Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại sân bay quốc tế Macao, bên trái là cựu lãnh đạo Macao Thôi Thế An(Fernando Chui), ngày 18/12/2019. REUTERS/Jason Lee
Nước Pháp với cuộc biểu tình lớn hôm qua, 17/12/2019, trong ngày đình công thứ 13, chống dự luật cải cách hưu trí, là tựa trang nhất của hầu hết các báo. Trước hết xin giới thiệu bài viết trên Le Figaro về chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc đến Macao. Bắc Kinh muốn lợi dụng mô hình Macao thần phục chính quyền trung ương, để tuyên truyền cho nguyên tắc ''Một quốc gia, hai chế độ'', đang bị thách thức nghiêm trọng tại Hồng Kông.
Chuyến đi nhân kỷ niệm 20 năm vùng lãnh thổ này trở về Hoa Lụccủa ông Tập Cận Bìnhkhông phải là một chuyến đi thông thường. Theo Le Figaro, Bắc Kinh muốn lợi dụng mô hình Macao thần phục chính quyền trung ương, để tuyên truyền cho nguyên tắc ''Một quốc gia, hai chế độ'', hiện đang bị thách thức nghiêm trọng tại Hồng Kông, với phong trào phản kháng chống chính quyền thần Bắc Kinh từ nửa năm nay, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bài ''Tập Cận Bình dùng Macao chống Hồng Kông'' nhấn mạnh đến tham vọng của Bắc Kinh, muốn biến sòng bài nổi tiếng châu Á này trở thành địa điểm thu hút đầu tư công nghệ cao, một trung tâm tài chính quốc tế ngang ngửa với đặc khu Hồng Kông.
Đối với Bắc Kinh, ưu điểm trước hết của Macao là thái độ thần phục vô điều kiện của dân cư hòn đảo 30 km², với khoảng 700.000 dân cư này.
Ngay từ năm 2009, Macao đã thông qua luật về an ninh nội địa, để chính quyền độc tài rảnh tay đè bẹp các mưu toan phản kháng. Các sách giáo khoa lịch sử dạy trong trường học Macao do Bắc Kinh ấn hành, học sinh Macao phải chào cờ Trung Quốc hàng ngày. Đây là những điều mà dân chúng Hồng Kông không chấp nhận. Kể từ đầu phong trào phản kháng Hồng Kông, tư pháp Macao ngăn chặn mọi cuộc biểu tình ủng hộ Hồng Kông tại hòn đảo.
Trong một cuộc gặp lãnh đạo Macao Hạ Nhất Thành (Ho Lat Seng) tại Bắc Kinh hồi tháng 9, ông Tập Cận Bình khen ngợi Macao ''từ 20 năm qua đã hiểu và áp dụng tốt nguyên tắc một quốc gia hai chế độ'' và đáng là một tấm gương sáng cho Hồng Kông.
Với chuyến công du của ông Tập, giới lãnh đạo Macao có thể nhận được một số phần thưởng, vì thái độ ''vâng lời'', như ghi nhận của giảng viên Đại học Báp-tít Hồng Kông Bruce Lui Ping Kuen. Hòn đảo có thể được chính quyền trung ương hỗ trợ để tăng gấp đôi GDP trong hai thập niên tới, và bớt phụ thuộc vào các sòng bạc, hiện chiếm đến hơn 80% thu nhập của giới lãnh đạo địa phương. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch hội nhập Macao vào vùng châu thổ sông Châu Giang, bao gồm Hồng Kông và nhiều thành phố Quảng Đông, trong đó có Thâm Quyến, khu vực mà Trung Quốc hy vọng biến thành một ''California'' mới.
Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, hòn đảo rửa tiền và trung tâm mua bán dâm nổi tiếng này sẽ còn lâu mới có thể cạnh tranh lại được với Hồng Kông, về phương diện thu hút đầu tư. Bất chấp khủng hoảng, Hồng Kông vẫn còn là một trung tâm tài chính quan trọng với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, mà việc tập đoàn Alibaba lên sàn chứng khoán Hồng Kông mới đây là một ví dụ.
Chuyến đi của Tập Cận Bình đến Macao có thể coi là một trắc nghiệm của Trung Quốc với nguyên tắc ''Một quốc gia, hai chế độ''. Tuy nhiên, thất bại thảm hại của đảng thân Bắc Kinh tại Hồng Kông trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, và viễn cảnh tổng thống mãn nhiệm Đài Loan Thái Anh Văn gần như chắc chắn sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử 11/01 tới, do ảnh hưởng thuận lợi của phong trào dân chủ Hồng Kông, khiến ''tấm gương Macao'' mà ông Tập muốn quảng bá ngày càng trở nên đơn độc.
Theo RFI