Cái đề tựa này cũng chẳng xa lạ gì với cụ. Tôi đoan chắc với cụ là trong cuộc đời viết lách của tôi, tôi đã
nhiều lần nghĩ đến nó, nói đến nó và chia sẻ ưu tư về nó với cụ. Tôi cũng có thể đã từng viết về cái đề tài
này rồi cũng nên, vì cái ông bạn Mỹ duy nhất của tôi, ông ấy đã từng nói rằng: trong suốt 70 năm hành
nghề của ổng, chả có một sự gì ở trên đời mà ông ấy chưa từng nói đến. Không những nói đến một lần
mà có khi còn nói đến cả hàng chục lần nữa ấy chứ. Tôi là một bậc đàn em, chuyên môn theo đuôi ông
ấy cho nên có những chuyện mà tôi tin chắc là tôi đã làm cụ phát sùng lên nhiều lần rồi. Chuyện này có
thể nằm trong thể loại ấy.
Chả cần nói đến những người làm nghề viết văn như ông bạn Mỹ của tôi hay là tôi làm gì, vì chúng tôi
vốn dĩ thuộc loài bò, cho nên nếu không nhai lại thì chẳng còn việc gì để làm. Ngay như các cụ đây, tôi
cam đoan mí cụ, thể nào cũng có những lúc, các cụ suy nghĩ đến cái đại sự, mai kia mốt nọ, khi cụ lên
đường vinh quang, vì khi vào đời với hai bàn tay trắng, khi cụ ra đi cũng chẳng được mang vali, đồ đoàn
gì cả, vậy thì những của cải vất chất, tinh thần cụ bỏ cả một đời ra để thu vét, cụ sẽ để lại cho ai? Không
lẽ đem bán ve chai - tiếng Mỹ gọi là garage sale? Chả lẽ cho các hội thiện nguyện? Người Việt mình là
không có cái vụ cho người dưng, nước lã này. Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Khi không của
mình làm đổ máu mắt mới có, ăn chả dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu mà lúc chết đi, lại tung hê lên cho
thiên hạ lượm? Vì thế luật pháp mới đặt ra một thứ luật gọi là luật di sản, trong đó có cái gọi là cái chúc
thư. Khi cụ thấy cuốn chỉ cuộc đời của cụ đã bắt đầu trơ lõi, lúc ấy cụ nên ngồi xuống với một người luật
sư mà cụ tin cậy, để thảo chúc thư trong đó cụ kê khai rõ ràng những thừa kế của cụ là những ai, ai
được cái gì, ai được bao nhiêu, thế là cụ yên trí. Của cải cụ làm ra được, sẽ được chia cho con cháu,
những ngươi cụ yêu thích, họ sẽ được hưởng những cái cụ muốn để lại cho họ. Như vậy là chắc ăn quá
rồi còn gì nữa phải không cụ?
Ấy thế mà mấy ông nhà văn vẫn chưa bằng lòng đâu cụ ạ. Các ông ấy nói rằng, như vậy cụ mới giải
quyết được những của cải vật chất mà thôi. Nhưng, cuộc đời một con người - hay to lớn hơn, cuộc sống
một gia đình – không phải chỉ gồm có mấy thứ lặt vặt như tiền bạc, nhà cửa, mà còn nhiều thứ lỉnh kỉnh
khác, xét ra còn giá trị hơn của cải vật chất nhiều. Đó là những kỷ niệm, những tình cảm, những sự vui
buồn, những sự lên voi, xuống chó, những sự mất còn của những người cùng chung sống, thông
thường người ta thường quên mất. Đôi khi người ta cũng chẳng cần ghi lại nguồn gốc của gia đình, mình
từ đâu trôi dạt tới đây, ông tổ ông tiên mình là ai. Làm sao mà từ một gia đình nghèo mạt, mình leo lên
được những nấc thang xã hội để trở thành một cái tên tuổi lớn như ngày nay. Hay là ngược lại. Đó mới là
những điều cần ghi nhớ, cần truyền lại mai sau. Để cho con cháu hãnh diện và người đời sau coi đấy làm
gương.
Chẳng phải là vì tôi vừa trúng số ômega, ôm một lúc cả trăm triệu cho nên mới lo đến cái chuyện chia
của cho con như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Về chuyện tiền bạc, tôi chúa là đoảng vị , cụ còn lạ gì.
Nếu cái chuyện trúng số có xảy ra thật đi chăng nữa, thì đã có luật sư. Cứ gọi luật sư, chi cho họ một số
tiền họ muốn rồi để cho họ làm tính cộng, tính trừ, việc gì mà lo. Tôi hồi này sức khỏe chả được tốt mấy,
cho nên không màng tới mấy cái chuyện ngoại thân này, mà chỉ lo làm sao ra đi cho dễ dàng, nhanh
chóng. Tiền do công sức mình làm ra mà còn chẳng hám huống chi cái thứ tiền trên trời rơi xuống này.
Trời cho ai thì người ấy được. Mình sắp chết thì cứ lo chuyện chết cho êm đẹp, lo tiền của làm gì, có
ôm đi được đâu mà tham. Ngay như cái chuyện để lại gia phả của dòng họ tôi cũng thấy chẳng mấy cần
thiết nữa là.
Hồi nãy, tôi đi thư viện với các cháu. Nhà tụi nó ở ngày đằng sau một cái vườn chơi của thành phố, trong
đó có vườn chơi cho trẻ con, hồ bơi cho trẻ nhỏ, một phòng sinh hoạt cho mấy ông bà cụ già, rồi thì thư
viện cho tất cả mọi người. Mấy đứa cháu tôi có chân trong một cái hội đọc sách, mỗi tuần một đứa phải
đọc 3, 4 cuốn sách, cho nên chúng có thói quen đi đổi sách vào chiều thứ Sáu, mùa hè cũng như mùa đi
học. Nếu không có tôi ở đây thì hai anh em nó đi xe đạp, nhưng có tôi nên chúng rủ tôi cùng đi bộ. Hai
đứa, mỗi đứa vác một cái túi to tướng trên lưng chất đầy những sách để đem đổi lấy sách mới. Hai đứa
mỗi đứa đi một bên để một tay dắt bà. Tự nhiên trong giây phút ấy, tôi cảm thấy mình hạnh phúc, một
thứ hạnh phúc giản dị, cụ thể có thể sờ thấy, nắm được. Tôi nghĩ thầm, nếu cần ghi lại những kỷ niệm
khó quên, chắc chắn tôi sẽ viết cái chuyện đi mượn sách này vào gia phả.
Và tới thư viện, chúng chỉ cho tôi từng khu sách và giải thích rõ ràng cho tôi, Chúng dặn chỗ này là sách
cho người lớn, khu này là khu chuyện thật, khu này là khu chuyện tiểu thuyết, chỗ kia là sách khoa học.
Đằng kia là sách trẻ con. Bà đừng đi đâu ra khỏi khu vực này nhá, tụi con ở khu sách trẻ con, khi nào con
chọn xong sách sẽ lại đây đón bà. Tôi hãnh diện mỉm cười và gật đầu hứa, bà sẽ không đi đâu đâu. Con
cứ đi chọn sách của con đi, trong bụng nghĩ thầm, vừa mấy năm trước đây, tôi chăn sóc chúng, chỉ sợ
chúng đi lạc. Bây giờ ngược lại, chúng lại trông chừng tôi, sợ tôi đi lạc. Tôi nói thầm vào tai thằng Jacob,
con đừng lo, bà biết đọc mà.
Đi lòng vòng trong khu vực fiction and non fiction, tôi tìm được hai cuốn sách. Thấy cái tựa có vẻ cóp
được đây, nên tôi lấy xuống, cầm ở tay. Cuốn thứ nhất có tựa là: To Our Children's Children. Tôi nghĩ
thầm, thì ra cũng có nhiều người nghĩ đến chuyện này chứ chả phải một mình mình. Để xem xem ông
mỹ này dạy bảo bà con ra làm sao. Viết cái gì và viết ra làm sao.
Đúng là đang buồn ngủ lại gặp nệm King Coil. Đây không phải là một cuốn gia phả của một gia đình
riêng biệt nào, mà là một cuốn sách gợi ý cho tất cả những ai muốn viết một cuốn gia phả cho hấp dẫn
và đầy đủ cho những thể hệ mai sau của gia đình họ. Cuốn sách chia ra thành rất nhiều chương, trong đó
tác giả đặt ra cho những người muốn viết gia phả những câu hỏi ngắn, giản dị, để cho họ trả lời. Từ
những chuyện rất nhỏ nhặt, rất tầm thường, nhưng rồi, nhờ những liên tưởng mà chuyện nọ bắt qua
chuyện kia, tự nhiên những câu hỏi đó sẽ gợi lại một số những kỷ niệm mà nếu không được khéo léo gợi
lại ,sẽ chẳng ai nhớ đến.
Bây giờ tôi có phương pháp rồi, liệu chừng nào tôi sẽ bắt tay vào việc? Cụ cho tôi thời gian để tôi trả lời
câu hỏi này.
Bà Ba Phải (Viendongdaily)