Ông đồ xưa (DR)Hồi đầu thế kỷ XIX, triều đại nhà Nguyễn được thiết lập ở Việt Nam với Gia Long là vị hoàng đế đầu tiên.
Triều Nguyễn đã phục hưng Nho Giáo và lấy học thuyết Khổng Mạnh làm hệ tư tưởng chính thống. Có
thể nói rằng, dưới Triều Nguyễn, Nho Giáo giữ vị trí độc tôn trong xã hội, từ giáo dục đến chính trị.
Nhưng cũng chính dưới thời Nguyễn, Nho Giáo đã bị sụp đỗ và dần rơi vào quên lãng.
Nho Giáo bắt đầu được du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc Thuộc, thế nhưng phải chờ đến thế kỷ thứ 10
thì các triều đại phong kiến Việt Nam mới dần chú ý đến Nho Giáo. Từ thời nhà Lý đã thấy nhà vua lập
Văn Miếu thờ Khổng Tử và tiền hiền ở Thăng Long. Trong lúc Phật giáo còn là quốc giáo thì suốt thời
Lý-Trần thực lực của Nho Giáo và nho gia ở triều đình và trong dân càng ngày càng phát.
Nhà Nguyễn chấn hưng Nho GiáoNho giáo bắt đầu chiếm lĩnh vai trò chủ đạo trong nhà nước Việt Nam từ triều Hậu Lê (thế kỷ 15) sau khi
tầng lớp Nho sĩ dân tộc đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến dài 20 năm đánh đuổi quân Minh xâm
lược. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, về mặt văn hoá chính trị, có
thể được xem là cái vương miện để trao cho Nho Giáo Việt Nam.
Thế nhưng, đến thế kỷ 16 thì Nho Giáo bắt đầu lâm khủng hoảng. Trong giai đoạn này, tình hình chính trị
trong nước hêt sức rối ren, các giềng mối đạo đức xã hội bị đảo lộn. Xung đột liên tiếp xảy ra, hết
Lê-Mạc phân tranh đến Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhiều bề tôi đã giết vua, cảnh huynh đệ tương tàn trên
thượng tầng xã hội cũng không phải hiếm ...
Đến năm 1802, Gia Long giành thắng lợi cuối cùng và lập nên Triều Nguyễn. Đây là triều đại phong kiến
cuối cùng trong lịch sử của Việt Nam tính đến hiện tại. Nhà Nguyễn ra sức chấn hưng Nho Giáo. Trong
các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Nho Giáo Việt Nam giữ vai trò độc ton trong xã hội,
từ chính trị đến giáo dục.
Cụ thể Nhà Nguyễn đã chấn hưng Nho Giáo như thế nào, Chuyên gia lịch sử văn hóa Việt Nam, Giáo sư
Nguyễn Khắc Thuần tại thành phố Hồ Chí Minh, sẽ minh thị đôi điều về vấn đề này :
« Trước hết, về phía nhà nước, thì nhà Nguyễn đã coi Nho Giáo là ngọn cờ tư tưởng chính thống của
triều đại mình. Và vị trí đó khiến cho Nho Giáo trở nên rất quan trọng.
Trong giáo dục và thi cử, thì Nho Giáo càng có vị trí cao hơn nữa. Trước hết, Nho Giáo được đổi mới
theo chiều hướng thiết thực hơn, chứ không còn thời kì lạc hậu như trước nữa. Nhà Nguyễn đã cho thay
đổi hệ thống học vị. Và chúng ta biết, đây là một sự thay đổi khá mạnh mẽ so với trước đó. Những người
đỗ Sinh đồ trước đây thì nhà Nguyễn gọi là Tú Tài, và cách đổi gọi này bắt đầu từ năm 1829, tức năm
Minh Mạng thứ 10.
Nhà Nguyễn cũng không lấy đỗ Trạng nguyên, mà đổi Trạng nguyên thành Đình nguyên. Ví dụ như Phan
Đình Phùng là người đỗ Đình nguyên dưới thời Nguyễn. Nhà Nguyễn cũng đặt ra một học vị mới trong
khoa thi Hội, đó là học vị Phó bảng. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng đỗ Phó bảng dưới thời Nguyễn như
: Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc.
Nhà Nguyễn cũng đã mở rộng qui mô giáo dục, khác hẳn với trước. Thời Nguyễn, giáo dục Nho học
được áp dụng trên toàn cõi Việt Nam, từ Bắc chí Nam. Ở đây, cũng chỉ có một nền giáo dục duy nhất,
đó là giáo dục Nho học. Cả nước lúc bấy giờ có đến 7 trường thi hương, và tất cả các khoa thi hội đều
được tổ chức ở kinh đô Huế.
Nhà Nguyễn cũng đã trọng dụng những người đỗ đạt. Do đó, các thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị
vàTự Đức, nhìn chung Nho Giáo rất phát đạt, và đã thật sự có vị trí lớn trên vũ đài chính trị và tư tưởng
nước nhà ».
Nguyên nhân Nho Giáo nhà Nguyễn sụp đổThế nhưng đến cuối đời Tự Đức, thì Nho Giáo lại lâm cảnh khó khăn, nền giáo dục Nho Giáo bắt đầu bị
thử thách. Và kết quả là, vào năm 1919, nền giáo dục Nho Giáo tại Việt Nam đã chính thức cáo chung.
Nguyên nhân là do đâu ? Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần phân tích:
« Từ cuối thời Tự Đức, tình hình chính trị của đất nước bắt đầu có những biến đổi rất mạnh mẽ, rất sâu
sắc, gây ảnh hưởng trực tiếp đối với Nho Giáo. Đó là thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược nước ta. Nhà
nước phong kiến sụp đổ. Chúng ta biết rằng, nhà nước phong kiến là đỉnh cao tôn thờ của nhà Nho.
Người ta đi học Nho là để ra phò vua giúp nước. Và người ta lấy việc trung quân làm lý tưởng.
Vậy mà bấy giờ, vua không còn xứng đáng đại diện cho quốc gia, triều đình cũng không còn xứng đáng
đại diện cho quốc gia. Cho nên lý tưởng của nhà Nho theo đó mà sụp đổ. Đây là nguyên nhân chính trị.
Nhưng nguyên nhân chính trị đó có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự sụp đổ của Nho giáo.
Về khách quan, thì Pháp cũng đã truyền bá một nền giáo dục mới. Và chính nền giáo dục mới này đã tạo
ra một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với giáo dục Nho học nói riêng và đối với vị trí của Nho học nói chung.
Phải khách quan mà nói rằng, nền giáo dục của Pháp có những điểm rất hấp dẫn. Ví dụ như việc người
Pháp dùng văn tự La Tinh. Chữ Hán rơi xuống vị trí ngôn ngữ phụ. Mẫu tự La Tinh là một văn tự hoàn
toàn mới mẽ, tiến bộ, tích cực. Chúng ta thấy rằng, một người giỏi học cả năm sáu năm chưa chắc đọc
được sách chữ Hán. Nhưng một đứa trẻ chỉ cần học một tiếng đồng hồ là có thể ghép vần và đọc được
tiếng Việt. Đọc được, còn hiểu được hay không thì đó là chuyện khác, nhưng dù sau cũng là đọc được.
Còn nếu học tiếng Hán, thì học chữ nào biết chữ đó. Bởi vậy, người thông minh được gọi là người nhiều
chữ.
Người Pháp cũng truyền bác cách học mới, và hoàn toàn khác với cách học của các trường làng của các
nhà Nho. Nền giáo dục mà Pháp du nhập, tất nhiên về bản chất, đó là một nền giáo dục thực dân. Nhưng
ở đây chúng ta cũng phải thừa nhận những tác dụng khách quan nằm ngoài ý muốn của người Pháp. Đó
là nó tạo ra cái mới trong nhận thức của người học. Và ở đây, chúng ta cũng phải thừa nhận, Pháp đã
truyền bá một loạt các ngành khoa học mới vào nền giáo dục của chúng ta. Như khoa học tự nhiên, khoa
học kỹ thuật. Và ngay cả khoa học xã hội, thì người Pháp cũng giảng dạy theo cách của họ, mới hơn,
hiện đại hơn, và cũng có những cái đáng suy ngẫm hơn.
Về mặt chủ quan, thì rõ ràng, Nho Giáo đã tự bộc lộ những hạn chế không thể nào khắc phục được. Đây
chính là khó khăn khiến cho Nho Giáo bị sụp đổ nhanh chóng. Nho Giáo chỉ thiên về khoa học xã hội và
nhân văn mà ít chú ý đến các khoa học khác. Nho Giáo đã quảng bá và cổ súy mạnh mẽ cho tư tưởng
hoài cổ trong lúc xã hội đang khao khát vươn lên để theo kịp các nước xung quanh. Và Nho Giáo đã thể
hiện tính cực đoan. Chính sự cực đoan đó đã khiến cho Nho Giáo bị đẩy vào một vị trí hoàn toàn bất lợi.
Lúc bấy giờ cũng có một điều đáng chú ý nữa, đó là sự đóng cửa vốn là bản chất của giai cấp phong
kiến, thì lúc này nó đã khiến cho Nho Giáo quay lưng lại với cái mới. Rõ ràng đóng cửa là hợp với qui luật
của giai cấp phong kiến. Nhưng hợp với qui luật của giai cấp phong kiến thì không có nghĩa là hợp với
qui luật vươn lên của lịch sử. Lúc bấy giờ là lúc mà người ta cần chấp nhận cái mới, thì Nho Giáo lại chủ
trương đóng cửa. Và đây chính là nguyên nhân gây tác hại từ bên trong của chính Nho Giáo, khiến cho
nó bị sụp đổ nhanh chóng. Năm 1918, khoa thi hương cuối cùng của nền thi cử Nho Giáo Việt Nam đã
được tổ chức. Và khoa thi hội năm 1919 cũng là khoa thi hội cuối cùng của nền giáo dục Nho Giáo Việt
Nam.
Và từ đó thì giáo dục Nho học hoàn toàn bị đóng cửa. Số người đọc được chữ Nho ngày càng ít. Số
người hiểu được triết lý của Nho Giáo lại càng ít hơn. Và đặc biệt, những giá trị văn hóa của tổ tiên kết
tinh trong các trước tác viết bằng chữ Hán thì không phải ai cũng sử dụng được. Đó là sự sụp đổ cí tính
qui luật. Nhưng đó cũng là sự sụp đổ gây ra không ít thiệt hại cho chúng ta ngày nay ».
Kế thừa mặt tích cực của Nho GiáoNền giáo dục Nho Giáo đã lùi xa, Nho Giáo đã bị xem là lạc hậu. Thế nhưng, có phải tất cả những cái gì
thuộc về Nho Giáo đều không còn hữu dụng. Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần nhận định :
«Tất nhiên Nho Giáo sụp đổ là hoàn toàn hợp với qui luật, nhưng điều đó không có nghĩa là Nho Giáo
hoàn toàn bị khép lại trong dĩ vãng, và cũng không có nghĩa là nó không còn điều gì đáng để chúng ta kế
thừa. Ngược lại, ngày nay, chúng ta cần phải kế thừa những giá trị tíc cực do chính các nhà Nho để lại.
Khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, một bộ phận cấu thành
của tư tưởng Hồ Chí Minh đã ra đời trên cơ sở kế thừa những giá trị tích cực của Nho Giáo, Phật Giáo,
Đạo Giáo, Thiên Chúa Giáo…
Chúng ta kế thừa Nho Giáo phong thái dung dung của các nhà Nho. Kế thừa sự điềm tỉnh trước mọi biến
cố. Và đặc biệt chúng ta kế thừa tinh thần coi trọng gia giáo mà Nho Giáo để lại. Chúng ta biết rằng, một
xã hội chỉ có thể được bình ổn và giữ được kỉ cương, khi mà gia giáo được bảo vệ và được đề cao.
Thế thì Nho Giáo có vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng những thiết chế về đạo đức gia đình. Và
trong việc xây dựng, đề cao nền giáo dục gia đình. Gia đình mà yên ổn, thì xã hội mới có thể đi lên
được. Cho nên Nho Giáo tuy là đã lạc hậu, tuy là nó không thể nào trở lại như thời xưa nữa, nhưng chúng
ta cần phải nghiên cứu để kế thừa những giá trị tích cực và tốt đẹp của Nho Giáo để lại. Đó có lẽ cũng là
cái mệnh lệnh đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa Việt Nam hiện nay ».
Bài học lịch sử từ sự sụp đổ của Nho Giáo ?Nho Gia có thuyết « cái quan định luận », tức là khi một nguời đã chết và nắp quan tài đã đậy lại rồi, thì
mọi người mới có thể bình luận đúng sai về người đó. Gần một thế kỷ sau khi nền giáo dục Nho Giáo
cáo chung tại Việt Nam, chúng ta thấy rằng, như phân tích của giáo sư Nguyễn Khắc Thuần nói trên, thì
một trong những nguyên nhân cốt lõi không thể phủ nhận được của sự lùi bước của Nho Giáo, đó là sự
bảo thủ của nhà cầm quyền và sự khép kín của Nho Giáo nhà Nguyễn.
Nhà Nguyễn đã phát huy tối đa những mặc bảo thủ nhất của Nho Giáo, nền giáo dục Nho Giáo thời nhà
Nguyễn chỉ nhắm đến việc học để làm quan, các nhà Nho thì rơi vào cái học tầm chương trích cú, khư
khư ôm lấy những học thuyết cách đây mấy ngàn năm, cứ cho rằng xưa hơn nay, cứ cho rằng Nho Giáo
là học thuyết tiến bộ nhất của nhân loại.
Cần phải thấy rằng, không phải tất cả các nhà Nho thời Nguyễn điều bảo thủ. Khi nền độc lập quốc gia bị
đe dọa, khi đất nước lộ rõ sự lạc hậu, khi nền học thuật nước nhà không theo kịp thời cuộc, thì cũng có
những nhà Nho bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải cải tổ.
Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên triều đình đến gần 60 bản điều trần chỉ rõ thực trạng yếu kém của nước
nhà và đề nghị nhà cầm quyền tiến hành cải cách. Theo bước Nguyễn Trường Tộ, nhà Nho Nguyễn Lộ
Trạch cũng không ngừng dâng lên triều đình những kiến nghị cải cách để chấn hưng đất nước, để theo
kịp thời đại.
Trong lĩnh vực giáo dục, nếu Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch tập trung phê phán nội dung giáo
dục Nho Giáo lạc hậu, thì nhà Nho Đặng Huy Trứ đặc trọng tâm kiến nghị của mình vào phương pháp
giáo dục. Ông kiến nghị bỏ lối học tầm chương trích cú, và đề nghị một lối học kích thích sự suy nghĩ và
sáng tạo của học trò.
Thế nhưng, triều đình Nhà Nguyễn lúc bấy giờ đa phần quan lại đều là những nhà Nho bảo thủ. Họ cứ
khư khư ôm lấy cái cũ, họ hành xử theo kiểu « thủ cựu bài tân ». Ngay như khi đại thần Phan Thanh Giản
đi sứ bên Pháp về kể chuyện đèn điện hay tàu hỏa bên Pháp, thì các quan trong triều con cho rằng cụ
Phan kể chuyện viễn vông để lừa phỉnh mọi người.
Triều thần bảo thủ đến mức mà ngay cả một ông vua bảo thủ như Tự Đức đôi khi còn phải khéo léo
nhắc nhở. Trong cái biển người bảo thủ đó, thì rõ ràng đề nghị canh tân của một vài nhà Nho thức thời
cũng giống như là muối bỏ biển mà thôi.
Nói tóm lại, sự thất bại của Nho Giáo ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có một nguyên nhân
không thể nào chối cãi, đó là sự bảo thủ và cực đoan của nhà cầm quyền. Trong bối cảnh thế giới hiện
tại, đây là một bài học đắc giá cho tất cả các nhà cầm quyền trên thế giới.
Theo RFI