logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
khi  
#1 Đã gửi : 07/01/2020 lúc 11:28:12(UTC)
khi

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 338

Thấy nét mặt của Bích-Thủy buồn quá, Thắng xốn xang trong lòng, vội gợi chuyện – bằng tiếng Việt “ba rọi” – với mục đích làm cho Mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều đến chuyến ra khơi của chàng:
- Măng à! Măng biết tại sao Tường-Vân không đưa con đi không?
Chợt nhớ đến sự vô tình của nàng, Bích Thủy đáp:
- Sorry! Măng quên hỏi con về Tường-Vân. Chắc cô nàng sợ cảnh đưa tiễn chứ gì?
- Dạ. Tường-Vân bảo Tường-Vân chịu không nổi!
- Chắc con ít vui vì không có Tường-Vân ở đây, phải không?
- Thôi, có măng đủ rồi.
- “Nịnh” nữa rồi. Cái cậu này!
Cả hai cùng cười. Trong khi Bích-Thủy cố tìm ra nguyên nhân sự ray rức nhè nhẹ trong hồn thì Thắng muốn tìm chuyện vui kể cho Mẹ nghe, để Mẹ nguôi buồn. Bất chợt Thắng tươi ngay nét mặt:
- Măng! Măng muốn nghe chuyện vui của con không?
- Nghe chứ. Chuyện gì, con?
- Chuyện lần đầu tiên con quen Tường-Vân.
- Thôi, chuyện riêng của mấy người trẻ, kể cho “bà già” nghe làm chi.
- Con thích kể cho Măng mà Măng không muốn nghe, con buồn lắm đó!
- Thôi, kể đi, cậu.
- Lúc Tường-Vân vừa từ đại học Texas A&M chuyển về, nhiều thằng theo lắm, nhưng cô nàng rất khó chinh phục. Con hơi khớp. Nhưng bị tụi bạn khích tự ái, con nhất quyết phải chinh phục Tường-Vân cho tụi nó biết tay. Con để ý, thấy mỗi chiều, sau giờ Tâm-Lý-Học, Tường-Vân thường vào thư viện. Một hôm, con vào sau Tường-Vân khoảng mấy phút. Nhìn quanh, thấy Tường-Vân ngồi một mình và các bàn khác đều có người, con thầm mừng. Tiến đến bàn Tường-Vân ngồi, con làm bộ ra vẻ nôn nóng, cố gợi sự chú ý của Tường-Vân; nhưng Tường-Vân vẫn tỉnh bơ. Con nhích nhẹ cái ghế đối diện với Tường-Vân, hỏi: “Xin lỗi cô. Tôi ngồi đây được không, cô?” Vẫn không thèm ngẫng lên, Tường-Vân đáp khẽ: “Dạ, được ạ!” Giả vờ chăm chú đọc sách, nhưng con cứ lén nhìn sóng mũi thẳng, nhọn và khuôn mặt trái soan của Tường-Vân núp dưới mái tóc cắt kiểu A-Bop. Càng nhìn Tường-Vân con càng thích nàng trong khi nàng cứ tỉnh queo đọc, chép, lật hết trang nọ sang trang kia. Con cũng giả vờ ghi ghi, chép chép một chốc rồi con ngẫng lên nhìn Tường-Vân: “Cô ơi! Xin lỗi, cô cho tôi hỏi cô cái này, được không, cô?” Tường-Vân ngẫng lên: “Dạ, được.” Con nén cười, hỏi: “Đánh vần chữ tôi đã gặp (I met) như thế nào, hả, cô?” Tường-Vân tròn mắt ngạc nhiên nhìn con rồi thong thả đánh vần: “Ai em i ti. (I, M, E, T, cũng có thể hiểu theo nghĩa tiếng Anh: I am ET). Con đứng bật dậy, chìa tay thẳng về phía Tường-Vân: “Hi, Miss ET! Tôi tên Thắng”. Tường-Vân trố mắt nhìn sững con như nhìn một giả nhân. Một thoáng sau, như hiểu ra, da mặt Tường-Vân trở nên đỏ dần, đỏ dần và Tường-Vân cười…
Nghe đến đây, Bích-Thủy cười, đánh nhẹ vào vai Thắng:
- Anh chàng này “xạo” dữ hén!
Hai Mẹ con đang vui cười, chợt thực tế ập đến bằng một giọng trong vắt: “Mời quý vị đáp chuyến bay số 7 đi San Diego ra cửa số 9. Bắt đầu từ vé số 50 đến số 40.”
Thắng đứng lên:
- Con đi, Măng.
- Ủa, họ gọi những người đi San Diego mà.
- Dạ, tất cả quân nhân Hải-Quân đều đến San Diego rồi mới được đưa sang Saudi Arabia.
Bích-Thủy cúi mặt, cố không để Thắng thấy nàng đang khóc. Thắng tiếp:
- Thôi, Măng về đi!
- Măng chờ con đi đã.
Cả hai đi nhanh đến cổng số 9. Sự bịn rịn, nỗi luyến thương dâng lên ngập lòng khiến Bích-Thủy muốn ôm Thắng vào lòng như ngày Thắng còn bé; nhưng tập quán Đông-Phương chỉ cho phép nàng đứng cạnh, vỗ vỗ vào vai Thắng mà thôi. Thắng trấn an:
- Măng đừng có lo. Okay. Con không sao đâu.
- Con cẩn thận.
- Đừng khóc, Măng! Nhìn con nè.
Bích-Thủy quẹt nước mắt, nhìn Thắng nhích từng bước theo đoàn người. Bước vào lối hẹp dẫn vào lòng phi cơ, thỉnh thoảng Thắng quay lui và thấy Bích-Thủy khóc rấm rức. Khi cánh cửa cổng số 9 đóng lại, Bích-Thủy khóc nhiều hơn; vì nàng nghĩ, người thân yêu nhất trong đời nàng giờ đây đã thật sự xa nàng, dấn thân vào vùng lửa đạn!
Một mình đi ngược lại khoảng không gian mà hai Mẹ con đã bước cạnh nhau trước đó không lâu, Bích-Thủy cảm thấy nhớ Thắng đến quay quắt. Ra đến cửa chính, lúc sắp băng qua đường để vào nhà gửi xe, bất ngờ có người gọi “Thủy”. Quay lại, nhận ra Cẩm-Hương – nhân viên phụ trách vấn đề tị nạn – Bích-Thủy sửa bộ mặt tươi tỉnh:
- Hey! Đi đón người tị nạn nữa hả?
- Ừ. Lần này là mấy ông bà H.O….mồ côi.
Vừa nói Cẩm-Hương vừa đưa mắt về phía xe Van, nơi nhóm người đen đúa, gầy gò đang đứng chờ. Bích-Thủy nhìn theo bạn. Cẩm-Hương tiếp:
- Bồ đi đâu mà đi một mình vậy? Anh Hiệp đâu?
- Thôi, đừng nói tới ông Hiệp, “tui” “rầu” lắm! Mình đi đưa cháu Thắng.
- A, “anh chàng” Thắng Hải-Quân đó hả? Trong nhóm người mình đón hôm nay có một “ông Hải-Quân”. Ủa, mà cháu Thắng đi đâu vậy?
- Sang Trung-Đông.
- Giỡn hoài. Chi vậy?
- Cháu được bổ nhiệm đi tàu và chiếc Hàng-Không-Mẫu-Hạm ấy đang trấn giữ vùng biển Trung-Đông.
- Oh. Gosh!
Bích-Thủy biết nàng không thể nén cơn xúc động cho nên tìm lời từ giã:
- Đi nghe. Hôm khác nói chuyện nhiều.
Cẩm-Hương chưa kịp chào từ giã bạn thì giọng một người đàn ông vang lên:
- Cô ơi, cô! Có phải bà vừa nói chuyện với cô tên là Bích-Thủy không, cô?
Nhìn “ông H.O.” gầy gò, hom hem – tên Khoa – Cẩm-Hương cười:
- Dạ, đúng. Ông biết bà ấy à?
- Dạ, nếu đúng là bà Bích-Thủy ở Nha Trang thì tôi biết; vì hồi đó tàu của tôi thường ghé Nha Trang.
******
Bích-Thủy ngồi lặng lẽ sau tay lái. Từ CD, trong tình khúc Autumn in Rain, tiếng piano của Sasha Alexseev rời rạc, nhẹ nhàng như hạt mưa rơi âm thầm bên mái hiên. Sang bản By Candle Light, ngón đàn của Sasha Alexseev tạo nên những dòng âm thanh dồn dập, cuồng loạn, chẳng khác gì tiếng piano của Khoa vào một buổi chiều nào xa lắm, trong ngôi biệt thự nhỏ, trên ngọn đồi cao ở Cầu-Đá, Nha Trang.
Chiều xưa cũng như tối hôm nay, Khoa đã tìm lại được nhân dáng xưa, nhưng tìm lại chỉ để rồi mất nhau. Dù nhận biết được điều đó, Khoa cũng vẫn còn nhiều quyến luyến:
- Em tha thứ cho anh, nha, Bích-Thủy.
- Còn gì để mà tha thứ? Thôi, em phải về.
- Anh vẫn còn yêu em, Bích-Thủy ạ! 
- Hừ! Yêu!
- Mấy mươi năm rồi, dù nhiều lần Mẹ anh thúc hối anh lập gia đình, anh vẫn ở vậy. Em tin anh không?
Nghe Khoa nhắc đến Mẹ, Bích-Thủy nỗi giận, mỉa mai:
- Anh mà dám làm trái ý Mẹ anh à?
- Cho anh xin đi, em. Mẹ anh đã qua đời. Mình không nên xúc phạm đến Người. Ngày đó cũng lỗi của anh một phần chứ không phải lỗi hoàn toàn do Mẹ anh đâu.
- Thôi, anh vào đi.
- Em cho anh giải thích với em một lần, rồi thôi.
Im lặng. Khoa tiếp:
- Thời gian anh thọ phạt, Mẹ anh nghĩ rằng anh đã bị em mê hoặc cho đến độ phải đào ngủ, theo em, cho nên Mẹ anh giận lắm. Mẹ anh buộc anh phải chấm dứt tình cảm với em và Bà vận động cho anh đổi về gần gia đình. Anh không muốn mất em mà anh cũng không muốn làm Mẹ anh buồn; do đó anh phải tạm ngưng liên lạc với em một thời gian, chờ cho Mẹ anh nguôi giận.
- Dù anh có cải lời Mẹ anh mà tiếp tục liên lạc với em đi nữa thì cuộc diện cũng chẳng đổi khác được chút nào đâu.
- Em quên anh nhanh đến vậy sao?
- Không quên cũng không được! Chính Mẹ anh viết thư hăm dọa em, anh biết không?
- Thật không?
- Thôi, anh vào nhà đi. Em nói láo đó.
- Em có biết là khi hay tin em lập gia đình, anh đau khổ đến mứt nào không? Một thời gian sau, khi chiến hạm ghé Nha Trang, anh đến nhà em đúng vào lúc hai Bác sắp sửa sang nhà em dự lễ cúng đầy tháng con trai đầu lòng của em. Cùng một buổi chiều mà em thì hạnh phúc với “tác phẩm” đầu tay, còn anh cuồng loạn bên piano và chai cognac!
Uất qua, Bích-Thủy lớn tiếng:
- Thôi, anh vào nhà đi.
Khoa dịu giọng, cố kéo dài giây phút bên người xưa:
- Anh muốn nói chuyện với em, tại sao em cứ xua đuổi anh? Mỗi lần gặp được em là phải nhờ bà Cẩm-Hương nhắn lên nhắn xuống bao nhiêu lần chứ phải dễ sao! Anh biết em không còn chút gì cho anh nữa. Nhưng anh chỉ muốn em biết rằng hoàn cảnh đã buộc anh như vậy. Anh vẫn còn yêu em, dù đó là tình yêu đơn phương.
Bích-Thủy muốn nén tình cảm vào lòng, nhưng không được, nước mắt lại lả chả rơi. Hơn ai hết, Bích-Thủy tự biết nàng còn yêu Khoa nhiều lắm; nhưng yêu và hận! Suốt mấy mươi năm qua, nếu Hiệp – chồng nàng – đừng trả thù quá tàn tệ và Thắng không là biểu tượng rõ nét của Khoa thì có thể hình bóng Khoa đã phai nhòa. Đằng này, một bên là những hành xử thâm độc của Hiệp, một bên là hình ảnh rạng rỡ của Khoa lồng trong Thắng, thì, một người đàn bà đa cảm, lãng mạn như nàng chắc chắn sẽ không quên được Khoa.
Không nghe Bích-Thủy nói gì, Khoa chuyển đề tài với mục đích làm cho Bích-Thủy nguôi giận:
- Bà Cẩm-Hương nói người con của em là sĩ quan Hải-Quân Hoa-Kỳ, đúng không?
Bích-Thủy thoáng lúng túng rồi nhìn Khoa, nghẹn lời! Con của em hay là con của chúng ta? Trời ơi! Có người đàn ông nào bất hạnh cho đến độ không biết đó là con của mình? Bích-Thủy gục xuống tay lái, thổn thức theo từng tiếng:
- Anh đừng bao giờ tìm cách liên lạc với tôi nữa.
Chữ “tôi” trong câu nói của Bích-Thủy như gáo nước lạnh xối vào mặt Khoa trong cơn say. Khoa choàng tỉnh:
- Anh sẽ làm theo yêu cầu của em. Có điều, anh mong em hiểu rằng anh vẫn yêu em.
Bích-Thủy quyết liệt, vói tay mở cửa xe cho Khoa:
- Anh vào nhà đi.
Vừa bước ra khỏi xe, chưa kịp nói lời tạm biệt, Khoa đã nghe tiếng cửa xe đóng ầm và chiếc SUV lao vào bóng đêm. Nhìn vào kính chiếu hậu, Bích-Thủy thấy Khoa đang tần ngần dõi mắt nhìn theo.
Cũng dáng người dong dõng cao, cũng nụ cười buồn, cũng gương mặt xương xương và ánh mắt xa vắng diệu vợi, người đàn ông đang run rẩy nhìn theo nàng trong từng cơn gió buốt và đứa con của nàng đang tham chiến tận cuối trời xa có được bao nhiêu nét khác biệt? 
Trong khi Bích-Thủy đưa tay quẹt nước mắt thì, từ CD, tiếng piano của Sasha Alexseev thánh thót trong sầu khúc Serenata. Theo dòng âm thanh ướt lệ và tiếng Bass trầm trầm, Bích-Thủy tưởng như có thể thấy lại được hình ảnh Khoa và nàng đuổi bắt nhau trên bờ đá lởm chởm săn hô và con vú nàng, ở Cầu-Đá. Có khi “hai đứa” đi lang thang trong khuôn viên Hải-Học-Viện, không nói một lời. Đang đi, Khoa chậm bước, nhón tay vịn đôi vai của Bích-Thủy, vừa xoay người nàng lại vừa nói theo giọng điệu nhà binh: 
-Đằng sau…quay!
-Ủa, sao vậy? 
-Đi về. Chiều rồi.
Đi bên nhau được vài bước, Khoa bảo: 
-Bích-Thủy! Hát bài Serenata cho anh nghe đi. 
-Hát gì không có đàn mà hát.
-Thì hát đi. Anh chỉ muốn nghe giọng soprano của em thôi.
Bích-Thủy hát nho nhỏ. Đến đoạn cuối, khi giọng nàng lên cao, ngân dài mấy chữ “tình yêu mãi mãi”, Khoa khẽ bóp nhẹ bàn tay của nàng. Trên đường về, Khoa hỏi: 
-Tối nay em bận gì không, Bích-Thủy? 
-Dạ không. Chi vậy, anh?
-Anh muốn đưa em đi xi-nê. Phim ca nhạc ở rạp Tân-Tân. Hay lắm.
-Hay làm sao bằng ngón đàn của anh được. 
-Khi nghe anh đàn, em nghĩ gì? 
-Em chỉ muốn được…chết thôi!
-Cái cô này! Tại sao vậy?
-Vì chỉ có chết tâm hồn em mới thật sự hòa nhập vào thế giới âm thanh phù thủy của anh.
-Em lãng mạn vô cùng.
Ngưng một chốc, Khoa tiếp: 
-Bích-Thủy! Nếu có gì xảy ra cho anh, em có chờ đợi anh không?
-Gì vậy, anh? 
-Chuyến này về thế nào anh cũng bị ra tòa án quân sự. 
-Anh làm em sợ quá! 
-Mấy hôm nay ghé thăm em, anh đã đào ngũ…
-Trời! 
-Anh đo lường được hậu quả của sự nông nỗi của anh. Nhưng vì yêu em, anh không hối tiếc gì cả. Có điều, sau khi thi hành lệnh phạt, chưa biết họ sẽ ‘vất’ anh chỗ nào và anh sẽ khó gặp em.
Hai người đứng lặng bên nhau như hai pho tượng!
Hôm sau, Bích-Thủy đến phi trường quân sự Nha Trang đưa Khoa lên đường, về trình diện Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân. Khi bóng Khoa khuất nhanh vào lòng chiếc C-130, Bích-Thủy chợt nhận biết được sự mất mát, nỗi nhớ thương thật sự đang òa vỡ trong hồn nàng. Từ đó, mỗi khi đến phi trường – dù là phi trường dân sự – lòng Bích-Thủy cũng gợn lên những thương nhớ bâng quơ, những ray rức âm thầm, những xót xa vô bờ của một vết đau đã qua thời kỳ mưng mủ!
Bây giờ, đang lái xe trên con đường vắng, Bích-Thủy tự hỏi: Vết đau đã lành hay đang tái phát? Như để trả lời, dòng âm thanh đầy ma lực Sasha Alexseev trở nên cuồn cuộn như sóng gào bên bờ vắng. Bích-Thủy nép xe vào lề, dừng lại, gục đầu lên tay lái, thầm gọi “Khoa ơi!”
******
“Thắng, con!
Thật là bất ngờ khi con gọi về. Măng mừng đến phát khóc. Ba thì vẫn trầm tư, ít nói, nhưng nét mặt của Ba trông vui hẳn lên.
Con biết không, từ hôm con đi, mỗi khi về nhà ăn trưa, nhìn góc xô-pha, nơi con thường ngồi đàn, măng buồn và nhớ con vô cùng…”
Mới viết ngang đây, Bích-Thủy bỗng giật mình vì tiếng hét của Hiệp:
- Cô muốn gì, nói đi?
Môi Bích-Thủy run. Mặt nàng tái xanh. Từ ngày gặp lại Khoa đến nay, nhiều khi nàng không làm gì sai, nhưng hễ thấy mặt hoặc nghe giọng sừng sộ của Hiệp là Bích-Thủy mất bình tĩnh. Sở dĩ Bích-Thủy hãi sợ đến như vậy là vì tâm lý của nàng bị khủng hoảng trầm trọng sau những lần bị Hiệp theo dõi, rình rập và tiếp theo là thái độ hành hạ bằng những lời đay nghiến, những câu mỉa mai, dằn vặt từng đêm, từng ngày. Trong tất cả mọi trường hợp, Bích-Thủy chỉ né tránh chứ chưa bao giờ dám phản ứng. Bây giờ, thấy Bích-Thủy có vẻ sợ, Hiệp xấn tới:
- Thư đâu? Viết gì? Đưa đây, mau!
- Tôi đã nói với anh từ mấy mươi năm nay rồi. Tôi có tội với anh. Nhưng ngược lại tôi cũng đã trả một giá quá đắc cho cuộc hôn nhân này. Tha thứ hay không là quyền của anh. Nhưng giữa Khoa và tôi không còn gì nữa…
Hiệp gào lên như con thú bị thương:
- Còn thằng Thắng kia, chưa đủ sao?
- Anh muốn hành xử với Mẹ con tôi như thế nào cũng được; nhưng xin anh một điều, đừng đày đọa tâm hồn tôi nữa.
- Ai đày đọa tâm hồn ai suốt mấy mươi năm qua, hả?
- Hãy xét lại sự trả thù của anh trong suốt thời gian ấy xem đã đủ chưa?
- Biết bao nhiêu cho đủ. Thứ đàn bà hư.
- Thì anh cứ bỏ tôi đi.
Một cái tát “bay” vào má của nàng trong khi Hiệp gằn từng tiếng:
- Đi! Đi lấy nó đi!
- Nếu anh muốn, tôi sẽ đi và thằng Thắng cũng sẽ đi.
Hiệp nhìn sửng Bích-Thủy, không ngờ nàng đem Thắng ra làm lợi khí. Chàng thách thức:
- Cô có dám cho thằng Thắng biết sự thật không?
- Có thể lắm.
- Mày tàn nhẫn đến vậy hả? Tao giết mày! Tao giết mày!
Bích-Thủy hoảng sợ, vừa chạy ra khỏi phòng vừa đáp:
- Suốt mấy mươi năm ông tệ bạc với tôi. Bây giờ ông đòi giết tôi. Tôi không sống với ông nữa.
- Mày không ở với tao nữa thì đi đi. Đi một mình mày đi.
- Chờ thằng Thắng nó về rồi ông sẽ biết tôi đi mấy mình.
- Tao giết mày! Tao giết mày!
Bích-Thủy chạy vào phòng bên cạnh, khóa cửa lại.
Còn lại một mình, cơn giận dịu xuống, Hiệp lượm lá thư Bích-Thủy viết cho Thắng lên, đọc. Đọc xong, Hiệp nhìn ra cửa sổ. Hình ảnh Thắng hiện lên trong bóng đêm dày đặc. Từ mấy mươi năm qua, niềm đau triền miên của Hiệp là sự dằn co tâm lý về Thắng, bắt nguồn từ cuộc hôn nhân được xếp đặt giữa hai gia đình.
Thời gian đầu Hiệp rất toại ý, vì Bích-Thủy là một phụ nữ có văn hóa cao, dáng vóc rất đài các, khuôn mặt phúc hậu, chỉ có đôi mắt hơi buồn. Sự ra đời của Thắng không những đem đến cho Hiệp niềm hạnh phúc vô bờ mà còn mang lại cho Cha Mẹ của Hiệp niềm hy vọng; vì Hiệp là con trai duy nhất trong gia đình, và Thắng là cháu đích tôn, nối dõi tông đường.
Cả Hiệp, Bích-Thủy và Cha Mẹ của Hiệp đều mong Bích-Thủy sinh thêm để…lấy lời. Nhưng suốt năm năm, sau ngày Thắng ra đời, Bích-Thủy cũng vẫn không sinh thêm được người con nào nữa. Nghe lời người thân, Hiệp cùng Bích-Thủy đi bác sĩ khám nghiệm. Không ngờ kết quả thí nghiệm cho biết Hiệp không thể có con! Đến lúc đó Bích-Thủy mới biết hậu quả khốc liệt của những ngày lãng mạn với Khoa. Đến lúc đó Hiệp mới biết bao nhiêu tình thương của người Cha chàng đã trút hết cho Thắng rồi! Và cũng đến lúc đó Hiệp mới thấy rằng chàng cần Thắng để Cha Mẹ già nuôi hy vọng. Hiệp cần Thắng để tự ái cá nhân và danh dự gia đình không bị tổn thương! Vì những lý do này, bao nhiêu năm qua, cả Hiệp và Bích-Thủy đều giấu Thắng. Từ ngày gặp lại Khoa, nhiều lần Bích-Thủy muốn cho Khoa và Thắng biết sự thật, nhưng nghĩ lại, nàng không nỡ tàn nhẫn đối với Hiệp!
******
Sau thời gian dài công tác, Hàng-Không-Mẫu-Hạm USS Independence trở về San Diego Naval Station đại kỳ. Trong thời gian tu bổ, tuần tự, một số nhân viên được đi phép.
Trước khi Thắng trở lại chiến hạm, Hiệp rũ Thắng đi trượt nước (water ski) và Hiệp muốn Bích-Thủy ở nhà nấu những món ăn Thắng thích để tối ba người cùng ăn. Đây là điều lạ đối với Bích-Thủy. Thường thường cuộc vui nào của gia đình cũng gồm cả ba người; nếu hai người với nhau thì chỉ có Bích-Thủy và Thắng; vì lúc nào hai Mẹ con cũng khắn khít bên nhau.
Hôm sau, vừa đặt hành lý vào thùng xe Thắng vừa nói với Hiệp:
- Ba đi làm đi. Sang đến nơi con gọi Ba ngay. 
Sau khi Hiệp bắt tay chàng, Thắng hugs Hiệp thật lâu.
Ngồi vào sau tay lái, Thắng cười, nói với Bích-Thủy:
- Hôm nay mình đi vòng vòng chơi cho đã rồi mới ra phi trường, nha, Măng!
Từ khi xe rời nhà, như linh cảm điều quan trọng sắp xảy đến, hai Mẹ con đều im lặng, không líu lo như mọi khi. Bất ngờ Thắng dừng xe ngay trước chung cư Khoa cư ngụ! Bích-Thủy nhìn sững Thắng và tưởng như tất cả nỗi đau của nhân loại trên hành tinh này đang dồn hết vào tim nàng! Bích-Thủy thở một cách đứt quảng, mệt nhọc. Sự xúc động trong Thắng cũng không kém; vì vậy, Thắng không dám nhìn Bích-Thủy, chỉ lắp bắp:
- Măng chờ con một chút. Okay.
Không đợi Bích-Thủy trả lời, Thắng mở cửa xe, bước nhanh về phía chung cư của Khoa. Nhìn theo Thắng, Bích-Thủy sợ, run, muốn khóc mà khóc không được! 
Không lâu, Thắng trở ra với thái độ có phần bình tĩnh. Thắng cho xe chạy chầm chậm ra bờ hồ rồi dừng lại dưới tàng cây thông. Trong khi Bích-Thủy im lặng như một tội nhân sẵn sàng nhận chịu hình phạt, Thắng quay ra ghế sau, lấy tập truyện. Lật đến bài Cung Đàn Xưa, Thắng nghiêng sang Bích-Thủy:
- Măng! Măng đọc cho con nghe bài này đi, Măng.
- Bài gì? Tại sao con bắt Măng đọc?
- Từ nhỏ, mỗi đêm trước khi con ngủ, Măng thường kể chuyện hoặc đọc sách cho con nghe. Măng nhớ không?
- Nhưng từ ngày con lên trung học con không thích nữa mà.
- Dạ. Nhưng hôm nay con muốn sống lại chuỗi ngày vô tư đó. Măng đọc đi, Măng.
Bích-Thủy cầm cuốn sách từ tay Thắng. Giọng nàng nho nhỏ, đều đều. Đến những đoạn trùng hợp với hoàn cảnh gia đình, Bích-Thủy không cầm được nước mắt. Đang đọc, nghe tiếng Thắng khịt mũi, Bích-Thủy ngẫng lên và nhận ra Thắng cũng đang khóc. Nàng vịn vai Thắng:
- Thắng! Con là một sĩ quan, đừng khóc.
- Con có là gì đi nữa thì con cũng chỉ là đứa con của Măng thôi. Con cần Măng.
- Có bao giờ Măng có ý xa con đâu. Con là tất cả cuộc đời của Măng mà.
- Măng không xa con, thật chứ?
Bích-Thủy gật đầu. Thắng nhìn thẳng vào mắt Bích-Thủy, tiếp:
- Măng hứa với con không?
Bích-Thủy lại gật đầu. Giọng Thắng thiết tha hơn:
- Măng hứa với con đi, Măng.
- Măng hứa.
- Măng à! Ba bất an lắm, Măng biết không?
- Ba bất an về cái gì, con?
- Về tinh thần đó, Măng.
- Con trách Măng nhiều lắm, phải không?
- Dạ, không. Hoàn cảnh đã đưa Măng đến đoạn đường này chứ không phải Măng muốn vẽ ra mà thành. Nhưng từ nay Măng có thể cãi thiện được phần nào nghịch cảnh.
- Con muốn nói gì?
- Măng có thương Ba không?
- Thắng! Tại sao con hỏi Măng một câu “hóc búa” như vậy?
- Mấy mươi năm qua, sự tàn tệ của phía Nội đối với Măng cùng những thù hằn Ba trút xuống Măng, Măng đã cắn răng chịu đựng, không than van. Những điều đó cũng đủ để Măng không thương Ba, đúng không?
- Vì Măng có lỗi với Ba, Thắng à!
- Măng có lỗi với Ba? Con không đồng ý. Những người con gái rơi vào tình cảnh của Măng rất đáng thương. Nếu người đàn ông đủ cao thượng để tha thứ cho người đàn bà đó thì tiếp tục lấy bà đó làm vợ; còn không thì thôi. Người đàn ông không có quyền sống với bà đó rồi hành hạ bà ta để trả thù. Thử hỏi có người đàn ông nào còn… trinh trắng khi lấy vợ hay không? Vậy thì tại sao lại đòi hỏi người đàn bà? Tình yêu từ trái tim chứ có phải từ vấn đề đó đâu!
- Nhưng Thắng ơi! Ba không biết và Măng cũng không biết cho nên Măng không thú thật với Ba cho đến khi con hơn năm tuổi lận!
- Đến lúc đó Ba vẫn có thể giải quyết vấn đề một cách minh bạch.
- Như vậy là con thiên vị Măng.
- Không. Con không thiên vị Măng; vì phần của Măng con chưa đề cập tới.
Bích-Thủy thở dài, chờ nghe Thắng kết tội:
- Măng rất lãng mạn và phức tạp.
Bích-Thủy thốt lên như nhận tội “Okay”. Thắng tiếp:
- Tại sao Măng còn yêu ông Khoa? 
- Thắng! Đó là…
- Măng muốn nói ông Khoa là Cha của con chứ gì? Không! Cha của con là Ba Hiệp, người đã chấp nhận và thương yêu con trong suốt cuộc đời của con.
- Nhưng Khoa mới là ruột thịt của con.
- Măng biết lúc nãy con nói gì với ông Khoa hay không?
Bích-Thủy lắc đầu. Thắng tiếp:
- Con nói: “Thưa ông, nếu ông còn nghĩ đến người phụ nữ mà – vì ông thiếu tinh thần tự lập, thiếu ý chí phán xét, để bị gia đình ông chi phối – ông phải đoạn tình, thì giờ đây, tôi chính thức yêu cầu ông đừng tìm cách liên lạc với bà đó nữa!” 
Bích-Thủy cúi mặt, khóc. Một lúc sau, nàng hỏi:
- Con có tiết lộ với ông Khoa về sự liên hệ ruột thịt giữa con và ông ấy hay không?
- Dạ, không. Ngoài những phân tử hóa học của ông Khoa trong cơ thể của con, trái tim và lý trí của con không bao giờ chấp nhận ông ấy.
Nhìn Bích-Thủy bi lụy một lúc, Thắng hỏi:
- Măng còn yêu ông Khoa, phải không?
Im lặng. Sau một lúc đo lường sức chịu đựng của Bích-Thủy, Thắng tiếp:
- Măng nên thực tế đi, Măng! Một người đàn ông không đủ can đảm nhận trách nhiệm để trình bày hoặc biện luận cho hành động của mình; một người đàn ông không đo lường được hậu quả khốc hại về việc làm của mình, lại đặt chữ hiếu không đúng chỗ để di hại cả đời người đàn bà, thì thử hỏi người đàn ông ấy có xứng đáng với tình yêu của người đàn bà đó hay không?
- Con nên nhớ rằng ông Khoa không hề biết con là con của ông Khoa mà!
- Con biết Ba xử sự với Măng không đúng. Nhưng dù sao Ba cũng đã chấp nhận Măng, chấp nhận con trong nhiều nỗi đắng cay. Vả lại, bây giờ Ba và con đều cần Măng.
- Có nghĩa là…
- Vâng! Măng xa Ba thì … Măng cũng xa con.
Bích-Thủy thảng thốt:
- Thắng!
- Măng biết tính con rất giống tính Măng. Lý trí của Mẹ con mình lúc nào cũng mạnh cả. Đúng không, Măng?
Thắng vừa dứt câu, nhạc từ radio đột ngột vang lên. Bích-Thủy giật mình. Thắng cười:
- Đến giờ Măng phải đưa con ra phi trường. Radio báo động đó.
******
Vừa nhích theo đoàn người Thắng vừa nói nhỏ với Mẹ:
- Kỳ này có lẽ lâu lắm con mới được về phép. Măng đừng có lo. Okay. Măng lo cho Ba và lo cho Măng đi.
Bích-Thủy gật đầu. Thắng tiếp:
- Chuyến đi này hành trang của con nặng quá!
Bích-Thủy vô tình, nhìn quanh:
- Ủa, gửi hết rồi mà, con.
Thắng cười cười:
- Sáng nay đưa Măng đi trên những con đường quen thuộc, con đã gói tất cả kỷ niệm thời con gái của Măng và những đau thương, những ưu phiền, những oán hận của Ba Măng vào một gói gọn ghẽ để – Thắng ngập ngừng một cách cố ý – …mang theo.
- Mang theo?
- Vâng! Con mang theo để vất xuống lòng biển sâu.
Bích-Thủy vịn vai con, im lặng. Thắng bẹo má Bích-Thủy, thì thầm:
- My Mommy! Con thương Măng.

ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/

 (1) ET: Extraterrestial, tên một sinh vật ngoài không gian, trong phim ET. 
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.367 giây.