Cảnh sát Liban bảo vệ trước của vào nhà ông Carlos Ghosn, Beyrouth, ngày 31/12/2019. REUTERS/Mohamed Azakir
Như thông lệ, ngày đầu năm hôm nay 01/01/2020 các báo Pháp đều nghỉ lễ, tờ báo mới duy nhất là Le Monde ra trước từ chiều hôm qua, với trang nhất nêu bật vấn đề nóng bỏng tại Pháp là kế hoạch cải tổ hưu bổng của chính phủ đang làm dấy lên một phong trào đình công phản đối. Điểm được tờ báo đề cập đến trong tựa lớn chính là “Những gì mà chính phủ đã nhượng bộ”. Tuy nhiên điểm nhấn của tờ báo lại là vụ cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan đã bất ngờ trốn khỏi nơi quản chế tại Nhật Bản để bay qua Liban, một trong ba nước mà ông mang quốc tịch.
Dưới một tựa đề giật gân “Carlos Ghosn : Hậu trường của chuyến đào thoát”, Le Monde không ngần ngại trích lời một người thạo tin xem đấy là một chiến dịch giải cứu chẳng khác gì một điệp vụ trong tiểu thuyết James Bond 007. Dựa trên các thông tin gặt hái được từ nhiều nguồn khác nhau, tờ báo đã kể lại chi tiết bối cảnh và diễn tiến của cuộc đào tẩu ngoạn mục này.
Bị quản chế nhưng kiểm soát lỏng lẻoTheo Le Monde, tại Nhật Bản, Carlos Ghosn sống trong một ngôi nhà ở khu phố Hiroo sang trọng tại trung tâm thủ đô Tokyo. Ông bị quản chế, nhưng việc giám sát ông có vẻ không nghiêm ngặt lắm, mặc dù do cả cảnh sát, văn phòng công tố và thám tử tư của tập đoàn Nissan thực hiện.
Lợi dụng sự lỏng lẻo này, ông Ghosn đã trốn được đến một sân bay kín đáo ở Nhật Bản, nơi một chiếc phi cơ riêng của ông đã chờ sẵn để đưa ông qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó ông bay về Liban. Ông được cho là đã vào Liban với một thẻ căn cước đơn giản. Là người có quốc tịch Liban, ông không cần hộ chiếu để nhập cảnh.
Câu hỏi đặt ra là Carlos Ghosn đã xuất cảnh Nhật Bản bằng cách nào. Theo một nguồn tin được đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn, thì dữ liệu của cơ quan xuất nhập cảnh Nhật Bản vào thời điểm xẩy ra vụ việc hoàn toàn không có người nào tên Carlos Ghosn xuất cảnh.
Điểm này đã khiến người ta cho rằng ông Ghosn đã rời Nhật Bản dưới một danh tính giả, bằng một hộ chiếu “thật mà giả”. Chính quyền Nhật đã liên lạc với đại sứ quán Liban về vấn đề này và dường như là cơ quan này đã phủ nhận việc cấp giấy tờ giả.
Vai trò bà vợ ông Ghosn trong chiến dịch giúp chồng đào thoátCũng theo thông tin mà Le Monde có được, chiến dịch giải cứu ông Carlos Ghosn do chính vợ ông, bà Carole Ghosn, lên kế hoạch. Bà đã xuất hiện bên cạnh chồng trên chuyến bay đến Beyrouth. Thậm chí, rất có thể là bà đã chờ ông Ghosn ngay từ đầu.
Theo Le Monde, bà Ghosn được cho là đã chuẩn bị “cuộc đào thoát” cùng với những người anh em cùng cha khác mẹ của bà, thuộc một gia đình theo hệ phái Hồi Giáo Sunni khiêm tốn ở miền bắc Liban, nhưng có những mối quan hệ rất tốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần Carole Ghosn, từ khi kết hôn với cựu lãnh đạo Renault-Nissan, bà đã có một nguồn tài chính cá nhân đáng kể.
Kế hoạch đào thoát có thể đã được thiết kế từ lâu. Vào tháng 10 năm 2019, Carlos Ghosn được cho là đã dò hỏi tên tuổi của các nhà báo Liban có thể “làm việc” cho ông. Câu hỏi đặt ra là giữa hai vợ chồng ông Ghosn, vấn đề phối hợp ra sao vì chế độ quản chế cấm hai người gặp nhau hoặc liên lạc với nhau, và các công tố viên Nhật Bản đã liên tục từ chối bất kỳ đơn xin gặp nào của bà Ghosn.
Lệnh cấm này, theo Le Monde, được cho là đã bị phá vỡ bằng cách truyền tin thông qua các cô con gái và em gái của ông Carlos Ghosn, những người thường xuyên được đến thăm ông.
Một nguồn tin đã khẳng định với Le Monde rằng : “Vì ông Ghosn không thể sử dụng điện thoại của mình, cho nên ông có thể là đã dùng điện thoại của những người này”.
Theo RFI