Công an được coi là "thanh kiếm, lá chắn" bảo vệ chính quyền (ảnh: Báo Công an nhân dân)
Công an nói chung đứng đầu danh sách tham nhũng ở Việt Nam, theo một khảo sát trong năm 2019 vừa được tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố hôm 7/1. Nếu tách riêng cảnh sát giao thông, chức vô địch về tham nhũng thuộc về lực lượng này, với tỷ lệ ý kiến đánh giá tiêu cực nhiều nhất từ người dân.
Cuộc khảo sát cho thấy có 5 nhóm đối tượng bị xem là tham nhũng nhất gồm: cảnh sát giao thông (chiếm 30% bình chọn của người dân), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).
Tham gia khảo sát là 1.085 người ở 19 tỉnh thành, báo cáo mang tên “Phong vũ biểu tham nhũng ở Việt Nam 2019” của Hướng tới Minh bạch cho biết.
Hướng tới Minh bạch, tên gọi tắt là TT, được thành lập năm 2008, là tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có mục tiêu góp phần vào việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Tháng 3/2009, TT trở thành cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam.
Báo cáo của TT cho hay 73% số người được vấn ý nhận xét rằng tham nhũng ở vào mức “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” trong khu vực công, bao gồm tất cả các ngành, dịch vụ mà nhà nước sở hữu, quản lý và điều hành.
Một tỷ lệ lớn người tham gia khảo sát, 43%, xếp tham nhũng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những vấn đề quan trọng nhất mà chính phủ Việt Nam cần giải quyết, đứng sau xóa đói giảm nghèo, an toàn thực phẩm và an ninh/tội phạm.
Điều này cho thấy người dân Việt Nam “ngày càng quan ngại về tham nhũng”, TT nhận định, và so sánh rằng vấn đề này đã nhảy từ vị trí số 7 cách đây 2 năm lên vị trí thứ 4 hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn chung, theo bản báo cáo, cảm nhận của người dân Việt Nam về tình trạng tham nhũng trở nên tích cực hơn trong 3 năm qua.
Khảo sát năm 2019 cho thấy 43% người Việt Nam nghĩ rằng tham nhũng ở Việt Nam tăng lên trong 12 tháng qua, mức này thấp hơn đáng kể so với 58% có suy nghĩ như vậy hồi năm 2016.
Trong khi đó, 26% cho rằng tham nhũng đã giảm, như vậy, số người có cái nhìn lạc quan đã cao hơn so với mức 17% năm 2016.
Nhiều quan chức cao cấp Việt Nam bị bỏ tù hoặc kỷ luật vì tham nhũng trong thời gian gần đây
TT bình luận rằng trong vòng 3 năm trở lại đây, “khung khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được cải thiện, nhiều biện pháp và hành động phòng, chống tham nhũng được thực thi và một số quan chức cấp cao bị đưa ra truy tố”.
Gần một nửa số người được khảo sát, 49%, nói các biện pháp phòng, chống tham nhũng của nhà nước “có hiệu quả” hoặc “rất có hiệu quả”, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ 21% vào năm 2016, theo báo cáo của TT.
71% những người được hỏi trong khảo sát 2019 cho rằng họ có vai trò trong đấu tranh chống tham nhũng.
Hướng tới Minh bạch
Góp ý về cách thức đẩy lùi tham nhũng hơn nữa, 36% ý kiến người dân cho rằng “cần nâng cao tính liêm chính” của các cán bộ, công chức nhà nước, và một tỷ lệ lớn hơn, 39%, đề nghị “áp dụng hình phạt nghiêm khắc” đối với các đối tượng tham nhũng, TT viết trong báo cáo vừa công bố.
Bản báo cáo cũng cho thấy một điều đáng khích lệ là 71% những người được khảo sát nghĩ rằng họ “có vai trò trong đấu tranh chống tham nhũng”.
Tỷ lệ nêu trên cao hơn nhiều so với các mức 55% của năm 2016 và 60% của năm 2013, đồng thời là tỷ lệ cao nhất tính đến nay về số người có quan điểm như vậy.
Tuy nhiên, TT lưu ý rằng gần một nửa những người được vấn ý thú nhận họ không tố cáo tham nhũng do “sợ phải gánh chịu hậu quả”.
Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh chống tham nhũng trong nhiệm kỳ của ông
Mặc dù vậy, TT nhận xét rằng một số kết quả của khảo sát mang lại “niềm hy vọng” về những thay đổi tích cực trong thời gian tới.
“Cần tiếp tục duy trì đà phát triển này nhằm giảm tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững”, báo cáo của TT viết.
Qua bản báo cáo, tổ chức phi lợi nhuận này cũng đưa ra một số khuyến nghị có ích cho đà tiến nêu trên, có xét đến bối cảnh là Đại hội Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra.
Về phía đảng và nhà nước, Hướng tới Minh bạch khuyến nghị 3 việc lớn. Thứ nhất là tiếp tục tăng cường thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nhấn mạnh vào các quy định về ứng xử, xung đột lợi ích và kê khai tài sản.
Thứ hai, cần đưa ra quy định về vận động hành lang (lobby) đối với các công ty lớn và các nhóm lợi ích nhằm tránh “tác động không chính đáng” vì lợi ích cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước và lợi ích của người dân, theo Hướng tới Minh bạch.
Người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông, kể cả truyền thông xã hội, cần được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào phòng, chống tham nhũng, đó là khuyến nghị lớn số 3 của Hướng tới Minh bạch.
Về phía doanh nghiệp, Hướng tới Minh bạch gợi ý họ “thúc đẩy và thực hành liêm chính, minh bạch trong kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh”.
Liên quan đến người dân, tổ chức này nhấn mạnh rằng các công dân có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách “kiên quyết chấm dứt việc đưa và từ chối đưa hối lộ”.
Theo VOA