logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
ta  
#1 Đã gửi : 25/01/2020 lúc 11:27:54(UTC)
ta

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 429

Thằng bạn kể, khi nó vào thăm Má nó đang ở nursing home, má hỏi:
"Mày vừa từ địa ngục về thăm tao đó hả?"
Nó vừa dứt tiếng thì trời nổi gió gào, và tối om, và tôi với tên bạn lạc nhau.
Đường ra đường vào mà tôi nhớ hình như chỉ có một. Con đường nhỏ, mấp mô, vừa có núi lại vừa có biển, lối vào lối ra là con đường đá đục theo chân núi xám gồ ghề lởm chởm, bước đi lâu lâu lại vấp phải cái gì như là gò mối thấp cao, lổn nhổn, bên kia thì sóng gió vi vút vi vu. Đường mặn và hình như thơm, mùi ngai ngái nặng một chút nhưng thấm đẫm thịt da. Hơi thở rộn ràng, hốt hoảng, tôi kịp nhận ra làng ven biển mà tre xanh mọc lên san sát xanh rờn. Trong khoảnh khắc, nhiệt độ lại hạ xuống đột ngột, không khí mặn, lạnh bám chặt vào mi mắt, rồi hồi nào không biết đã biến thành những hạt muối lăn tăn cấy vào mi mắt cay xót.
Cất tiếng gọi nhưng thằng bạn đã hoàn toàn mất tăm.
Xóm Lá
Con đường chênh chếch ngoằn ngoèo bỗng dựng lên một xóm lá. Mấy căn nhà cất sát dựa vào nhau, vách căn này khởi sự vách căn kia. Mái lá vách phên hoang sơ, giống như mấy cái chòi tạm cất lên để chăn giữ vịt đồng, hở trước gió lùa sau. Hết mùa, chủ lùa vịt đi bỏ không cho gió hú.
Một chị mời tôi mua mít phơi khô, mít một nắng mới còn deo dẻo, còn hăng mùi nắng, ngậm vào cái hậu thơm ngọt ngọt đọng mãi trong cổ, chớ không khô queo trắng xát, nhai kêu rùm rụm như mít sấy điện đang bán đầy đường đầy chợ những ngày giáp Tết này. Này là nhà bên cạnh bán kẹo mạch nha, nhà kế nữa bán túi xách đan bằng lác, này nhà cô Sáu bán mực khô, tôm khô, căn gỗ cuối xóm bà Tám bán nón lá... Lạ thật, mỗi nhà như một căn chòi bé sơ sài xiêu vẹo, vậy mà căn nào căn nấy cũng bày quầy hàng hoành tráng mặt tiền... Và luôn có vài người đàn bà lăng xăng đứng mua bán món gì đó. Nhà mặt tiền, danh hiệu ám ảnh, nơi đâu, cõi nào cũng có giá, đắc địa, kênh kênh.
Tôi đi quanh rẽ quẹo, không nhớ lắm mình đang đi chơi một mình hay đang cố đi tìm tên bạn thân bị lạc, thì đụng đầu một căn khang trang khá rộng, rộng cỡ bốn năm căn chòi tôi đã vào, đã mua hàng, và có lẽ là đang rộng nhất xóm...
Anh Lập đang ở đó, và ô, có cả anh Mai.
Anh Lập hỏi:
"Em mua cán cờ không? Mua cờ không?"
Anh Mai đứng khuất phía sau một chút, vẫn luôn tay khéo léo chuốt láng bó cán cờ bằng tre trắng muốt, chuốt món nào xong thì gọn gàng cắm chúng vào cái thùng sắt vuông. Cán cờ lớn nhỏ dài ngắn vuông tròn đủ kiểu, anh hơi cười cười ngước lên hất đầu chào tôi, rồi lại cắm cúi chăm chú làm việc.
Sân vườn hoa nhà anh Mai ngày trước trồng đầy các thức kỳ hoa dị thảo, đủ các tính cách hương thơm, sắc màu. Dạo anh bỏ nhà đi biệt, bà Tám ở nhà giữ vườn dữ như ma, ích kỷ như quỷ, là kiểu nói so sánh của chúng tôi hồi đó, đâu còn cho chúng tôi ghé vườn anh dạo chơi thoải mái lung tung, và thỉnh thoảng rình không ai chú ý liền nhanh tay hái trộm đám búp ngọc lan trắng nõn, trong xanh, đem về ủ trong sách vở, áo quần. Bông lan đang tươi hóa thành đen héo, nhưng khi mở tủ áo quần, sách vở, mùi thơm ngào ngạt tuôn vào mũi, bay ra, xông hương gần suốt căn phòng.
Tôi hỏi anh Mai:
"Bà Tám bán nón lá ở đây, phải không anh?"
"Hồi đó em ghét bà Tám lắm mà, sao giờ lại hỏi?"
Tôi hơi mắc cỡ:
"Tại tụi em hay hái trộm bông, bị bà chửi..."
Những lá cờ giấy, cờ vải, và toàn bộ là cờ Phật giáo năm màu đỏ xanh cam vàng trắng sắp hàng ngang từng lớp, mà vạch cuối là tổng hợp những miếng nhỏ đủ năm màu hàng dọc, phấp phới. Không thấy hai anh bán màu cờ gì khác.
Tên anh Mai đầy đủ là Ngụy Như Mai. Anh vô cớ bị gọi đi học tập vì ý nghĩa cái tên.  Ngụy như mai, là ẩn ý thầm khen chế độ mỹ ngụy đẹp như màu hoa mai, theo sự phán xét và suy diễn của các bác công an phường và cán bộ chấp pháp, không chắc có đúng ý nghĩa như bố anh nghĩ khi đặt tên anh không. Gia đình có căn biệt thự nghỉ mát đầy hương hoa thuê bà Tám chăm sóc canh giữ, người nhà anh thay phiên nhau đi nghỉ mát mỗi lần họ rỗi rảnh hoặc cần thiết ghé qua. Chúng tôi quen biết nhau một dịp anh đi dạo chợ gần đó, ghé qua hiệu sách Bình Dân, nơi tôi chưa lớn, vẫn còn thích bẻ bông trộm, thỉnh thoảng đứng phụ bán sách vở, giấy bút cho bác Hồng Nhật, bạn tù, và bạn sách vở của ba tôi.
Bác Hồng nói:
"Bình Dân vì tao bán đủ loại sách từ cao cấp tới bình dân, trình độ nào, độc giả nào, ý thích nào cũng tìm được sách ở đây mà đọc..."
Và ba tôi thì nghĩ tới một kỷ niệm xa vời trong lịch sử nào đó, thời bác Nhật và ba tham gia phong trào toàn quốc kháng chiến, họ gặp nhau và kết bạn lúc cùng ở tù Côn Đảo:
"Bình Dân là kỷ niệm gợi nhớ Mặt Trận Bình Dân khuynh tả Pháp do chính phủ Léon Blum lãnh đạo."
Hai tay ôm lễ mễ những món đồ vừa mua được trong xóm lá: hai cây cờ Phật giáo, một cây lớn cán dài để cắm trước nhà trong ngày đại lễ Đản Sinh, một cây nhỏ gọn cán tròn ngắn phòng khi chạy biểu tình chống đàn áp; mít khô thơm ướt rịn mật dinh dính nơi tay; hai cái giỏ lác, một cái màu mè thêu bông mai vàng trên dáng cây nâu để đi dạy học, một cái vàng tối để đi chợ; kẹo mạch nha vàng óng và đặc, cô Sáu bảo nấu bằng mầm lúa non mới ủ, đặc sản cô học được cách nấu lúc thoát ly ra vùng kháng chiến Quảng Ngãi chớ không phải thứ đường đen nấu kẹo giả mạo. Anh Lập trao cho tôi một túi kẹo bonbon trứng chim ruột hạnh nhân hai màu xanh biếc, hồng nhạt, nói của bác Phú gởi giữ đỏ, bao giờ tôi đến thì đưa. Tấm ảnh anh Nghĩa đeo súng miệng rộng cười tươi hết cỡ trong đám rừng lau sậy um tùm, có bụi còn cao ngang đầu anh. Sau lưng ảnh là dòng chữ viết vội chép cho tôi lời nguyên bài hát Cho tôi sống lại một ngày, có nắng vàng Paris, có heo may Hà Nội, tiếng hát muôn vạn con người nô lệ trong không gian, trên lề đường, ngoài góc phố, nơi góc chợ, trên quán nước... chân cột đèn nơi xưởng thợ... và cả miền xa xôi đồng nội... Chúng tôi chào cách mạng thành công! Chữ nọ xọ lên chữ kia như thể anh đang kê tấm ảnh lên đùi hoặc lên một cục đá trong rừng mà viết... bao nhiêu ngày tháng trôi đi mà sao tấm ảnh không hề vàng ố và nét mực vẫn tươi nguyên.
Bác Phú thường đón má trong những chuyến má tôi mua ra bán vào những viên quinine tròn tròn be bé, màu vàng xanh, là những chuyến buôn lậu vì tổ quốc, bác đón mẹ, giấu thuốc men và tài liệu vào những hộp, tủ hồ sơ đựng hồ sơ công văn đến và đi của văn phòng công chứng Pháp, sở bác làm việc. Hình như má yêu bác, hình như bác yêu má, nhưng họ không lấy nhau thành vợ thành chồng, vì đang phải chờ một người vắng mặt là ba tôi.
Sài Gòn lúc ấy, gia đình chúng tôi và bạn bè vẫn đêm đêm nghe lén đài V.K.C đây là đài phát thanh VKC, Vùng Kháng Chiến... Hồi đó có thể nói khoa trương cho vui là Vợ Kháng Chiến cho hợp với tâm trạng ngổn ngang đợi chờ của má tôi và nhiều người đàn bà khác đang ở thành, và đang có chồng tham gia kháng chiến trong mật khu.
Sau này khi qua Mỹ định cư rồi, có đùa đùa nhắc lại, có người bảo má:
"Phải đọc VKC là Việt Kiều Cũ mới đúng! Đúng là đài phát thanh tiên tri."
Việt Kiều Cũ, là hàm ý phân biệt những người dính líu ít nhiều đến Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ ở miền nam trước 1975... Việt kiều Mới là những người vốn miền Bắc, mới đi du học hay mới đi định cư Mỹ, và quá khứ họ ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Ôi chao. Bắc kỳ ở miền nam thì chúng tôi đã có Bắc kỳ 54, Bắc kỳ 75, Bắc kỳ chín nút, mọi người đều thản nhiên chấp nhận, người gọi và người bị/được gọi thản nhiên như nhau. Như lịch sử đã từng có thời kỳ Trịnh Nguyễn, Nam Bắc phân tranh. Và Pháp thuộc, và ba Kỳ.
Ba tôi chưa kịp chờ có giấy xuất cảnh do thân nhân bảo lãnh thì đã không ốm mà qua đời! Có thể nào một ông già trên bảy mươi vốn đã mình hạc xương mai mà cứ dạo ấy, được nuôi dưỡng tẩm bổ toàn bằng cơm độn mì, mà mì nhiều hơn gạo, lại còn khi có khi không, khó mà sống qua nổi những ngày tháng ấy.
Nhưng đó là mấy chuyện lộn xộn về sau.
Dạo ba chưa ở tù, chưa vào bưng, vừa làm công chức cho Pháp, vừa hoạt động nội thành, má kể, má vẫn thường ăn mặc giả trang làm vợ các ông lớn kháng chiến, Má xinh đẹp, nói một chút tiếng Pháp, đã đưa đón trót lọt các ông lớn này từ thành vào bưng, từ tổ kháng chiến bí mật này chuyển tránh sang tổ kháng chiến khác, những khi bắt được tin tình báo có mật thám Tây bố ráp hay mật vụ Cộng Hòa bao vây. Trước khi ba bị Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo, cậu Đình, em của má, bị Pháp bắt trong trận đảo chánh Nhật-Pháp, có ăng-ten trong tù khai ra cậu là trưởng ban an ninh thành phố Thủ Đức lúc Việt Nam tuyên bố giành lại độc lập từ tay Pháp. Chính phủ thuộc địa Pháp với sự hỗ trợ của đồng minh đã trở lai, bắt giam và đầy cậu ra Côn Đảo. Khi ba tôi ra đến nơi thì nghe các bạn tù kể lại, cậu đã bị các bạn cùng phòng xử chết và chôn sấp mặt, vì đã không chịu tham gia vào các sinh hoạt đảng ở đấy. Trong khi ở Sài Gòn, một người anh họ của má, cậu Tấn, vai anh cậu Đình, làm hung thần giám đốc Khám Chí Hòa, nhà lao chuyên nhốt tội phạm cách mạng chống Pháp khét tiếng. Khám Chí Hòa, một kiến trúc hình bát giác đóng kín không lối thoát, số 1 đường Hòa Hưng, nhà lao lớn nhất miền Nam một thời, sau này gọi là thống nhất, nước non tìm về một mối, vẫn cứ là nhà lao kiên cố của chế độ mới.
"… Nghĩa đang đi lưới với Ngọc ngoài khơi, em muốn chờ đến chiều để gặp ảnh không?"
Ngọc là cháu gọi ba tôi bằng bác. Năm 1975, tháng 7, Ngọc là người sớm sủa nhất vượt biển bằng thuyền từ quê gốc Thanh Hóa của ba tôi vào Nam, và tìm theo địa chỉ lần mò ra xóm, đến thăm gia đình ông bác ruột đã đi học ở Huế, đất nước chia hai, ông bác vào Sài Gòn làm việc, sinh sống rồi lập gia đình ở đó là ba tôi. Ngọc chỉ nghe hóng chuyện qua những tấm bưu thiếp hiếm hoi từ ông bác trong Nam gởi ra mỗi năm một lần qua địa chỉ chuyển tiếp của Ủy Hội Quốc tế.
Ngọc thăm, cả nhà, ai cũng rất cảm động. Nhưng sau đó Ngọc đã làm mọi người trong nhà sửng sốt, và sốc, sau khi má tôi cần mẫn nấu mâm cơm tạm tươm tất có chút thịt chút cá gọi là đãi khách ngoài Bắc, mời Ngọc, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn tranh sáng tranh tối, lúc tất cả chúng tôi đều thất nghiệp, ba thì đang đau khổ mất lương hưu. Ngọc ăn một mạch xong, vừa tí tách súc miệng ngậm tăm uống nước, vừa quét mắt quan sát bao quát mà tỉ mỉ đồ đạc tủ chè, bàn ghế, ti vi, máy may, tủ lạnh... nhà ba mẹ tôi.
Rồi đột ngột bỗng nói:
"Tất cả chỗ này trước sau sẽ đều là tài sản của nhân dân."
Ngọc chưa đủ thời cơ để đoạt lại tài sản từ tay nhân dân nhà tôi nhưng nghe đâu, con cái anh sau này đi bộ đội may rủi thế nào, khi phục viên về làm ăn có đường dây quen biết, đã mua trúng liên tục mấy mảnh đất vàng, đất quốc phòng, và trở thành những đại gia địa ốc tiếng tăm danh giá nhất nhì đất Thanh Hóa.
Đi Về Miền Nam
Chiếc máy bay cuối cùng lao vút đi và mất dáng vào chân mây. Các phương tiện động cơ nổ ngoài phố, khi con lộ còn đầy nhóc các loại xe tự động, xe lam, xe buýt, xe nhà binh, xe jeep, xe đò, xe máy, lambretta, honda, vespa cá nhân, thậm chí cả xe đạp, chen chúc, luồn lách, húc lẫn nhau, chen nhau, hú còi, qua mặt nhau, tiến lên. Bắc quân đã vượt qua con đèo hiểm yếu ngăn cách thành phố với tỉnh liền kế phía Bắc, cửa ải duy nhất đã bị phá vỡ, đèo Phượng Hoàng đã thất thủ. Tin lan đi nhanh như mực trên giấy thấm, Bắc quân đã giải phóng Tây nguyên, quân miền Nam lần lượt theo lệnh tổng Thiệu truyền đi trên tivi rút lui chiến thuật. Và mọi người quân dân cán chính thi nhau tăng tốc. Dù trên đà tăng tốc, dù lúc đó chưa có BOT hiện đại chặn thu phí đường như sau này ác ôn, con đường từ trung xuôi nam, con đường từ các cửa ngõ Tiền Giang, Hậu Giang ùn ùn tiến về Sài Gòn càng kẹt cứng. Đi về miền nam, miền xanh tươi bông lúa tràn ngập đầy đồng, Đi về miền nam, miền xanh tươi đất rộng cùng bao nguồn sống* như cái thuở di cư năm tư thuở nào. Người Nam di cư một lần, người Bắc di cư hai lần, nhưng thuở đó người Bắc ra đi với tâm thế ta cười cất bước ra đi, ta cười những lúc phân ly Hà Nội ơi! Nếu kể cả lần bỏ phiếu bằng chân sau này, người Bắc di cư ba lần người Nam hai lần và có điểm chung là Sài Gòn đã mất rồi, phải mang tên xác người** với đủ loại ô đi ghe, ô đi bộ, ô đê pê. Sau này khi vượt biên ở trại tị nạn Hồng Kông, chúng tôi gặp vô số người từ miền Bắc vượt biển bằng ghe thuyền đến nơi. Do người Việt trốn ra khỏi nước từ hai miền Nam Bắc nổi lên chém giết nhau vì hai lý tưởng quốc cộng, chính phủ Hong Kong tách chia người tị nạn Việt ra ở hai hải đảo cách biệt nhau, tuy cùng là hai trại cấm, canh gác nghiêm nhặt như hai trại tù trên biển, Heng Ling Chau là trại Bắc, Chi Ma Wan là trại Nam.
Requiem Dạo Khúc
Bây giờ vẫn vậy, Tây Tàu Mỹ Nhật gì, người Việt tụ năm tụ bảy theo lý lịch Nam hay Bắc. Bài học phân chia lý lịch, theo dõi thái độ chính trị của nhau, tố khổ đổ tội nhau kiểu cải cách ruộng đất, dân ta học rất nhanh, thuộc và nhớ làu làu, và vẫn chảy cuồn cuộn trong máu me của thế hệ di cư thứ nhất ra nước ngoài. Đó là khúc mở đầu, chưa phải là khúc cuối.
Sau khúc dạo đầu mọi người hớt hải bỏ chạy, khúc trung chuyển mọi người mệt mỏi trở về, mọi người lơ láo trình diện, và mọi người chuyên cần cày cấy lao động học tập theo gương ai đó... Đổi tiền, tiền bỗng như tờ giấy lộn, năm chục đồng đi được cả buổi chợ gia đình, giờ chỉ mua được một que kem, loại kem làm bằng nước đường pha loãng, ăn nhiều thì ỉa chảy té re, và sình cả bụng.
Về sau thành phố đồn lên chủ tiệm bán kem duy nhất dám bán kem thu tiền ngụy trong lúc cả nước hoảng lên vì vỡ trận đổi tiền, là ba của Ẩn. Ba Ấn nối đường dây đổi tiền cũ Mỹ Ngụy được thành tiền cách mạng phơi phới, và uy nhất là muốn đổi nhiêu thì đổi không hạn chế như mọi người.
Tôi đang đụng đầu Ẩn nơi xóm lá. Lần này dường như nó vẫn là bạn thân bộ ba của chúng tôi nhưng không bán cà-rem mà lại bán xì dầu. Đã mua quá nhiều quà, lần này tôi không mua gì cho Ấn, nhưng cũng dừng lại quán nó xớ rớ một lát, chưa kịp hỏi vì sao mà ông cũng ở đây, thì nó đã tía lia:
"Ẩn bị rớt lại, ba đi học tập chưa về, chờ được ổng về mới bỏ chạy? Và chạy lại nhiều lần nữa..."
Ẩn học một lớp đệ thất trường Bồ Đề với tôi, với Nữ, nhà nó có ông chú cách mạng nhảy núi về, được chính quyền cách mạng chấp nhận cho đòi lại nhà của ba nó, ba nó trình diện học tập một lát về thì cũng tham gia vượt biên. Nơi xóm lá, nó ở chung nhà với cô Sáu, là má vợ nó.
Tôi, Ẩn và Nữ, một đứa là con gái, hai thằng con trai, không hiểu sao chúng tôi lại chơi bộ ba từ trung học, rồi lớn lên, đi làm, lấy vợ lấy chồng, đổi qua tỉnh này thành phố nọ nhưng cứ thế, cứ ráng giữ liên lạc là bộ ba.
Nụ Cười Mưa
Sáng nay mưa, nhưng thành phố vẫn rợp trời với cờ xí, banderole, biểu ngữ. Meeting mừng chiến thắng. Mọi người theo tổ dân phố đều tham gia, chỉ cắt một người ở nhà giữ nhà, Trong không khí hồ hởi phấn khởi, nói theo ngôn ngữ mới, ba tôi một mình ở nhà nắn nót trân trọng viết những dòng thư gởi đi cho các ông bạn, những ông lớn kháng chiến đã một lần, nhiều lần, ăn ở, trốn tránh thực dân Pháp, bọn chính quyền Mỹ Ngụy, trong nhà gia đình ba má tôi, đã nhiều lần, để giúp mấy ổng vượt qua những vòng vây siết chặt của địch, má tôi từng đóng giả vai làm người vợ trẻ ngoan hiền lương thiện đi với chồng trên đường về quê ngoại đưa mấy ổng đi trốn.
Thư gởi đi vô số mà chờ hoài, không có ông lớn ông nhỏ nào hồi âm. Mặc dù ba tôi đã dò la kỹ theo tin tức báo đảng về chức vụ, cơ quan chính xác của mấy ổng. Bây giờ họ đang thực sự là những ông lớn của một triều đình công khai ra thế giới. Cái tình cảm vụn vặt thủa trốn tránh bí mật cục muối cũng cắn cục đường chia hai chắc là đã lạc hậu quá rồi, ba tôi có thể nghĩ ra nhưng vẫn cố vô vọng bám víu. Trước sau, ba tụi mày vẫn là một trong những người thuộc hành tinh khác, má nói vậy. Còn một sự thật mà tôi vẫn muốn giấu má, khi tôi vượt biển từ đảo tới được Mỹ, cô em đã định cư ở đó trước, ngay đêm thứ nhì gặp nhau, đã đưa ra một bức thư ba viết cho một ông lớn ngoài Bắc, và nhờ em tôi tìm cách từ Mỹ gởi về Hà Nội cho ông. Cho tới ngày ba chứng kiến gia đình con cái vợ chồng tôi bị đẩy ra khỏi nhà chúng tôi vì lý lịch Ngụy, và cho tới ngày ông qua đời trước khi kịp được con gái vượt biên bảo lãnh qua Mỹ, những bức thư hân hoan rộn rã thắm thiết tình thân nhất của ông chẳng bao giờ có người trả lời.
Hôm nay mưa dông một trận nát cả hoa vườn, nhưng thơ mộng một cách giễu cợt, nhớ tới những meeting cờ xí dưới mưa tôi vẫn gọi đó là mưa hoa. Và tên bạn thân con trai đàn ông mà tên Nữ cũng là một chuyện giễu cợt khác, hắn chắt lưỡi bảo:
"Bà đừng đi lạc nữa, lạc vào ngày hôm qua thì còn được, chớ lạc vào những chuyện năm, ba mươi năm trước là lạc quá xa rồi! Coi chừng có ngày lạc luôn vô ... địa ngục!"
Ôi chao, cứ coi như là một cảnh cáo quan trọng nhưng chưa nghiêm trọng lắm mà tôi được nghe nhiều lần chỉ nội trong một ngày hôm nay. Nhưng tôi cũng sẽ cảnh cáo lại Nữ, hắn và tôi (không kể các con các cháu) chúng tôi cũng đang lạc đến Mỹ quốc đây mà.
Và sẽ cho hắn xem cái ảnh xóm lá mà tôi chụp được, tất cả mọi người đều mặc áo trắng, buộc tóc bằng dây ruy băng trắng, nhưng ô hay, tấm ảnh chỉ ghi lại được lô xô những cái bóng đen âm bản, hàng quán, triền núi, bãi biển, hàng tre lấp ló sau lưng thì lại trắng xóa bờ lau... Những miệng cười mở rộng của anh Nghĩa, Lập, Mai, bà Tám, cô Sáu, Ẩn… cũng chỉ là những hố sâu đen ngòm, sâu hoáy, nhưng may, nét điểm xuyết của mấy hàm răng trắng xóa trông cũng ra nụ cười dưới mưa.
Bước Chân Trong Sương
Cụ Hyo Chung He. Cụ vẫn chống gậy dò dẫm bước từng bước, từng bước, dạo trong sương, dù nhiệt độ đang từ 22F hạ xuống 18F hôm nay. Tôi hỏi cụ có họ hàng với tổng thống Park Chinh-Hy không, hỏi chơi thôi. Cụ nói một ít tiếng Anh, tôi một ít, ráp lại thành được nhiều câu chuyện.
Chuyện những người đàn bà ở xứ sở cụ bước vào tuổi sáu mươi, bảy mươi, có cụ cao nhất đến tám mươi, những ngày này cha mẹ con cái không ai đủ sức nuôi ai, không người trợ giúp, các bà ra đứng đường làm gái mãi dâm để tự kiếm sống. Bên đó, họ có tên gọi là các Bacchus Ladies. Chắc là kiểu mãi dâm bằng tay, kiểu này thì khá thịnh hành ở Nhật và Hàn, tôi không hỏi cụ Hyo về kiểu đoán mò này của tôi.
Người Hàn cũng có tục thờ cúng ông bà, cũng ăn Tết âm lịch như người Việt, nên cụ Hyo rất thích những khi Tết sắp đến, tôi hay đem treo một chùm pháo hoa lòe loẹt trước cửa. Cụ gọi, bảo tôi ghé vào nhà, và cho xem hình ảnh con cháu cụ, ngày mồng một Tết. Họ mặc âu phục lẫn hanbok rực rỡ, cả nhà đem bánh trái hoa quả lên tận vùng Phi Quân Sự DMZ bên ngoài Seoul, bày biện bàn thờ thức ăn, hoa quả, đặt trên mặt đất sát hàng rào biên giới... Rồi quỳ lạy hành lễ chesa vọng về tổ tiên còn sống hay đã qua đời và chôn cất phía bên kia, phía Bắc. Tôi nói, trước kia nước chúng tôi cũng có sông Bến Hải, và ba ngày Tết, từ phương nam, má tôi cũng thắp hương và bái vọng về phía Thanh Hóa quê nội tôi gần như thế. Nhưng giờ thì cầu Hiền Lương Bến Hải đã nối liền được lại rồi. Có điều chúng tôi giờ lại đang ở Mỹ. Giao thừa, chỉ nhắm hướng nam theo bản đồ thế giới mà vái thiên vái địa mông lung những linh hồn sống hay đã chết trong tâm tưởng chúng tôi thôi. Tôi định hỏi cụ Chung He, thế ba mươi Tết, cụ hướng về đâu mà thắp hương? Nhưng chưa có dịp hỏi, lại thôi.
Hàn quốc thì có Ladies Bacchus, Triều Tiên thì có xác ướp lãnh tụ, và cố quốc của tôi thì, gần Tết rồi, nhân dân, các ông bà quan lớn quan nhỏ đều có bổn phận phải đi Ba Đình thăm Bác xác ướp đang muốn nằm đó muôn năm!
Cụ sắp bước vào tuổi 85, không đau ốm gì, chỉ có đôi chân yếu ớt quá đỗi nên bác sĩ khuyên cụ nên siêng năng đi bộ. Và cụ nghiêm khắc giữ thời khóa biểu đều đặn này kể từ mười năm nay, trước ít lâu khi tôi dọn đến làm hàng xóm cụ. Cụ kiên trì nhẫn nại đi từng bước, chậm nhanh tùy từng ngày. Theo lễ phép của người Việt, ngày Tết, tôi chúc cụ sống lâu trăm tuổi, và nói thêm, chắc chắn cụ sẽ làm được mà. Cụ ngơ ngẩn ngó vào trong khoảng không giây lát rồi đáp:
"Hơn mươi năm nữa à? Con nói ta còn hơn mươi năm?"
Cụ cho tôi ăn bánh gạo cay nấu với thịt gà giống như kiểu bánh canh Việt, tôi nói để con mời cụ ăn thử bánh chưng ngày Tết của xứ con.
"Chỉ còn mình con biết ăn thứ bánh này thôi, con cháu lớn lên hoặc sinh ra ở Mỹ không còn muốn ăn thứ bánh này nữa đâu."
Sớm mùng ba Tết, tôi mở cửa, trời lạnh buốt. Ngóng sang phía nhà cụ, mong trời mau bớt lạnh để được thấy cụ bước ra đều dạo bước. Bụng bỗng lạnh buốt như có cơn gió thốc vào, nếu lỡ một ngày không có cụ, sương buổi sớm như kết làm một với những bước chân liêu xiêu của Hyo Chung Hy, như để hoàn thành một bức tranh toàn hảo.
Ôi cụ, không lẽ cụ chỉ là nét phác, người mẫu không thể thiếu của bức tranh ban mai thôi sao? Tôi thật vô lễ quá sức.
Tôi lại mở cửa thò đầu ra giá lạnh, ngóng xem Nữ đã đến chưa. Hôm nay hẹn đi với hắn vô nhà thương thăm má hắn. Bà già bị bệnh lãng trí, 5 năm rồi, bệnh chỉ có tăng mà chưa thấy giảm.
Và cụ Hyo đã có thể đi dạo được chưa.
Tất cả là bức tranh toàn hảo, cả âm bản và dương bản mỗi ngày đầu năm của tôi.
 
Virginia, 2/2018
Nguyễn Thị Hoàng Bắc
___________
* Ca từ bài Về Miền Nam, Trọng Khương
** Ca từ bài  Cha bỏ quê, Con bỏ nước, Phạm Duy
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.170 giây.