logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 20/12/2019 lúc 06:24:09(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tô Kiều Ngân (1926 – 2012)

UserPostedImage
Tô Kiều Ngân.

 
Tô Kiều Ngân tên thật Lê Mộng Ngân, ông sinh năm 1926 tại Huế. Từ nhỏ ông đã sớm tỏ ra có chất nghệ sĩ, thường trốn học, đi chơi đó đây với cây sáo trúc không mấy khi rời tay.
Năm 1946 ông tham gia kháng chiến chống Pháp, phục vụ trong ban kịch của Vệ quốc đoàn Khu IV từ Huế ra Thanh Hoá. Được một thời gian, ông xin tình nguyện chiến đấu tại mặt trận đèo Hải Vân, sau đó bị Pháp bắt năm 1948. Ba tháng sau ông được thả. Từ đó, Tô Kiều Ngân bắt đầu hoạt động văn nghệ. Tác phẩm đầu tiên của ông là kịch thơ Ngã Ba Đường do Ban kịch Sông Ô trình diễn trên sân khấu Huế.
Cuộc đời binh nghiệp của Tô Kiều Ngân khởi thủy từ khi làm tờ báo Tiếng Kèn của Địa Phương Quân ngoài Huế. Năm 1953, ông được đồng hóa vào Quân đội và đưa gia đình từ Huế vào Saigon làm việc trong Ban Báo chí từ năm 1957, mang cấp chuẩn úy.
Tại Saigon ông lần lượt viết cho các báo Đời Mới, Người Sống Mới; đồng thời cũng cộng tác với một vài tờ báo xuất bản tại Hà Nội như Hồ Gươm, Giác Ngộ…
Năm 1955 ông cùng Đinh Hùng, Thanh Nam, Hồ Điệp, Hoàng Oanh... thành lập Ban Thi văn Tao Đàn trên Đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó ông lại cùng Thanh Nam chủ trương tuần báo Thẩm Mỹ, rồi cộng tác với các tờ Sáng Tạo, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Tuần San… Tô Kiều Ngân cũng từng có thời gian dài làm việc trong tòa soạn ba tờ báo của Quân đội là Bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyệt san Phụng Sự và Tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ. Đặc biệt, năm 1972 ông cùng Trương Hoàng Xuân sáng tác bài "Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu" rất nổi tiếng.
Ông được giải ngũ vào năm 1974 khi mang cấp Thiếu tá phục vụ tại Phòng Chiến Tranh Chính trị Trường Võ Bị Đà Lạt.
Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lãnh vực, làm báo, viết văn (tác phẩm đầu tay của ông là tập truyện ngắn “Người Đi Qua Lô Cốt”), làm thơ, ngâm thơ. Bài sáo “Tiếng Sáo Tao Đàn” do ông sáng tác và thổi sáo rất nổi tiến .
Sau biến cố 30/4/1975, ông bị đi “tù cải tạo”  tại Sơn La một thời gian dài.
Tô Kiều Ngân mất ngày 20/10/2012 tại nhà riêng, quận Bình Thạnh.
 
Tác phẩm thơ đã xuất bản:
Trường Ca Người Lính Việt Nam
Ngàn Năm Mây Trắng
Tiếng Sáo Tao Đàn (thơ phổ nhạc)
Thơ của ông ít xuất bản mà chỉ được truyền miệng trong giới bạn bè. Năm 1968, một loạt các ca khúc phổ thơ của ông chủ đề Huế Mậu Thân, nổi tiếng là những bài "Những Con Đường Trắng" của Trầm Tử Thiêng, "Em Sắp Về Chưa", "Vào Mộng Cùng Em" (Châu Kỳ), "Tiếng Chuông Linh Mụ" (Hoàng Nguyên)…
 
Tác phẩm văn đã xuất bản:
Mặc Khách Sài Gòn (hồi ký)
Người Đi Qua Lô Cốt (tập truyện)
 
Sách biên khảo đã xuất bản:
Tự học thổi sáo và ngâm thơ
Chuyện Huế ít ai biết
Kỳ này chúng tôi muốn giới thiệu đến quý độc giả một truyện ngắn mà Tô Kiều Ngân đã sáng tác cách đây hơn 60 năm:
 
HỘI MÙA XUÂN
 
Lão Vạn Năng xoa hai tay vào với nhau và tự thưởng cho mình một ly rượu vang đầy ắp. Men rượu chát đỏ cất từ năm 1874 ngấm vào người lão. Mạch máu chạy rần rật. Tim lão đập mạnh như những nhịp trống hân hoan. Từ từ, lão ngả mình xuống chiếc ghế bành, lim dim đôi mắt, tận hưởng cái thú vô biên của sự thành công.
Lão vừa tìm ra thứ khí giới tiêu diệt nhân loại sau ngót 50 năm miệt mài bên những chai lọ, máy móc, trong một căn phòng thí nghiệm rộng lớn, nằm sâu trong rừng già. Chiều hôm qua lão đã đi thử thứ khí giới ấy. Với một tí xíu thuốc nổ rút trong quả bom mà lão đắc ý đặt tên là bom “Hạnh Phúc” thay đổi đi một chút phương thức cấu tạo, lãi đã cho nổ vào một quả núi. Tay lão vừa vung lên, một tiếng nổ kinh hồn như xé nát không gian, quả núi trước mặt lão biến mất. Thiên hôn, địa ám. Hằng ngàn chiếc nấm vĩ đại chứ không phải một chiếc nấm, màu xám xịt cuồn cuộn đùn lên không trung. Đất dưới chân lão chuyển động, rung rinh. Tuyết phủ trên đồi núi, trước kia trắng phau, băng giá giờ chảy ồ ồ và trở thành những dòng thác lửa. Tuyết sôi lên hòa với tiếng không khí chuyển động, tiếng bụi cát rào rào, tiếng những vật thể rên siết trong khi tan biến. Chiều hôm đó, lão chỉ choáng váng đi giây lát để sau đó mỉm cười hân hoan vì sự tìm tòi mới lạ của mình. Đường kính của sự phá hoại không rộng lắm bởi vì lão mới dùng có một tí xíu chất nổ. Nhân lên ngàn, vạn lần như thế, quả đất sẽ nổ tung ra trong nháy mắt. Lão gật gù, ném một cái nhìn kỳ quái ra xa. Mắt lão long lanh như tất cả sức sống phi thường trong người lão đều dồn lên đôi mắt. Lão nhìn vào lịch sử. Lão đi tìm những bộ óc có tiếng là thông thái nhất từ xưa tới nay để cười cợt. Cười cợt bởi vì với quả “bom Hạnh Phúc” thì bom Nguyên Tử, bom Khinh Khí, bom Vi Trùng, đều chỉ là trò trẻ. Năm 1945, lão đã bay đến Trường Kỳ và Quảng Đảo để chứng kiến giờ bom Nguyên Tử nổ. So với cảnh tượng chiều qua thì những cảnh tượng khủng khiếp hồi đó trên quần đảo Phù Tang không nghĩa lý gì.
Bom gì nổ cũng không giết hết được người trên quả đất. Bom của lão mà nổ thì tất cả chỉ là hư không. Cái lớp người đang bám lấy quả đất, lúc nhúc, đang vui buồn, sướng khổ kia sẽ gục xuống và tiêu đi trong nháy mắt, êm thắm như cái chết của những kẻ chết đứng tim.
Men rượu lại hun nóng máu lão. Lão muốn reo lên cho mọi người biết là lão đã thành công nhưng lão kịp nghĩ: Làm thế quả là một hành động vô cùng ngớ ngẩn. Một là vì chung quanh lão chỉ toàn là rừng cây và đồng tuyết. Hai là vì người ta sẽ không thú gì khi biết là lão vừa sáng chế ra được cái thứ khí giới để thủ tiêu họ đi trong nháy mắt. Cho nên lão ngồi im trong cái vắng vẻ mênh mông của ngôi nhà, trong chiếc ghế bành cũ kỹ, tự mình sung sướng lấy một mình.
***
Trước đây lão là một nhà bác học nổi tiếng nhờ tìm ra được thuốc trường sinh. Nhưng lại tìm ra được thuốc trường sinh vào cái thời mà ai ai cũng chán sống. Chính lão cũng vậy. Lão muốn tự tử. Vì muốn chết cho nên chai thuốc trường sinh vẫn nằm trơ mãi ra trong hộc tủ mà lão không hề mở nút. Thỉnh thoảng lão chỉ cầm lên, nhìn chầm chập vào ba chữ “thuốc Trường Sinh” để mà tự xỉ vả mình. Công lão tìm tòi bao nhiêu năm chỉ là công cốc. Bán thứ thuốc này ra thị trường có khác nào tung ra một thứ thuốc độc. Giữa lúc nhân loại đau khổ đang muốn chết uống thuốc của lão vào để rồi sống dai, mà chịu khổ thì thuốc ấy không phải thuốc độc thì còn là gì? Chính lão, kẻ phát minh ra, lã cũng không có can đảm uống lấy một giọt. Bởi vì lão muốn chết. Là một nhà thông thái, lão nghĩ thà chết trước đi còn hơn là để người ta giết mình. Cái thời của lão, con người không khổ vì sanh, lão, bệnh, tử nữa mà khổ vì nhiều chuyện. Họ khổ vì họ không còn được vỗ ngực tự hào là Con Người. Chính điều này mới là cái cớ mạnh nhất xui người ta chán sống. Có người đi tự tử. Có người tự tử dần dần. Có hằng triệu triệu người đã chết, đang chết hoặc đang kéo dài kiếp sống ngựa trâu quằn quại trong áp bức, nghẹn thở, bất công, bạo ngược. Trong số đó có lão Vạn Năng người đã tìm ra thứ thuốc Trường Sinh. Chán quá! Một chiều kia, cơm no rượu say rồi, lão tính chuyện tự tử. Chiều ấy là một buổi chiều âm u nhất trong mọi buổi chiều. Gió thê lương đuổi nhau chạy trên mái ngói phát ra những lời than thở. Lá úa rụng đầy mặt hè. Cây trơ lá vươn những cành khô đen đủi lên không trung như những bàn tay co quắp của người chết dơ lên dọa nạt. Vào một buổi chiều như thế, người khác còn muốn tự tử thay huống chi lão Vạn Năng. Cho nên lão cương quyết xa lánh cõi đời. Lão cầm lấy chai thuốc độc, ngửa cổ uống một hơi rồi nằm vật lên giường chờ chết. Lão chờ thuốc ngấm sẽ bắt lão vật vã, dẫy dụa. Có dẫy dụa, vật vã đến mấy rồi cũng đến chết. Chết được tức là tự giải thoát.
Nhưng… năm phút qua.
Rồi… mười phút qua lão không thấy tay chân vật vã, dẫy dụa gì cả. Trái lại, trong người lão như khỏe ra, tỉnh ra. Biến sắc, lão chồm dậy chạy đi tìm chai thuốc độc. Một sự không ngờ. Thì ra lão không uống thuốc độc mà lại uống lầm phải chai thuốc trường sinh. Sự nhận thức đó làm cho lão điên lên. Phải sống dai, sống thêm để mà khổ; Trời ơi, lão không thể nào ngờ tới! Giờ lão mới lồng lộn, dẫy dụa đập phá tưởng có thể vò tan được quả địa cầu. Lão đập đầu vào vách đá; lão bóp cổ lão; lão nhảy xuống sông… Tất cả đều vô hiệu. Lão vẫn trường sinh. Mãi mãi, lão sẽ không bao giờ chết. Lão quay về với chai thuốc độc nhưng lần này, dù lão đã uống đúng thuốc, lão vẫn không chết như lòng mong muốn. Rồi cơn bão lòng lắng xuống, qua đi để cho đau đớn dày vò, ray rứt lão. Ít lâu sau, lão thu xếp bỏ loài người ra đi, vào rừng sâu. Lão đi chế bom Hạnh Phúc. Lão đã không chết được thì lão giúp cho nhân loại chóng chết vì lão nghĩ: Bất cứ người nào trong đời họ cũng có ít nhất một lần cầu mong quả đất ngừng quay, cho họ chết quách đi cho rảnh nợ đời. Nếu thế thì lão sẽ thi ân cho nhân loại, vì chết đi lại chính là một hạnh phúc.
***
Lão cẩn thận cho quả bom vào trong một chiếc túi và mở cửa ra đi. Từ cái ngày vào rừng cho đến hôm nay tính ra đã hơn 50 năm. Năm mươi năm! Thì ra lão đã gần 130 tuổi. Nửa thế kỷ: kết quả của thuốc trường sinh. Năm mươi năm lão sống trong câm nín, giam mình trong phòng thí nghiệm chẳng hề biết những chuyện xảy ra bên ngoài. Bây giờ, sắp trở lại với cuộc đời, lão cũng thấy lòng hồi hộp. Hồi hộp hơn khi chính lão lại sắp đi ném bom, tiêu diệt loài người.
Ánh sáng chan hòa trên đầu cây, ngọn cỏ. Nắng nhảy múa. Gió reo vui trên đường đi của lão. Lão bình tĩnh, nghĩ thầm: ánh sáng có ích gì với muôn triệu cuộc đời không ánh sáng. Một lát nữa rồi sẽ biết. Tay lão sờ và da quả bom. Cái lạnh của vỏ kim khí chuyền vào người lão khiến lão rụt tay lại. Lát nữa đây, Hy Mã Lạp Sơn sẽ sụm xuống, những Kim Tự Tháp sẽ tung lên, tháp Eiffel của Ba Lê ánh sáng sẽ nhảy múa trên không, những ngôi nhà chọc trời của Cựu Kim Sơn, Nữu Ước sẽ ngã đổ lổng chổng. Hắc Hải, Hồng Hải và năm Đại Dương sẽ sôi lên cuồn cuộn cũng như đồng tuyết Tây Bá Lợi Á sẽ chảy thành từng biển lửa…
Lão say sưa tiến bước.
Một tấm quảng cáo bên đường ghi ngày công diễn một vở hát. Lão giật mình khi đọc thấy con số ghi năm nay là năm 2050. Một chiếc ô tô bóng ngoáng đỗ xịch bên cạnh lão. Trên xe có một đôi trai gái. Người đàn ông thò đầu ra cửa xe hỏi lão:
-  Cụ đi đâu? Mời cụ lên đây, chúng tôi xin đưa cụ đi.
Lão không trả lời, trèo lên xe, ngồi vào đằng sau. Chiếc xe lại mở máy vụt đi. Anh chàng có bụng tử tế này không hỏi thêm gì lão nữa vì trước mặt chỉ có con đường độc đạo, thẳng tắp. Từ lâu không tiếp xúc lại với loài người, lão Vạn Năng thấy rộn lên trong đầu những cảm giác khó tả.
Lão ngả mình trên nệm xe và soi mình vào trong tấm kính nhìn sau gắn ở trong xe. Lão già quá. Thuốc trường sinh không làm cho lão trẻ lại. Mặt lão là một chiếc mặt nạ răn rúm xấu xí đến nỗi lão không dám nhìn vào chiếc gương nữa. Lão ngồi yên, vểnh tai lên nghe cặp trai gái đằng trước nói chuyện. Họ đều đẹp. Người đàn bà đẹp như một đóa hoa quỳnh. Người đàn ông là một  ngọn núi mùa xuân, hùng vĩ và xanh tươi. Họ bàn với nhau là mùa xuân sang năm sẽ cưới nhau; sẽ tậu một ngôi nhà xinh xinh có cửa sổ trong ra một dòng sông, có gió sớm và mây chiều. Họ sẽ đẻ những đứa con kháu khỉnh và sẽ yêu nhau suốt đời. Ước muốn của họ rất đơn sơn nhưng đẹp như một giấc mộng. Lão Vạn Năng cho tay vào trong chiếc bị. Lão nghĩ thầm: Không biết họ sẽ nghĩ thế nào khi biết rằng họ sắp tan xác cùng một lần với núi Hy Mã, khi quả bom của lão tung ra khỏi bị. Họ đang đi sát bên cái chết mà không mảy may hay biết.
Xe đi vào một phố đông đúc. Người đàn ông mời lão dừng chân, vào uống một cốc rượu cho khỏe người. Lão không nói gì, yên lặng đi theo hai người kia, tay vẫn giữ khư khư chiếc túi đựng bom. Điều nhận xét lạ lùng đầu tiên của lão là lão đã cố ý tìm mà không thấy một ai giống lão cả. Không có lấy một ông già, bà cả. Người nào cũng trẻ, đẹp và hình như ở đây không có bộ mặt nào đau khổ. Lão vào quán rượu và để ý rằng quán rất đông khách. Có những người đến uống xong là đi, không cần trả tiền, cũng không cần biên sổ. Lão hỏi một ly rượu chát nhưng nhà hàng không có, cuối cùng lão phải uống một thứ rượu mà lão chưa bao giờ uống, hương thơm và vị rất ngọt ngào. Đôi tình nhân kia vẫn nâng ly, tiếp tục câu chuyện xây tổ uyên ương. Lão nhìn cô gái trong quán ban nãy rót rượu cho lão. Cô ta cũng xinh như một đóa hồng, giọng nói như chim ca. Ban đầu nhìn lão, cô ta hơi ngạc nhiên nhưng một lúc sau, cô ta tiếp chuyện lão một cách hồn nhiên, vui vẻ. Lão Vạn Năng ngầm hiểu cái điều đã làm cho cô ta ngạc nhiên chính là do bộ mặt nhăn nhúm, già nua, xấu xí của lão hiện diện giữa một đám người ai cũng trẻ đẹp và tươi cười. Lão bắt đầu thác loạn, cảm thấy mình rơi vào một thế giới khác không phải cái thế giới cổ điển mà hình ảnh đã khắc sâu, đậm nét trong tâm tưởng lão. Ở đây người nào nói cũng như là hát vậy. Nhạc điệu vây quanh lão, thanh âm ngọt ngào, phấn khởi êm đềm đi vào hồn lão.
Một lát sau, người ở đâu ùn ùn kéo đến trên bãi cỏ trống cạnh đấy đông như là ngày hội. Người nào cũng áo quần sặc sỡ, tươm tất. Họ vừa đi vừa nắm tay nhau vừa nhảy múa. Lão quay lại: đôi nhân tình ban nãy đã biến vào đám người lố nhố kia. Lão đưa mắt có ý hỏi cô chiêu đãi viên. Cô ta tươi cười:
-          Chắc cụ ở đâu xa mới đến nên không biết hôm nay là ngày Hội Mùa Xuân. Mời cụ ra dự Hội với chúng tôi.
Cô ta nói xong, soi mặt vào chiếc gương, vuốt lại mái tóc và chạy vội ra, nhập vào bọn người đang sửa soạn lên dây đàn, treo đèn, kết hoa và dọn tiệc rượu dưới những vòm cây đơm hoa rực rỡ.
Lão Vạn Năng vẫn khư khư giữ quả bom, bước theo cô gái. Lão hỏi:
-          Hội mùa Xuân là hội gì?
-          Hội mùa Xuân là ngày hội dân làng ăn mừng được mùa. Có đàn hát, nhảy múa suốt ba đêm, ba ngày. Lúa năm nay tốt lắm. Có thể ngồi không mà ăn trong một năm không phải nhọc công làm việc gì?
-          Thế trong năm, dân làng ta làm gì?
Cô gái hơi ngạc nhiên, trả lời:
-          Họ đàn hát, ngâm thơ, nhảy múa, vẽ và viết văn. Ở đây, ai cũng là nghệ sỹ cả. Chỉ cần làm hai tháng là đủ sống một năm.
-          Thế ở đây có phải đi dân công không? Có nông trường tập thể không?
-          Dân công à? Nông trường tập thể là cái gì? Chúng tôi không hề nghe nói đến những danh từ đó!
Lão Vạn Năng cảm thấy băn khoăn, ngơ ngác. Suy nghĩ một lúc, lão hỏi tiếp:
-          Cô có nghe đến cái tên này không?
-          Tên gì hở cụ?
-          Tên… ồ, một cái tên đại khái như là Xít-ta-lin.
Cô gái mỉm cười, lắc đầu.
-          Tôi không nghe bao giờ. Thầy mẹ tôi không biết có quen biết cái tên đó không nhưng chúng tôi thì tuyệt nhiên không hề nghe bao giờ.
-          Thế ở đây có nhà tù, có trại tập trung không?
Cô gái càng ngạc nhiên hơn:
-          Tù… tù… tù là gì nhỉ? Tôi không hiểu.
Lão Vạn Năng lặng im và bắt đầu bối rối. Lão rẽ sang một lối khác, bắt chuyện với mấy người khác và hỏi họ vài câu tương tự nhưng họ cũng trả lời như cô gái kia.
Hội vui bắt đầu khai mạc. Tiếng đàn sáo tưng bừng nổi lên. Người ta nắm tay nhau nhảy múa. Lão Vạn Năng vội vàng lẻn đi, nấp sau một gốc cây lớn. Bất ngờ dưới chân gốc cây ấy lại có một đôi tình nhân đang ngả vào nhau, cùng hát một bài ca ái tình khe khẽ. Lão rời gốc cây và tiến về phía một công viên. Trên chiếc ghế đá, lão trông thấy, một bà mẹ đang nựng đứa con lên ba đẹp như búp măng non. Nắng nhảy múa trên mái tóc xanh mướt của bà ta. Một dòng suối trong vắt chảy qua lòng phố. Tiếng suối róc rách như dạo đàn. Người qua lại kính cẩn ngả mũ chào nhau, tươi vui, ai cũng sẵn một nụ cười duyên dáng trên môi. Lão nghĩ đến đôi tình nhân dưới gốc cây, đến người thanh niên đã mời lão đi xe, đến cô gái bán rượu, đến hương vị ngọt ngào của cốc rượu vừa uống và những câu trả lời của cô gái xinh như đóa hồng kia, cuối cùng đến bộ mặt nhăn nhúm, lạc lõng của mình. Lão không hiểu ra sao cả. Người mẹ vẫn nựng con. Đứa bé xinh như búp măng non vẫn nhảy như con choi choi, rúc vào lòng mẹ, vài con bướm vờn quanh trên mái tóc của người đàn bà đẹp như thiên thần. Chắc chúng đã tóm được mùi hương thoảng trên mái tóc. Một đôi chim từ một cành cao sà cánh xuống và đậu bên chân đứa trẻ. Tiếng đàn sáo từ hội vui vẫn vảng lại, nô nức rộn ràng. Lão Vạn Năng thở hắt ra. Tay lão cho vào chiếc túi, chạm phải quả bom Hạnh Phúc. Ngón tay trỏ dừng lại trên chiếc kim gài chận cái kíp. Bỗng lão giật mình. Cô giá bán rượu ban nãy dắt theo một đoàn các cô gái khác đang nhớn nhác chạy về phía lão. Khi tìm thấy lão, họ vui mừng túm lấy và kéo lão về phía Hội vui. Vừa kéo lão đi, họ vừa ríu rít:
-          Sao cụ lại ngồi đấy, lại ca múa với chúng tôi chứ. Chúng tôi tìm cụ mãi, mệt hết cả hơi.
Tự nhiên lão thấy một niềm vui kỳ lạ tràn ngập tâm hồn. Lão quên là trong túi lão có quả bom. Lão tung tăng chạy theo họ như một đứa trẻ. Lão nhập vào Hội vui. Lão tung tăng chạy theo họ như một đứa trẻ. Lão nhập vào Hội vui. Lão ca hát, nhậu nhẹ và nhảy múa. Chưa bao giờ lão vui như bây giờ. Lão nhảy múa tung tăng và cứ một lần lão tung người lên, cái túi đựng trái bom mang bên người lão lại đưa lất la, lất lưởng. Có lần, cái bị suýt rơi nhưng rồi lại nằm yên vị trí cũ khi tay lão chuyển sang một cử động khác theo tiếng nhạc.
Khi dứt điệu vũ trở về bàn rượu, lão hỏi nguời thiếu nữ:
-          Cô có biết sầu là cái gì không?
Cô ta đáp:
-          Sầu à? Sầu là một điều mong ước của chúng tôi. Nhất là phải đẹp. Được sầu một chút họ sẽ đẹp lên bội phần. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn sầu đấy cụ ạ? Vì chúng tôi quá vui nên được sầu là một chuyện vô cùng thú vị. Sầu là một cái gì lâng lâng, man mác làm dịu bớt niềm vui và giữ cho niềm vui thêm bền bỉ.
Đang khi lão Vạn Năng ngạc nhiên vì cái sầu của cô gái thì một thanh niên tóc bồng như sóng biển, ôm đàn tiến lại. Anh ta mỉm cười nhìn nàng, tay búng vào sáu dây huyền cầm, ngâm một bài thơ:
Vì như đời không sầu
Thì em không đẹp nữa
Đôi đứa mình muôn thuở
Không còn tương tư nhau
Cô gái say đắm nghe giọng ngâm thơ đầm ấm của chàng. Một thoáng sầu hiện lên mặt nàng. Người đàn ông, buông đàn, ngồi xuống cạnh nàng, đê mê nhìn gương mặt diễm ảo của người con gái. Trong khi chàng hôn vào môi nàng thì lão Vạn Năng lẻn đi. Lão khéo léo mở nắp quả bom, hủy hết các cơ cấu phá hoại và thả cho thứ khí giới giết người của lão chìm sâu xuống đáy dòng sông cạnh đấy. Lòng lão thanh thản. Những nếp nhăn trên mặt lão biến hẳn đi. Lão như trẻ lại nhưng lão không cảm biết điều đó vì lão còn bận trở về Hội vui để hát ca và nhảy múa.
Đến khuya hôm đó thì lão ngã lăn ra.
Lần này lão mới được chết và chết vì sung sướng.
TÔ KIỀU NGÂN

Hiếu Nguyễn




Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.160 giây.