm kịch nhân sinh. Còn tôi thì vẫn lặng lẽ giữa những lớp khói bụi của văn minh, dồn dập bởi những đợt sóng nổi chìm, mơ hồ giữa hai bờ mộng thực, quanh quẩn trong thế giới mộng ảo, và vọng tưởng. Thỉnh thoảng, bắt gặp đâu đó giữa tập thơ, những bài thơ, đoạn thơ, cảm cái vô cảm:

Gò đống
Ngang qua
Ma
Một lũ
Đang ngồi cú rủ
Không thấy đứa nào hỏi
Trái đất
Mới hay cũ

Tuệ Sỹ/Việt Báo
song  
#3 Đã gửi : 20/12/2019 lúc 05:45:28(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Xung Quanh Việc Xuất Bản Thơ và Đá

UserPostedImage
Từ trái sang phải: (đứng) Thầy Tuệ Sỹ, Đào Nguyên Dạ Thảo;(ngồi) Vợ chồng Nguyễn Đức Sơn (2001)
 
Lời tòa soạn: Được biết tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là nỗ lực của NXB Văn Học Press và tổ chức Culture Art Education Exchange Resource liên kết thực hiện. Đây là tập thơ của một nhà thơ vốn được xem là một trong những thi sĩ lớn nhất của văn học miền Nam Việt Nam, giai đoạn 54-75. Tập thơ quy tụ những bài thơ chưa bao giờ được công bố cho đến ngày hôm nay. Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được tiếp chuyện cô Đào Nguyên Dạ Thảo, người đã bỏ ra rất nhiều công sức cho đề án này.
 
Việt Báo (VB): Thân mến chào chị Đào Nguyên Dạ Thảo. Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi chị là do cơ duyên hay hạnh duyên nào mà chị xuất bản tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn?
 
Đào Nguyên Dạ Thảo (ĐNDT): Mặc dầu quen biết vợ chồng Nguyễn Đức Sơn từ năm 2000, mười chín năm rồi, nhưng mãi đến bây giờ mới thuận duyên để thực hiện tập thơ này của ông.
 
Dù quen biết đã lâu, nhưng bẵng một thời gian hơn 10 năm không liên lạc, tình cờ tôi đọc một bản tin online hôm 27/07/2019, “… Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn hiện vừa nhập viện với nghi vấn xuất huyết não, do lúc sức khỏe suy yếu, bị té. Tình trạng được coi là nguy hiểm. Gia đình đã chuyển từ bệnh viện ở Bảo Lộc qua Đà Lạt. Xin thông báo cho quý thân hữu văn nghệ gần xa được hay.” Ngay lúc đang ở Đà Lạt, tôi vội vàng chạy đến bệnh viện vào thẳng phòng cấp cứu hồi sức thăm ông, nhìn thấy ông nằm mê man đang thở bằng bình dưỡng khí và có một đường khâu vết thương còn chỉ trên trán. Cầm tay ông, tôi cảm được cái bắt tay choàng vai thân mật mỗi khi ông gặp tôi thay cho câu hỏi thăm sức khỏe nhau. 
 
Một tuần sau quay trở lại thăm ông, gặp Nguyễn Đức Yên, Phương Bối, và Tiểu Khê. Trên đường Yên tiễn tôi đi ra từ giường bệnh đến cổng bệnh viện, Yên đã nhắc đến tác phẩm Cái Chuồng Khỉ của Nguyễn Đức Sơn đã được tái bản ở Mỹ. Chỉ có thế thôi mà trên suốt chặng
đường bay dài về đến Houston, trong đầu tôi cứ lảng vảng ý nghĩ  làm sao đây để có thể in được tập thơ cho Sơn Núi, làm món quà cuối tặng ông khi ông còn có thể nghe và cầm được quyển sách của ông, là đứa con tinh thần mà ông đã ước nguyện làm từ 50 năm trước.
   Chỉ bằng linh cảm tôi thấy mình có thể xuất bản và phát hành tập thơ Nguyễn Đức Sơn. Sau khi trăn trở, suy nghĩ và xác định sẽ làm gì, và phải làm như thế nào, tôi gọi điện thoại về cho Nguyễn Đức Lão nói ý định, thì Lão cho biết khi cha còn mạnh khỏe, ông đã viết di chúc và ủy quyền lại toàn bộ những tác phẩm bao gồm thơ văn và nhật ký, cũng như số tác phẩm được công bố hay chưa từng công bố, cho con gái là Nguyễn Đức Phương Bối. Tôi liền gọi ngay cho Phương Bối. Sau khi cùng bàn thảo và định hướng về hình thức, nội dung tập thơ, tôi muốn làm ngay như một món quà tặng ông khi còn có thể, để sau này mình không phải hối tiếc nói: “Phải chi hồi đó!”
   Trong khi ngồi đánh máy lại từng bài thơ trong nhật ký của Nguyễn Đức Sơn, nhìn lại ngày ghi 18/11/69 (trùng ngày sinh của ông 18/11/1937), tính cho đến ngày hôm nay, là đúng 50 năm. Hay nói cách khác, nửa thế kỷ đã trôi qua, những kỳ nhân như Nguyễn Đức Sơn của thế kỷ 20 còn sót lại qua đến thế kỷ 21 này còn có được bao nhiêu người?
   Là thế hệ ở giữa các bậc tiền bối và thế hệ trẻ đi sau, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ ghi chép lại để lưu giữ và phổ biến những thi phẩm, văn chương quý giá của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn để lại cho hậu thế. Tập thơ Nguyễn Đức Sơn, Thơ và Đá, xuất bản lần nầy, chỉ mới là một phần trong nhật ký của ông, được cất giữ hơn 50 năm qua, và chưa từng công bố.
 
VB: Tiến trình thực hiện tập thơ có gặp phải những khó khăn, trở ngại nào không?
 
ĐNDT: Trước nhất là tôi phải xem hết những giấy tờ hợp pháp để được phép xuất bản thơ của Nguyễn Đức Sơn. Sau khi Phương Bối gửi cho tôi xem di chúc và giấy ủy quyền có người làm chứng, có chữ ký cũng như dấu tay của Nguyễn Đức Sơn thì tôi và Phương Bối bắt tay vào làm việc ngay.
   Tiến trình thực hiện thì đầu tiên tôi nhận được ngay hơn 600 files ảnh do Phương Bối chụp từ nhật ký thơ của Nguyễn Đức Sơn bằng điện thoại gửi qua tin nhắn. Phải mất hơn ba ngày tải hình xuống, sau đó phải chỉnh sửa vì cái lộn ngược cái lộn xuôi rồi mới đọc được. Thêm hơn một tuần ngồi đánh máy lại, mà Phương Bối dặn rất kỹ là cha không cho phép sửa bất kỳ một câu, một chữ nào, cho dù là một dấu phẩy, dấu chấm, chữ viết hoa hay không viết hoa trong thơ; mà chỉ được phép sửa lỗi chính tả thôi, cũng như bài nào đọc không rõ hay không phù hợp thì không in. Phải đọc thơ Sơn Núi như thế nào đây để cảm được tình tiết, thời gian, không gian mà phân loại, sắp xếp chia dàn bài có trình tự để in một tập thơ theo đúng tiêu chuẩn quy định. Đến đây xin thưa là lần đầu tiên tôi in sách. Nên tôi phải áp dụng phương pháp vẽ một bức tranh bằng thơ Nguyễn Đức Sơn. 
   Nên cứ tưởng tượng trước mặt là khung bố trống không vô hình hay là quyển sách chỉ có những trang giấy trắng. Bố cục tổng thể của bức tranh được phác thảo bằng bút chì như thế nào thì tập thơ hiện ra dàn bài của từng chương như thế ấy. Chi tiết và sử dụng gam màu sao cho hài hòa phù hợp với nội dung thể hiện biểu cảm từng nhân vật trong tranh, chính là những chuỗi thơ, bài thơ, câu thơ, mẫu chữ, cỡ chữ sẽ được dàn dựng sắp đặt ra sao lên trang giấy. Với tính cách khác người của Sơn Núi thì tôi cũng có những ý tưởng thiết kế trình bày để không nằm trong những khuôn mẫu bình thường.
 
VB: Tập thơ còn được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật, thiết tưởng đây là một nỗ lực ngoại khổ, rất đáng ca ngợi, khiến thơ của một thi sĩ lớn của Việt Nam mình có cơ hội đến tay người đọc nước ngoài. Chị có thể cho biết điều gì đã khiến chị và các bạn trong nhóm có quyết định đó?
 
ĐNDT: Vừa nhìn thoáng qua thủ bút những bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, mặc dù ông không làm thơ Haiku, nhưng lối viết một câu hai ba chữ rồi xuống hàng, làm tôi liên tưởng ngay đến thể loại thơ Haiku. Vậy là nảy ra ý dịch thơ Nguyễn Đức Sơn sang tiếng Nhật. Chia sẻ ý tưởng và hội ý với giáo sư Bùi Chí Trung – hiện đang là trưởng Phân khoa Cao học Giao lưu Văn hóa Quốc tế tại trường Đại học Aichi Shukutoku thuộc thành phố Nagoya, Nhật Bản – tuy chưa từng đọc thơ Nguyễn Đức Sơn bao giờ, nhưng sau khi đọc xong bản đánh máy mà tôi gửi sang, anh đã nhận lời dịch ngay và còn nói: “Nếu thơ Nguyễn Đức Sơn được tự do phổ biến trong thời gian 50 năm qua thì ông đã đóng góp giá trị rất lớn cho nền thi ca Việt Nam. Với lối sống tự cô lập mình với xã hội, nên thơ của ông không bị ảnh hưởng bởi trào lưu thế giới bên ngoài mà vẫn giữ được chất thơ nguyên thủy của Sơn Núi từ xưa đến giờ.”
   Để chuyển ngữ sao cho gần giống thể loại Haiku, là những vần thơ có 17 âm tiết nối kết, anh Bùi Chí Trung đã cố tìm chữ áp theo 5 âm, 7 âm, rồi 5 âm để bài thơ khi đọc có âm điệu nghe quen thuộc với ngôn ngữ Nhật trong thơ Haiku, giống như thơ lục bát trong ca dao Việt Nam, mà vẫn giữ được hồn thơ của Sơn Núi toát ra. Có những câu chữ anh phải chuyển qua tiếng Hán rồi từ đó mới dịch sang tiếng Nhật, mà còn thêm phần phiên âm ra chữ Latin để người ngoại quốc có thể phát âm được tiếng Nhật. Phần của tôi chỉ có mỗi việc là cắt dán font chữ Nhật vào thôi, vậy mà vẫn có những sai sót, anh đã xem lại, chỉnh sửa từng lỗi nhỏ, cũng như thay đổi những câu chữ để rõ và sát nghĩa hơn. Cám ơn giáo sư Bùi Chí Trung đã tham gia và giới thiệu thơ của Nguyễn Đức Sơn đến sinh viên Nhật và giới yêu thơ ở Nhật.
 
VB: Vậy phần dịch sang tiếng Anh thì như thế nào?
 
ĐNDT: Đã dịch sang tiếng Nhật thì không có lý do gì mà không làm thêm phiên bản tiếng Anh, vì dù sao chăng nữa thì tập thơ Nguyễn Đức Sơn được xuất bản ở Mỹ. Người trong tầm ngắm của tôi là Nguyễn Phước Nguyên. Sang Mỹ từ năm 1975 khi vừa 12 tuổi, anh là một trong những
thành viên sáng lập và biên tập trang Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng vào những năm 1995, khi công nghệ thông tin ở Mỹ vừa bắt đầu có email phổ biến ra đại chúng.  Khi dịch sang tiếng Anh, Nguyễn Phước Nguyên tâm nguyện: Dịch trọn ý, nhưng phải ngoạn mục trong ngôn ngữ thơ tiếng Anh, như bài thơ gốc tiếng Việt của Nguyễn Đức Sơn. Xin chú ý phần dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên trong Chương II, mà Nguyễn Đức Sơn đã đặt tựa đề “Gái Con, Con Gái.” Đây là một chuỗi thơ gồm 18 bài thơ. Mặc dù hai câu đầu của 18 bài thơ đều bắt đầu bằng bốn chữ “Gái Con, Con Gái,” với những ngôn từ tiếp theo sau bốn từ đó, ông diễn đạt những thay đổi chuyển tiếp của người con gái qua từng thời kỳ trưởng thành – từ một Con Gái thơ ngây, đến Con Gái tuổi dậy thì sang Con Gái tuổi biết yêu, rồi Con Gái đi lấy chồng, và cuối cùng Con Gái làm vợ, làm mẹ. Nguyễn Phước Nguyên đã dùng những cụm từ như “Girl Puerile,” đến “Girl Pubescent,” sang “Blossomed Maiden,” rồi “Young Woman” và cuối cùng là “Young Wife.” Thật chính xác, và toát ý, để thể hiện trọn vẹn ý thơ “Gái Con, Con Gái” mà Nguyễn Đức Sơn đã cẩn mật diễn đạt trong chuỗi thơ này.
   Đó cũng là điều mà tôi tâm đắc nhất trong cách dùng chữ tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên khi chuyển ngữ. Viết sao cho người nước ngoài đọc hiểu và thấm được thơ Nguyễn Đức Sơn theo văn hóa và ngôn ngữ của họ, mà vẫn giữ được ý nghĩa và cốt cách riêng của thơ Nguyễn Đức Sơn. Cám ơn lòng ái mộ Nguyễn Đức Sơn và sự nhiệt tình hết mình của
Nguyễn Phước Nguyên cho tập thơ nầy.


UserPostedImage
Họa sĩ Đinh Cường đang vẽ chân dung Nguyễn Đức Sơn trên đồi Phương Bối (2013)

VB: Thân thiết rất lâu với gia đình Nguyễn Đức Sơn, trong mắt chị thì thi sĩ là người như thế nào? Bởi vì đối với phần đông chúng ta đứng từ xa nhìn vào thì nếp sống của ông gần như là một huyền thoại.
 
ĐNDT: Sơn Núi có hai thứ bất di bất dịch trên người ông là cái nón bê-rê (mũ nồi) màu đen; và cái túi vải màu xám, đáy hình tròn, có hai sợi dây dù thắt lại mà cũng có thể dùng sợi dây quảy túi lên vai. Khi rút dây túi lại, miệng túi xòe ra, đặt dưới đất trông rất giống cái hồ lô đựng rượu của mấy đạo sĩ ngày xưa. tôi đặt tên cho cái túi đựng thơ của Sơn Núi là hồ lô thơ, hay bị cái bang. Vì bất kỳ lúc nào trong túi đó, ông cũng có thể rút ra một xấp giấy chi chít thơ, hay bản nháp, hay bản copy thơ, tạp chí. Chưa kể nào là áo quần, võng, đồ ăn, v.v... giống như một cái tủ di động.
   Nếu có gặp Sơn Núi bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng như xem lại ảnh chụp của ông từ hồi còn rất
trẻ, đến ngay cả những bức ký họa vài nét, hay trong tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường, thì
một trong hai món vật bất ly thân này luôn luôn có mặt cùng với ông suốt mấy chục năm qua. Đối với tôi, có thể nói hai hiện vật này chính là biểu tượng độc đáo nhất mỗi khi nhắc đến nhà thơ Sơn Núi, Sao Trên Rừng, hoặc Nguyễn Đức Sơn.
 
VB: Theo chỗ chúng tôi biết thì hiện nay nhà thơ không phát âm thành tiếng nói được nữa…
 
ĐNDT: Đúng vậy. Ông không nói, không thấy, nhưng vẫn có thể nghe và hiểu được. Từ hôm bắt tay vào làm tập thơ, gần như ngày nào tôi cũng gọi về nói chuyện với Phương Bối, việc đầu tiên là hỏi thăm tình hình sức khỏe của Nguyễn Đức Sơn như thế nào? và nghe Phương Bối kể những mẩu chuyện về cuộc đời, gia đình, bạn bè sinh hoạt văn thơ của ông. Có hôm Lão đưa điện thoại sát tai ông để tôi đọc thơ trong tập thơ cho ông nghe. Lão nói nét mặt của ông lúc đó tươi vui hẳn lên, ông nghe và cảm nhận được. Nói chuyện với chị Phượng, vợ của Nguyễn Đức Sơn, chị nói: “Mình rất vui khi nghe tin cô Dạ Thảo đang chuẩn bị in tập thơ cho Sơn Núi, ổng mà biết được là mừng lắm đó.” Rồi Phương Bối đưa điện thoại qua cho Sơn Núi, “Cha ơi! Cô Dạ Thảo gọi về nói chuyện với cha nè.” Bên kia đầu dây Sơn Núi “Ừmmm...” thật lớn. Phương Bối hỏi tiếp: “Cha ơi! Cha còn nhớ cô Dạ Thảo không?” Sơn Núi lại “Ừmmm...” thêm một lần nữa.
   Một tiếng “Ừmmm...” của Sơn Núi trên điện thoại lại chính là động lực, tiếp trợ cho tôi làm việc, không quản ngại bất kỳ khó khăn nào, mặc dù phải chạy đua với thời gian, với sức khỏe cạn kiệt từng ngày của Sơn Núi, cũng như công việc và múi giờ trái ngược nhau.
 
VB: Chị có kỷ niệm không quên nào với thi sĩ?
 
ĐNDT: Cách đây chừng 17 năm, lúc đó tôi đang có mặt tại xưởng vẽ của họa sĩ Hồ Hữu Thủ thì Sơn Núi chạy đến bằng chiếc xe mà thầy Tuệ Sỹ đặt cho cái tên là “chiếc xe thổ mộ thời tiền sử.” Khi biết Sơn Núi lái nó từ đồi Phương Bối, Bảo Lộc xuống tới Sài Gòn thì tôi không thể tin nổi. Đang trố mắt nhìn thì bị Sơn Núi thách, “Dám ngồi lên cho Sơn Núi chở đi không?” Tôi nói, “Dám chớ sao không!” Vừa mới leo lên ngồi, chân chưa kịp mang dép thì Sơn Núi đã rồ ga chạy một cái vèo ra cổng đi một vòng khu chợ Đa-Kao.
 
Vui gì đâu! Cũng chiếc xe này Sơn Núi đã chở Phương Bối và Tiểu Khê, thêm cái bị cái bang lên Đà Lạt dự triển lãm của tôi ở Hotel Palace năm 2003.
   Còn nhớ hôm đó, Sơn Núi có làm một bài thơ đưa cho tôi đọc, vừa đọc xong thì Sơn Núi đòi lại cho bằng được, còn mắng tôi là đồ gà vịt giun dế làm gì có trình độ đọc được thơ Nguyễn Đức Sơn. (Cám ơn Phương Bối đã tìm được trong cái hồ lô thơ của Sơn Núi bài thơ viết cho Dạ Thảo.) Tuy miệng thì chửi nhưng vẫn đi tìm giấy làm thơ cho tiếp mà vừa kể: “Có lần ở trên núi giữa cánh rừng cháy khô, ý thơ ra mà không có giấy để viết xuống, Sơn Núi bèn đi bẻ cây viết thơ xuống đất, rồi chạy xuống núi tìm được giấy viết trở lên thì, hỡi ôi! gió đã xóa hết chữ rồi.  Sơn Núi chỉ còn biết đứng khóc.”
 
VB: Thi sĩ và Thầy Tuệ Sỹ có một mối giao tình thâm sâu từ nhiều năm nay, chị có thể nói gì về hai con người xuất chúng ấy?
 
ĐNDT: Theo lời Phương Bối kể lại, có lần Thầy Tuệ Sỹ lên đồi Phương Bối thăm Sơn Núi.  Ông hào hứng đưa Thầy ra chỉ lên đồi thông, nói: “Sơn Núi sẽ làm nơi này thành một bãi thơ đá chỉ để khắc thơ mà Đông Tây Kim Cổ chưa ai làm.” Thầy Tuệ Sỹ cười cười nói: “Ông cứ làm đi. Khi nào làm nhớ cho tôi gửi vài bài thơ vào đó.”
   Ý tưởng của Sơn Núi khắc Thơ trên Đá chưa thực hiện được nhưng hôm nay Sơn Núi hân hạnh được Thầy Tuệ Sỹ viết lời Tựa cho Thơ và Đá, với tất cả tâm tư, tình cảm thâm tình giữa Thầy và Sơn Núi, trải suốt 50 năm qua với không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm.
   Sơn Núi ráng chờ nhé! Xin dành lời cám ơn trang trọng nhất đến Thầy Tuệ Sỹ, thầy đã viết với một tâm thức sâu lắng, qua ngôn ngữ, Thầy dẫn dắt người đọc như cùng đi với Nguyễn Đức Sơn
xuyên suốt cõi thơ, cõi đời, và luôn cả một kiếp người.
 
VB: Thành thật cảm ơn chị Đào Nguyên Dạ Thảo đã cho độc giả Việt Báo những chi tiết thú vị xung quanh con người huyền thoại Nguyễn Đức Sơn, và không quên cảm ơn chị đã bỏ nhiều công sức thực hiện tập thơ này để người đọc được thưởng thức một thi tài trác tuyệt.
Theo Việt Báo

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.322 giây.