Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/12/2019 tại Washington về việc tiến hành phế truất tổng thống Donald Trump. SAUL LOEB / AFP
Phiên tòa xét xử việc truất phế tổng thống Mỹ đã được nhật báo cánh hữu Le Figaro dành cho một hồ sơ dài, kèm theo một bài xã luận. Đối với tờ báo Pháp, để chống lại đảng Dân Chủ muốn truất phế ông, “Tổng thống Trump dùng dư luận chống lại những người tố cáo”, tựa lớn ngay trên trang nhất.
Le Figaro ghi nhận thực tế là chính nhờ vận động được dư luận, mà phiên tòa mở ra tại Thượng Viện để xem xét việc truất phế tổng thống đã bị những người ủng hộ ông Trump coi là một âm mưu thanh toán chính trị do đảng Dân Chủ tiến hành.
Trong bài “Truất phế : Một phiên tòa lịch sử nhưng kết quả được an bài trước”, tờ báo công nhận rằng phiên tòa dự trù kéo dài khoảng một tháng bắt đầu từ hôm nay quả là một sự kiện “hiếm thấy”, nếu không muốn nói là lịch sử vì ông Trump chỉ là tổng thống Mỹ thứ ba phải ra trước Thượng Viện vì phạm “trọng tội”.
Có điều là, theo Le Figaro, dù lịch sử nhưng kết quả phiên tòa đã được thấy trước vì ông Trump chắc chắn sẽ không bị hề hấn gì. Lý do rất đơn giản : “Tổng thống Trump thuộc đảng Cộng Hòa, lại được Thượng Viện với đa số trong tay đảng Cộng Hòa xét xử, do đó gần như không có bất kỳ nguy cơ bị kết án nào”.
Tiến trình truất phế mang tính chính trị hơn là pháp lý
Theo Le Figaro, vụ truất phế này thực ra mang tính chất chính trị nhiều hơn là pháp lý. Đảng Dân Chủ muốn thông qua tiến trình truất phế, tấn công vào toàn bộ những gì họ cho là sai trái nơi ông Trump, bị cho là đã “hạ thấp vai trò” của tổng thống và làm suy yếu nhà nước pháp quyền.
Ngược lại, khi chống lại việc truất phế, đảng Cộng Hòa bảo vệ những gì mà ông Trump đã làm, giúp kinh tế thành công lâu dài, cắt giảm thuế, hành động quyết đoán, thậm chí tàn bạo, chống nhập cư, bổ nhiệm hàng loạt các thẩm phán bảo thủ...
Đối với Le Figaro, phiên tòa truất phế sẽ không khiến bất kỳ ai ở Mỹ thay đổi ý kiến. Nó sẽ không làm cho ông Trump bị suy yếu về uy tín chính trị, nhưng cũng sẽ không đảm bảo một trăm phần trăm khả năng được bầu lại của người tự cho mình là “nạn nhân”.
Một chi tiết được cả Le Figaro lẫn đồng nghiệp Libération chú ý là dù chắc chắn là mình sẽ thắng, ông Trump vẫn cố tìm cách bảo vệ danh dự khi thuê hai luật sư sừng sỏ làm người biện hộ cho mình : Luật sư chuyên về luật Hiến Pháp Alan Dershowitz, từng bào chữa cho những tội phạm nổi tiếng, và cựu công tố viên bang Texas, Kenneth Starr, người đã điều tra để luận tội cựu tổng thống Bill Clinton trước đây trong vụ Monica Lewinsky.
Đối với Libération, thực ra, vai trò của hai luật sư sừng sỏ này không phải là để bảo vệ ông Trump trước Tòa Án ở Thượng Viện, mà là để đảm trách vấn đề truyền thông ngoài tòa, chắc chắn sẽ nổi sóng trong thời gian diễn ra phiên xét xử.
Theo RFI