Giả như mình không đón Tết thì Tết có về không?
Bạn thân mến. Tưởng tượng bạn ở những xứ sở ít người Việt như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hy Lạp, Ba Tây… và nếu bạn bận rộn công ăn việc làm và trong nhà không có gắn thêm những đài truyền hình tiếng Việt, nhiều hy vọng bạn sẽ không nhớ rằng tết Âm Lịch sắp đến. Nhiều khi tôi tự hỏi nếu mình không kéo Tết vào nhà thì Tết có đến không? Ở những nơi đông người Việt và người Hoa, những ngày cuối năm, chỉ có dịp ghé những chợ thực phẩm Á Châu (không kể những tiệm Ấn Độ, Hồi Quốc, Mã Lai…) bạn mới nhận ra rằng Tết đã gần kề.
Và chúng ta giật mình ngơ ngác hỏi lòng rằng đã lại Tết nữa rồi ư?
Bạn thân mến, trong cái lạnh của những ngày cuối năm, tôi xin phép được tạm quên những lao xao ở đất Việt, để cùng nhìn thế gian bằng con mắt lạc quan của một người có người thân vừa thoát cơn bạo bệnh, dù căn bệnh của quê hương Việt là căn bệnh nan y.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét, những gói mứt, những chậu hoa đủ sắc màu, những cành mai vàng rực – đôi khi chỉ là những cánh hoa bằng giấy mỏng gắn thật khéo trên những cành khẳng khiu, những túi nhỏ đựng tiền lì xì trưng đầy cửa tiệm… những thứ ấy nhắc nhở những con người bận rộn rằng buổi giao mùa sắp đến; rằng năm mới đã cận kề.
Chừng ấy thứ khơi lên trong lòng chúng ta chút băn khoăn rằng thời gian trôi nhanh đến không ngờ. Những cành mai – dù là mai giả – khiến bạn ngơ ngác hỏi đã lại Tết rồi sao. Bạn nhớ mới đi Hội Chợ Tết đây mà! Bạn nhớ cuốn lịch bạn được tặng trong buổi hội chợ, đem về bạn cất trong hộc tủ, rồi quên bẵng đi, đến khi gặp lại nó thì những tháng ngày trên tờ lịch ấy đã xưa, đã cũ. Bạn nhìn quanh mình, vạn vật vẫn như cũ. Vẫn nắng, vẫn mưa, vẫn bão dông, vẫn – đôi khi – một vài cơn địa chấn nho nhỏ. Và thế sự chung quanh bạn vẫn tranh đua, vẫn hơn thưa, vẫn lửa đạn chiến tranh, vẫn dông gió lụt lội chẳng có gì mới lạ. Và bạn thầm hỏi ba trăm sáu mươi lăm ngày đã qua thật sao. Rồi bạn quay đầu nhìn lại phía sau, câu hỏi như chú chó cưng không hình dạng quấn quýt sau lưng: bạn chợt nhận ra còn bao nhiêu việc mình dự tính sẽ làm, còn bao nhiêu việc khác nữa đang làm dở dang. Và bạn giật mình sực nhớ những “New Year Solution” mới viết xuống hôm nào, hôm nay đã lại sửa soạn sang trang mới và trang cũ vẫn còn vô số điều bỏ dở.
Thế là bạn thở dài: Không thứ gì trên thế gian này vô tình như Thời Gian! Nghĩ tới thời gian, bạn rụt rè ngắm mình trong gương. Bạn cười để thấy mình còn tươi tắn, bạn nheo mắt để đếm thử những nếp nhăn, bạn phùng má để thấy thịt da còn căng đầy. Nhưng khi bạn để khuôn mặt tự nhiên, nỗi ngậm ngùi vương trong ánh mắt cái người trong gương. Và bạn lại lắc đầu trách móc cái kẻ vô tâm có tên là “Thời Gian” ấy.
Những ngày gần Tết khiến trí nhớ bạn trôi dạt về những năm tháng xa xưa. Có lẽ bạn cũng thế. Bạn nhớ thuở nhỏ, năm nào cũng mong được thức để đón giao thừa và năm nào cũng ngủ gà ngủ gật khiến bố, mẹ phải bế vào giường, rồi lúc thức dậy thì đã là năm mới. Lớn lên ít nhiều, bạn thức được tới giờ giao thừa, bạn hồi hộp vì mình vừa mới thêm một tuổi, bạn lo lắng bịt tai dù trong lòng xôn xao với tiếng pháo nổ vang khắp xóm. Lớn thêm chút nữa, bạn được chạy ra sân nhà hàng xóm, nhặt những chiếc pháo chưa kịp nổ, đem về rụt rè châm lửa và ném vội ra sân. Bạn nhớ cả con chó sợ tiếng pháo, trốn miết dưới gầm giường, ư ử lo âu.
Những ngày gần Tết khiến bạn nhớ thật rõ những đồng tiền mừng tuổi. Bạn nhớ ngày mồng một Tết. Bọn trẻ con áo quần thơm mùi vải mới, đứng nghiêm trang, tay khoanh tròn chúc tuổi ông bà. Và cúi đầu nhận những đồng bạc mới tinh. Chúc Tết ông bà xong, lũ trẻ quay sang bố mẹ. Những câu chúc lành, những lời hứa sẽ chăm chỉ học hành, sẽ ngoan ngoãn hơn năm cũ.
Và bạn nhớ luôn cả cái chuyện (thường làm bạn bối rối) là khi năm mới dần dần trở thành năm cũ thì bạn cũng quên dần những lời hứa. Bạn giảm bớt chuyện chăm học, ngay cả có lần bạn còn trốn học nữa. Nhưng bạn là đứa trẻ ngoan, bạn nhớ lần ấy bạn làm mất cây bút, và bạn không dám vào lớp, bởi sợ cô giáo phạt. Thế là bạn lang thang bên những hàng giậu, đuổi theo con bướm lượn lờ trên những cánh hoa. Mãi cho đến khi cô giáo đến nhà hỏi mẹ cả tuần nay sao cô (hay cậu) bé học trò không đi học, bạn mới trở lại trường.
Những ngày gần Tết làm bạn nhớ thật rõ những lời hát rộn ràng đón mừng năm mới. Không biết uống rượu nhưng bạn cũng nhấm nháp chút vị cay, chút vị chát, chút vị nồng của ly rượu đám bạn bè cùng nhau đón mừng năm mới. Thế giới ngày càng thu hẹp. Con người gần gũi nhau hơn, nhưng chiến tranh đẩy con người ra xa nhau. Chiến tranh đem sự nghi kỵ vào mắt nhìn những con người cùng chung nguồn cội. Sự nghi kỵ khiến bạn phải rời bỏ quê nhà. Và từ đó bạn có thêm quê hương thứ nhì. Bạn bồi đắp tương lai trên vùng đất mới.
Và bạn được niềm vui của những người được hai lần đón Tết. Tết Tây và Tết Ta. Giao thừa Tết Dương Lịch bạn cùng với người thân và bạn bè rộn ràng “Count down”, trao gởi người yêu nụ hôn năm mới, và chúc nhau năm mới an lành. Giao Thừa Tết Âm Lịch bạn thắp nén hương tưởng nhớ Tổ Tiên, bạn chúc tuổi mẹ cha – nếu bạn may mắn còn cha với mẹ – bạn lì xì cho con cháu, bạn bóc chiếc bánh chưng gói bằng thứ lá chuối hiếm hoi, và bạn nhấm nháp vị ngọt của ly rượu nếp than tê nồng đầu lưỡi.
Bạn thân mến, những ngày cuối năm, bàn tay không vươn tới được quê nhà, tôi chỉ biết âm thầm cầu nguyện; dù biết những kinh nguyện khó lòng đến được Đấng Thiêng Liêng nhưng ít ra cũng là liều thuốc an thần cho những con người tuyệt vọng.
Trong cái lạnh mùa đông bên ngoài và cái ấm áp của mùa xuân trong lòng, chúc bạn một Năm mới dương lịch 2020 chan hòa hạnh phúc với nhiều thành đạt trong cuộc sống. Và khi Tết Tây đã qua, bạn hãy cùng tôi mở lòng ra đón Tết Canh Tý, cái Tết rất Việt Nam ở quê hương thứ hai, nơi cưu mang chúng ta và những thế hệ con cháu chúng ta. Nếu như bạn sinh năm con chuột (tuổi Tý), xin chúc bạn luôn là nhân vật dễ thương trong mắt nhìn của những người khác phái – đúng như sách tử vi phán truyền.
Khúc An