Trong bản chú thích mới được gửi ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nguy cơ ảnh hưởng toàn cầu từ Coronavirrus (2019-nCoV) ở mức cao. Công bố này được đưa ra giữa lúc người đứng đầu WHO đang có chuyến thăm Trung Quốc để tìm hiểu thực tế.
Tờ Channel Asia đưa tin:
Trong ngày thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nguy cơ toàn cầu do virus chết người ở Trung Quốc là "cao" (high). WHO thừa nhận lỗi đánh máy trong các báo cáo trước đây khi ghi nhận ở mức độ "vừa phải" (moderate). Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết trong báo cáo tình hình được công bố vào cuối ngày Chủ nhật rằng rủi ro là "rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực và cao ở cấp toàn cầu" (very high in China, high at the regional level and high at the global level).
Trong chú thích gửi ra WHO cho biết đã có "lỗi" trong các thông tin được công bố trước đó vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Thông tin cảnh báo rủi ro toàn cầu ở mức "vừa phải" là "không chính xác". Phát ngôn nhân của WHO, bà Fadela Chaib chỉ nói rằng đó là "một lỗi trong từ ngữ" khi được hỏi chi tiết.
Trước đó trong ngày 23/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định không tuyên bố CoronaVirus (2019-nCoV) ở tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng quốc tế. Vốn dĩ chỉ định này hiếm khi được áp dụng trong các tình huống dịch bệnh nghiêm trọng nhất nhằm kêu gọi quốc tế có nhiều hành động phối hợp hơn.
"Đây là một trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc, nhưng nó chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO công bố hôm thứ Năm, hiện đang có chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này để thảo luận về hành động tiếp theo nhằm ngăn chặn virus.
Có thể nhận thấy cách tiếp cận thận trọng của WHO trong bối cảnh tổ chức này đã từng bị chỉ trích về việc sử dụng thuật ngữ quá chậm hoặc quá vội vàng ở đại dịch cúm heo gây chết người hồi năm 2009. Trong đợt bùng phát này, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc đã bị chỉ trích vì châm ngòi cho việc mua vắc-xin tràn lan sau khi thông báo dịch đã đạt đến tỷ lệ đại dịch. Sự tức giận đã bùng phát khi nhận ra virus này không nguy hiểm như lúc đầu. Sau đó vào năm 2014, WHO đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt vì đã trì hoãn và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch Ebola tàn phá ba quốc gia Tây Phi, cướp đi hơn 11.300 sinh mạng vào thời điểm kết thúc trong năm 2016."
Việc thay đổi từ ngữ chuyên môn trong chú thích được đưa ra mới nhất của WHO, khiến người ta càng có thêm niềm tin rằng lời kêu cứu khẩn thiết từ một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành hoá học hiện đang kẹt tại Vũ Hán do nhà văn Ming Xia, tác giả của quyển sách "The empire of the red sun" (Đế quốc mặt trời đỏ) chia sẻ trên Twitter.
"Hiện tại thì chúng tôi vẫn ổn, cố gắng hết sức ở trong nhà, nhưng tình hình của Vũ Hán thì rất là tệ, ngay cả 13 thành phố xung quanh đều đã bị phong tỏa. Tình hình tiến triển trong tương lai như thế nào đều rất khó đoán trước.WHO và chính quyền móc nối với nhau, từ chối nâng cấp mức cảnh báo, toàn thế giới đang đứng trước rủi ro rất cao."
Hiện nay, có hai quốc gia đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn dịch bệnh lây lan là Mông Cổ và Triều Tiên. Các quốc gia và thành phố đã có người nhiễm bệnh là Thái Lan, Ma Cao, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Nepal, Việt Nam và Campuchia: 1 ca đầu tiên là công dân. Số người tử vong vì dịch bệnh đến nay là 81 người theo báo cáo chính thức.
28/1/2019
Mẹ Nấm