Hồi còn bé, bố tôi thường viện dẫn những câu châm ngôn Hán Việt, hoặc Pháp Việt, để nói về triết lý cuộc đời trong những lúc thích hợp đối với các con của ông. Ông học trường Pháp nên nói được tiếng Pháp. Còn tôi nghe nhưng chẳng hiểu gì cả. Tôi còn nhớ, khi nói xong, ông cười ha hả đắc chí, và hỏi tôi cũng như các anh chị tôi có hiểu hết ý nghĩa của các câu châm ngôn này không.
Hình như giới trí thức nói riêng những người ham học nói chung ở mọi nơi thường hay để ý đến những câu văn, vần thơ, châm ngôn hay. Có lẽ với những tên tuổi nổi tiếng, những bậc vĩ nhân, cuộc đời của họ rốt cuộc cũng chỉ để lại vài câu châm ngôn để đời.
Càng trãi đời, tôi có cảm giác dường như tôi trở nên đồng điệu hơn với bố mình ba bốn chục năm về trước.
Tôi xin chia sẻ vài châm ngôn, triết lý tâm đắc trong bài viết cuối năm 2019.
Maya Angelou (thi sĩ, ca sĩ, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ): Tôi học được rằng người ta sẽ quên những gì bạn nói, người ta sẽ quên những gì bạn làm, nhưng người ta sẽ không bao giờ quên cách mà bạn làm cho họ cảm.
Eleanor Roosevelt (đệ nhất phu nhân, vợ Franklin Delano Roosevelt): Nên nhớ rằng không ai có thể khiến bạn cảm thấy thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn.
Theodore Roosevelt (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 26, bác của Eleanor Roosevelt): Tin rằng bạn có thể thì bạn đã đi được nửa đường rồi.
Napoleon Hill (tác giả cuốn sách nổi tiếng Think and Grow Rich): Bất cứ điều gì mà bộ óc con người có thể nhận thức và tin tưởng, nó có thể đạt được.
Albert Einstein (nhà bác học và triết gia): Phấn đấu không phải để thành công, mà là để có giá trị. (Một câu khác: Một người chưa bao giờ lầm lỗi chưa thử điều gì mới mẻ).
Alice Walker (thi sĩ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Mỹ): Cách phổ biến nhất mà người ta từ bỏ quyền lực của họ là bằng cách nghĩ rằng họ không có gì cả.
Steve Jobs (cố tổng giám đốc công ty Apple): Cách duy nhất để làm những việc vĩ đại là yêu thích những gì bạn làm.
Rosa Parks (nhà hoạt động dân quyền người Mỹ): Tôi đã học được qua nhiều năm rằng khi một người đã quyết định rồi, nó giảm thiểu nỗi sợ hãi trong lòng.
Jamie Paolinetti (nhà làm phim và đạo diễn nghệ thuật): Giới hạn chỉ sống trong tâm trí của mình. Nhưng nếu chúng ta sử dụng trí tưởng tượng của mình, khả năng của chúng ta sẽ trở nên vô hạn.
Ralph Waldo Emerson (thi sĩ và triết gia người Mỹ): Người duy nhất bạn được định sẵn trở thành là người bạn quyết định trở thành.
Ronald Reagan (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 40): Chúng ta không thể giúp đỡ hết mọi người, nhưng mọi người đều có thể giúp một số người khác.
Plato (triết gia cổ Hy Lạp, thầy của Aristotle): Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối; bi kịch thực sự của cuộc sống là khi người lớn sợ ánh sáng.
Lão Tử: Một nhà lãnh đạo tốt nhất là khi mọi người hầu như không biết anh ta tồn tại… khi công việc của anh ta hoàn thành, mục tiêu của anh ta đã hoàn tất, tất cả họ sẽ nói: Chúng tôi tự làm điều đó.
Andrew Carnegie (một doanh nhân và nhà từ thiện nổi tiếng): Không ai có thể trở thành lãnh đạo vĩ đại khi anh ta chỉ muốn chính anh ta làm mọi thứ hoặc lấy hết phần thưởng về cho mình.
John Quincy Adams (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 6): Nếu hành động của bạn truyền lửa/cảm hứng cho người khác để họ mơ ước, học hỏi, làm nhiều hơn và trở nên nhiều hơn, bạn là một nhà lãnh đạo.
John F Kennedy (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 35): Tài năng lãnh đạo và tinh thần học hỏi là không thể thiếu đối với nhau.
Abraham Lincoln (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 16): Không phải là tôi đã tiêu diệt kẻ thù của mình bằng cách biến họ thành bạn của tôi?
Ruby Dee (thi sĩ, nhà văn, nhà hoạt động dân quyền): Món quà tuyệt vời nhất là không ngại đặt câu hỏi.
Sự kiện nổi bật nhất của năm 2019 là các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài hơn sáu tháng của người dân Hồng Kông. Hồng Kông trở thành biểu tượng hùng hồn nhất của xu hướng tự do chống lại kiềm kẹp; dân chủ chống độc tài; giáo dục phóng khoáng/cấp tiến chống giáo dục yêu nước/nhồi sọ; phối hợp thay vì mệnh lệnh; sáng tạo thay vì độc đoán v.v… Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông nói riêng, những người Trung Quốc yêu chuộng tự do nói chung, trên hết là để gióng lên tiếng nói cho công lý và sự thật, vì tất cả những điều này không được chấp nhận tại lục địa. Họ phải đấu tranh để giữ lửa, để nuôi hy vọng, và để một ngày nào đó truyền lại các sự thật này cho các thế hệ mai sau mãi ghi nhớ.
Vì thế châm ngôn để đời của năm 2019 có lẽ là từ tiến sĩ Yangyang Cheng khi viết về 30 năm tưởng niệm biến cố Thiên An Môn: “Sợ chết là thường tình/con người. Khi một chính phủ độc tài lo sợ sự thật về sự tàn sát của mình, việc thương tiếc người chết không chỉ là vấn đề đau buồn cá nhân, mà còn là biểu hiện của lòng can đảm đạo đức. Tưởng niệm trở thành một hành động chống lại quyền lực nhà nước và (yếu tố) thời gian”.
Bố tôi truyền lại bao nhiêu châm ngôn hay ho mà tôi không còn nhớ bao nhiêu. Tuy thế mỗi khi nhớ về ông, tôi vẫn luôn nhớ lời khuyên rằng làm người thì phải cố đứng thẳng như cây.
Phạm Phú Khải (VOA)