Thời đại bây giờ, trong không gian mạng hay ngoài đời đều có nhiều bịp bợm như nhau. Nhưng dù sao tới chùa vẫn sinh động và nhắc nhớ một thứ kí ức nào đó về một thuở tốt đẹp của mái chùa quê giữ hồn dân tộc một thuở.Xem bói đầu năm bằng thẻ xăm, bói Kiều, bói bài, bói bốc phệ, bói Dịch Lý… Tất cả những hoạt động bói toán đều trở nên đắt đỏ vào dịp đầu năm. Tết, lên chùa xem bói thử vận mệnh của năm ra sao, Tết, ra ông thầy bói đầu làng bói một quẻ bốc phệ thử năm nay làm ăn ra sao… Cái sự bói toán này phần nhiều để tìm niềm vui ngày Tết, để tạo thêm không khí ấm áp và sinh động cho một năm. Nhìn chung là đẹp và tích cực. Thế nhưng, trong thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa này, trong thời kỳ nhà nhà làm thầy, chùa chùa làm kinh tế, sự bói toán trở nên nguy hiểm và khiến cho nhiều người điêu đứng vì chuyện bói toán.
Tết đến, xuân về (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Tìm đâu nét đẹp đầu năm!Thầy Hoàng Phú Trạm, một nhà nghiên cứu Kinh Dịch ở Quảng Nam, chia sẻ, “Kinh Dịch hay Bát Môn Độn Giáp, Bát Môn Kim Tỏa, Thái Ất Thần Kinh… Đều không liên quan đến bói toán, đó là triết học, nó hàm chứa cái nhìn tổng quan về vũ trụ và con người. Đương nhiên là rất khái quát và cũng rất thô sơ. Bói toán chỉ là phần ăn theo thôi!”
“Theo thầy, bói tử vi hoặc bói Tứ Trụ (năm, tháng, ngày giờ sinh hoặc năm, tháng ngày giờ xảy ra sự kiện, hiện tượng) có chính xác không? Nếu không, tại sao có những nhà bói toán được xuất bản sách và lưu hành?”
“Bói Tử Vi hay bói Tứ Trụ, theo tôi, đó cũng chỉ là kiểu suy luận thô sơ, thế giới bao la, mỗi giờ có hàng trăm ngàn số phận sinh ra đời cùng ngày, cùng giờ, cùng tháng, cùng năm, cùng giới tính, lẽ nào họ có số phận, tính cách tương đồng hoặc giống nhau?! Không, anh có biết sách của Thiệu Vỹ Hoa người Trung Quốc viết về Chu Dịch Dự Đoán Học từ phần nhập môn cho đến phần chuyên sâu, được dịch và phát hành khắp các nhà sách Việt Nam suốt hơn hai mươi năm nay là một chủ trương mang tính chính trị. Nó không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là một trái nổ về văn hóa và mang động cơ chính trị.”
Đầu năm lên chùa xin lộc, xem bói (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Thầy có thể giải thích rõ hơn không?”
“Mọi cuốn sách về Chu Dịch dự đoán học này đều xoáy quanh cái rốn văn hóa Trung Hoa, lấy Trung Hoa làm nền tảng, khởi thủy của mọi chuyện. Mà ai là kẻ hay coi bói, đó là giới quan chức và người nhà của họ, giới làm ăn có nhiều tiền nhưng có điều mờ ám… Tất cả những thành phần bất hảo đều rất sợ một thứ gì đó thuộc về thần linh, nên việc bói toán nở rộ trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Trong khi đó, bộ sách bói dịch của Thiệu Vỹ Hoa xoáy đúng vào tâm lý bói toán, coi vạn sự và vẽ ra cách tránh điều dữ, mua điều lành thì quá ứng với tâm lý các ông kẹ Việt Nam rồi. Trong sách mặc dù rất ít đề cập đến nhưng lại chọn đúng điểm rơi để đề cập về văn hóa, lịch sử của Trung Hoa vĩ đại. Đó là một cách lái người dân đến chỗ mê tín Trung Hoa. Bên cạnh đó, các chùa Bắc tông có xuất xứ từ Trung Hoa cũng nở rộ phong trào bói toán. Nên việc bói toán hay ốp đồng hay bất kì hình thức nào liên quan đến thần bí trong thời gian hai mươi năm nay đều có tính đồng hóa người Việt với Trung Hoa.”
Chữ, tranh thư pháp được bày bán trong các hội chợ Xuân (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Ở các chùa, việc bói toán có nên hay không và theo thầy thì hiện nay nó ra sao?”
“Thực ra thì tôi không còn tin rằng có một ngôi chùa đích thực tại Việt Nam nếu xét trong khía cạnh chính trị. Kể cả Phật Giáo nhà nước hay Phật Giáo Thống Nhất cũng đều đã đi quá xa tôn chỉ nhà Phật. Chùa, Pagoda là nơi sinh hoạt, để học biết kinh tạng và dạy cho Phật Tử triết giáo nhà Phật, đó không phải là nơi tu. Bây giờ các ông ở tu thì rõ ràng là quá có vấn đề. Bởi theo kinh tạng, nơi tu tập của các tu sĩ phải là Havira, tức tịnh xá, các vị chỉ đến đây tu tập trong một thời gian ngắn chừng ba tháng rồi lại tiếp tục đi nơi khác tu tập, trau dồi, học hỏi để tự ngộ. Đi, không ở lâu là tránh chấp, chỉ tu tịnh xá chứ không tu chùa là để tránh va chạm chuyện thị phi. Giờ các ông không từng tu cũng cạo đầu mở chùa kiếm tiền, rồi tu ở chùa thì tranh giành đất đai nhà chùa, bán trộm tượng, buôn ma túy, biển thủ tiền công đức, tổ chức đánh bạc… Có mọi thứ tệ nạn trong chùa. Lại thêm chuyện bói toán thì phải nói là loạn!”
“Nhiều người vẫn thấy vui mỗi khi Tết đến thì lên chùa xem bói. Liệu thầy có bi quan hoặc thành kiến với việc này quá chăng?”
Tết đến, xuân về (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Tôi đồng ý, việc đầu năm, lên chùa rút một quẻ xăm, nhờ ông Từ giải mã là rất hay, là nét văn hóa. Nhưng nên nhớ, người giải xăm là ông Từ giữ chùa chứ không phải thầy chùa. Chức năng và sứ mệnh của ông Từ khác với thầy chùa hoàn toàn. Thầy chùa dạy cho Phật tử giáo lý nhà Phật một phần, phần lớn cuộc đời là để chiêm nghiệm và tìm giải thoát. Ông Từ giữ chùa và mang lại mối tương trợ thân ái cho những người đạo hữu bằng việc chăm sóc tượng, chùa, bằng việc duy trì các sinh hoạt tâm linh và tạo niềm vui cho đạo hữu. Việc rút quẻ xem xăm đầu năm của các ông Từ thời tui còn nghiên cứu về các thẻ xăm thì chỉ có đúng một loại.”
“Một loại thẻ xăm nghĩa là sao thưa thầy?”
“Nghĩa là có rất nhiều kiểu thẻ xăm, đánh số khác nhau nhưng chung qui trên các xăm đều mang chung một thông điệp, đó là Vui. Người rút thẻ xăm này thì được diễn giải kiểu này, thẻ khác thì diễn giải kiểu khác nhưng chốt lại vẫn cứ là tin vui cho cả năm. Nó khác xa thẻ xăm ở các chùa bây giờ có may, có rủi, có đen, có trắng, có cả phúc và họa. Điều này quá nguy hiểm!”
“Nó nguy hiểm ra sao thưa thầy?”.
“Thứ nhất, thẻ xăm đầu năm thời các ông Từ nhằm mang lại niềm tin yêu cuộc sống. Đằng này thẻ xăm nhà chùa hoặc các điện, các điểm coi bói đều có hai mặt, nói cái tốt thì cũng có nói cái xấu, khiến cho người ta lo lắng, dẫn đến cúng kính, van xin thần linh, bỏ tiền lót tay thầy, đầy là một loại tham ô nơi cửa Phật và buôn bán thần linh. Thứ hai, anh thấy đấy, tại sao người mang bệnh nan y rất hiếm khi được bác sĩ cho biết bệnh mà chỉ cho người nhà biết, vì giả sử người bị bệnh còn hai năm nữa mới chết nhưng cho họ biết họ sắp chết thì họ đã chết ngay sau khi biết họ chết trong sự sống tuyệt vọng và mòn mỏi. Việc tốt xấu cũng vậy, nếu bói là đúng thì cũng không nên chỉ thẳng vấn đề khiến người ta bất an. Nghiệt nỗi, thời bây giờ, cứ bói là ra chuyện xấu, rồi bất an, rồi sợ mà cúng kính. Chuyện may mắn với những ai cúng thầy quá đậm, thầy không cần vòi thêm tiền thì thầy bói một phát ra tốt ngay. Chuyện này đáng xấu hổ!”
Bói toán là một nét văn hóa, nhưng…Nói chuyện bói toán đầu năm với thầy Trạm chỉ khiến cho những người như chúng tôi hết muốn tới chùa những ngày Tết. Nhưng hình như ông cũng có cái lý của ông. Chúng tôi tiếp tục gặp một vị thầy là Phó trụ trì trong một ngôi chùa khá nổi tiếng ở một cụm núi du lịch cũng khá nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng để hỏi thăm về vấn đề lễ xăm, tục bói toán đầu năm ở chùa này. Vị này nói, “Nói cho vui thôi, toàn là làm kinh tế cả. Giờ khó nói lắm!”
“Thầy có tham gia vụ cho xăm, giải xăm đầu năm không?”
“Không, tui làm gì có cửa mà tham gia. Trụ trì chủ trì trong việc này, dường như mọi khoản thu nhập của chùa thì do Trụ trì quản, sau đó trích ra 60% cho việc tái thiết xây dựng chùa và chi phí các sinh hoạt, 40% còn lại là của riêng Trụ trì.”
“Thường 40% đó ước chừng là bao nhiêu mỗi năm vậy thầy?”
“Ước chừng thì chịu rồi, vì đó là một bí mật. Nhưng chỉ riêng việc mở thùng cúng dường của phần xin xăm, cúng xăm mỗi dịp Tết thôi cũng lên tới tiền tỉ, đó là tiền năm vừa rồi, năm nay chưa có, phải từ đêm Mồng Một trở đi mới có. Mà trong chùa có khá nhiều thùng phước sương đặt ở nhiều vị trí khác nhau. Mấy thùng khác bí mật, chỉ có góc xin xăm thì Phật tử và các thầy phụ đếm tiền mới biết.”
“Theo thầy việc xin xăm ở chùa là nét văn hóa hay là một tục xấu?”
“Chùa nào tui không biết, chứ ở chỗ chùa tui thì nó tốt đấy, mà cũng xấu đấy. Tốt là giữ được tục xưa, mọi cây xăm đều báo hỉ cho người xem, có rất ít cây xấu, nhưng xấu là vì nó được bán vé và phải cúng tiền sau khi xem xăm. Nên đâm ra kinh doanh quá lộ liễu, nhiều khi tui nghĩ cũng mắc cỡ lắm chứ, nhưng thôi, mình biết nói chi đây!”
“Thầy có theo dõi chuyện xem bói trên các trang mạng bây giờ không?”
“Có chứ, nhưng cũng thỉnh thoảng rảnh rỗi thôi, vì mình bận tu, rồi bận đi tụng kinh cho người ta nữa, nên cũng ít thời gian lướt web.”
“Thầy thấy việc bói toán trên các trang mạng ra sao?”
“Nếu nói về văn hóa hay nét đẹp thì bói toán ở một số trang mạng xã hội, điển hình như facebook, là những điều thú vị, vì vui là chính nhưng lại tích hợp thông số bói toán rất là kĩ. Ngược lại, giờ có một số cái gọi là bói toán online của những ông thầy bà thầy nào đó, lướt qua là đã thấy bịp bợm rồi nên ngán ngẫm. Thời đại bây giờ, trong không gian mạng hay ngoài đời đều có nhiều bịp bợm như nhau. Chính vì vậy mà người ta vẫn còn thích tới chùa xem bói mặc dù người ta vẫn manh nha thấy được sự bịp bợm của nó. Nhưng dù sao tới chùa vẫn sinh động và nhắc nhớ một thứ kí ức nào đó về một thuở tốt đẹp của mái chùa quê giữ hồn dân tộc một thuở.”
“Xin hỏi thật tình, thầy có tin vào việc xem bói đầu năm hoặc giả tin vào việc bói toán không?”
“Làm sao mà tôi tin được, chắc chắn là tôi không tin rồi. Phật dạy tôi hãy tìm cứu cánh giác ngộ bằng chính mình, kinh sách đã nói Tướng Khởi Tâm Sanh, tức là tâm anh như thế nào thì tướng ra thế đó. Phúc hay họa cũng vậy, gieo nhân nào thì gặt quả đó, anh làm ác mà đòi kết quả tốt đẹp thì làm gì có chuyện đó. Anh làm việc thiện mà vẫn gặp việc tệ hại thì chứng tỏ việc thiện của anh còn lấn cấn với cái ác nào đó ở kiếp này hoặc vô lượng kiếp. Nên việc bói toán chỉ là trò vui, nếu lấy tiền từ bói toán thì đó chỉ là trò bịp bợm. Xem bói lấy niềm vui là một nét văn hóa, xem bói để cả năm lo lắng hoặc cuống cuồng theo nó thì đó là mê tín. Tôi không tin bói toán. Nhất là thời bây giờ, khoa học đã đi tới đâu đâu rồi mà còn tin bói toán thì chứng tỏ đầu óc còn ở thế kỉ trước. Vậy thôi!”
“Xin cảm ơn thầy, xin chúc thầy một năm mới an lạc!”
Lời nhận xét của vị thầy này khiến chúng tôi trở lại cảm giác muốn đi chùa vào ngày Tết. Bởi khi cái giả dối đã rõ ràng thì chẳng còn phải lo lắng hay sợ nó nữa mà không chừng, đến xem nó cũng là một lựa chọn thú vị. Bởi không thấy được sự thật thì cũng nên coi thử giả dối có hình hài ra sao. Dẫu sao thì lên chùa xem bói đầu năm cũng có cái gì đó vui vui. Đương nhiên là có khi, mình phải tự bói cho mình rằng lên chùa sẽ gặp thứ gì. Và mình lại bói tiếp cho mình rằng giữa hàng triệu thứ, có còn thứ gì để làm cho đời sống này đẹp hơn không?!
Không phải ai cũng xin được xăm tốt vào dịp đầu năm (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Đi chùa đầu năm là lựa chọn của không ít người Việt (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Ai cũng mong một năm mới phát tài phát lộc (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Dưa hấu với giấy dán hoặc khắc chữ được bày bán nhiều vào dịp cận Tết. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Khi nhà nhà, chùa chùa làm kinh tế thì đôi khi việc đi chùa xem bói cũng trở nên nguy hiểm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Hầu đồng ở xứ Bắc (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Bói toán ở chùa chiện, điện đài không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là một trái nổ về văn hóa và mang động cơ chính trị (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Nguyên Quang/ Viễn Đông
Sửa bởi người viết 27/01/2020 lúc 09:30:58(UTC)
| Lý do: Chưa rõ